Trí thức Việt kiều với sự nghiệp xây dựng quê hương - Cần đổi mới tư duy
Lãng phí đầu tiên là lãng phí chất xám mà Nhà nước không mất tiền đào tạo. Lãng phí thứ hai là bỏ mất nhiều cơ hội giao lưu, hợp tác với nước ngoài, vừa để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, vừa mở rộng và củng cố các mối quan hệ thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường thế giới, kể cả việc đối phó với các vụ kiện cáo thương mại. Lãng phí thứ ba là để mất nhịp cầu thế hệ Việt kiều thứ hai, thứ ba với đất nước.
Một số ý kiến cho rằng vai trò và tầm vóc của Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài (UBVNVƠNN) chưa đủ mạnh, do đó Uỷ ban này có thể am hiểu các vấn đề thực tế, nhưng khi giải quyết thì đành … bó tay? Chính thứ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm UBVNVƠNN Nguyễn Phú Bình nhận thấy rõ điều đó và ông cho rằng: “Chúng ta còn thiếu một cơ chế thông thoáng để trí thức Việt kiều có nhiều cơ hội làm việc và phát triển, đóng góp trí tuệ của mình cho đất nước”. Vậy thì cái gì là cần thiết nhất hiện nay trong việc mở đột phá khẩu? Chính sách, cơ chế hay tổ chức?
Có ý kiến đề xuất cần tăng thẩm quyền cho UBVNVƠNN để cơ quan này có thêm quyền ngang bộ, ý kiến khác lại cho rằng chức năng, quyền hạn của Uỷ ban là khá đầy đủ, nhưng thường những vấn đề cần được giải quyết “một cửa” lại thuộc về bộ ngành khác hoặc chính quyền địa phương. Xem ra cái cần đột phá nhất là tư duy, là phương pháp đối xử, đãi ngộ với trí thức Việt kiều mà có lẽ, cơ quan có tác động trực tiếp và tích cực nhất trong lĩnh vực này bên dưới Chính phủ là bộ Ngoại giao.
Một vài nhà trí thức đề xuất thành lập “Trung tâm Môi giới chuyên gia Việt kiều” và “Trung tâm dạy nghề đặc biệt” nhằm tạo cầu nối trực tiếp giữa các doanh nghiệp trong nước với các chuyên gia nước ngoài để tập trung giải quyết các vấn đề công nghệ cụ thể và để mời chuyên gia Việt kiều về nước giảng dạy, truyền đạt những kiến thức, công nghệ tiên tiến trong một số ngành nghề có vai trò quan trọng trong tương lai không xa. Giải quyết đề xuất này rõ ràng là không khó, vấn đề là cần có những con người cụ thể với các dự án, kế hoạch cụ thể và sau hết là một quyết tâm hành động. Cần phải nhấn mạnh thêm yêu cầu “quyết tâm”, bởi lẽ thông thường ý tưởng mới, hay và nhiều hứa hẹn có không ít trong đầu óc trí thức Việt Nam, nhưng lại ít được hiện thực hoá mà đa phần là vì thiếu quyết tâm.
Rất đáng chú ý là đề xuất một cơ chế tư vấn nhằm huy động mọi trí thức tài giỏi cố vấn cho Thủ tướng khi được yêu cầu. Ngoài mảng công việc chính là thực hiện “các đơn đặt hàng” của Thủ tướng, các trí thức Việt kiều sẽ xác định một số dự án để mời nhiều người góp ý kiến và nêu cách làm cụ thể. Nếu ý tưởng này được xem xét nghiêm túc, bổ sung và hoàn chỉnh đầy đủ hơn thì thiết nghĩ việc thực hiện cũng không quá khó khăn, thậm chí có thể thể nghiệm buổi đầu ở cấp tỉnh, thành.
Điểm lại một vài đề xuất trên đây để thấy trí thức Việt kiều rất có tâm huyết và mong mỏi được góp phần cống hiến tài năng cho đất nước. Xin hãy cùng nhau tiếp tục đổi mới tư duy, xây nhiều hơn những nhịp cầu mật thiết để bà con Việt kiều không chỉ “tải” về quê hương ngoại tệ, mà còn cả những khối chất xám có giá trị hơn hàng triệu đồng ngoại tệ nữa.
Đôi nét về đội ngũ trí thức Việt kiều
Theo ghi nhận của Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài:
- Tại Pháp có khoảng 40.000 trí thức, trong đó nhiều người có học hàm, học vị cao và giữ vị trí tương đối quan trọng trong các lĩnh vực hoá sinh, vật lý, công nghệ, toán học, tin học.
- Tại Đức có trên 300 trí thức và chuyên gia lành nghề, trong đó một số đang giữ vị trí quản lý điều hành trong các lĩnh vực điện tử, giấy in, hoá học, năng lượng, dầu khí, kiến trúc, toán - tin học, nông sinh, chế biến thực phẩm, y dược, tài chính…
- Tại Anh có trên 100 trí thức, tại Bỉ có khoảng 500 trí thức tập trung ở các lĩnh vực cơ khí, hoá chất, luyện kim, điện tử, tin học, nông học, giáo dục - đào tạo…
- Tại Mỹ có khoảng 150 ngàn người có bằng đại học và trên đại học, trong đó có hơn 10 ngàn chuyên gia, kỹ sư tin học, kỹ thuật viên cao cấp làm việc tại thung lũng Silicon và 150 người làm việc trong các Ngân hàng Thế giới.
- Tại Canada có khoảng 2000 trí thức, trong đó chừng 20 người có học hàm, học vị cao đang nghiên cứu và giảng dạy đại học.
- Tại Australia có khoảng 7000 trí thức, trong đó có gần 40 giáo sư, tiến sĩ.
- Tại Nhật có khoảng 80 trí thức là chuyên gia cao cấp làm việc trong các ngành kinh tế, hoá dược, nông lâm thuỷ sản, điện tử, tin học, cơ khí, xã hội học.
- Tại Đông Âu và Liên bang Nga có khoảng 4000 người có trình độ đại học trở lên, trong đó có 500 giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ.
Nguồn: Diễn đàn trí thức, 2/2005 (10 /2005)