Trận ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất bằng 5 máy bay cường kích A37 thu được của địch trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
Để ôn lại trận đánh có một không hai trong 10 năm chống Mỹ (1965-1975) của không quân Nhân dân Việt Nam, xin được bắt đầu từ này 19/4/1975, ngày mà Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lệnh cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân chuẩn bị gấp cho không quân tham gia trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất. Vấn đề đầu tiên được đặt ra là chuẩn bị máy bay tham chiến để đưa vào tập trung ở Phan Rang, địa điểm xuất kích. Nhiều phương án được đưa ra. Máy bay tiêm kích Mig-17 hoặc Mig-21 có ưu điểm là quen thuộc với các chiến sĩ lái của ta nhưng với Mig-17 thời gian cần để có thể từ các sân bay phía Bắc tập trung vào Phan Rang không đáp ứng được yêu cầu của chiến dịch (vì phải thực hiện 4 lần hạ cánh trên 5 sân bay: Kiến An – Vinh - Đà Nẵng - Phù Cát - Phan Rang mất 2-3 ngày, nếu bị mù, thời gian di chuyển còn dài hơn nữa) và với Mig-21 sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong bảo đảm xăng dầu, bom đạn, điện khí. Cuối cùng, phương án dùng máy bay cường kích A37 do Mỹ chế tạo, mà ta vừa thu được của địch, được lựa chọn vì nó bảo đảm tính bất ngờ, kịp thời và khả thi của trận đánh mặc dù lúc đó, ngày 20/4/1975, ta chỉ mới có 2 máy bay A37 đã sửa xong, chờ bay thử ở sân bay Đà Nẵng. Phải gấp rút tìm kiếm máy bay A37 của địch để đánh địch. Một tổ đặc nhiệm được thành lập để làm nhiệm vụ này gồm Thiếu tá Hồ Thanh Minh, Thượng uý Nguyễn Văn Soạn, Trung uý Nguyễn Đình Thuỷ và Thiếu uý Nguyễn Anh Tuấn (là những kỹ sư tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Hàng không Liên Xô) cùng 15 Thượng sĩ nhất của Sư đoàn 1 Không quân Sài Gòn. Sáng 23/4/1975, tổ đã bay vào Phù Cát, nơi còn 14 máy bay A37 hỏng chưa kịp bay về Cần Thơ. Hai máy bay A37 ở Đà Nẵng được giao lại cho đội trưởng kỹ thuật Nguyễn Phú Khang quản lý để cho số phi công Mig-17 của E923 vào tập luyện.
Chiều 23/4/1975, tổ đặc nhiệm đã kiểm tra phân loại được 9 máy bay A37 nguyên trạng, 5 máy bay còn lại để dự phòng làm khí tài thay thế. Sau khi kiểm tra hệ thống, tổ chọn được 3 máy bay, thông điện tốt.
Suốt 2 ngày sau (24 và 25/4/1975), cả ngày và đêm, tổ dồn lắp và sử chữa được 6 máy bay nữa.
Ngày 26/4/1975, 9 máy bay A37 được thử nghiệm toàn bộ (kiểm tra thu thả càng, mở máy nguội, mở máy nóng, kiểm tra điều chỉnh tính năng kỹ thuật, thử phanh, thử hệ điều khiển, kiểm tra các tín hiệu đèn báo…) và có 7 máy bay đạt đủ tiêu chuẩn bay thử.
Chiều 26/4/1975, phi công Nguyễn Thành Trung từ sân bay Phước Long ra Đà nẵng để chuẩn bị thành lập Phi đội Quyết thắng gồm 6 chiến sĩ lái. Trưa 27/4, Phi đội Quyết thắng bay vào Phù Cát. Và giữa trưa nắng nóng, 5 chiếc A37 được chọn bay thử lăn ra đường băng và cất cánh vút lên cao, bay vào vùng trời, thực hiện những vòng liệng kiểm tra tính cân bằng, tính điều khiển và các tính năng kỹ chiến thuật. Cả 5 máy bay A37 bay thử đều tốt, đáp ứng yêu cầu của 6 phi công trong đội. Đây là kết quả làm việc miệt mài với tinh thần trách nhiệm rất cao của tổ đặc nhiệm. Nói tới chiến công của trận ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, chúng ta không được phép quên công lao thầm lặng của họ.
9 h30 sáng 18/4/1975, 6 phi công của Phi đội Quyết thắng tiếp nhận 5 máy bay A37 (mang số 920, 921, 413, 415 và 955) và bay vào sân bay Phan Rang. Tổ đặc nhiệm gồm 12 người cùng trang thiết bị cần thiết lên trực thăng Mi-6 bay theo phi đội.
13 hcùng ngày, trên sân bay Phan Rang, phi công, kỹ thuật và máy bay đã sẵn sàng chiến đấu.
15 h, phi đội nhận nhiệm vụ chiến đấu: máy bay cất cánh lúc 16 h25; mục tiêu ném bom là sân đỗ máy bay ở Tân Sơn Nhất; dẫn phi đội là Nguyễn Thành Trung; lắp mắc bom theo phương án mỗi A37 mang 4 quả bom Mỹ, gồm 2 quả MK-81 nặng 220 bảng Anh (khoảng 113kg) và 2 quả bom MK-82 nặng 500 bảng Anh (khoảng 226kg); khi bay không sử dụng đối không.
16 h15, mọi việc kiểm tra đã xong, phi công vào buồng lái, đợi lệnh cất cánh.
16 h25 giờ xuất phát đã đến, 2 phát pháo tín hiệu bắn lên, 5 chiếc A37 mở máy và lần lượt cất cánh vút lên cao. Nguyễn Thành Trung số 1, Từ Để số 2, Nguyễn Văn Lục số 3, Hoàng Mai Vượng và Lê Văn On số 4, Hán Văn Quảng số 5 (**).
Cả phi đội bay về hướng nam, ở độ cao 1700m, với tốc độ bay 385km/h qua Phan Thiết đến bắc Hàm Tân rẽ về hướng mục tiêu. Qua Nhà Bè đã thấy sân bay Tân Sơn Nhất. Phi đội kéo dài đội hình, cách nhau từ 1500 đến 2000m. Ở độ cao 2000m, số 1 bổ nhào xuống mục tiêu, đến độ cao 450m thì cắt bom. Tiếp theo số 2, số 3, số 4 và số 5, lần lượt lao vào công kích. Bom ném đếu nổ trúng mục tiêu. Tiếng gầm rú của động cơ cùng tiếng bom liên tục nổ dữ dội, những cột lửa khói bốc lên làm rung chuyển cả đô thành, từ đài chỉ hay sân bay nghe tiếng la hét thất thanh của địch. Rồi cả 5 A37 tập hợp đội hình bay về hướng đông, Nguyễn Thành Trung bay sau cùng yểm hộ đồng đội. Trời đã xẩm tối, cách sân bay 20 km, Từ Để báo cáo “sắp hết dầu, xin hạ cánh trước”, Nguyễn Thành Trung cũng báo cáo “dầu đã cạn, xin hạ cánh gấp”. Sở chỉ huy cho bật đèn đường băng, cho phép phi công bật đèn pha của máy bay. Từ Để và Nguyễn Thành Trung hạ cánh trước, tiếp theo là Hoàng Mai Vượng, Hán Văn Quảng còn Nguyễn Văn Lục bay vòng trên sân bay để yểm hộ đồng đội, và hạ cánh cuối cùng. Lúc đó là 18h15. Trận ném bom của Phi đội Quyết thắng đã đánh trúng bãi đỗ máy bay chiến đấu và máy bay di tản ở phi trường Tân Sơn Nhất, diễn ra trong 110 phút.
Đây là trận đánh sâu trong vùng địch bằng 5 máy bay A37 vừa thu được của địch, không có tổn thất và là trận đánh có một không hai trong 10 năm chống Mỹ của Không quân Nhân dân Việt Nam.
____________
(*)Uỷ viên BCH Hội Liên hiệp khoa học và kỹ thuật phường Khương Mai, Hà Nội; Nguyên tổ trưởng Tổ đặc nhiệm ‘lái máy bay địch đánh địch” trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.
(**) Nguyễn Thành Trung là tình báo ta hoạt động trong lực lượng không quân Ngụy. Lê Văn On là phi công Quân đoàn 3 Ngụy, được ta giác ngộ, tham gia chiến đấu với lực lượng không quân của ta.