Tình thương yêu của Bác Hồ với các liệt sỹ thương binh
Một lần các cán bộ ngoại giao công tác ở nước ngoài gửi về biếu Bác một chiếc máy điều hoà nhiệt độ. Thấy nhà Bác ở nóng, nhân lúc Bác đi công tác vắng, anh em quyết định mắc máy điều hoà vào phòng của Bác. Trong máy này lại gắn thêm một bình bơm nhỏ tự động có chứa nước hoa. Khi máy hoạt động nước hoa theo gió toả ra, phảng phất một mùi thơm nhẹ nhàng.
Lúc Bác về anh em đều hồi hộp đợi ý kiến của Bác. Đầu giờ làm việc buổi chiều, Bác gọi đồng chí Vũ Kỳ đến. Người nhẹ nhàng bảo:
- Chiếc máy điều hoà nhiệt độ này tốt đấy chú ạ. Chú nên đem đến cho Quân y viện hoặc Trại điều dưỡng thương binh. Hôm trước Bác đến thăm, thấy các chú ấy ở nóng lắm. Còn Bác thì chưa cần, Bác ở thế này là được rồi.
Đồng chí Vũ Kỳ và các đồng chí phục vụ đã hết lời đề nghị, nhưng Bác vẫn không thay đổi ý kiến.
Còn đây là câu chuyện cảm động của anh thương binh hỏng mắt Hoàng Văn Vượng. Anh Vượng kể: Đêm ấy (11/2/1956) chúng tôi họp lại vui văn nghệ để đón giao thừa. Giữa cuộc vui, tôi bỗng nghe thấy tiếng reo: “Bác đến! Bác Hồ đến đấy!”. Cả hội trường lặng đi một giây, rồi ào lên những tiếng vỗ tay, reo mừng. Nhiều đồng chí lần tìm đường đi, làm xô cả bàn ghế vào nhau. Còn tôi đang ôm cây đàn để chuẩn bị biểu diễn nên cứ lúng túng, đứng lên ngồi xuống… Tôi cố lắng nghe xem Bác đã vào hội trường chưa, Bác đi đến chỗ nào rồi. Bỗng một giọng ấm áp, quen thuộc vang lên trước mặt tôi:
- Thôi! Thôi! Các chú đừng hoan hô nữa cho mệt sức! Ngồi cả xuống ghế đi!.
Trời! Thì ra tôi lại là người được ngồi gần Bác nhất. Tôi có cảm giác nếu mình giơ tay ra sẽ chạm vào Bác. Bác hỏi chuyện cặn kẽ và ân cần như người cha đến thăm con. Bác hỏi từ các món ăn ngày Tết đến sức khoẻ và học tập. Bỗng một đồng chí thương binh hỏng mắt nói:
- Thưa Bác, hồi này Bác có được khoẻ không ạ?
Bác cười:
- Thế các chú có muốn Bác khoẻ không?
Chúng tôi đồng thanh trả lời: Thưa Bác có ạ!
Bác nói tiếp:
- Nếu muốn Bác khoẻ, Bác vui, thì các chú phải giữ gìn sức khoẻ, phải chăm học tập… Các chú tàn chứ không phế. Giọng Bác cảm động, ngừng lại. Chúng tôi như nuốt lấy từng lời.
Còn biết bao câu chuyện cảm động khác kể về tình cảm của Bác đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, và những người có công với nước. Ngày nay, Đảng, Chính phủ và nhân dân ta đã tôn vinh các bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Nhưng từ năm 1952, trong lúc cuộc kháng chiến đang diễn ra ác liệt, Bác Hồ cũng đã viết:
“Nhân dịp 8 tháng 3, tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các nữ liệt sỹ đã hy sinh cho Tổ quốc. Tôi kính chào các bà mẹ có con trong bộ đội, và các bà mẹ cùng các vợ con của các liệt sỹ…”Bác cảm ơn và ca ngợi những bà mẹ Việt Nam đã hoà lẫn lòng yêu nước, yêu con, yêu chiến sỹ thành một tình thương yêu không bờ bến mà giúp đỡ chiến sỹ, săn sóc thương binh.
Hôm ấy, cùng vào thăm Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh với chúng tôi là một đoàn các bà mẹ anh hùng ở tận phía Nam. Nghe chị thuyết minh giới thiệu bức thư của Bác Hồ gửi gia đình Bác sỹ Vũ Đình Tụng:
“… Tôi được báo cáo rằng: Con gái của ngài đã oanh liệt hy sinh cho tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột…”.
Lời an ủi sâu sắc và tình cảm thương yêu của Bác Hồ với các liệt sỹ thương binh, khiến nhiều bà mẹ đã không ngăn được nước mắt. Thì ra nỗi đau của mỗi người, của mỗi gia đình Việt Nam, Bác Hồ đều thấu hiểu và cảm thông.