Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 20/11/2006 15:11 (GMT+7)

Tín ngưỡng đền Cùng

“Dù ai đi lễ bốn phương
    Không bằng linh hiển thắp hương đền Cùng”

Đền Cùng, còn gọi là đền Giếng, thuộc thôn Viêm Xá (tục gọi làng Diềm), xã Hoà Long, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Tục truyền, đền thờ Bà Chúa Giếng linh thiêng nổi tiếng. Đền nằm ở đầu làng Diềm - một làng Việt cổ, nằm dưới chân núi Quả Cảm (còn gọi là núi Kim Lĩnh hoặc núi Thiếp, ngọn núi có hình thế đẹp, được ví như một con rồng đang vùng vẫy giữa một vùng bờ bãi sông nước).

Ngôi làng Việt cổ này hiện còn một quần thể di tích đình, đền, chùa độc đáo. Nếu như đền Cùng gắn với truyền thuyết kể về buổi đầu khai ấp lập làng, thì ngôi đền thờ Vua Bà nổi tiếng bởi được tôn vinh là nơi thờ Bà “Thuỷ tổ Quan họ”, còn đình Diềm - được xây dựng vào thời Chính Hoà thứ 13 (1692), với bức cửa võng lộng lẫy, đã được nhân dân xứ Bắc ngợi ca:

 “Thứ nhất là đình Đông Khang;
Thứ nhì đình Bảng, vẻ vang đình Diềm”.

Chưa rõ đền Cùng được xây dựng từ bao giờ. Nhân dân trong làng truyền nhau rằng: Đền được xây dựng từ lâu đời, khi ấy đây còn là một vùng rừng núi um tùm, nhiều thú dữ về đây quấy phá (?). Theo dấu ấn kiến trúc ngôi đền cổ còn để lại đến ngày nay - 4 cột đá của hậu cung đền, với những chữ Hán “Bảo Thái thất niên”, thì đền chắc chắn được xây dựng từ đầu thế kỷ XVIII (năm Bảo Thái thứ 7 - 1726). Trong đợt trùng tu đền năm 1990, 4 cột đá này đã được đưa ra ngoài, dựng thành ban thờ “các quan” ở bên phải đền chính. Cũng theo các bậc lão niên cho biết: Ngôi đền xưa chỉ có 3 gian tiền tế và 1 gian hậu cung, đứng dưới gốc cây lim hàng trăm năm tuổi. Bên phải là một nhà nhỏ 3 gian, bên trái cũng là một nhà nhỏ 3 gian, nơi thờ Mẫu. Trước cửa đền là giếng Ngọc - một giếng nước tự nhiên; mạch nước ngầm từ trong lòng núi Kim Lĩnh chảy ra quanh năm trong vắt như ngọc, uống ngọt lạ thường, nên xưa nay dân làng vẫn coi nước giếng này là của quý do thiên nhiên ban tặng. Trong lòng giếng, từ bao đời nay, luôn có đôi cá vàng khá to sống quấn quýt bên nhau, dù có lụt lội nước tràn ngập cả giếng thì cá vẫn không đi. Dân làng Diềm gọi đó là “Cá thần”. Trong kháng chiến chống Pháp, đền bị phá hoại một phần để phục vụ “tiêu thổ kháng chiến”. Đến năm 1990, dân làng Diềm đã cùng nhau quyên góp tu tạo lại ngôi đền: Dựng lại 3 gian tiền tế và thêm 1 gian hậu cung, đồng thời cũng dựng lại 3 gian nhà ngói bên phải đền để thờ Mẫu và xây 2 lớp cổng tam môn. Đến năm 2004, dân làng tiếp tục tôn tạo thêm đền chính: Dựng thêm 5 gian tiền tế trong và đẩy 2 gian hậu cung vào sâu hơn nữa.

Quần thể di tích đền Cùng hiện nay là những công trình kiến trúc bao gồm: Toà chính đền (phía trước có giếng Ngọc) thờ “Bà Chúa Giếng”, bên phải là 1 gian thờ “các quan”, bên trái là nhà thờ “Mẫu Tam phủ”. Trong khuôn viên của đền vẫn còn nguyên “Cầu đền” - ngôi nhà 3 gian lợp ngói, có cột đá ghi thời điểm dựng nhà cùng với hậu cung đền cũ - năm Bảo Thái thứ 7 (1726). Trong khuôn viên đền còn có nhà khách, nhà bia (đều mới xây dựng), những cây cổ thụ (đa, duối, cườm cườm)...

Cổ vật quý của đền hiện còn là 2 pho tượng “Bà Chúa Giếng”, cùng một số hoành phi câu đối cổ (đã được sửa sang lại). Tượng hai Bà Chúa Giếng ngự trong khám không lớn lắm (cao khoảng 1m). Các Bà đều có khuôn mặt đẹp hiền từ, nhân hậu. Một Bà được choàng áo đỏ, một Bà được choàng áo xanh. Theo dân làng Diềm cho biết, trước kia đền có đủ thần phả, sắc phong và bia đá, nhưng đã bị thất lạc trong kháng chiến chống Pháp.

Về người được thờ ở đền Cùng, có khá nhiều truyền thuyết, sau đây chúng tôi xin tóm tắt 2 truyền thuyết mà nội dung có nhiều điểm giống nhau:

Truyền thuyết thứ nhất kể rằng: Vào thời Hùng Vương, hai công chúa Thuỷ Tiên và Ngọc Dung du ngoạn về vùng đất ven cửa sông này, thấy nơi đây sông núi hữu tình, dân cư thuần hậu, liền xin vua cha ở lại đây. Hai công chúa dạy dân khai hoang, phục hoá, cấy lúa, trồng màu, ươm  tơ dệt vải; giúp dân diệt trừ những loài yêu quái. Sau khi hai công chúa hoá, dân làng đã lập đền thờ. Vào thời Lý, vua quan nhà Lý về đây lập phòng tuyến đánh giặc Tống, được Thần âm phù đánh thắng giặc, nên có sắc phong cho Thần.

Truyền thuyết thứ hai kể rằng: Vua Lý Thánh Tông do muộn con trai nên đã đi cầu tự ở nhiều nơi. Nhưng khi hoàng tử sinh ra lại mang “mình Hổ”, người người cho là yêu quái đầu thai báo oán. Hai công chúa của vua bèn xin cho đi tìm thầy để trừ tà ma yêu quái. Khi hai công chúa đến làng Diềm, thấy nơi đây núi rừng um tùm, rậm rạp, có ngôi đền cổ thờ Mẫu Thượng Ngàn, thường phù giúp dân làng diệt thú dữ đến quấy phá. Hai công chúa liền xin vua cha cho lập đàn tế cầu đảo ở đây xin Mẫu trị tội kẻ yêu quái đã hiện hình đầu thai vào hoàng tử. Trừ xong yêu quái, hai công chúa liền lệnh cho dân làng sửa sang miếu điện để muôn đời thờ phụng Mẫu. Tưởng nhớ về hai công chúa, dân làng cũng phối thờ cả hai người. Các triều vua sau đều có sắc phong cho người được thờ.

Cùng với những truyền thuyết trên, bao đời nay, đền Cùng là di tích còn in dấu nhiều phong tục tập quán, tín ngưỡng, nơi diễn ra hội hè của người dân làng Diềm.

Thứ nhất, những dấu tích văn hóa vật chất đã cho biết làng Diềm là một làng Việt cổ có, từ thời Hùng Vương (bằng chứng là những di chỉ khảo cổ học có niên đại Đông Sơn). Mảnh đất này, một điểm hội tụ của núi sông, là nơi sinh sống lý tưởng của người Việt cổ. Núi để chống lụt lội, sông là nơi có bờ bãi trồng trọt, đánh bắt thuỷ sản và giao thương buôn bán. Gắn với một làng Việt cổ nông nghiệp như vậy, ngôi đền Giếng làng Diềm nguyên thuỷ là ngôi đền thờ Nữ thần nông nghiệp, mà cụ thể là thần Nước. Tín ngưỡng này còn để lại dấu ấn rõ nét trong tục thờ nước và thờ cá trong lễ hội đền Giếng. Tục này như sau: Hàng năm, cứ đến ngày Tết Thanh Minh (mồng 3 tháng Ba (âm lịch)), dân làng Diềm lại mở hội đền Giếng (hội tát giếng). Để tổ chức lễ hội, từ trong năm, dân làng đã cử ra 4 người ở đầu bàn tư lo việc sửa lễ tát nước giếng (bàn là tổ chức giáp, vì làng thờ thánh Giáp Ngọ nên kiêng huý không gọi là giáp). Bốn người này được nhận vài sào ruộng công để cầy cấy lấy hoa lợi, lo vật phẩm tế thần (xôi gà, ngũ quả, hương hoa) và chuẩn bị thùng gầu, khăn khố cho người tát giếng. Vào ngày hội, những người được cử xuống tát nước giếng là trai tân, trước đó phải “ăn chay nằm mộng”. Hai người trực tiếp xuống múc nước giếng đưa lên, được gọi là “hai Cô”, ăn vận theo kiểu đầu chít khăn trắng, đóng khố vải lá đáp  Những thanh niên ở trên đỡ gầu nước cũng chít khăn, đóng khố. Khi họ tát nước giếng cạn đến đáy, đôi “Cá thần” được trân trọng vớt lên thả vào 1 cối đá to (đường kính khoảng 1m) ở bên cạnh bờ giếng. Trong đền, dân làng tổ chức tế lễ; phía ngoài, bên bờ giếng, thì làm lễ thờ Cá (gọi là ông Cá). Mâm lễ chỉ có ngũ quả và hương hoa. Văn tế Cá thần có đoạn: “... Dân làng chúng con lạy ông Đại Hoàng Ngư, cho phép dân làng chúng con sửa lễ tát nước giếng, mời ông lên, tát xong sạch sẽ, lại rước ông xuống”. Ngay sau khi tát nước và làm vệ sinh sạch sẽ đáy giếng, những dòng nước trong sạch đầu tiên chảy vào giếng sẽ được rước về đền Vua Bà và đình làng Diềm. Sau đó, dân làng mới được đến lấy nước về nhà để ăn uống.

Thứ hai, theo dòng chảy của lịch sử, đền Cùng làng Diềm đã được “khoác” thêm lên mình lớp tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.

Tín ngưỡng thờ Mẫu vốn có từ lâu đời ở nhiều tộc người, đặc biệt là người Việt. Ngay từ buổi bình minh lịch sử, người Việt đã tôn thờ Mẹ/Cái, để rồi có truyền thuyết Mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, nở thành trăm người con, lên rừng xuống biển khai lập non sông đất nước ta; đó còn là việc “nữ hoá” tất cả các vị thần nông nghiệp như mây, mưa, sấm, chớp... thành Tứ Pháp, và việc thờ Mẫu Liễu Hạnh sau này.

Khi tín ngưỡng thờ Mẫu phát triển, các vị thánh trong đạo Mẫu không chỉ được phân thành các hàng, mà còn phân thành các phủ. Phủ trong đạo Mẫu mang nhiều ý nghĩa, trong đó có Tam phủ, Tứ phủ mang ý nghĩa tương ứng với các miền khác nhau trong vũ trụ: Thiên phủ (miền trời), Địa phủ (miền đất), Thoải phủ (miền sông nước), Nhạc phủ (miền rừng núi). Đứng đầu mỗi phủ là một vị Thánh Mẫu: Mẫu Thượng Thiên cai quản miền trời, Mẫu Địa cai quản miền đất, Mẫu Thoải cai quản miền sông nước, Mẫu Nhạc phủ (Mẫu Thượng Ngàn) cai quản miền rừng núi. Tam phủ gồm ba phủ: Thiên phủ, Địa phủ, Thoải phủ. Tứ phủ gồm bốn phủ: Thiên phủ, Địa phủ, Thoải phủ, Nhạc phủ...(1).

Tìm trong tín ngưỡng của dân vùng cửa sông Ngũ Huyện Khê, nơi có các làng Việt cổ như: Kẻ Diềm, Kẻ Cảm, Kẻ Chắp, Kẻ Sói, Kẻ Lẫm... thì đây là một vùng có những di tích thờ Mẫu đậm đặc nhất vùng Kinh Bắc: Làng Diềm thờ Vua Bà, Bà Chúa Giếng; làng Quả Cảm thờ Bà Chúa Quả Cảm; làng Đương Xá (Đặng Xá) thờ Bà Chúa Sành; làng Lẫm thờ Bà Chúa Lẫm; làng Cổ Mễ thờ Bà Chúa Kho...

Trên nền tảng tín ngưỡng thờ Mẫu phát triển như vậy, đền Cùng làng Diềm xưa kia là nơi thờ “thần Nước”, sau đã có thêm lớp tín ngưỡng thờ Mẫu, mà cụ thể ở đây là thờ “Mẫu Tam phủ”, được biểu hiện ở những mặt sau:

- Nếu như toà nhà chính của đền thờ “Bà Chúa Giếng”, thì toà nhà phụ bên trái đền thờ “Mẫu Tam phủ”. Mặt khác, trong tâm thức cũng như trong lời văn khấn của các bậc lão niên làng Diềm tại đền Cùng, bao giờ cũng thành kính khấn thờ “Bà Chúa Giếng”, sau mới đến khấn thờ “Mẫu Tam phủ”.

- Trong điện thờ Mẫu Tam phủ của đền Cùng, Mẫu Thượng Thiên được khoác áo màu đỏ, Mẫu Thoải được khoác áo màu trắng và Mẫu Địa thì được đồng nghĩa với Mẫu Nhạc phủ cai quản miền sông núi nên khoác áo màu xanh. Cũng quan niệm như vậy, việc bài trí tượng, đồ thờ cúng, văn khấn và việc tổ chức các giá đồng ở đây đều theo cách thờ Mẫu Tam phủ.

- Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở đền Cùng mang tính dung hội giữa tín ngưỡng thờ nước, thờ Mẫu, biểu hiện ở việc người ta đưa cả ban Cô, ban Cậu lên chính đền - nơi thờ Bà Chúa Giếng và cách bài trí đồ thờ cúng giữa các ban thờ không phân biệt một cách rõ ràng giữa thờ Bà Chúa Giếng với thờ Mẫu Tam phủ. Dẫu vậy, người ta vẫn dễ dàng nhận thấy hai lớp tín ngưỡng chính tại đền Cùng làng Diềm là tín ngưỡng thờ “thần Nước” và tín ngưỡng thờ “Mẫu Tam phủ”.

Như vậy, đền Cùng làng Diềm cổ kính không chỉ là một trong những nơi biểu hiện sinh động những giá trị lịch sử - văn hoá được kết tụ qua hàng ngàn năm văn hiến của làng Diềm, mà còn là một điểm nhấn quan trọng trong các di sản văn hoá của vùng văn hóa đậm đặc tín ngưỡng thờ Mẫu Kinh Bắc - Bắc Ninh./.

________________
Chú thích:

1 - Ngô Đức Thịnh (chủ biên): Tín ngưỡng và văn hoá tín ngưỡng ở Việt Nam , Nxb. KHXH, HN, 2001, tr. 127 - 129.

Nguồn: hoidantochoc.org.vn, 28/08/2006

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh
Đại hội Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) nhiệm kỳ 2025–2030 được tổ chức thành công vào sáng ngày 21/7. Tại Đại hội, đại diện Đoàn Thanh niên VUSTA đã có bài phát biểu chúc mừng đại hội. Bí thư Đoàn Thanh niên Lê Thị Thủy khẳng định: “Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh và luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới đất nước”.
Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương
Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và biểu trưng (logo) Đại hội đại biểu Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 được chính thức khởi động từ ngày 18/7/2025.
Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tập hợp, đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Kể từ khi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) được thành lập ngày 26/03/1983, Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam đã trải qua 9 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội đã thực sự trở thành những mốc son quan trọng, đánh dấu bước phát triển cả về tư duy chính trị lẫn phương thức hoạt động của toàn hệ thống.