Tìm hiểu và học tập tấm gương đạo đức HCM: Sự giản dị tinh khiết
Hồ Chí Minh tâm niệm và phấn đấu để: “…Dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Từ mục đích sống đó, Hồ Chí Minh xây dựng nên đạo đức văn hóa. Văn hóa vì nhân dân! Sự nghiệp cách mạng sôi nổi, Bác Hồ viết rất nhiều với hầu hết các thể loại: báo chí chính luận, truyện ngắn, kịch, thơ ca, mỹ thuật…
Đã có hàng triệu trang viết nghiên cứu, tổng kết, khẳng định về văn hóa Hồ Chí Minh. Là lãnh tụ, khi nói về Đảng, nói cách khác là khi đề cập đến nhiệm vụ chính trị, Bác thường sử dụng “mệnh lệnh thức” – phải, cần… Là nhà văn hóa, khi nói về văn hóa văn nghệ, Bác luôn có cách nói “ tu từ” của người trong cuộc, cảm thông, động viên, khuyến khích… cũng, nên, hãy…
Chúng ta nhớ lại một vài quan niệm của Người về văn hóa ai cũng nhớ.
- “Làm thơ ta vốn không ham”
- “Nay ở trong thơ nên có thép/Nhà thơ cũng phải biết xung phong”ù
- “Văn hóa văn nghệ cũng là một mặt trận. Anh chị em văn nghệ là những chiến sĩ trên mặt trận ấy”
- “Tôi chỉ là học trò nhỏ của nhà văn L.Tolstoi…”
Tài sản và giá trị văn hóa Hồ Chí Minh được ghi nhận và khẳng định bằng số lượng sáng tác của Hồ Chí Minh, đồng thời qua Người, những giá trị văn hóa truyền thống, tinh hóa văn hóa thế giới, có điều kiện tỏa sáng trong cuộc sống hiện đại. Hồ Chí Minh là sự kết tinh, hội tụ văn hóa diệu kỳ, thú vị.
Để hiểu thêm giá trị văn hóa Hồ Chí Minh, chúng ta cần tìm hiểu đạo đức Hồ Chí Minh. Trước hết, chúng ta tìm hiểu khái niệm đạo đức trong phạm trù mỹ học. Đạo đức là “những tiêu chuẩn, nguyên tắc sống được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội”. “Đạo đức cộng sản chủ nghĩa là phẩm chất tốt đẹp của con người do tu dưỡng, rèn luyện theo tiêu chuẩn đạo đức của một giai cấp tiên phong mà có”. Như vậy có thể hiểu đạo đức Hồ Chí Minh là phẩm chất tốt đẹp của truyền thống dân tộc và tính hiện đại của giai cấp công nhân trong thời đại cách mạng mới.
Ngắn gọn, rõ ràng, chân thành, luôn có chủ đích trong sáng tác… là thể hiện tính tiết kiệm, trong sáng, hiệu quả trong đời sống xã hội… tạo dựng nên sự giản dị tinh khiết, là nét đẹp đạo đức văn hóa Hồ Chí Minh. Cho nên khi đọc sáng tác của Hồ Chí Minh, chúng ta thưởng thức “Tiếng suối trong như tiếng hát xa”.
Ở đây, chúng ta cần phân định giá trị văn hóa Hồ Chí Minh. Gia tài văn hóa Hồ Chí Minh cực kỳ đa dạng phong phú. Và toàn bộ gia tài đó là văn hóa, có những cấp độ, tầng văn hóa khác nhau. Ví dụ như thơ, có loại là thơ bác học, chuyên nghiệp, có loại là thơ ca dân gian, thậm chí có những loại ở dạng nói vần cho dễ nhớ, dễ thuộc.
Nói đến sáng tác văn học nghệ thuật là nói đến cá tính, phong cách và tác động xã hội… Hồ Chí Minh biết hòa mình vào hình tượng nhân vật và hình tượng cảm xúc, nhưng vẫn lộng lẫy một cá nhân nhà văn hóa. Ngày nay, chúng ta yêu cầu văn nghệ sĩ trước khi là nhà văn hóa hãy là công dân. Nói cách khác, xã hội yêu cầu cá nhân nhà văn hóa phải văn hóa như sáng tác của họ. Hồ Chí Minh là biểu tượng hài hòa tuyệt vời giữa trách nhiệm công dân và giá trị sáng tác.
Sự giản dị tinh khiết của đạo đức văn hóa Hồ Chí Minh là sản phẩm của lịch sử, thời đại thể hiện trong một con người “đại trí, đại nhân, đại dũng Hồ Chí Minh” (lời Quách Mạt Nhược, Trung Quốc).
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn (18/05/08)