Tìm hiểu “Chế độ dân chủ: Nhà nước và xã hội”
Cuốn sách “Chế độ dân chủ: Nhà nước và xã hội” do Nhà xuất bản Hệ thống giáo dục của Cộng hòa Liên bang Nga xuất bản năm 1995, sau khi Liên Xô sụp đổ và vừa được Nhà xuất bản Tri thức cho ra mắt độc giả Việt Nam.
Đây là tài liệu học tập (sách giáo khoa) dùng cho các trường phổ thông, cho cả thầy giáo, học sinh và phụ huynh. Cuốn sách đã được viết như một thử nghiệm đầu tiên trong việc soạn thảo sách giáo khoa về dân chủ. Tại sao lại phải dạy về dân chủ? Theo các tác giả N.M. Voskresenskaia và N.B. Davletshina: Vì tự do có thể là bẩm sinh, nhưng thực hành dân chủ thì phải học mới biết.Tại sao bây giờ mới được thử nghiệm dạy về dân chủ ở Nga? Theo các tác giả: Vì từ xưa đến nay (thập kỷ 90 của thế kỷ trước) người Nga chưa hiểu thật rõ ràng thế nào là dân chủ theo cái nghĩa phổ quát của nhân loại và chưa bao giờ nền dân chủ được lên ngôi ở Nga.
Trong lời giới thiệu, A. G. Asmolov, Viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm giáo dục Nga, nhận xét: “Một cuốn sách viết một cách rõ ràng, dễ hiểu, với văn phong hài hước sẽ giúp các cháu học sinh đồng nhất mình với các nhân vật được trình bày. Mà nhân vật ở đây chính là Quốc hội, các nhà hoạt động nhà nước và cả Tổng thống nữa. Các cháu học sinh, trong một loạt tình huống, những tình huống như trò chơi theo nghĩa đen của từ này, sẽ dễ dàng cảm nhận được thế giới dân chủ và tự mình hòa nhập vào thế giới đó”.
Chúng ta đang hội nhập vào thế giới hiện đại phong phú, đa dạng nhưng đầy bất trắc. Muốn hợp tác để phát triển và tránh được hiểm nguy thì phải hiểu được người ta, chấp nhận sự khác biệt với mình, thông qua văn hóa, đặc biệt văn hóa chính trị. Đó là lý do vì sao Nhà xuất bản Tri thức giới thiệu với độc giả tài liệu học tập này.
Một trong những mục tiêu của một nền giáo dục tiên tiến là giáo dục cho thế hệ trẻ ý thức công dân không những chỉ đối với đất nước mình mà với cả toàn cầu. Vì vậy chúng tôi cũng xin lưu ý bạn đọc Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và dân quyền của Liên Hiệp Quốc trong phần phụ lục ở cuối cuốn sách.
Xin bạn đọc chú ý: cái thuật ngữ “Xã hội chủ nghĩa”, “Cộng sản chủ nghĩa”, “Đảng Cộng sản”, “Chế độ Cộng sản”… được dùng trong cuốn sách này là chỉ một thể chế xã hội chủ nghĩa cụ thể theo mô hình Xô viết cũ (đã sụp đổ vì chứa nhiều bất cập nội tại) và các Đảng Cộng sản Liên Xô và Đông Âu cũ (đã tự giải thể từ những năm 90 thế kỷ trước).