Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 28/07/2006 00:33 (GMT+7)

Tìm hiểu câu tục ngữ: “Gái thương chồng đương đông buổi chợ/ Trai thương vợ nắng quái chiều hôm”

Sách Kể chuyện thành ngữ tục ngữ(Hoàng Văn Hành chủ biên, tái bản lần 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994) trang 49-50, đưa ra ba cách hiểu:

- “Câu tục ngữ phản ánh một cách chênh lệch, bất bình đẳng trong quan hệ thương yêu vợ chồng. Tình cảm người phụ nữ bao giờ cũng đậm đà, đầy đặn, mặn mà như buổi chợ đương đông, bởi ngoài lí do giới tính ra, người phụ nữ còn chịu sự ràng buộc của tam tòng tứ đức. Ngược lại, tình thương yêu của người con trai đối với vợ thường nhạt nhẽo thoáng qua, ví như nắng quái chiều hôm le lói một lát rồi tắt ngấm khi mặt trời lặn”;

- “Câu tục ngữ phản ánh mức độ khác nhau trong tình yêu thương vợ chồng. Người con gái luôn luôn thương yêu chồng bằng tình yêu đậm đà, mặn mà, đầy đặn khác nào “đương đông buổi chợ”. Còn tình cảm của người con trai chỉ đôi lúc nhưng mãnh liệt như cái “nắng quái chiều hôm” vậy. Nắng quái chiều hôm tuy ngắn ngủi nhưng sức nóng, sức cháy bỏng của ánh nắng xiên khoai này thật là ghê gớm”;

- “Câu tục ngữ nói về tính chất biểu hiện tình thương vợ chồng. Khi đã thương yêu chồng, tình cảm của người con gái được thể hiện ra bằng sự hoạt bát, vui nhộn như “đương đông buổi chợ”. Và người chồng chẳng khó khăn gì trong việc tìm hiểu tìm cảm của người vợ đối với mình. Ngược lại, chàng trai thâm trầm hơn trong tình yêu. Thậm chí, có khi tình yêu thương của chàng được thể hiện cả bằng sự cáu gắt, khắt khe, nghiệt ngã như “nắng quái chiều hôm”.

Sách này kết luận: “Việc tìm hiểu ý nghĩa câu tục ngữ này thật không đơn giản. Đáng tiếc là đến nay các cách hiểu vẫn song song tồn tại và chưa có cơ sở nào để lựa chọn một cách hiểu duy nhất đúng.

2.1. Có thể thấy rằng, cả ba cách hiểu trên đều xuất phát từ các yếu tố có mặt trên văn bản, với hình thức so sánh: “Gái thương chồng như đương đông buổi chợ, trai thương vợ như nắng quái chiều hôm”. Giả sử, câu tục ngữ đúng như vừa ghi, thì các nghĩa đã nêu là khá đầy đủ. Nhưng không có cơ sở nào để nói câu tục ngữ chỉ như vậy chứ không thể khác.

Chúng tôi viết lại phần đầu của mô hình câu Gái (em / thiếp) thương (yêu / buồn / nhớ,…) chồng (anh / chàng),… (và Anh / chàng thương) (yêu / buồn, nhớ,…) em / thiếp,…)rồi rà tìm trong kho tục ngữ (qua tập Kho tàng tục ngữ người Việtvừa dẫn) (1) những câu cùng mở đầu như vậy, và tìm thấy câu:

- “Gái phải lòng trai đem của về nhà, trai phải lòng gái tháo dỡ cột nhà đem đi”.

Tiếp tục ra tìm ở kho ca dao (2), thì bắt gặp một số bài:

- “Chàng thương thiếp thì thiếp thương trả

Biết thầy mẹ ở nhà bán gả nơi nao

Cực cho lòng thiếp biết bao

Kiếm nơi mô cây cao bóng mát, huệ đào ngồi phân”;

- “Thiếp nhớ chàng tấm phên hư, nuộc lạt đứt

Chàng nhớ thiếp khi đắng nước nghẹn cơm

Ba trăng là mấy mươi hôm

Mai nam vắng trước, chiều nồm quạnh sau”;

Nơi mô duyên đẹp tình ưa thiếp tìm”;

Sau Gái (em / thiếp) thương (yêu / buồn /nhớ,…) chồng (anh / chàng),… (và Anh / chàng thương (yêu / buồn / nhớ,…) em / thiếp,…)với câu tục ngữ và bài ca dao đầu là thì, với bài ca dao thứ hai là khi, lúc với hai bài ca dao còn lại là như. Điều này có nghĩa, với câu tục ngữ đang bàn không chỉ có dạng so sánh, mà ít ra còn có thêm dạng” Gái thương chồng lúc đương đông buổi chợ, trai thương vợ lúc nắng quái chiều hôm”.

2.2. Vì sao “Gái thương chồng lúc đương đông buổi chợ, trai thương vợ lúc nắng quái chiều hôm”? Đi chợ là việc của phụ nữ. Người phụ nữ đang ở chợ đông: 1) thể hiện tình thương chồng qua việc chọn cá lựa canh, để mâm cơm cho chồng có những thức ăn ngon miệng; 2) chợt nhớ đến chồng và dấy niềm thương cảm khi trông thấy vật mà chồng thích (đang bày bán ở chợ) nhưng chưa mua sắm được (vì không đủ tiền chẳng hạn); 3) chạnh lòng thương chồng khi mình ăn miếng quà tấm bánh, hay ngừng lại xem một pha biểu diễn nghệ thuật, một cuộc vui, trong lúc chồng đang lao động nặng nhọc nơi đồng áng (ngày trước, bên cạnh chuyện mua bán, chợ còn là nơi sinh hoạt văn hoá, vui chơi; và việc người phụ nữ ăn quà bánh ở chợ thường bị phê phán);… Người đàn ông lúc nắng quái chiều hôm, sắp hết thời gian làm việc, bụng đói: 1) hình ảnh người vợ nội trợ hiện ra và lấy làm thương về nỗi tất bật lo cơm nước buổi chiều, rau heo cám chó đâu vào đấy trước khi trời tối; 2) những suy nghĩ về công việc đã khép lại, tâm trí mở ra cảnh vui vầy cùng vợ lúc về nhà, hình ảnh người vợ xuất hiện, với vẻ cười nói ngày thường;…

Đó là những liên tưởng, tưởng tượng dựa vào hoàn cảnh bình thường của người nông dân ngày trước. Cái lòng thương kia có thể xuất phát bởi những lí do, bối cảnh đặc biệt khác. Dẫu bao nhiêu cảnh huống đi nữa, thì chúng vẫn có chỗ dựa, có cơ sở về sự hợp lẽ, chứ không phải do suy diễn chủ quan.

3. Đây là câu tục ngữ khó suy nghĩa trong kho tục ngữ của dân tộc. Nó khó bởi lối nói dùng hình ảnh nói thay cho khái niệm, mà hình ảnh lại biểu thị nhiều mặt; nó còn khó bởi một cấu trúc câu có thể chuyển đổi theo hướng so sánh hay không. Nếu là câu so sánh, có thể tìm thấy nội dung trên bề mặt chữ nghĩa (như các tác giả sách Kể chuyện thành ngữ tục ngữ đã làm); nếu không phải câu so sánh thì phải dựa vào hoàn cảnh mới hình dung được các thể hiện về nghĩa, là phần việc mà bài viết nhỏ này muốn được trình bày.

____________

(1) Bộ sách Kho tàng tục ngữ người Việt(sđd) tập hợp 16098 đơn vị tục ngữ.

(2) Bộ sách Kho tàng ca dao người Việt(Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật đồng chủ biên, NXB Văn hoá thông tin, 1995) được dùng để làm công việc tìm kiếm ấy. Sách này tập hợp 11825 đơn vị ca dao.

Nguồn: Ngôn ngữ và Đời sống, số 5 (127), 2006

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới