Tiểu hồi gia vị & vị thuốc
Tiểu hồi, còn gọi Hồi hương, Tiểu hồi hương, Fennel (tiếng Anh), Fenouil (tiếng Pháp), tên khoa học: Foeniculun vulgare Miller.
Thân thảo, cao 0,5 - 1 mét hay hơn tùy vùng khí hậu. Lá mọc xen kẽ, 2 - 3 lần kép, lá chét dạng sợi, mùi thơm. Phát hoa hình tán kép, mang nhiều hoa nhỏ với 5 lá đài, 5 cánh hoa trắng, 5 tiểu nhụy. Noãn sào hạ, có 2 buồng nên khi quả chín có thể tách làm 2 phần. Vị thuốc Tiểu hồi là quả khô màu vàng lục, hay vàng nâu, dài 5 - 12mm, rộng 2 - 4 mm, mỗi nửa quả có 5 nếp nhăn dọc, gốc quả thường có dính cuống dài 4mm, ngọn quả có mang chân vòi ngắn, vàng nâu.
Thành phần hoạt chất
Về mặt hóa học, người ta phân biệt hai thứ Tiểu hồi:
![]() |
Tiểu hồi ngọt:F. vulgare ssp vulgare var. dulce (Miller) Thellung: mùi thơm dễ chịu, vị ngọt, gia vị nhẹ. Quả chứa 1,5 - 3% tinh dầu trong đó chứa 80 - 95% trans-êntol, fenchol 1%, estragol 10%, monoterpen. Ngoài ra còn có 20% chất béo, 36% protein, carbohydrate, axit hữu cơ, flavonoid, coumarin…
Dược tính và công dụng
Làm gia vị
Cành, lá tươi hoặc khô trộn với rau, canh hay đồ xào với cá, thịt. Quả khô tán bột dùng riêng hoặc kết hợp với gia vị khác như Gừng, Nghệ, Thảo quả, Riềng…. Để ướp cá, thịt trước khi xào, nấu.
Tạo mùi cho rượu
Quả Tiểu hồi 10g, Thảo quả 4g, Đương Qui 4g, Bạch chỉ 2g. Dược liệu khô tán bột, ngâm với 2 - 4 lít rượu thuốc trong chai lọ kín nút. Ngâm 7 - 10 ngày là dùng được.
Tiểu hồi làm thuốc
Theo Đông y, tiểu hồi có vị cay, mùi thơm, tính ấm. Qui vào 4 kinh tỳ, vị, phế, thận. Có tác dụng khai vị, tiêu thực, mạnh khí, tiêu đàm, chống nôn. Dùng chữa đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, đau lưng do thận suy, tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm. Liều dùng 6 - 12g tán bột, thêm 2 lát Gừng giã dập, cho vào ly, chế nước sôi vào hãm, chia làm 2 lần uống trong ngày.
Y học Ấn Độ dùng lá Tiểu hồi làm thuốc lợi tiểu giải độc, rễ tác dụng xổ, quả kích thích đường tiêu hóa, lợi trung tiện, nước hãm 8 - 12g quả Tiểu hồi với nửa lít nước sôi làm thuốc phát hãn (trị cảm lạnh), sình bụng, đầy hơi.
![]() |
Một số bài thuốc
- Trị ho, sổ mũi, viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản:hai muỗng cà phê vun (5g) quả Tiểu hồi, 4 lá Trầu không. Giã nát tất cả, cho vào ly cối, chế đầy nước sôi (nửa lít) vào, thêm 2 muỗng canh mật ong và uống lúc còn nóng ấm. Ngày uống 2 lần. Trẻ con tùy theo tuổi, dùng 1/3 hay ½ liều trên.
- Chữa ăn không tiêu, sình bụng, khó thở hen suyễn:quả Tiểu hồi, hột Cải trắng, hột Cải củ, hột Tía tô, lượng bằng nhau. Dược liệu khô, tán mịn, mỗi lần uống 1 muỗng cà phê gạt bằng, uống với nước chín hoặc với sữa. Ngày 2 - 3 lần.
- Chữa đau lưng do thận suy:quả Tiểu hồi tán mịn 1 muỗng cà phê vun, cho vào 1 cái bầu dục lợn, nướng chín, ăn ngày 1 lần. Dùng 7 ngày liền.
- Chữa viêm cầu thận cấp:Tiểu hồi 12g, Cỏ xước, Đậu đỏ, Đậu đen, mỗi vị 20g, Thổ phục linh, Tỳ giải, Hoài sơn mỗi vị 16g, Mã đề 12g, Đại hồi 10g, nhục Quế 8g, Gừng khô 6g. Sắc uống ngày 1 thang, trong 5 - 7 ngày.
- Chữa suy nhược tình dục (nam, nữ): Tiểu hồi 8g, Đậu đen sao 20g, dây Gùi 20g, Hà thủ ô, Ba kích sao rượu, Ngưu tất sau rượu, Đỗ trọng, Khiếm thực, Tang chi, mỗi vị 16g, Mẫu lệ nung 8g, nhục Quế 8g. Sắc uống ngày 1 thang, trong 10 - 15 ngày.