Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 22/06/2011 21:09 (GMT+7)

Tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý đối với các tổ chức xã hội ở nước ta

Trong điều kiện nước ta hiện nay, các tổ chức xã hội phát triển rất phong phú, đa dạng, với nhiều loại hình và tên gọi rất khác nhau như: Liên hiệp, hiệp hội, hội, liên đoàn, câu lạc bộ, quỹ, viện, trung tâm, hội đồng, ủy ban, nhóm tình nguyện,… thực hiện các chức năng, vai trò xã hội, hoặc mục đích nghề nghiệp, bảo vệ môi trường, từ thiện, nhân đạo…

Để phát huy vai trò của các tổ chức xã hội đối với phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước đối với các tổ chức này, bài viết xin nêu một số giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý các tổ chức xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

1. Trên cơ sở rà soát, đánh giá khách quan, toàn diện các chính sách, thể chế pháp luật và thực trạng tổ chức, hoạt động của các tổ chức xã hội, phân tích xu thế phát triển tất yếu của các tổ chức xã hội trong bối cảnh mới của đất nước và quốc tế, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý các tổ chức xã hội nước ta cần quán triệt các quan điểm:

- Thể chế quản lý các tổ chức xã hội là sự cụ thể hóa cơ chế vận hành của thể chế chính trị đất nước: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ;

- Thể chế quản lý các tổ chức xã hội đáp ứng yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước, phát triển xã hội, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của các tầng lớp nhân dân theo hướng “ích nước, lợi dân”;

- Thể chế quản lý các tổ chức xã hội phù hợp với điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; các thành phần kinh tế đều được tạo điều kiện phát triển; đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của cá nhân và cộng đồng xã hội.

- Thể chế quản lý các tổ chức xã hội đáp ứng nhu cầu dân chủ hóa xã hội, xã hội hóa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; thích ứng với quá trình hội nhập các lĩnh vực đời sống (kinh tế, văn hóa, xã hội…) với khu vực và thế giới.

- Thể chế quản lý các tổ chức xã hội kết hợp chặt chẽ giữa tự quản các tổ chức xã hội với quản lý của nhà nước đối với tổ chức xã hội; phát huy tính tự quản của tổ chức xã hội trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước nhằm khắc phục hành chính hóa, nhà nước hóa, đồng thời hạn chế tính tự phát hoặc lợi dụng danh nghĩa tổ chức xã hội để hoạt động kinh doanh kiếm lời, thậm chí vì mục đích chính trị, gây mất ổn định chính trị - xã hội;

- Thể chế quản lý các tổ chức xã hội phù hợp với tính chất, đặc điểm, truyền thống văn hóa và điều kiện cụ thể về tổ chức và hoạt động của các tổ chức xã hội của nước ta; giúp cho các tổ chức phát triển lành mạnh, đúng hướng, góp phần xây dựng, củng cố sự đồng thuận xã hội.

2. Tiến hành tổng kết những nghị quyết, chỉ thị và chủ trương của Đảng đối với các tổ chức xã hội kể từ công cuộc đổi mới đến nay.

Qua việc tổng kết, đánh giá một cách khách quan, khoa học về vai trò của các tổ chức xã hội nước ta, rà soát lại các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các tổ chức này, trong đó chú trọng đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương của Đảng về:

- Các tổ chức xã hội tham gia phát triển kinh tế - xã hội;

- Các tổ chức xã hội phối hợp với Nhà nước thực hiện chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng;

- Các tổ chức xã hội phát huy dân chủ trong đời sống xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc;

- Các tổ chức xã hội tham gia quản lý và tổ chức cung ứng các dịch vụ công theo hướng xã hội hóa;

- Các tổ chức xã hội thực hiện công tác đối ngoại nhân dân trong quá trình Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới;

- Quản lý của Nhà nước đối với các tổ chức xã hội;

- Nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức xã hội.

3. Xây dựng chương trình tổng thể (chiến lược) hoàn chỉnh thể chế luật pháp về các tổ chức xã hội; trong đó chú ý một số việc cụ thể như:

- Tiến hành rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật (luật và văn bản dưới luật) về tổ chức xã hội, để xác định những quy định không còn phù hợp, những quy định trùng chéo hoặc mâu thuẫn nhau, những nội dung cần quy định bổ sung.

- Tiếp tục nghiên cứu để sớm ban hành Luật về Hội. Chỉ có trên cơ sở một luật chung cho các tổ chức xã hội mới giảm được các văn bản quy phạm pháp luật cho từng tổ chức. Điều đó không chỉ có ý nghĩa rà soát và bổ sung, sửa đổi những quy định không còn phù hợp mà còn là cơ sở đưa công tác quản lý các tổ chức xã hội vào nền nếp, trong bối cảnh nhiều tổ chức xã hội đang tiếp tục hình thành, xin đăng ký cấp phép hoạt động.

- Căn cứ chương trình tổng thể, các cơ quan có trách nhiệm trình tự chuẩn bị và đưa dự thảo quy phạm pháp luật vào chương trình xây dựng, bổ sung, sửa đổi luật của Quốc hội, Chính phủ để hoàn thiện, thông qua và ban hành. Nếu sắp xếp hợp lý, chỉ trong một nhiệm kỳ Quốc hội có thể hoàn chỉnh hệ thống thể chế luật pháp về tổ chức xã hội ở nước ta. Như vậy sẽ khắc phục những nhược điểm hiện có về hệ thống thể chế thiếu văn bản khung chặt chẽ, thống nhất, gây nên sự trùng chéo và mâu thuẫn trong thực tế quản lý các tổ chức xã hội nước ta. Đồng thời, nhờ đó sẽ giảm đáng kể các văn bản dưới luật và đơn giản hơn việc thực thi pháp luật về tổ chức xã hội.

- Cần tổng kết theo chuyên đề một số vấn đề về thể chế luật pháp đối với các tổ chức xã hội làm cơ sở để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức xã hội nước ta như:

+ Phân loại các tổ chức xã hội;

+ Quyền và trách nhiệm của các tổ chức xã hội;

+ Chính sách, chế độ nhân sự, cán bộ đối với các tố chức xã hội;

+ Thể chế hóa việc các tổ chức xã hội tham gia thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước;

+ Việc thực hiện hoạt động tư vấn, giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức trong Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (theo Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ).

4. Trong việc xây dựng Luật về Hội, cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau:

- Về phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Luật về Hội, có thể phải chuẩn bị cả hai phương án: Luật về Hội chung, điều chỉnh cả các tổ chức chính trị - xã hội; hoặc Luật về Hội chỉ điều chỉnh với các tổ chức xã hội. Đối tượng điều chỉnh của Luật không chỉ có các tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân mà còn bao gồm tổ chức không có tư cách pháp nhân trong cộng đồng để bảo đảm cho các tổ chức này hoạt động phù hợp với pháp luật và Nhà nước có cơ sở quản lý hoạt động, phát huy vai trò của các tổ chức này đối với phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội.

- Về điều kiện, thủ tục, quy trình cấp phép thành lập tổ chức xã hội, trong quá trình nghiên cứu xây dựng dự án Luật về Hội, vấn đề “cấp phép” hay “đăng ký” thành lập hội đã được thảo luận nhiều và có các ý kiến khác nhau. Trong điều kiện thực tế hiện nay, về nhiều phương diện như nhận thức xã hội về vai trò của các tổ chức xã hội còn thiếu thống nhất, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, trình độ dân trí có mặt còn hạn chế, các cơ quan quản lý hoạt động của các tổ chức xã hội còn thiếu kinh nghiệm… nên phương thức “cấp phép” được xem là khả thi và dễ được chấp nhận. Vấn đề quan trọng chính là đơn giản hóa điều kiện và thủ tục cấp phép thành lập; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan và công chức nhà nước có liên quan đến việc cấp phép thành lập tổ chức xã hội; công khai hóa và cập nhật định kỳ danh sách các tổ chức xã hội trong Danh bạ về hội…

- Về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức xã hội cần được xác định rõ theo hướng đảm bảo nguyên tắc “Tổ chức xã hội được làm những gì pháp luật không cấm”. Theo đó, cần quy định rõ những hoạt động “bị hạn chế” hoặc “cấm” đối với các tổ chức xã hội, đồng thời xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chuyên môn trong các lĩnh vực đặc thù mà tổ chức xã hội phải tuân thủ; quy định trách nhiệm giải trình của tổ chức trước các cơ quan nhà nước cũng như quyền khiếu nại và khởi kiện của tổ chức đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức xã hội.

Nghiên cứu thể chế hóa quyền tư vấn, giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức xã hội; đảm bảo quyền tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách có liên quan đến nội dung hoạt động của hội và quyền tham gia một số hoạt động quản lý nhà nước, cung ứng dịch vụ công cho tất cả các tổ chức xã hội, không nên chỉ giới hạn cho các hội “đặc thù”. Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động này theo kết quả và chất lượng đầu ra, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các tổ chức xã hội.

Quy định quyền xây dựng quỹ hội trên cơ sở hội phí của hội viên, các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ và các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật cũng như kinh phí hỗ trợ của Nhà nước đối với những hoạt động gắn với nhiệm vụ được Nhà nước giao.

Để các quy định về quyền, nghĩa vụ của hội và hội viên phù hợp với tính chất, đặc điểm của các loại tổ chức xã hội cũng như xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện hỗ trợ về tài chính, thuế và các nguồn lực khác cho các tổ chức này, bên cạnh việc xác định các hội đặc thù (các tổ chức xã hội nòng cốt) như Nghị định 45/2010/NĐ-CP, cần nghiên cứu bổ sung phân loại tổ chức xã hội thành 2 loại hình: Tổ chức xã hội “vì lợi ích hội viên” và tổ chức xã hội “vì lợi ích cộng đồng”.

Các hội xã hội, nhân đạo, từ thiện… do các nhân hoặc cộng đồng có cùng mối quan tâm tự nguyện thành lập, hoạt động phi lợi nhuận nhằm nâng cao điều kiện sống của những người bị thiệt thòi hoặc vì những vấn đề chung của cộng đồng như: Giải quyết các vấn đề xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường… thuộc loại hình tổ chức xã hội “vì lợi ích cộng đồng” cần được hưởng các ưu đãi như miễn thuế, được nhận tài trợ từ các cá nhân, tổ chức hảo tâm và kể cả từ tổ chức nhà nước… Đồng thời các tổ chức này phải thực hiện công khai, minh bạch các nguồn thu, chi tài chính và chịu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cơ quan nhà nước. Trong khi đó, các tổ chức xã hội thuộc loại hình “vì lợi ích hội viên” là các tổ chức không vì mục tiêu lợi nhuận, tức là lợi nhuận nếu thu được không dùng để chia cho các cá nhân, kể cả người góp vốn hoặc người sáng lập mà chỉ để phục vụ các hoạt động của tổ chức như chi tiền công, phục vụ nghiên cứu và đào tạo hoặc tài trợ cho các dịch vụ vì lợi ích xã hội. Các tổ chức xã hội thuộc loại hình này nếu có hoạt động kinh doanh thì phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và nộp thuế nhưng với mức ưu đãi hoặc được giảm; các cá nhân làm việc trong các tổ chức này được xem xét miễn thuế thu nhập.

+ Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tài trợ cho hoạt động của các tổ chức xã hội; khấu trừ thuế cho những doanh nghiệp tài trợ cho các hoạt động xã hội.

+ Quy định rõ nội dung và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hội; được phê duyệt và việc quản lý và sử dụng tài sản, tài chính của các tổ chức, nhất là đối với việc sử dụng nguồn tài trợ của nước ngoài và tổ chức quốc tế đối với các tổ chức xã hôi; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xứ lý vi phạm pháp luật về hội.

5. Tạo điều kiện để các tổ chức xã hội hoàn thiện thế chế quản lý nội bộ (hoàn chỉnh điều lệ, quy chế hoạt động của mỗi tổ chức) phù hợp với thể chế luật pháp chung.

- Hướng dẫn các tổ chức xã hội xây dựng quy chế hoạt động, quy chế quản lý tài sản, tài chính đảm bảo tính dân chủ, minh bạch và đúng pháp luật trong hoạt động nội bộ của hội; cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động của hội.

- Các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra việc thực hiện điều lệ của các tổ chức xã hội đã được thông qua đại hội và cơ quan có thẩm quyền nhà nước phê duyệt; kịp thời xử lý những tổ chức vi phạm. Chính quyền địa phương các cấp kiểm tra, rà soát lại tình hình hoạt động của các tổ chức xã hội do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành cấp phép. Đối với những tổ chức xã hội có chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực và hoạt động thực tế trùng lặp, cần xử lý theo hai hướng: 1) Một số hội tham gia vào Liên hiệp hội, cơ cấu lại tổ chức và đổi mới hoạt động để tổ chức xã hội thêm mạnh. 2) Nếu tổ chức nào có nhu cầu sáp nhập, chính quyền cùng với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp xúc tiến và giúp đỡ để các tổ chức hiệp thương sáp nhập.

Đối với những tổ chức xã hội hoạt động kém hiệu quả, không còn phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của hội viên; bộ máy tổ chứ trì trệ, không hoạt động, uy tín bị giảm sút nghiêm trọng kéo dài, nhiều nhiệm kỳ không đại hội được; hoặc tổ chức xã hội hoạt động thường xuyên không đúng với điều lệ, vi phạm các quy định của pháp luật, trái với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thì cần xem xét giải thể theo đúng thủ tục quy định.

- Thông qua đại hội nhiệm kỳ của từng tổ chức xã hội, các cấp ủy Đảng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn, tạo điều kiện để các tổ chức này tiến hành thảo luận, sửa đổi, bổ sung điều lệ, đảm bảo để các tổ chức hoạt động ngày càng sát hơn với cuộc sống, đóng góp thiết thực đối với phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trong khuôn khổ pháp luật hiện hành; đồng hành và phối hợp với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp hội cùng các tổ chức thành viên rà soát, đánh giá kết quả tham gia các hoạt động của Mặt trận và Liên hiệp cũng như những khó khăn, vướng mắc, từ đó có cơ sở đề xuất kiến nghị hoàn chỉnh Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật về Hội, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Trưng cầu ý dân… cùng với việc xây dựng các quy chế làm việc, quy chế phối hợp của các tổ chức ngoài nhà nước tạo thành một kênh hoàn chỉnh thể chế đối với các tổ chức xã hội.

6. Đồng thời với việc nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý các tổ chức xã hội, cần tập trung giải quyết dứt điểm một số vấn đề bức xúc trong quản lý các tổ chức này hiện nay.

- Vấn đề quản lý các hội, đoàn không chính thức hoặc chưa được cấp phép đúng thẩm quyền: Trên thực tế, ngoài các hội quần chúng được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép thành lập và hoạt động, còn có khá nhiều hội phi chính thức hoạt động (Hội đồng hương, Hội đồng học, Hội đồng ngũ, các ban liên lạc và hội của các tôn giáo…), các hội đoàn tự phát của quần chúng chưa hoặc không xin phép, các tổ chức xã hội, hội quần chúng được cấp phép không đúng thẩm quyền trước khi có Nghị định số 88/2003/NĐ-CP của Chính phủ, các hội đoàn đặc thù đang tồn tại như: các hội đoàn tôn giáo, hội đoàn người Hoa, Hướng đạo… Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần chỉ đạo các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương tiến hành rà soát, thống kê phân loại các hội nhằm nắm lại toàn bộ số lương, quy mô và phạm vị hoạt động, đồng thời nghiên cứu về biện pháp và cách thức quản lý phù hợp nhằm từng bước hướng hoạt động của các hội này theo đúng khuôn khổ của pháp luật và đáp ứng nhu cầu thực tế đa dạng của quần chúng nhân dân.

- Đối với hội đoàn của các tôn giáo, căn cứ Điều 12 Pháp lệnh Tôn giáo áp dụng chế độ đăng ký hoạt động. Đối với những hội đoàn tôn giáo hoạt động chỉ nhằm mục đích phục vụ lễ nghi tôn giáo, đảm bảo các điều kiện thành lập, thì hướng dẫn đăng ký hoạt động ; đối với những hội đoàn nào hoạt động vượt phạm vi tôn giáo, ảnh hưởng đến xã hội thì kiên quyết giải tán và nghiêm cấm hoạt động.

- Đối với hội đoàn người Hoa (Hội quán, Hội họ) và tổ chức Hướng đạo, trước mắt, cần tăng cường quản lý thực tế gắn với quản lý cơ sở tín ngưỡng dân gian, không đặt vấn đề công nhận pháp nhân hội đoàn này.

- Đối với những hội đoàn tự phát của quần chúng chưa hoặc không xin phép cần phân loại và xử lý như sau: Loại hội có đông quần chúng hội viên, có tôn chỉ mục đích rõ ràng, hoạt động thường xuyên thì hướng dấn làm thủ tục xin cấp phép thành lập ( theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ). Đối với những hội, nhóm ít người tham gia, tổ chức và hoạt động không thường xuyên nhưng thiết thực và có lợi ích đối với hội viên thì quản lý thực tế, yêu cầu đăng ký khi có hội họp sinh hoạt. Đối với những hội, nhóm hoạt động vô bổ, có tác dụng xấu trái với pháp luật, hoặc những tổ chức mà Nhà nước đã có chủ trương không cho phép nhưng vẫn cố duy trì hoạt động thì kiên quyết xử lý, giải thể.

Xem Thêm

Kỷ niệm 5 năm thành lập báo điện tử Tầm nhìn
Tại Lễ kỷ niệm thay mặt Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ông Phan Tùng Mậu đã chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên báo điện tử Tầm Nhìn nhân dịp 5 năm thành lập, ghi nhận những thành quả mà...
Chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975
Chiến dịch lịch sử  Lúc này, tập đoàn phòng ngự lớn của địch ở Sài Gòn - Gia Định tuy số lượng còn đông nhưng đã bị chia cắt, cô lập cao độ và sức chiến đấu đã giảm sút hẳn. 
Vẻ đẹp đặc hiệu của nhà trí thức
Vàng là đẹp, là quý giá. Nhưng không phải vàng nào cũng giá trị như nhau? Có vàng thật, có vàng giả, có cả mạ vàng như thật. Học thức và bằng cấp cũng vậy. Có học thật, có học giả, có bằng thật, có bằng giả như thật. Đại...
Mùa Xuân là Tết trồng cây
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đề xướng, tổ chức, xây dựng Tết trồng cây trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi, sôi nổi và bền vững. Tháng 11-1959, nhân đợt thi đua lấy thành tích mừng Đảng ta 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Bác Hồ vui Tết đón Xuân trong lòng Tổ quốc
Tết Mậu Tý (1948) Tết mừng chiến thắng Thu Đông năm Đinh Hợi phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp lên Việt Bắc và phấn khởi mừng thọ Bác Hồ 58 tuổi: Chính phủ họp nghe Bộ Quốc phòng báo cáo chiến thắng giặc Pháp tại An toàn khu.
Đại tướng Lê Trọng Tấn - Những ngày đầu cách mạng
Giữa năm 1942, tôi đến một cơ sở cách mạng ở làng Lương Yên. Đang nói chuyện thì một quân nhân trong bộ đồ nhà binh Pháp ở phía cổng đi vào. Tôi lánh sang buồng bên cạnh nói chuyện với các em đang học. Khi người ấy về, chủ...

Tin mới

Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…
Tập huấn nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho hội viên tại tỉnh Lào Cai
Trong hai ngày 15 – 16/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai và Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số” tại Tp. Lào Cai. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu, học viên là hội viên của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai.
Đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp SX cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc
Ngày 12/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sơn La và Hội Giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc” tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.