Tiền ứng dụng tin học trong quản lý nhà nước: Kém hiệu quả
Sau đây là cuộc trao đổi với TS Nguyễn Trọng - nguyên chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin (2002 - 2004).
- Thưa ông, từ năm 1995 nước ta có triển khai một chương trình quốc gia về công nghệ thông tin (CNTT) có thể nói rất là quy mô, cũng đã chi tiêu nhiều tỉ đồng. Ông đánh giá về chương trình này ra sao?
- Bắt đầu từ năm 1996 đã có những dự án phát triển và ứng dụng CNTT mang tầm quốc gia được triển khai. Tuy nhiên, đến năm 1998 chương trình quốc gia về CNTT này đã khép lại. Tiếp theo sự kết liễu chương trình quốc gia thì CNTT nước ta gặp nhiều khó khăn.
Nhưng “cái khó ló cái khôn”, thời kỳ 1999-2001 với sự nỗ lực của nhiều người, nhiều tổ chức, đặc biệt là Bộ Khoa học - công nghệ và môi trường (nay là Bộ Khoa học - công nghệ), hàng loạt chính sách rất quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển CNTT ở nước ta đã ra đời, làm nền tảng và kim chỉ nam cho cả quá trình phát triển và ứng dụng CNTT vừa qua. Còn gần ba năm qua là thời kỳ mà những chính sách được xây dựng từ giai đoạn trước đã và đang phát huy tác dụng.
- Mới đây, tham dự hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho những nội dung kế hoạch phát triển CNTT 2006-2010 do Bộ Bưu chính - viễn thông tổ chức, giám đốc Sở Bưu chính - viễn thông TP Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà phát biểu rằng “đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước (tức đề án 112) có thể nói là thất bại”. Ông chia sẻ quan điểm này như thế nào?
- Tôi cũng cho rằng đề án 112 là không thành công. Đây là một dự án rất lớn cả về mặt khoa học lẫn công tác tổ chức, song cơ chế và đội ngũ quản lý chưa đủ tầm là hiểm họa hàng đầu, tiên liệu kết cục của nó. Những chuyên gia CNTT am hiểu tình hình đều nhìn được trước viễn cảnh: đến năm 2005 đề án 112 sẽ chưa đi đến đâu cả! Theo tôi, có lẽ kết quả chính của đề án này có được là bộ tài liệu về CNTT dùng để huấn luyện cán bộ hành chính.
Nước ta còn nghèo nhưng chi tiêu cho CNTT hằng năm cũng khá lớn, tăng từ khoảng 1% GDP năm 2001 lên 1,5% GDP vào năm nay. Nhưng mức chi tiêu như vậy vẫn còn khá thấp so với mức trung bình của thế giới và nhiều chi tiêu không hiệu quả.
Theo báo cáo của Bộ Bưu chính - viễn thông, kế hoạch tổng thể về ứng dụng và phát triển CNTT đến năm 2005 đã chi được khoảng 1.105 tỷ đồng trong số khoảng 9.293 tỷ đồng. Tôi chia sẻ câu nói của ông Lê Mạnh Hà - giám đốc Sở Bưu chính - viễn thông TP Hồ Chí Minh: May mà chúng ta không tiêu hết tiền, chứ nếu tiêu hết tiền như kế hoạch đã đề ra thì lãng phí còn gấp bội!”.
- Theo đánh giá của UNPAN, chỉ số “chính phủ điện tử” nước ta năm 2004 tụt đến 15 bậc so với năm 2003. Theo ông, chỉ số này nói lên điều gì và có liên quan gì đến đề án 112?
- Chúng ta đạt được những kết quả gì về “chính phủ điện tử”? Có lẽ cái rõ nhất là hệ thống các website từ các bộ ngành đến các địa phương. Còn muốn hiểu đánh giá của LHQ về xếp hạng “chính phủ điện tử” ở nước ta thì sẽ phải trở lại định nghĩa cơ bản “chính phủ điện tử” là gì. Xuất phát từ định nghĩa “chính phủ điện tử” cơ bản của Ngân hàng Thế giới, tôi cho rằng đánh giá của LHQ là chính xác, tuy nhiên nó quá vĩ mô nên chỉ có giá trị tham khảo.
Ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội Tin học TP Hồ Chí Minh - cho biết điểm số cho web index của Việt Nam năm 2004 là 0.143 - xếp thứ hạng 124, thấp hơn khá nhiều so với điểm số 0.183 của năm 2003. Nguyên nhân của sự giảm sút này của Việt Nam đã được LHQ chỉ ra khá rõ: “Các thông tin và dịch vụ trực tuyến liên quan đến giáo dục và đào tạo đã triển khai từ năm 2003 nhưng đến thời điểm khảo sát năm 2004 không thấy đâu cả”. |
- Theo thống kê các dự án ứng dụng CNTT, đặc biệt là loại dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, cho thấy chi tiêu ngân sách cho mua sắm phần cứng lúc nào cũng được ưu tiên. Nhiều ý kiến cho rằng tình trạng này dẫn đến những lãng phí lớn. Ý kiến của ông ra sao?
- Trong số 680 triệu USD doanh số thị trường CNTT nước ta năm 2004 thì chỉ có khoảng 180 triệu USD là doanh số phần mềm và dịch vụ phần mềm, chiếm 25%. Đây là một tỷ lệ không thể chấp nhận được, ít nhất tỷ lệ này cũng phải đạt 40-50% (tỷ lệ chung của thế giới là 75%). Một thực tế là hầu hết dự án ứng dụng CNTT sử dụng vốn ngân sách nhà nước cho dù chưa có giải pháp phần mềm nhưng vẫn bỏ tiền đầu tư mua sắm phần cứng.
Gần như các dự án ứng dụng CNTT do tiền Nhà nước đầu tư đều như thế cả. Vì sao? Vì dự án đã được duyệt mà không giải ngân thì xem như đầu tư không hiệu quả và vốn có thể bị thu hồi! Do vậy các đơn vị cố mua sắm máy móc cho hết tiền rồi để đó, còn giải pháp phần mềm thì... hãy đợi đấy!
-Xin cảm ơn ông.Nguồn: nhandan.com.vn 25/7/2005