Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 08/09/2011 21:06 (GMT+7)

Tiến sĩ luật khoa Hồ Đắc Điềm một tấm lòng với cách mạng

Vài nét tiểu sử và gia thế

Ông Hồ Đắc Điềm sinh năm 1899, mất năm 1986, quê quán ở làng An Truyền – huyện Phú Vang – tỉnh Thừa Thiên Huế trong một gia đình trí thức vào hàng danh gia vọng tộc thời bấy giờ. Ông thi đỗ tú tài, rồi cử nhân, tiến sĩ Luật khoa Paris, mở văn phòng luật sư ở Paris vào những năm thập kỷ 20 của thế kỷ trước. Sau này về nước, là giáo sư đầu tiên của trường Đại học Luật khoa Hà Nội, chánh án tòa thượng thẩm, cố vấn toàn cõi Đông Dương, tổng đốc Hà Đông thời thuộc Pháp trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Sau cách mạng, với lòng yêu nước, nghe theo lời kêu gọi thiêng liêng của Bác Hồ ông đã từ bỏ tất cả quyền lợi của một trí thức quan lại tham gia kháng chiến chống Pháp từ những ngày đầu và đã từng kinh qua các chức vụ: trưởng ban tu luật, chánh án tòa án liên khu IV, ủy viên ban chấp hành Hội Liên – Việt liên khu IV (giai đoạn 1947-1954). Sau hòa bình lập lại, trở về thủ đô ông đã giữ nhiều trọng trách: chánh án tòa án Hà Nội, phó chủ tịch Ủy ban hành chánh Hà Nội, trưởng ban chỉ đạo xóa mù chữ, bổ túc văn hóa thành phố Hà Nội, trưởng tiểu ban bổ túc văn hóa của Hội đồng nhân dân thành phố, phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội. Ông làm việc đầy nhiệt huyết, hăng say cho mãi đến những năm 80 của thế kỷ trước. Ông qua đời năm 1986 tại Hà Nội, hưởng thọ 87 tuổi. Do công lao đóng góp với cách mạng ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương độc lập hạng nhì, Huân chương lao động hạng 3 và nhiều phần thưởng cao quý khác. Trong đó đáng ghi nhớ là lần đến thăm gia đình ông của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đêm giao thừa Tết năm 1963 (Quý Mão) tại 72 Nguyễn Du – Hà Nội.

Theo tộc phả 12 đời của hộ Hồ Đắc ở An Truyền (làng Chuồng) huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế thì ông Hồ Đắc Điềm là cháu nội của hầu tước Hồ Đắc Tuấn và công nữ Thúc Huấn (con gái Tùng Thiện Vương Miên Thẩm). Bà Thúc Huấn đã bị quân Pháp giết vào ngày thất thủ kinh đô Huế 23-5 năm Ất Dậu (1885).

Ông Hồ Đắc Điềm là con của thượng thư Hồ Đắc Trung. Cụ Hồ Đắc Trung tham chính vào hàng đại thần của triều Nguyễn, rất được trọng dụng. Cụ còn là Quốc trượng (nhạc phụ) của vua Khải Định. Cũng giống như cụ Hồ Đắc Tuấn, cụ Hồ Đắc Trung tuy quyền cao chức trọng, nhưng là người giàu lòng nghĩa hiệp, tính ngay thẳng, sống thanh liêm, không vơ vét làm giàu, lo giúp người hơn tích của, cụ thường bênh vực những người có tư tưởng cách tân, tiến bộ, các nhân sĩ yêu nước. Trong một số sách đã xuất bản có các bài viết nêu quan hệ thâm tình giữa cụ Hồ Đắc Trung với vua Duy Tân, thượng thư Cao Xuân Dục, thượng thư Lê Trinh, phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và với Thái Phiên, Trần Cao Vân là bạn đồng học.

Năm Duy Tân thứ 3 (1910) cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh chủ tịch Hồ Chí Minh) làm tri huyện An Nhơn (Bình Định) vì bênh vực người nghèo, có lần đã để một số chính trị phạm trốn thoát, cụ phó bảng bị cách chức, bị đuổi về quên ở Nghệ An. Cụ Hồ Đắc Trung đã cùng cụ Cao Xuân Dục đứng ra bảo lãnh xin cho ông phó bảng được cư trú tự do ở ngoại thành Huế, để tiếp tục lo cho 2 con là Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành được học hành theo nguyện vọng.

Năm 1916, vua Duy Tân bị Pháp bắt và quy tội mưu phản, buộc Hội đồng nhiếp chính Nam triều phải đưa ra xét xử. Thượng thư bộ học Hồ Đắc Trung được cử làm chánh án. Chánh án Hồ Đắc Trung đã làm bản án: “Tuổi đời non trẻ, thiếu kinh nghiệm, đã vọng thính sàm ngôn, khinh nguy xã tắc…”. Ý nói nhà vua chỉ là người a dua, có lỗi với chính phủ, nhưng không phạm lỗi với dân. Tòa quyết định tha bổng.

Lật lại vụ án Trần Cao Vân và Thái Phiên có sự bảo lãnh của cụ Hồ Đắc Trung 6 năm trước, Pháp bắt cụ Hồ Đắc Trung giam cùng vua Duy Tân. Không tìm được chứng cứ, chúng không làm gì được, phải duyệt bản án chỉ xử đày vua Duy Tân ra đảo Réunion ngày 3/11/1916 và không truy xét đến cụ Hồ Đắc Trung nữa.

Ông Hồ Đắc Điềm có tất cả 10 anh chị em. Trong đó có một số vị giàu lòng yêu nước, đã có công lao đóng góp cho cách mạng. Ngoài ông Hồ Đắc Điềm còn có ông Hồ Đắc Di, giáo sư bác sĩ (tốt nghiệp Y khoa Paris) là vị hiệu trưởng Đại học Y khoa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ông mất năm 1984, hưởng thọ 84 tuổi. Ông Hồ Đắc Liên, tốt nghiệp ngành địa chất mỏ Paris – là tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất đầu tiên của nước ta. Ông Hồ Đắc Ân tiến sĩ tốt nghiệp Dược khoa Paris, đã có nhiều đóng góp trong bào chế thuốc phục vụ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông Hồ Đắc Điềm còn có 2 người chị và 2 người em gái. Mỗi người có một nét riêng rất Huế. Bà Hồ Thị Phương (Sài) là con dâu của thượng thư Lê Trinh (1850-1909) – Người đã tôn vua Duy Tân và cứu Phan Châu Trinh thoát khỏi án chém (Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, Nxb Đà Nẵng, 2001) – Bà Hồ Thị Phương và ông Lê Ngô (con trai cụ Lê Trinh) có 7 người con, phần lớn đều tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Bà Hồ Thị Huyên mẹ của nhà bác học Bửu Hội là một phật tử đã tình nguyện tự thiêu nhưng không thành để phản đối Mỹ - Diệm đàn áp Phật giáo. Bà Hồ Thị Chỉ là vợ vua Khải Định (xung quanh việc này cũng đã có nhiều giai thoại). Đặc biệt người em gái út là bà Hồ Thị Hạnh tức sư bà Thích nữ Diệu Không, một nữ tu danh tiếng trong giới Phật giáo. Sư bà đã gắn bó với phong trào Phật giáo miền Nam trong những năm 1960 chống Mỹ - Diệm đàn áp Phật giáo. Ngoài việc tu hành, Sư bà còn tham gia các hoạt động từ thiện xã hội mấy chục năm liền. Sau năm 1975, Sư bà với cương vị đứng đầu giới nữ tu miền Nam đã góp phần tích cực vào quá trình thống nhất tổ chức Phật giáo toàn quốc. Sư bà viên tịch năm 1997 hưởng thọ 93 tuổi. Sinh thời, Sư bà thích viết văn, làm thơ, là tác giả của tập hồi ký Đường Thiền sen nởvà tập thơ Diệu Không thi lục.

Có thể nói các con của cụ Hồ Đắc Trung, tuy xuất thân từ một danh gia vọng tộc, lại hấp thụ nền học vấn phương Tây, nếm trải qua cuộc sóng của thời kỳ lịch sử có nhiều biến động, nhưng với nền nếp gia phong thấm đậm bản sắc dân tộc, tuy mỗi người một hoàn cảnh sống riêng, nhưng tất cả đã phát huy được truyền thống của dòng họ, hòa nhập cùng với dân tộc và có những đóng góp nhất định vào lợi ích chung của xã hội trong bước đường đi lên (theo Đắc Hoài và Đắc Duy). Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam30/4/1975, vào năm 1977, bốn anh em Hồ Đắc Điềm, Hồ Đắc Di, Hồ Đắc Ân, Hồ Thị Hạnh (sư bà Diệu Không) đã vinh dự là đại biểu đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đầu tiên của đất nước thống nhất. Một cuộc trùng phùng đẹp đẽ, có ý nghĩa lịch sử và đầy cảm động.

Những năm tháng đi theo kháng chiến

Ông Hồ Đắc Điềm và vợ là bà Hoàng Thị Lý (con gái Hoàng Trọng Phu – tổng đốc Hà Đông) đã dám từ bỏ tất cả, với lòng yêu nước thiết tha, đặt lợi ích cảu dân tộc lên trên hết để đi theo kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ. Những ngày đầu Cách mạng tháng Tám, đối với ông và gia đình câu chuyện diễn ra tưởng chừng như rất đơn giản nhưng vô cùng có ý nghĩa: Trong đêm 19/8, khi quân cách mạng bừng bừng khí thế đánh chiếm dinh tổng đốc Hà Đông, chính thời điểm có tính chất quyết định đó thì ông Hồ Đắc Điềm không có mặt tại công đường, mà đang chỉ huy dân chống lụt bảo vệ đê. Nghe tin ông đã vội trở về, ra lệnh phải đầu hàng và sau đó bàn giao cho chính quyền cách mạng khá êm thấm. Trong biên bản bàn giao có chữ ký của ông Hồ Đắc Điềm và ông Đặng Kim Giang đại diện chính quyền cách mạng thời điểm lịch sử ấy. Sau đó ông Hồ Đắc Điềm cùng gia đình đã có người theo lệnh trên dẫn đi theo đường bộ rồi đường thủy từ Hà Đông vào Thanh Hóa, huyện Vĩnh Lộc là điểm đầu tiên (vùng tự do kháng chiến) ông và gia đình dừng chân. Sau đó là Nghệ An, Hà Tĩnh, chiến khu Việt Bắc.

Trong nhiều trọng trách được giao phó, thì dấu ấn không thể phai mờ một thuở còn lưu lại mãi với thời gian, với những người cùng thế hệ đương thời và cả giới trẻ sau này trong tâm tư tình cảm của họ là ông đã tâm huyết dấn thân vào một công việc bình lặng với nguyện ước theo lời căn dặn của chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đi thắp sáng trí tuệ, đi san sẻ chữ cho người còn nghèo chữ”. Từ những vị trí trưởng ban chỉ đạo xóa mù chữ Hà Nội, trưởng ban lãnh đạo bổ túc văn hóa Hà Nội, trưởng tiểu ban bổ túc văn hóa của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội… ông đã tận tụy, hết lòng hết sức, dồn tất cả tâm trí công sức cho hoạt động đầy ý nghĩa nhân văn mà đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Ông đã lăn lộn với phong trào đầy gian nan thử thách: Bình dân học vụ, xóa mù chữ, bổ túc văn hóa và sau này là giáo dục thường xuyên. Dù ở cương vị công tác nào thì nâng cao dân trí và những việc làm cụ thể là tâm đức, là ước vọng cao đẹp của ông. Các lớp học xóa mù chữ, bổ túc văn hóa ở các khu lao động đều in dấu chân ông. Những người công tác cùng thời với ông tất cả đều nể phục, ca ngợi ông.

Ông bà Hồ Đắc Điềm có 2 người con (1 gái, 1 trai), trong một gia đình tham gia kháng chiến bà Hồ Đắc Điềm (bà Hoàng Thị Lý) – một người mẹ nhẫn nại, chu đáo chăm sóc chồng, nuôi dạy 2 con khôn lớn và thành đạt. Bà Hồ Thể Tần hiện nay nghỉ hưu tại Hà Nội, nguyên là giáo viên văn trường Trưng Vương Hà Nội, sau đó là chuyên viên Sở giáo dục và Bộ giáo dục. Bà là dịch giả tác phẩm Chuông nguyện hồn aicủa Heminway, Con đường đau khổcủa A.Tonxtoi; là mẹ của Phạm Như Anh – người yêu của Nguyễn Văn Thạc trong Mãi mãi tuổi 20(cùng với Nhật ký Đặng Thùy Trâmlàm rung động lòng người, nhất là trong thế hệ trẻ). Chồng bà là Phạm Thành Vinh (cháu ruột nhà cách mạng tiền bối Phạm Hồng Thái) từng là giảng viên trường Đại học Kinh tế, làm việc ở Hội luật gia Việt Nam . Sau năm 1975, tuy đã về hưu nhưng ông vẫn được mời làm cố vấn cho kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam và ông Trần Dương – Thống đốc ngân hàng Nhà nước lúc bấy giờ, vừa qua đời ở thành phố Hồ Chí Minh năm 1978 sau một cơn đau tim đột ngột. Em trai của Hồ Thế Tần là Hồ Đắc Hoài, tư chất thông minh, am hiểu khá rộng, là lớp kỹ sư địa chất đầu tiên (theo học ở Liên Xô cũ) đã kinh qua viện trưởng viện dầu khí, viện trưởng đất hiếm, thành viên Hội đồng ở quản trị dầu khí…

Trên đây là những điều tôi biết về ông Hồ Đắc Điềm và gia đình, xin ghi lại để độc giả tham khảo, bổ sung hoặc chỉnh sửa những điểm chưa chính xác.

Để kết luận xin trích một đoạn hồi ký “Vài kỷ niệm về cuộc kháng chiến” của ông Hồ Đắc Điềm viết bằng Pháp văn cho tạp chí Le Courrier du Việt Namvào tháng 12/1962 và được tác giả Nguyễn Hữu Lương dịch ra tiếng Việt như sau: “… Người trí thức luôn coi trọng giá trị tinh thần hơn cả vật chất, dù các điều kiện ấy có sức quyến rũ đến bao nhiêu chăng nữa. Chắc chăn không phải dễ dàng gì từ bỏ ngay tức thì một cuộc sống đầy đủ tiện nghi, đảm bảo, bỏ một gia tài kha khá lớn để lên núi rừng Việt Bắc rậm rạp hoặc đến vùng đồng bằng Nghệ An khô cằn, thiếu thốn đủ mọi tiện nghi để sống những ngày đầy bất trắc. Bây giờ, mỗi lần nghĩ lại ngày ấy, tôi thầm cảm ơn số phận đã cho tôi sống thời kỳ kháng chiến. Cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc đã đồng thời tháo gỡ những xiềng xích vô hình trói buộc tôi gần 30 năm vào cuộc sống ươn hèn và ngu si trong chế độ phong kiến suy tàn, đồng minh với bọn thực dân tàn bạo bất nhân…”

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).
Đồng Tháp: Tổ chức hội nghị về Trí tuệ nhân tạo AI
Ngày 27/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp (Liên hiệp hội) đã phối hợp với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Trí tuệ nhân tạo (AI): Xu hướng phát triển và những gợi mở cho đội ngũ trí thức hiện nay”.

Tin mới