Tiền Giang: Sáng tạo nón lá cách nhiệt tiện dụng
Đây là giải pháp sáng tạo do cô Nguyễn Thị Ngọc Mai, giáo viên dạy nghề cắt may Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) thực hiện. Giải pháp này được trao giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XV (2022-2023).
Cô Nguyễn Thị Ngọc Mai tại Hội nghị tổng kết và trao giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XV (2022 – 2023)
Cô Nguyễn Thị Ngọc Mai cho biết, do xuất thân gia đình cũng từ nghề nông nên cô thấu hiểu những cơ cực, nhọc nhằn của người nông dân, nhất là phải mưu sinh trong điều kiện khí hậu ngày càng khắc nghiệt như hiện nay. Trong đợt Covid-19 năm 2021, trong thời gian làm việc tại nhà, nhìn những cô chú nông dân phải thường xuyên làm việc dưới cái nắng gay gắt như thiêu đốt để chăm sóc thanh long như: Tỉa cành, vuốt tay, thu hoạch… tôi suy nghĩ, phải tìm cách tạo ra dụng cụ giúp người nông dân đỡ phần vất vả khi làm việc ngoài trời.
Đầu tiên, cô Ngọc Mai sử dụng chiếc nón lá truyền thống mà người làm nông thường sử dụng để cải tiến thành chiếc nón lá cách nhiệt giúp che mưa, che nắng và giảm bớt tác hại của tia cực tím từ ánh nắng mặt trời. Các dụng cụ để tạo ra sản phẩm gồm: Giấy cách nhiệt (loại chống nóng trần nhà), vải thun cotton, móc quần tây, dây thun (loại bản nhỏ). Theo đó, tấm cách nhiệt được thiết kế gồm 2 lớp, lớp vải ở trên được may dính với giấy cách nhiệt ở dưới, tạo thành hình nón với kích thước vừa khích với mặt ngoài của nón lá và phủ dài hơn chiếc nón lá khoảng 10cm. Tấm cách nhiệt được cài chặt với nón lá nhờ vào 4 móc quần tây và dây thun (một đầu dây thun được may dính với tấm cách nhiệt, một đầu móc vào xương bằng nan tre của nón lá) nên tránh được gió cuốn.
Sau khi hoàn thiện sản phẩm “Nón lá cách nhiệt”, cô Ngọc Mai gửi tặng chiếc nón đặc biệt này cho các cô bác nông dân dùng thử khi thao tác vuốt tai thanh long và nhận được thông tin phản hồi rất tích cực. Nhận xét của bà con nông dân sau khi sử dụng nón lá cách nhiệt: Khi làm việc ngoài trời nắng, sử dụng nón lá cách nhiệt cảm giác mát mẻ hơn nón lá truyền thống; do vành lá được thiết kế rộng hơn, có thể che mát cho cả lưng và hai vai. Tấm cách nhiệt ngoài công dụng làm mát, mặt trên được thiết kế bằng vải thun cotton rộng vành, giúp bảo vệ khuôn mặt người đội cũng như giữ cho tấm cách nhiệt không bị rách do gai của cây thanh long.
Sau khi dùng thử “Nón lá cách nhiệt” thấy hiệu quả, tiếng lành đồn xa, không chỉ bà con nông dân trồng thanh long, trồng rau màu trên địa bàn huyện Chợ Gạo, một số bà con trồng đậu phộng ở tỉnh Long An cũng liên tục gọi điện đặt hàng. Tính từ khi tạo ra chiếc nón lá cách nhiệt đầu tiên, đến nay chị đã gia công và xuất bán gần 200 chiếc nón cho khách hàng ở trong và ngoài tỉnh có nhu cầu.
Chưa dừng lại ở đó, để giúp bà con nông dân làm việc cả ngày ngoài đồng khi thời tiết thay đổi đột ngột (lúc thì nắng nóng, khi thì mưa dầm), cô Ngọc Mai đã nghiên cứu cải tiến chiếc nón lá cách nhiệt theo hướng bổ sung thêm phần tà che lưng dài khoảng 10cm (may liền với tấm cách nhiệt, có dây buộc quanh eo). Sử dụng chiếc nón cách nhiệt phiên bản mới này, bà con có thể làm cỏ, dặm lúa, thu hoạch rau màu… không phải trang bị thêm áo mưa khi thời tiết chuyển từ nắng gắt sang mưa dầm nên rất tiện dụng.
Do sử dụng các loại vật liệu thứ phẩm (sử dụng vải mua ký), rẻ tiền để tạo ra sản phẩm nên giá thành sản xuất phù hợp, cộng với tính năng sử dụng hiệu quả nên “Nón lá cách nhiệt” do cô Nguyễn Thị Ngọc Mai sáng tạo ra rất được khách hàng ưa chuộng, đặc biệt là bà con nông dân. Hiện tại, nón lá cách nhiệt được bán với giá 50 ngàn đồng/chiếc, nón lá cách nhiệt có tà che mưa, nắng được bán với giá 75 ngàn đồng/chiếc
Theo Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XV (2022 – 2023), giải pháp sáng tạo do tác giả Nguyễn Thị Ngọc Mai nghiên cứu tạo ra không chỉ đảm bảo về tính mới, tính sáng tạo, khả năng ứng dụng, mà còn đảm bảo các tiêu chuẩn về kỹ thuật, mỹ thuật, độ bền (thời gian sử dụng gấp 3 lần so với nón lá truyền thống không sử dụng tấm cách nhiệt); đặc biệt, sản phẩm này vừa mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường (tạo thêm thu nhập; giúp tiêu thụ nguyên, vật liệu thứ phẩm; giúp tiết kiệm chi phí cho người sử dụng), vừa giúp bảo vệ sức khỏe cho bà con nông dân, nhất là phụ nữ.