Thượng tướng Hoàng Minh Thảo: Cách mạng tháng Tám – sự đổi đời của cả dân tộc
PV: Thưa Thượng tướng, được biết để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa, Bác Hồ đã cử một số thanh niên ưu tú trong đó có ông sang Trung Quốc học về nghệ thuật quân sự và học hỏi những kinh nghiệm chiến đấu để lãnh đạo phong trào cách mạng. Xin Thượng tướng cho biết thắng lợi của Cách mạng tháng Tám có sự đóng góp của nhóm thanh niên ưu tú ấy như thế nào?
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo: Năm 1941, tôi cùng một số đồng chí được Bác Hồ lựa chọn đi học ở Trung Quốc. Sau khi học tập và trở về nước, các đồng chí trong đợt đào tạo đó đều trở thành hạt nhân nòng cốt của cách mạng và đã có nhiều đóng góp cho cách mạng. Từ cuối năm 1944 họ đã tổ chức các đội tuyên truyền giải phóng quân, đặc biệt vào những ngày đầu tháng Tám năm 1945 đã đánh Nhật tại Thái Nguyên. Những việc làm này đã có tác động rất lớn đến thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám lịch sử. Cần phải nói thêm rằng trong đợt cử cán bộ đi học ở Trung Quốc, Bác Hồ đã khẳng định "Chiến đấu với bọn thực dân phải bằng đấu tranh vũ trang, chứ không thể bằng thương lượng và thỏa hiệp". Vì vậy, Bác đã cử cán bộ đi sang Trung Quốc để học về nghệ thuật quân sự và học hỏi những kinh nghiệm chiến đấu của các nước bạn.
PV: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám thể hiện sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của lãnh tụ Hồ Chí Minh và thể hiện tư tưởng "lấy dân làm gốc" của Người?
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo: Tư tưởng của Bác Hồ là đoàn kết toàn dân, lấy dân làm gốc, không phân biệt sang hèn, tôn giáo, gái hay trai... Là người dân Việt Nam thì phải đứng lên chiến đấu giành độc lập cho Tổ quốc. Tư tưởng vĩ đại "Lấy dân làm gốc" đó đóng vai trò là sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Người đã dạy: "Không có gì quý hơn độc lập tự do". Chính vì vậy mà nhân dân ta đã anh dũng đứng lên đấu tranh giành độc lập và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ tạo nên sức mạnh to lớn. Theo quan điểm của Bác Hồ, không những phải "lấy dân làm gốc" mà dân phải làm chủ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại của dân tộc ta. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng mở đầu cho sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
PV: Là một người đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình nghiên cứu khoa học quân sự, ông có thể cho biết vài nét cơ bản của sự kiện làm nên sự đổi đời của dân tộc ta từ nô lệ lầm than sang người làm chủ?
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo: Chiều 15-8-1945, khi có tin phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, đại diện của Xứ ủy Bắc Kỳ được giao nhiệm vụ ở lại Hà Nội đã cấp tốc bàn bạc và đi tới quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa và sẽ trực tiếp tổ chức các cuộc mít-tinh, tuần hành, biểu dương lực lượng gây hoang mang cho chính phủ Trần Trọng Kim (do Nhật lập ra) trước khi đi tới khởi nghĩa cướp chính quyền.
Ngày 17-8-1945, ta tổ chức cuộc mít tinh với sự tham gia của hàng vạn người đứng đầy đường và hô to “Việt Nam độc lập muôn năm”, sau đó đã biến thành cuộc tuần hành thị uy của quần chúng cách mạng. Hà Nội tràn ngập không khí cách mạng. Sáng ngày 19-8-1945 hơn 10 vạn đồng bào Hà Nội xuống đường tuần hành thị uy. Một cuộc mít tinh lớn ở Quảng trường nhà hát lớn chuyển thành khởi nghĩa giành chính quyền. Lực lượng quần chúng nhanh chóng chiếm Phủ Khâm sai, Tòa thị chính thành phố, trại bảo an và các công sở quan trọng khác.
Chiều tối 19-8, phái đoàn đàm phán của ta do ông Lê Trọng Nghĩa và cố vấn Trần Đình Long dẫn đầu đã trực tiếp gặp gỡ và đàm phán với tướng Tsuchihashi - Tổng tư lệnh kiêm Toàn quyền Nhật - ngay tại Tổng hành dinh quân đội Nhật (nay là 33 Phạm Ngũ Lão). Cuộc đàm phán diễn ra khá gay go nhưng cuối cùng phía Nhật đã chấp nhận án binh bất động, không can thiệp vào công việc của Việt Minh; đổi lại binh lính của họ sẽ được bảo đảm an toàn, không bị Việt Minh tấn công. Họ đã chấp nhận chính quyền cách mạng của ta. Kết quả đàm phán với Nhật mang ý nghĩa quyết định cho thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa Hà Nội bởi chúng ta đã tránh được cuộc đối đầu trực tiếp với lực lượng vũ trang của Nhật mà còn loại trừ mọi hy vọng của các lực lượng chính trị khác vào khả năng đảo ngược tình thế tại Thủ đô vào thời điểm đó.
Trong đêm 19-8, ta chính thức hoá vai trò của chính quyền cách mạng với nhân dân và cộng đồng quốc tế. Ngày 20-8, khoảng 10 giờ 30 sáng, Ủy ban nhân dân Cách mạng Bắc Bộ, đại diện cho chính quyền cách mạng lâm thời đã chính thức ra mắt quốc dân đồng bào. Thắng lợi ở Hà Nội lập tức kéo theo một sự rung động và làm tan vỡ hệ thống chính quyền thân Nhật ở toàn vùng. Đây là một ngày vô cùng trọng đại của một dân tộc, từ một dân tộc nô lệ nay đã được tự do.
PV: Thưa Thượng tướng, ông vừa là người nghiên cứu khoa học quân sự, vừa là người từng đi qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta. Vậy ông thấy như thế nào khi nhiều em nhỏ thuộc sử nước người hơn sử của ta?
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo: Chúng ta được sở hữu một lịch sử hào hùng, mỗi tấc đất của chúng ta đều thấm máu của các anh hùng liệt sĩ. Tôi thật sự thấy chua xót khi có nhiều thông tin của đài báo đưa ra, nào là điểm thi môn sử của các em là quá thấp, nhiều em còn nhầm lẫn sử ta sang sử Trung Quốc… Điều này thể hiện sự coi thường quá khứ hào hùng của dân tộc. Theo tôi trong chương trình học phổ thông nên tăng thời gian học môn sử. Bên cạnh đó, các phương tiện thông tin đại chúng cũng nên có những chương trình thích hợp để dân ta hiểu thêm về sử ta. Hiểu được quá khứ hào hùng của dân tộc thì lớp trẻ càng trân trọng cuộc sống ngày hôm nay và như vậy sẽ gắng sức để xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.
PV: Xin cảm ơn Thượng tướng.
Theo Báo Hải quan