Thuốc trị đầy bụng khó tiêu
- Thuốc kháng axit dạ dày, có các nhóm:
Phức hợp của các muối nhôm và ma-nhê có tác dụng trung hoà axitdạ dày. Không dùng chung những thuốc này với các thuốc nhóm quinidin; uống cách khoảng 2 tiếng với các thuốc kháng histamin H1, kháng sinh nhóm cyclin, corticoid, ethambutol, isothizid… và cách 4 giờ với các thuốc fluoroquinolon để tránh làm giảm sự hấp thu của các thuốc vừa kể.
Thuốc kháng histamin H2 (cimetidin, famoditin, nazatadin), ức chế bơm proton (omeprazol, pantoprazol,…) có tác dụng ngăn cản sự tiết axitcủa dạ dày. Với các thuốc này, người bệnh không được tự ý dùng mà nên tham khảo ý kiến của những người chuyên môn.
- Thuốc chống đầy hơi, có các loại:
Simethicol, dimethicol là những chất trơ, không có độc tính và chỉ có tác dụng tại chỗ, thuốc không được hấp thu nên không gây tác động toàn thân. Thuốc có tác dụng làm giảm sức căng bề mặt của các bóng hơi trong ruột, khiến chúng nhập vào nhau, xẹp xuống, giúp hơi dễ bị tống ra ngoài, làm giảm sình bụng nên được dùng để ngăn ngừa những cảm giác khó chịu khi bị trướng bụng và ứ hơi trong đường tiêu hoá. Các chất này có thể dùng riêng nhưng thường là phối hợp với tinh dầu, men tiêu hoá hay với các chất trung hoà axitgiúp làm giảm hơi sinh ra trong phản ứng trung hoà axitdạ dày trước đó.
Than hoạt tính hấp phụ các chất khí và chất độc, rồi thải ra ngoài theo phân. Do có đặc tính hấp phụ tất cả các chất nên không uống những thuốc có thành phần chứa than hoạt tính chung với bất cứ thuốc nào khác để không làm mất tác dụng của thuốc, tốt nhất nên dùng cách xa khoảng 2 giờ.
- Thuốc điều hoà hệ tiêu hoá(domperidon, mosaprid, metoclopramid) được dùng trong chứng khó tiêu mà nguyên nhân là do rối loạn nhu động đường tiêu hoá. Thuốc có tác dụng kích thích nhu động dạ dày nên làm tăng quá trình làm rỗng dạ dày và giảm sự trào ngược từ tá tràng, dạ dày lên thực quản. Thuốc không ảnh hưởng đến sự tiết dịch của dạ dày. Không dùng nhóm thuốc này cho phụ nữ có thai, những trường hợp tắc ruột, chảy máu đường tiêu hoá…
- Các mennhư lipase, amylase, protease, papain giúp thúc đẩy nhanh quá trình tiêu hoá những thực phẩm ăn vào, được phối hợp với những chất trên để điều trị chứng khó tiêu.
- Một số thuốc có chứa tinh dầucó tác dụng điều hoà nhu động cơ trơn của ống tiêu hoá, gây trung tiện làm giảm hơi (sinh ra do thức ăn không tiêu và bị lên men trong ruột).
Các hoạt chất trên được bào chế riêng biệt hay phối hợp nhiều loại trong một chế phẩm, vì thế, có nhiều thuốc tuy khác tên biệt được nhưng lại chứa cùng một số chất giống nhau. Nếu không biết mà tự ý dùng thuốc tuỳ tiện, có thể uống vài ba thứ thuốc có cùng một hoạt chất, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ. Tốt nhất nên uống thuốc sau khi đã có ý kiến của bác sĩ hay dược sĩ.
Ngoài ra, nếu trong thực phẩm có thêm một số gia vị dược liệu như gừng, tỏi, ngò, thì là,… cũng giúp phòng chống khó tiêu rất hữu hiệu mà lại rẻ tiền, dễ tìm và làm tăng cảm giác ngon miệng.
Để giảm sự khó chịu của chứng bệnh này, sau khi ăn no đừng cúi người hoặc đi nằm ngay. Đi bộ chậm rãi mươi phút sau bữa cơm sẽ giúp dạ dày tiêu hoá thức ăn dễ dàng, phòng ngừa thức ăn trào ngược trở lên và gây ợ nóng. Tránh dùng các loại thức ăn đã biết sẽ gây khó chịu, hạn chế chất béo, cà phê, nước giải khát có gaz…