Thực trạng ngành khai khoáng Việt Nam và vấn đề phát triển bền vững
1. Tổng quát về tình hình công nghiệp khai khoáng
Trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hoá, tham gia hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản chỉ có các doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay, trong nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, ngoài các doanh nghiệp nhà nước, đã có nhiều thành phần kinh tế khác tham gia khai thác khoáng sản như: doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài, hợp tác xã, tổ hợp tác…
Các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh tham gia chủ yếu trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khai thác tận thu khoáng sản kim loại. Năng lực đầu tư cho khai thác, chế biến sâu còn hạn chế.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia trong lĩnh vự khai thác khoáng sản phục vụ công nghiệp sản xuất xi măng, khai thác đá ốp lát, đá vôi trắng, nước khoáng, vonfram, vàng…
2. Khái quát về tình hình khai thác một số khoáng sản chính trong thời gian qua
Tài nguyên khoáng sản của nước ta chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền núi, trung du. Đây là khu vực địa lý với điều kiện kinh tế và cơ sở hạ tầng còn rất nhiều khó khăn, hạn chế giao thông chưa phát triển, giáo dục, y tế, trình độ dân trí còn ở mức độ thấp, lạc hậu; dân cư thưa thớt.
a. Ngành công nghiệp khai thác than của nước ta đã có truyền thống hơn 100 năm và vùng than Quảng Ninh là khu vực tập trung của ngành công nghiệp này.
Sản lượng khai thác than tăng nhanh hơn rất nhiều so với dự kiến trong Tổng sơ đồ phát triển. Mỏ lộ thiên càng phải xuống sâu và mở rộng hơn, các mỏ hầm lò phải mở thêm các lò chợ mới. Đầu tư cho khai thác, đặc biệt là đầu tư máy móc hiện đại, trang thiết bị bảo hộ lao động, phòng ngừa sự cố tai nạn, phòng chống cháy nổ… vẫn còn chậm hơn tốc độ tăng sản lượng nên đã đặt ra những thách thức mới về an toàn lao động, bảo vệ sức khoẻ người lao động và bảo vệ môi trường, môi sinh.
Ở vùng than Quảng Ninh, một thực trạng khó khăn và thách thức đối với các mỏ khai thác lộ thiên là các bãi thải đất đá hiện nay đã ở trong tình trạng quá tải. Những vấn đề về bụi, tiếng ồn, chấn động, nước thải mỏ, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, sụt lún, trượt lở đất đá… đang đe doạ đến cuộc sống của nhân dân, đến di sản Vịnh Hạ Long.
b. Khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng: Ngành xây dựng đã và đang phát triển rất nhanh và mạnh. Do nhu cầu về vật liệu xây dựng lớn nên hoạt động khai thác, chế biến vật liệu xây dựng diễn ra trên hầu hết các địa phương trong cả nước. Hiện nay, các mỏ khai thác vật liệu xây dựng chiếm số lượng nhiều nhất với nhiều loại quy mô sản lượng nhất.
Công nghệ khai thác ở các mỏ đá vôi của các nhà máy xi măng công suất lớn đều ở mức tiên tiến. Một số mỏ được đầu tư dây chuyền công nghệ khai thác, vận tải hiện đại. Các mỏ khai thác đá vôi của các nhà máy xi măng lò đứng đều hạn chế về mức độ đầu tư cho khâu khai thác mỏ. Cá biệt có những nơi thu mua nguyên liệu từ bên ngoài vào chế biến hoặc thuê tổ chức, cá nhân khác khai thác để cung cấp nguyên liệu cho nhày máy. Các mỏ này thường được khai thác không tuân thủ đúng thiết kế mỏ. Tình trạng mất an toàn trong khai thác, không đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường trong khai thác mỏ thường xuyên xảy ra.
Khai thác vật liệu xây dựng thông thường: đá, cát, sỏi, sét gạch ngói, đất san lấp, cát san lấp phát triển mạnh trên tất cả các tỉnh trong cả nước. Bên cạnh một số ít các mỏ đá được đầu tư dây chuyền công nghệ khoan, nổ mìn, xúc, vận tải, nghiền, sàng tiên tiến, phần lớn các mỏ đá được khai thác thủ công hoặc bán cơ giới. Một số có quy mô trữ lượng lớn nhưng lại được chia nhỏ thành hàng chục điểm khai thác kế tiếp nhau đã dẫn đến những hậu quả xấu như: sản xuất manh mún, không đảm bảo an toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan, gây lãng phí tài nguyên. Nhìn chung việc khai thác, chế biến vật liệu xây dựng thông thường hiện nay gây ra tình trạng lộn xộn, khó kiểm soát về an toàn lao động, bảo vệ sức khoẻ người lao động, bảo vệ môi trường, cảnh quan.
c. Khai thác khoáng sàng, quặng kim loại:
Về thiếc: những khu vực quặng giàu, dễ khai thác đã bị khai thác gần hết, phần còn lại chủ yếu là những khu vực quặng nghèo hoặc các điểm quặng nhỏ. Việc khai thác thiếc trái phép thường xuyên xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước. (Có đến khoảng 50% sản lượng quặng thiếc cung cấp cho các lò luyện thiếc kim loại từ nguồn khai thác trái phép).
Về sắt:Mỏ Trại Cau khai thác quặng sắt bằng phương pháp lộ thiên với sản lượng 200 – 250 ngàn tấn/ năm. Thiết bị khai thác nhìn chung cũ và lạc hậu, năng suất thấp, tổn thất tài nguyên cao. Mỏ sắt Quý Sa, Lào Cai đã được cấp giấy phép, bắt đầu khai thác vào đầu năm 2008 với sản lượng 1,5 đến 3,0 triệu tấn quặng sắt/ năm. Vùng quặng sắt Cao Bằng còn nhiều điểm mỏ, quặng manhetit chất lượng tốt, đang được Tổng Công ty Thép Việt Nam, Công ty Gang thép Cao Bằng và một số công ty của địa phương khai thác. Mỏ sắt Thạch Khê đã có dự án khai thác với sản lượng khoảng 10 triệu tấn/ năm và ở đây sẽ xây dựng khu công nghiệp luyện kim lớn.
Về đồng:mỏ đồng Sin Quyền bắt đầu được khai thác từ năm 1992 với sản lượng nhỏ. Hiện nay mỏ này đang được khai thác lộ thiên với sản lượng thiết kế 1,1 triệut ấn quặng nguyên khai/ năm và khối lượng đất bóc trên 3 triệu m3/ năm. Thiết bị khai thác được đầu tư mua sắm các chủng loại có tính năng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Công nghệ tuyển khoáng kết hợp giữa tuyển nổi và tuyển từ. Điều chỉnh các thông số kỹ thuật tuyển khoáng bằng tự động hoá. Tính quặng đồng sau tuyển đạt hàm lượng Cu > 25%.
Về chì - kẽm, tập trung ở các mỏ thuộc tỉnh Bắc Cạn và Thái Nguyên. Ở một số địa phương khác có khai thác quặng chì - kẽm song quy mô sản lượng các mỏ đều ở mức thấp.
Mỏ cromit Cổ Định, Thanh Hoá trước năm 1990 được trang bị dây chuyền khai thác, tuyển khoáng đồng bộ. Sau năm 1990, công tác quản lý khai thác mỏ bị buông lỏng. Mỏ được phân chia thành nhiều khu vực cho nhiều tổ chức khai thác, thậm chí khoán cho các tổ công nhân hoặc hộ gia đình khai thác. Từ đó việc khai thác thủ công được áp dụng, dẫn đến tình trạng tranh chấp, khai thác bừa bãi trong nhiều năm, gây tổn thất tài nguyên, phá vỡ cảnh quan, môi trường hiện đang được dần khắc phục.
Quặng manganở nước ta có trữ lượng nhỏ, phân bổ rải rác trên địa bàn nhiều tỉnh miền Bắc và miền Trung. Ngoài một số doanh nghiệp được cấp giấy phép để khai thác quặng mangan diễn ra việc khai thác diễn ra khá phức tạp và ở nhiều nơi, đặc biệt là ở các địa phương có chung biên giới với Trung Quốc.
Đối với vàng sa khoáng, đã có một số tổ chức, cá nhân xin khai thác quy mô nhỏ. Tuy nhiên do hàm lượng vàng phân bố không đều, phương pháp quản lý chưa tốt nên nhìn chung hiệu quả kinh tế thấp. Hiện tại, chỉ có màng Bồng Miêu đã được thăm dò và đang đi vào khai thác.
Về đá quý, các doanh nghiệp khai thác sau một số năm hoạt động không có hiệu quả kinh tế đã phải tự giải thể. Hoạt động khai thác đá quý trái phép diễn ra thường xuyên trên địa bàn một số địa phương, thủ công, đơn lẻ và mang tính chất thời vụ. Sản phẩm khai thác chỉ phục vụ cho hoạt động thương mại tự do, chất lượng sản phẩm đá quý không có giá trị cao, sản lượng nhỏ.
d. Khai thác khoáng sản hoá chất, phân bón: Mỏ ApatitLào Cai có quy mô trữ lượng lớn, là nguồn nguyên liệu quan trọng để sản xuất phân bón cho nông nghiệp. Mỏ Apatit Lào Cai có trữ lượng đã được thăm dò 908 triệu tấn và trữ lượng dự báo 2,1 tỷ tấn, với 3 loại quặng: I, II và III.
Quặng Apatit loại III có hàm lượng P 2O 5thấp, được tập trung vào các khu bãi chứa tạm thời, gây ảnh hưởng đến an toàn, môi trường, sinh thái. từ 1995 Nhà máy tuyển Tằng Loỏng và từ 2006 Nhà máy tuyển Cam Đường có nhiệm vụ xử lý đối tượng quặng III thu được trong quá trình khai thác quặng loại I và từ các bãi chứa trên.
Các mỏ pyritđã và đang được đầu tư khai thác là nguồn nguyên liệu để sản xuất axit sunfuric. Các mỏ này đều có sản lượng thấp.
3. Ngành khai khoáng nước ta dưới góc độ phát triển bền vững
Ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản của nước ta mặc dù còn đầu tư ở quy mô nhỏ, nhưng cũng có những đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, giá trị đóng góp cho phát triển kinh tế đất nước của ngành công nghiệp khai khoáng còn một số hạn chế. Nhà nước mới chỉ thu thuế tài nguyên khoáng sản ở một tỷ lệ đầu tư bằng ngân sách nhà nước, chưa có cơ chế và chính sách đấu thầu khai thác, chế biến khoáng sản… Chưa thật sự kinh tế hoá được ngành khai khoáng nhằm nâng cao hơn nữa nguồn thu cho ngân sách quốc gia.
Sản phẩm của ngành công nghiêp khai thác đã trở thành hàng hoá quan trọng phục vụ cho sự nghiệp phát triển của xã hội. Vật liệu xây dựng đã trở nên dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho xây dựng cơ sở hạ tầng nhà cửa, phát triển đô thị và nông thôn, giao thông vận tải, công nghiệp và nông nghiệp… Tạo thêm công ăn việc làm cho nhân dân các địa phương, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa. Trật tự khai thác bảo vệ tài nguyên khoáng sản đã từng bước được thiết lập. Đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân ở những vùng khai thác mỏ từng bước được nâng cao.
Trong những năm gần đây, chấp hành Luật Bảo vệ môi trường và một số văn bản dưới luật khác, hầu hết các tổ chức, cá nhân khi đầu tư khai thác khoáng sản đều lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Camkết bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trong quá trình khai thác, nhiều doanh nghiệp đã làm tốt công tác quan trắc môi trường, có biện pháp bảo vệ môi trường sau khai thác đã hoàn thổ, phục hồi môi trường theo quy định để trả lại đất phục vụ cho các mục tiêu kinh tế khác.
Tuy nhiên, bên cạnh đó hoạt động khai thác khoáng sản cũng đang tạo những mặt tiêu cực cho xã hội, đó là việc khai thác bừa bãi tài nguyên khoáng sản, gây thất thoát và lãng phí tài nguyên, nhiều cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hoá, du lịch… bị ảnh hưởng. Một số khu vực khoáng sản bị khai thác trái phép kéo theo các tệ nạn xã hội phát triển. Một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản do chạy theo lợi nhuận xuống cấp hoặc phá hỏng các công trình dân sinh đã làm cơ sở hạ tầng, gây bụi và tiếng ồn làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của nhân dân. An toàn lao động, bảo vệ sức khoẻ người lao động trong khai thác khoáng sản chưa được chú ý đúng mức, chưa được quản lý chặt chẽ nên hàng năm tai nạn nghiêm trọng, chết người và số lao động bị bệnh nghề nghiệp vẫn có xu hướng gia tăng.
Khai thác chế biến xuất khẩu khoáng sản không theo đúng quy hoạch hoặc không có quy hoạch sẽ làm tổn thất tài nguyên khoáng sản, làm giảm hoặc mất giá trị của khoáng sản. Các thế hệ tương lai sẽ phải gánh chịu nhiều hậu quả do tài nguyên khoáng sản bị cạn kiệt. Đội ngũ cán bộ xây dựng quy hoạch thăm dò khai thác chế biến và sử dụng khoáng sản phải là những người có trình độ cao, có tầm nhìn xa trông rộng. Các bản quy hoạch đã được phê duyệt, đang được áp dụng đều chưa phản ánh được yêu cầu phát triển bền vữung. Quy hoạch hiện nay vẫn ở trong tình trạng phân tán, manh mún dưới dạng kế hoạch ngắn hạn.
Khai thác mỏ có liên quan đến phá hoại rừng, ảnh hưởng đến sinh thái, động vật hoang dã, ảnh hưởng đến nguồn nước mặt và nước ngầm. Nước thải có độ axit cao được thải trực tiếp chưa qua xử lý. Nước chảy tràn kéo theo bùn đất, gây ô nhiễm bồi lấp sông, suối, đồng ruộng. Một số bãi thải quặng đuôi có chứa hoá chất độc hại bị chảy tràn vào các mùa mưa lũ có thể gây ô nhiễm cho một vùng rộng lớn. Tình trạng sử dụng hoá chất rất độc hại như xianua để tách chiết vàng sau đó thải trực tiếp ra sông suối đã gây nguy hiểm cho cộng đồng dân cư, gia súc, gia cầm và động vật hoang dã.
Kế hoạch quan trắc môi trường trong khai thác mỏ chưa được thực hiện một cách đầy đủ nên chưa có giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu các tác động tới môi trường. Tình trạng khai thác khoáng sản nhỏ lẻ, manh mún phổ biến hiện nay đang đặt ra bài toán khó cho vấn đề kiểm soát các dạng ô nhiễm một cách hữu hiệu. Doanh nghiệp đang tập trung chú ý nhiều hơn cho khâu lợi nhuận nên chưa chú ý đúng mức cho công tác bảo vệ môi trường.
Ngành công nghiệp khai khoáng nước ta đang đứng trước một thách thức lớn đối với yêu cầu phát triển bền vững. Đứng trước, những gì đã đạt được so với những tồn tại đang diễn ra, chúng ta chưa thực sự an tâm. Khía cạnh kinh tế có thể có những bước tăng trưởng khá. Tuy nhiên khía cạnh phát triển xã hội, bảo vệ môi trường thực sự còn nhiều bất cập cần phải được nhanh chóng giải quyết. Công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác, chế biến, tiêu thụ khoáng sản cần phải thông suốt quan điểm: phát triển bền vững kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài.