Thực thể Việt - Nhìn từ các tọa độ chữ
Cuốn sách dày hơn 500 trang khổ 16 x 24cm. TS Đinh Hoàng Thắng nhận xét: “Đây là cả một vỉa rừng đại ngàn về tư tưởng và kinh tế - xã hội, về văn hóa và văn chương cùng với một số cây đại thụ do ông Trần Ngọc Vương tuyển chọn…”.
Theo ông Nguyễn Trung, cuốn sách đã “nêu lên nhiều vấn đề hệ trọng trong đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa của đất nước ta kể từ thời Triệu Đà cho tới ngày nay. Tác giả nêu không ít nhận xét, đánh giá của riêng mình, rất đáng là “nhiên liệu” cho việc đào sau, tìm tòi, xác định cái thực thể Việt đích thực để chúng ta nghĩ tiếp, đi tiếp”.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đánh giá: “Sách của Trần Ngọc Vương rất hấp dẫn, tôi đọc một mạch cả quyển”. Tuy nhiên, theo nhà văn, tác giả dường như quá chú tâm về Nho giáo mà hơi nhẹ phần Phật giáo, tuy có bài về Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc lâm Yên Tử, nhưng chưa đủ.
Ông Nguyễn Trung tâm sự: “Càng vào thu, tôi càng bồng bềnh giữa không biết bao suy nghĩ về 1000 năm Thăng Long, miên man liên hệ với con đường đất nước ta đã trải suốt chiều dài lịch sử. Lặn ngụp, trôi dạt trong thác lũ mênh mông miên man ấy, đầu tôi đụng đi đụng lại vào hai chữ “văn hóa”… cái gì làm nên sức sống của dân tộc mình?”. Đến nay tôi vẫn chưa trả lời được rành rọt cho chính mình. Vì thế tôi đặt tên cho nó là “câu hỏi đời”. Chắc chắn nó sẽ còn đeo đuổi tôi, hay là chính tôi đeo đuổi nó, suốt đời…
Cuốn sách “Thực thể Việt - nhìn từ các tọa độ chữ” của Trần Ngọc Vương đặt vấn đề: Toàn bộ tồn tại lịch sử của thực thể Việt Nam đòi hỏi việc khái quát từ nó và cho nó để đạt tới những luận điểm và thành tố lý thuyết mới, nhưng cho tới nay, nói một cách thẳng thắn và sòng phẳng; những đúc kết lý thuyết ấy còn chưa được tiến hành tới ngưỡng khả tín cần thiết. Triết học và các ngành khoa học xã hội ở Việt Nam vẫn tồn tại lơ lửng đâu đó…
Trên đây, chúng tôi trích dẫn một số nhận xét bước đầu của các học giả về cuốn sách nêu trên trong một cuộc tọa đàm khoa học do Nhà xuất bản Tri thức và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây vừa phối hợp tổ chức hôm 14 tháng 11 năm 2010 tại Hà Nội.
Tác phẩm là một sự tích hợp nhiều lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, kinh tế - xã hội, văn học nghệ thuật, đó là kết quả của quá trình nghiên cứu hơn 30 năm qua của PGS. TS Trần Ngọc Vương. Xin trân trọng giới thiệu với độc giả cuốn sách rất giá trị về mặt nghiên cứu và phổ biến học thuật.