Thu giữ dầu loang bằng vỏ tràm
Nhóm tác giả gồm Lý Công Hiển, Nguyễn Trí Hảy và Nguyễn Thanh Liêm. Thầy Nguyễn Ngọc Hải, người hướng dẫn các học sinh thực hiện đề tài cho biết: ĐBSCL có mạng lưới sông ngòi chằng chịt, tàu thuyền nhiều nên tình trạng xăng dầu loang trên sông gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Từ đó, thầy Hải hướng dẫn nhóm học sinh sử dụng các vật liệu dễ kiếm ở địa phương để hút xăng dầu trên mặt nước. Nhóm nghiên cứu thí nghiệm với xơ dừa khô, lục bình khô và vỏ tràm. Qua nhiều lần, nhóm phát hiện vỏ tràm ngăn chặn ô nhiễm xăng dầu tốt nhất.
Em Nguyễn Thanh Liêm giải thích: “Sau khi phát hiện đặc tính háo dầu của vỏ cây tràm, nhóm nghiên cứu tạo ra các tấm thảm vỏ tràm có khả năng thu gom dầu rơi vãi trên sông đạt hơn 97%. Kết quả nghiên cứu đã được ủng hộ rất cao từ các điểm bán xăng dầu, sửa chữa máy móc trong khu vực. Các thảm vỏ tràm sau khi thu giữ dầu loang có thể phơi khô và ủ hoai để trồng cây”.
Cây tràm lá dài (tràm ngập nước) có tên khoa học Melaleuca cajuputi là loài cây phát triển nhanh, chịu được đất phèn và đất mặn ngập nước nên có rất nhiều ở ĐBSCL. Tràm có khả năng tái sinh chồi, gỗ dùng để làm cọc cừ trong công trình xây dựng, đóng đồ dùng, đốt than, lá cung cấp tinh dầu làm dược liệu... Đặc biệt là vỏ tràm khô giữ nước rất kém nhưng lại hút xăng dầu rất tốt.
Học sinh trường THPT An Lạc Thôn từng được trao giải Nnhất cho đề tài “Gòn- bông băng cho nước nhiễm dầu” năm 2007 trong cuộc thi quốc gia “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước dành cho học sinh trung học phổ thông và trung học nghề’’ lần thứ tư. Đề tài này đã được chọn dự giải thưởng Stockholm , Thụy Điển về nguồn nước thế giới.