ĐBQH: Nút mở lớn để nhà khoa học yên tâm nghiên cứu
"Đồng ý rủi ro là miễn trách nhiệm dân sự. Nhưng cần quy định trường hợp nào, bao nhiêu lần sai sót. Chứ nếu để 10 lần nghiên cứu, 7-8 lần sai sót mà vẫn miễn trách nhiệm thì không được", đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Sáng 17/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo và các cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường - đoàn TP Hà Nội cho rằng, dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có nhiều điểm mới, giúp tháo gỡ những nút thắt về thể chế hiện nay như tăng ngân sách đầu tư cho KHCN, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học bởi trong nghiên cứu, chưa thể biết có kết quả thu được hay không.
Ông Cường cho rằng, việc nghiên cứu khoa học cũng như hoạt động con người khai thác dầu khí, khoan 10 mũi mới may ra 1 mũi có dầu. Nghiên cứu khoa học cũng vậy, mang nhiều tính chất rủi ro.
“Đây là nút mở lớn để nhà khoa học yên tâm nghiên cứu”, đại biểu Cường nói. Tuy nhiên, theo đại biểu Cường, tại Điều 6 Dự thảo Nghị quyết quy định: “Không truy cứu trách nhiệm, miễn trừ rủi ro nếu kết quả nghiên cứu không đạt được khi đã thực hiện đúng quy trình, quy định”.
“Tôi đề xuất, sửa lại thành “thực hiện đúng quy trình nghiên cứu mà đề tài đã đăng ký”. Nếu việc nghiên cứu thực hiện đúng, đủ quy trình này mà không đạt kết quả sẽ được miễn trừ rủi ro”, đại biểu Cường bày tỏ quan điểm.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Tháp. Ảnh Quochoi.vn.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp cho rằng, tại điều 6 về Chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ còn nhiều điểm cần xem xét.
Theo đại biểu Hòa, về việc tổ chức, cá nhân thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về nghiên cứu khoa học, nhưng vẫn xảy ra rủi ro, cần xem xét, làm rõ vậy quy trình, quy định này theo quy định pháp luật hay theo hợp đồng ký kết giữa tổ chức, cá nhân.
Ông Hòa nêu quan điểm, đối với những trường hợp xảy ra rủi ro nhiều lần, cơ quan chủ quản cần xem xét đề tài, tác giả đề tài có nên được thực hiện nhiều lần nữa hay không. Không thể để trường hợp sai sót, không hiệu quả nhiều lần nhưng vẫn cho những tổ chức, tác giả đó nghiên cứu đề tài nhiều lần, gây thất thoát, lãng phí.
"Đồng ý rủi ro là miễn trách nhiệm dân sự. Nhưng cần quy định trường hợp nào, bao nhiêu lần sai sót. Chứ nếu để 10 lần nghiên cứu, 7-8 lần sai sót mà vẫn miễn trách nhiệm thì không được", ông Hòa nhấn mạnh.