Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 17/02/2025 17:48 (GMT+7)

PGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung: Tạo dược liệu quý từ cây thuốc đặc hữu VN

Google NewsPGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung được trao Giải thưởng sáng tạo châu Á xuất sắc đã dành gần 20 năm nghiên cứu các dược liệu đặc hữu của Việt Nam, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Quỹ toàn cầu Hitachi vừa công bố danh sách 15 nhà khoa học ASEAN được trao Giải thưởng Sáng tạo châu Á năm 2024. Trong số 15 nhà khoa học đoạt giải, có 6 nhà khoa học Việt Nam. PGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế được trao Giải thưởng sáng tạo xuất sắc.

tm-img-alt

PGS.TS Nguyễn Thị Ái Nhung cùng cộng sự trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Nguyệt Nhi.

Nhận Giải thưởng Sáng tạo châu Á từ nghiên cứu về dược liệu

PGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung, hiện công tác tại Khoa Hóa học và Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Công nghệ, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Chị đã dành gần 20 năm nghiên cứu các dược liệu đặc hữu của Việt Nam.

Bắt đầu sự nghiệp tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế từ năm 2002, PGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung ban đầu tập trung vào hóa học lượng tử và hóa học tính toán. Tuy nhiên, nhận thấy tiềm năng ứng dụng của hóa học trong việc nghiên cứu dược chất thiên nhiên, chị đã chuyển hướng sang lĩnh vực này. Mục tiêu của chị là kết hợp giữa mô phỏng tính toán và thực nghiệm để tạo ra các sản phẩm dược liệu từ những cây thuốc đặc hữu của Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên tại Huế, PGS.TS. Nhung nhận thấy vùng đất này sở hữu nhiều loại cây dược liệu quý, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng địa phương. Nghiên cứu giành giải lần này của PGS.TS Nhung cùng các cộng sự đã hướng đến tạo ra các sản phẩm dược dụng có nguồn gốc tự nhiên, an toàn với con người từ các loài dược liệu bản địa, đặc hữu tại Việt Nam. Không chỉ khai thác các dược liệu truyền thống, nhóm tập trung vào nghiên cứu các hợp chất ít hoặc chưa được nghiên cứu từ những loài dược liệu đặc hữu, các dược liệu mới, nấm dược liệu quý, giúp mở rộng tiềm năng ứng dụng.

Toàn bộ quy trình sản xuất dược liệu từ chọn vùng nguyên liệu, tối ưu hóa quy trình sản xuất, chiết xuất... được thực hiện khép kín, ứng dụng các công nghệ xanh, thân thiện môi trường.

Quá trình nghiên cứu, nhóm xác định các loài dược liệu như Distichochlamys spp., Aspidistra spp., Lactuca indica L., Cordyceps spp... có trong các loại thực vật đặc hữu tại Việt Nam có thể bào chế và phát triển sản phẩm kháng khuẩn, kháng virus và hỗ trợ điều trị bệnh.

Kết quả từ các nghiên cứu của PGS.TS. Nhung đã đóng góp quan trọng vào việc xây dựng cơ sở khoa học cho việc bào chế thuốc từ dược liệu thiên nhiên, nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng. Chị và nhóm đã thương mại hóa thành công một số sản phẩm như trà thảo dược và các sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh về đường hô hấp.

Từ bạc hà, bạch đàn chanh, trầu không, tỏi, tràm, kinh giới, thiên niên kiện, đại bi, nhóm đã tách chiết và tinh chế tinh dầu làm sản phẩm ống hít mũi, xịt họng, dầu cù là, cao xoa bóp. Các dược liệu đặc hữu như bồ công anh Việt Nam, gừng đen, nấm đông trùng hạ thảo, giảo cổ lam, dây thìa canh... được sử dụng làm trà thảo dược giúp thư giãn, tăng sức đề kháng, hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày, huyết áp cao, tiểu đường.

Với việc nuôi cấy thành công nấm dược liệu dưỡng chất cao, đặc biệt là giống nấm Cordyceps militaris., nhóm tạo ra các sản phẩm và thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị rối loạn lipid máu, viêm phế quản mãn tính, hen phế quản, giúp hạ đường huyết, chống viêm và tăng cường miễn dịch.

Khát vọng dược liệu Việt

PGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung chia sẻ, con đường nghiên cứu khoa học có nhiều khó khăn, thử thách, để có được những thành quả như ngày hôm nay, chị cùng nhóm nghiên cứu đã phải bỏ ra rất nhiều thời gian, tâm sức. Những chuyến đi tìm loại dược liệu mới thường kéo dài từ 10-15 ngày, vào sâu trong rừng, phải phối hợp với cả lực lượng kiểm lâm để đi. Nhưng không phải chuyến đi nào cũng thành công.

tm-img-alt

PGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung đam mê nghiên cứu dược liệu Việt Nam. Ảnh: Husc.

Chẳng hạn với gừng đen, các nhà khoa học đã mất 3-4 năm nghiên cứu; mất 3-5 năm với bồ công anh Việt Nam, nấm dược liệu… Khi nhóm nghiên cứu cây tỏi đá Phong Điền, thậm chí cây còn chưa được đặt tên. Cùng với đó, là những khó khăn từ câu chuyện tài chính, từ việc hỗ trợ tới trang thiết bị, nguyên liệu, con người, rồi quy trình nghiên cứu, quy trình sản xuất ra sản phẩm… tới câu chuyện về cơ chế khi làm đề tài, dự án.

Tuy nhiên, khát vọng phát triển đối với dược liệu Việt Nam đã khiến chị và nhóm nghiên cứu giữ được niềm đam mê của mình. PGS.TS Nguyễn Thị Ái Nhung đánh giá, vùng nguyên liệu dược liệu Việt phong phú, đa dạng không kém dược liệu Trung Quốc. Cũng có một số cây chỉ có ở nước bạn nhưng chúng ta cũng nghiên cứu được bằng cách nuôi cấy mô, trồng thử nghiệm; di thực từ những vùng xa hơn về Việt Nam thành công, bởi ngành công nghệ sinh học của Việt Nam hiện nay cũng khá phát triển

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ái Nhung, dược liệu Việt Nam vô cùng quý, vấn đề là khai thác, duy trì. Trong khoảng 10 năm gần đây, thị trường Việt Nam và các nước lân cận, châu Âu, châu Mỹ, có niềm tin về sử dụng dược liệu châu Á, trong đó có dược liệu Việt Nam. Để quảng bá dược liệu Việt, TS Nhung cho rằng không gì tốt hơn chính những công bố khoa học.

“Tôi cho rằng công bố quốc tế là một thông điệp, các diễn đàn để chúng tôi tham gia cũng là một thông điệp. Các giải thưởng là cơ hội để tôi có thể quảng bá, gửi thông điệp đến thế giới về dược chất thiên nhiên, các cây thuốc của Việt Nam”, TS Nhung nói.

TS Nhung chia sẻ, giải thưởng sáng tạo caah Á xuất sắc là niềm khích lệ lớn, thôi thúc chị tiếp tục theo đuổi đam mê khoa học và mở rộng những hướng đi mới trong tương lai.

Với những đóng góp xuất sắc, PGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung đã nhận được nhiều giải thưởng và danh hiệu, bao gồm: Giải thưởng "L'ORÉAL - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học" năm 2023. Giải thưởng Sáng tạo Châu Á 2024 của Quỹ Toàn cầu Hitachi. Giải thưởng Sáng tạo Nữ cố đô Huế lần thứ Nhất năm 2024. Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho giai đoạn 2018-2020 và 2021-2023. Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ. Công dân tiêu biểu tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023. Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục và danh hiệu nhà giáo tiêu biểu năm 2024. Những thành tựu này không chỉ khẳng định tài năng và sự cống hiến của PGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học mà còn là nguồn động lực lớn lao cho các nhà khoa học trẻ, đặc biệt là phụ nữ, tiếp tục theo đuổi đam mê và đóng góp cho sự phát triển của khoa học và giáo dục Việt Nam.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.

Tin mới

Hà Giang: Góp ý Nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi
Ngày 19/02, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh “Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh”.