Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ bảy, 03/08/2024 23:46 (GMT+7)

Thiên tai đang xảy ra không tuân theo các quy luật thông thường

Năm 2024 được dự báo diễn biến thiên tai phức tạp. Tri thức và Cuộc sống đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Phúc Lâm, PGĐ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia về vấn đề này.

- Thưa ông, thời tiết cực đoan đã được dự báo từ đầu năm, và những ngày qua, người dân các tỉnh miền núi phía Bắc đã và đang phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề về người và của do mưa lũ. Xin ông cho biết nguyên nhân của hiện tượng thời tiết này?

Nửa đầu năm 2024, chịu ảnh hưởng của ENSO pha nóng (El Nino) nên thiên tai ở nước ta có nhiêu diễn biến phức tạp, trong đó đáng chú ý là tình trạng không mưa và nắng nóng kéo dài. Từ giữa năm 2024, ENSO chuyển sang pha trung tính và trong các tháng cuối năm có khả năng chuyển sang pha La Nina.

Chính sự chuyển pha nhanh của ENSO trong năm 2024 đã khiến nắng nóng trong nửa đầu năm xảy ra trên diện rộng và nhiều kỷ lục của nhiệt độ cao nhất trong ngày đã ghi nhận trong tháng 4/2024. Tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nhiệt độ tháng 4/2024 cao hơn trung bình nhiều năm từ 3,1-3,6 độ C, 110/186 trạm quan trắc trên cả nước đã ghi nhận giá trị nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử, đặc biệt tại Đông Hà (Quảng Trị) nhiệt độ ngày 28/4/2024 đo được là 44,0 độ C, đây là giá trị cao nhất từ năm 1976 đến nay tại Quảng Trị

Vào giai đoạn mùa mưa, gió mùa tây nam cùng bão và áp thấp nhiệt đới đã gây mưa trên diện rộng cho khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ và Bắc Bộ trong tháng 6 và tháng 7/2024. Đáng chú ý là tổng lượng mưa ở Bắc Bộ trong tháng 6 và 7/2024 phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 20 đến 60%. Cá biệt một số trạm quan trắc đã cho lượng mưa rất lớn so với cùng kỳ như: Sơn La 599mm (cao hơn 119% so với trung bình cùng thời kỳ); Cò Nòi 577mm cao hơn 121%; Mai Châu 755mm cao hơn 124%; Hòa Bình 704mm cao hơn 98%; Hà Giang 917mm cao hơn 65%; Bắc Quang 1058mm cao hơn 31%; Định Hóa 637mm cao hơn 76%, Phú Hộ 504mm cao hơn 97%; Bãi Cháy 950mm cao hơn so với TBNN 123%; Cửa Ông 842mm cao hơn 65%; Móng Cái 851mm cao hơn 40%; Hoài Đức 685mm cao hơn 148%, Phủ Lý 638mm cao hơn 108%, Ninh Bình 593mm cao hơn 132%.

-  Dường như thời tiết ngày càng diễn biến bất thường, không tuân theo các quy luật thông thường, thưa ông?

Biến đổi khí hậu cùng với sự chuyển pha của ENSO từ pha nóng (El Nino) sang pha lạnh (La Nina) đã khiến cho thời tiết và thiên tai diễn biến ngày càng nhanh và cực đoan hơn. Đặc biệt là thiên tai, những năm gần đây thiên tai xảy ra với tần suất ngày càng nhiều, cường độ ngày càng gia tăng và không tuân theo các quy luật thông thường.

Trên thế giới, nhiều giá trị nhiệt độ cao kỷ lục đã được ghi nhận: Ở Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia đã ghi nhận giá trị 46 độ C; Myanmar ghi nhận giá trị 48,2 độ C; Trung Quốc 43,4 độ C. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Châu Phi, với quan trắc nhiệt độ kỷ lục lên đến 48,5 độ C.

Ngày 8/7/2024, Tổ chức Khí tượng thế giới đã công bố một kết quả từ cơ quan nghiên cứu về biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu: Trong liên tục 13 tháng qua, nhiệt độ trung bình toàn cầu đều vượt ngưỡng 1.5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp

Tại Việt Nam, nắng nóng gay gắt với nhiều giá trị vượt lịch sử ngay trong tháng 4; sang tháng 6 và tháng 7/2024, mưa lớn gây ngập úng diện rộng tại các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng và Hà Nội.

Thien tai dang xay ra khong tuan theo cac quy luat thong thuong
Xóm Bản Nà, xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng mưa lớn gây ngập đường liên xóm. Ảnh vtn.vn
- Thời tiết ngày càng diễn biến cực đoan, dị thường, vậy có cách gì để phòng tránh hoặc giảm thiểu tác hại của nó?

Như đã nói ở trên, tác động của biến đổi khí hậu là làm gia tăng các thiên tai, thời tiết cực đoan cũng như làm thay đổi các quy luật hoạt động thông thường của các loại hình thiên tai.

Thời gian tới là mùa mưa lũ chính ở Bắc Bộ, chúng ta vẫn phải đối mặt với tính trạng xuất hiện các đợt mưa lớn cũng như mưa rào và dông, có thể gây ra lũ quét và sạt lở đất. Vì vậy, ở vùng núi cần phải cảnh giác cao

Dự báo xa hơn trong khoảng thời gian nửa cuối năm 2024 với kịch bản La Nina xuất hiện và bắt đầu tác động đến nước ta vào các tháng cuối năm, đúng thời kỳ mùa mưa, bão tập trung ở Trung Bộ. Thống kê cho thấy, trong những năm La Nina xuất hiện thì lượng mưa thường vượt trung bình nhiều năm ở các tỉnh ven biển Trung Bộ và Tây Nam Bộ. Do đó, có thể bão, mưa, lũ trong nửa cuối năm 2024 sẽ có nhiều diễn biến phức tạp cần phải lưu ý ứng phó. Ngoài ra, một điều gần như chắc chắn là hiện tượng dông lốc trên đất liền và trên các vùng biển, mưa lớn cục bộ thời đoạn ngắn gây ngập úng đô thị sẽ xuất hiện nhiều hơn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Vì vậy, các địa phương cần chủ động thường xuyên rà soát các điểm xung yếu lũ quét, sạt lở đất trước mùa mưa bão và trước các đợt mưa lớn để đảm bảo an toàn cho nhân dân. Người dân cần thường xuyên theo dõi và cập nhật các thông tin dự báo, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các dự báo thiên tai có các bản tin cảnh báo từ sớm, từ xa ban đầu, sau đó được cập nhật liên tục khi có thêm dữ liệu tính toán mới, càng gần thì bản tin càng chính xác. Ví dụ, khi dự báo có đợt mưa lớn trên địa bàn trong 2-3 ngày tới, bà con cần lưu ý tạm hoãn các hoạt động hoặc hạn chế di chuyển ở những nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng, lũ. Từ bài học kinh nghiệm ứng phó các loại hình thiên tai những năm qua, khi cộng đồng và người dân tuân thủ thực hiện các phương án ứng phó sớm thì thiệt hại giảm đi đáng kể.

Xin cảm ơn ông!

Xem Thêm

Thanh Hoá: Tìm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao
Chiều ngày 26/8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa (Liên hiệp hội) đã tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến cho báo cáo tham vấn về chủ đề: Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Bình Thuận: Giải pháp xây dựng công trình bảo vệ bờ biển
Sáng ngày 22/8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức hội thảo “Giải pháp đầu tư xây dựng công trình bảo vệ bờ biển tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh”.
Phú Thọ: Đề xuất giải pháp phát huy tiềm năng Vườn Quốc gia Xuân Sơn
Ngày 20/8, Liên Hiệp Hội tỉnh Phú Thọ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp tỉnh, Vườn Quốc gia Xuân Sơn tổ chức hội thảo tư vấn phản biện và giám định xã hội về: Nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế Vườn Quốc gia Xuân Sơn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ứng dụng công nghệ mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu
Ngày 16/8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Viện Nghiên cứu công nghệ hỗ trợ Nông nghiệp (Astri) và một số đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo với chủ đề “Ứng dụng công nghệ mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu”.
Bình Thuận: Nghiên cứu lai tạo giống lúa mới gắn với hiệu quả kinh tế
Ngày 07/8/2024, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh tổ chức hội thảo “Kết quả nghiên cứu lai tạo giống lúa mới gắn với hiệu quả kinh tế áp dụng sạ cụm, hướng đến chuyển giao giống, cơ giới hoá đồng bộ và sản xuất giảm phát thải các bon”.
Kon Tum: Bảo tàng văn hóa Bahnar lên không gian mạng
Hai em Trần Phương Bảo Linh và Nguyễn Nam Phương, học sinh lớp 10A3, Trường THPT Kon Tum đã sử dụng công nghệ thông tin để số hóa những giá trị di sản đặc sắc của dân tộc Bahnar ở Kon Tum đưa lên không gian mạng bằng “Bảo tàng số văn hóa Bahnar”.

Tin mới

Đổi mới phương thức, nội dung hoạt động Truyền thông và phổ biến kiến thức
Ngày 30 tháng 8 năm 2024, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) phối hợp Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Phước tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức” cho các Liên hiệp hội khu vực Đông Nam Bộ và Tây nguyên.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tiếp tục huy động tối đa nguồn lực, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 3
Chiều 9/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp chỉ đạo việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3 và chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì cuộc họp...
Vĩnh Long: Tập huấn nghiệp vụ kiểm tra và Quản lý sở hữu trí tuệ
Ngày 6/9, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Nội Vụ, Công ty Cổ phần Tư vấn Chuyển giao Sở hữu Trí tuệ Quốc tế đã tổ chức hội nghị tập huấn “Nghiệp vụ kiểm tra tổ chức hội và Quản lý tài sản sở hữu trí tuệ của cơ quan hội, đơn vị công lập và ngoài công lập”.