Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 03/11/2005 14:49 (GMT+7)

Thế nào là ‘Hội thề trung hiếu ở đền Đồng Cổ’?

Các sách cổ Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái,và đặc biệt là Đại Việt sử ký toàn thưđều chỉ rõ vị trí của ngôi đền Đồng Cổ trong mối tương quan với toà thành Đại La (Thăng Long) là: “Ở bên hữu (bên phải) thành Đại La, liền sau chùa Thánh Thọ”. Sách La Thành cổ tích vịnh(thế kỷ 18) còn cho biết cụ thể hơn: “Đền thờ thần Đồng Cổ ở phía nam của giáp Đông, phường Yên Thái, huyện Vĩnh Thuận, phía trước trông ra sông Tô”. Sách Đại Nam nhất thống chí(thế kỷ 19) cũng chép cụ thể như vậy: “Đền sơn thần Đồng Cổ ở trên bờ sông Tô Lịch, thôn Yên Thái Đông, huyện Vĩnh Thuận”.

Năm chữ “Đền sơn thần Đồng Cổ” cho thấy chủ đề tín ngưỡng ở chùa là: “Thần núi Trống Đồng”. Vị thần này, gốc được thờ ở núi Khả Lao, xã Đan Nê, huyện Yên Định, Thanh Hoá. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Núi Đồng Cổ, có tên nữa là núi Khả Lao, ở xã Đan Nê, cách huyện Yên Định 16 dặm về phía Tây…Phía tả núi có đền thần, trong đền có một cái trống đồng…Tương truyền cái trống này chế từ đời Hùng Vương”.

Như vậy, “Thần núi Trống Đồng”, chính là sự hoá thân của di vật thiêng quý và tiêu biểu nhất ở thời đại bắt đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc: Chiếc trống đồng. Còn vì sao Thần lại được thờ ở Thăng Long, thì Báo cực truyện(dẫn ở sách Việt điện u linh)và truyện Đồng Cổ Sơn thần(trong sách Lĩnh Nam chích quái) đều cho biết: Chính Thần đã hiển linh hai lần trong giấc mộng của vua Lý Thái Tông khi còn là thái tử Lý Phật mã, vào năm 1020- đi đánh trận ở phương Nam, và đặc biệt là vào năm 1028- có “ Loạn Tam vương”, giúp đỡ đắc lực vào sự thành công. Vì thế, Lý Thái Tông ra lệnh rước thần về thờ ở Thăng Long.

Về việc này, sách Đại Việt sử ký toàn thư đoạn biên niên sử về năm 1028 chép kỹ hơn cả: Một hôm trước khi ba vương làm phản, vua (Lý Thái Tông) chiêm bao thấy một người tự xưng là Thần Núi Trống Đồng, nói với vua về việc ba vương Vũ Đức, Đông Chinh, Dực Thánh làm loạn, phải mau đem quân dẹp ngay. Tỉnh dậy, (vua) liền sai phòng bị. Quả nhiên ứng nghiệm. Đến đây, sai Hữu ty dựng miếu ở bên hữu thành Đại La, sau chùa Thánh Thọ, lấy ngày 25 tháng ấy, đắp đàn ở trong miếu, cắm cờ xí, chỉnh đốn đội ngũ, treo gươm giáo ở trước thần vị, đọc lời thề rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh chu diệt”.

Cứ như trật tự lời thề trong lễ hội - được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư,như vừa thấy- thì đây, hội thề này, phải được gọi là “Hội thề hiếu trung”. Bởi vì, nguyên uỷ của nó, chính là những lời lẽ không phải của thần, mà là của tướng quân Lê Phụng Hiểu, cũng được chép nguyên văn: “Quân đánh nhau chưa phân được thua. Phụng Hiểu tức giận rút gươm chạy thẳng đến cửa (thành) ở phía tây là Quảng Phúc, hô to rằng: “Bọn Vũ Đức vương ngấp nghé ngôi báu, không coi vua kế vị vào đâu cả! Trên quên ơn tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con! Vì thế, thần là Phụng Hiểu xin đem thanh gươm này để dâng”. Rồi (vác gươm) xông thẳng đến chỗ ngựa của Vũ Đức vương…”. Và đến khi dẹp tan được “bọn Vũ Đức vương”, Lê Phụng Hiểu nói: “Kẻ nào manh tâm mưu đồ gì khác, thì trời đất thần linh đều làm hết chức hết phận mà giết đi!”

Vậy là thành chủ đề của lễ hội đền Đồng Cổ ở thời Lý. Diễn biến của lễ hội ở thời này được sử cũ chép rõ: “Các quan từ cửa Đông đi vào đền, đến trước thần vị, cùng uống máu ăn thề hằng năm lấy làm lệ thường. Sau vì tháng Ba có ngày quốc kỵ, chuyển (lễ hội) sang mồng 4 tháng Tư”.

Sang đến thời Trần thì may mắn mà đoạn biên niên sử về năm 1227 trong Đại Việt sử ký toàn thưlại ghi tiếp được những điều sau đây về Hội thề đền Đồng Cổ: “Hằng năm, vào ngày 4 tháng Tư, tể tướng và trăm quan đến trực ngoài cửa thành từ lúc gà gáy. Tờ mờ sáng thì tiến vào triều. Vua (Trần Thái Tông) ngự ở cửa Hữu Lang, điện Đại Minh. Trăm quan mặc nhung phục, lạy hai lạy rồi lui ra. Ai nấy đều thành đội ngũ, nghi trượng theo hầu, ra cửa Tây (Hoàng) thành, đến đền thờ thần núi Đồng Cổ, họp nhau lại, uống máu ăn thề. Quan Trung thư kiểm chính tuyên đọc lời thề rằng: “Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết!”. Đọc xong, Tể tướng sai đóng cửa điểm danh. Người vắng mặt phải phạt 5 quan tiền. Ngày hôm ấy, trai gái bốn phương đứng chật ních bên đường để xem như ngày hội lớn”.

Như vậy ở Thăng Long đời Trần, lễ hội có “chế tài” cụ thể và chặt chẽ hơn, đồng thời có tính quần chúng cao hơn. Còn về nội dung của hội thề, thì tính chất trung hiếuđược chuyển thành trung chính(làm quan trong sạch)!

Tiếp đến thời Lêthì phong tục hội thề vẫn thấy được sử sách ghi chép. Nhưng nội dung thề, thần chứng giám, thời gian cùng địa điểm hội thề đã có sự thay đổi. Ấy là căn cứ vào điều ghi chép sau đây, trong sách Kiến văn tiểu lụccủa Lê Quý Đôn: “Hồi bắt đầu triều vua (Lê) Thái Tông bản triều (thế kỷ 15), ngày 15 tháng giêng, nhà vua ngự ra trường đua xem trăm quan hội thề, tấu cáo trời đất quỷ thần, núi cao sông lớn, giết ngựa trắng làm lễ ăn thề. Từ lúc Trung hưng (thế kỷ 17) trở đi, tháng giêng họp thề ở bên sông. Trước ngày làm lễ minh thệ, các quan trong Lại phiên dựng đàn bằng tre: đàn giữa tế trời đất, thứ hai đến đàn tế các thần núi, thần sông dự phong vào tam đẳng. Sau khi đã đốt tờ chúc văn, viên quan giám thệ ở đàn chính giữa, giết gà lấy tiết hoà rượu, văn võ trăm quan và thuộc lại, quân dân, đều tới bản đền quỳ xuống mà thề. Mỗi đàn thề đều có viên quan đứng làm giám sát.

Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 82 (1800)

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.