Thành ngữ tiếng Việt có từ chỉ "tay", "chân" với đặc trưng văn hoá dân tộc
1. Đặt vấn đề
Thành ngữ tiếng Việt được coi là tấm gương phản chiếu đặc điểm văn hoá của dân tộc Việt Namvà là di sản văn hoá tinh thần của đất nước và con người Việt Nam . Bằng lao động chân tay và lao động trí óc của mình, con người làm nên tất cả để nuôi sống mình và nuôi sống toàn xã hội. Thành ngữ có từ chỉ “tay” và “chân” người có số lượng khá lớn trong kho tàng thành ngữ Việt Nam . Trong “Từ điển thành ngữ Việt Nam” (Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành, 1993) có 139 thành ngữ có từ “tay” và 100 thành ngữ có từ “chân”. Những thành ngữ này góp phần làm giàu, làm đẹp cho ngôn ngữ Việt nói chung và kho tàng thành ngữ tiếng Việt nói riêng. Hiện thực được phản ánh trong thành ngữ rất phong phú và đa dạng. Chẳng hạn, khi nói về những người khéo léo, biết làm tất cả mọi việc, người ta dùng thành ngữ khéo chân khéo tay. Khi nói tới những người không có của cải, không có cơ sở vật chất gì mà làm nên giàu có, ăn nên làm ra, tạo lập được cơ nghiệp lớn, người ta dùng thành ngữ tay trắng làm nên. Khi nói về những người tài giỏi, với tiềm lực vật chất ít ỏi mà tạo dựng được cơ nghiệp lớn, người ta có thể dùng thành ngữ tay không mà nổi cơ đồ. Khi nói về những người trót mắc sai lầm, trót phạm tội, có ân hận sám hối thì cũng đã quá muộn, người ta dùng thành ngữ tay đã nhúng tràm. Về những người lén lút làm điều ác, không dám công khai lộ mặt, thường mượn tay người khác thực hiện mưu đồ xấu xa của mình, bề ngoài tỏ ra vô can, người ta dùng thành ngữ ném đá dấu tay... Dưới đây chúng tôi xem xét các thành ngữ có từ chỉ tứ chi người với những ý nghĩa khác nhau thể hiện bản sắc văn hoá dân tộc và cốt cách của con người Việt Nam .
2. Đặc trưng văn hoá dân tộc và tính cách con người Việt Nam phản ánh trong các thành ngữ có từ chỉ “tay” và “chân”
Thành ngữ tiếng Việt nói chung và thành ngữ có từ tay, chân nói riêng mang trong mình những đặc trưng văn hoá dân tộc phản ánh các khía cạnh của cuộc sống, phản ánh tính cách con người Việt Nam, đặc biệt là phản ánh cuộc sống lao động nông nghiệp rất sâu sắc.
2.1. Phản ánh lao động nông nghiệp
Nền văn hoá Việt Nam thuộc loại hình văn hoá gốc nông nghiệp. Trong tiếng Việt ta gặp nhiều thành ngữ chỉ “tay” và “chân” người nói về lao động nông nghiệp: chân lấm tay bùn(các thành ngữ đồng nghĩa: chân bùn tay đất, chân bùn tay lấm, tay bùn chân lấm), tay bắp cày chân bàn cuốc, đầu đội trời chân đạp đất, vai gánh tay cuốc...Đây là thực tế khách quan tất yếu được phản ánh trong ngôn ngữ.
Qua các thành ngữ nói trên, có thể phần nào thấy được cuộc sống nhà nông. Những ngày thời vụ, người nông dân phải làm việc vất vả, phải một nắng hai sương, phải cuốc bẫm cày sâu, chân đạp đất đầu đội trời để cày ruộng, cấy lúa:
“Trước phải khó nhọc cày bừa, chân bùn tay lấm, làm cho lúa tốt mới có gạo ăn” (Hồ Chí Minh, “Con người xã hội chủ nghĩa”, tr. 115).
“(Bà lái Táp” Ước gì cứ kéo dài mãi cái cảnh nửa nọ nửa kia, tranh tối tranh sáng ấy mãi. Hai con đường XHCN và TBCN cứ song song, không cái nào át được cái nào. Bà sẽ lừa đục nước thả câu, kiếm những món lợi kếch xù, buôn thất nghiệp mà lãi quan viên. Chẳng chân lấm tay bùn, chẳng lo nắng lâu mưa bão, có tiền nhiều tha hồ đua đòi hội hè” (Chu Văn, “Bão biển”, tr. 177).
Nghề nông, nhất là nghề nông nghiệp lúa nước trước đây phụ thuộc chủ yếu vào thiên nhiên, phụ thuộc vào cả trời, cả vào đất, cả vào nắng, cả vào mưa... Người Việt Nam bỏ nhiều công sức để làm đất trồng lúa, trông mong mưa thuận gió hoà để có vụ mùa bội thu, để bỏ công vất vả tháng ngày:
Người ta đi cấy lấy công
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề
Trông trời, trông đất trông mây
Trông mưa, trông gió trông ngày trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng(Ca dao Việt Nam )
Nhưng vào những ngày nông nhàn, người nông dân lại thảnh thơi bù vào những ngày vất vả đầu tắt mặt tối ngoài đồng: vắt chân chữ ngũ, vắt chân chữ ngũ đánh củ khoai lang. Với họ, một chút thời gian rảnh rỗi, được ăn những thứ tự tay mình làm ra, cho dù chỉ là củ khoai củ sắn, thì đấy cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc.
“Cứ sáng sớm bác vắt chân chữ ngũ, đánh củ khoai lang, uống bát nước chè chát xong, vác cày ra đồng, mà lòng cứ khoan khoái, không gợn một chút lo âu, sống thế cũng bằng tiên rồi” (19, 649)...
2.2. Thái độ đối với lao động
Bản chất của người Việt Nam là cần cù lao động. Cuộc sống lao động vất vả và nhọc nhằn đó đã được phản ánh trong các thành ngữ: tay đã thành chai, một chân một tay, tay làm hàm nhai...
“Ôi dào, rỗi thì mỗi người một chân một taycho chóng, chứ mất vàng mất bạc gì mà cô la (Nhiều tác giả, “Pháo đài Hà Nội”, 20, tr. 426).
“Thất là người lao động từ nhỏ. Suy nghĩ, họp hành, làm việc ở bàn giấy, anh thấy chóng mệt, nhưng làm lụng luôn chân luôn taythì lại dẻo dai ít ai bì” (Chu Văn “Bão biển”, tr 525).
“Trước mặt Bính, cái cảnh đời tay làm hàm nhaidù vất vả lam lũ, lại sáng lên rực rỡ một cách khác thường” “Nguyên Hồng, “Bỉ vỏ”, 19, tr. 561).
Người Việt Nam luôn có tinh thần đùm bọc lẫn nhau, tinh thần tương thân tương ái, nhưng họ luôn tự ý thức là họ phải tự lao động nuôi sống mình, không nhờ cậy vào người khác: “Thân phận chị, tay có làm hàm mới nhai, tay ngơi bụng nhịn. Kiêng việc một ngày nữa là đủ chết lả mất thôi” (“Bão biển” Chu Văn, tr 345).
2.3. Trọng tình cảm, lấy tình cảm làm đầu trong quan hệ giao tiếp
Đây là nét tính cách điển hình của người Việt Nam gắn liền với nền văn hoá lúa nước. Nét tính cách này được người Việt Nam xem như một phương châm đối nhân xử thế và đã đi vào các thành ngữ tiếng Việt có từ chỉ “tay”, “chân”: đầu gối tay ấp, tay bắt mặt mừng, tay đứt ruột (dạ) xót, như chân với tay, một chân một tay…
Khi lâu ngày xa nhau, nay được gặp mặt, người Việt Nam biểu lộ tình cảm hân hoan, vui mừng của mình qua nét mặt, qua cử chỉ thân thiện: “Hơn ba năm ra trường, hôm nay chúng tôi mới lại gặp nhau, nên tay bắt mặt mừng”.
Trong cuộc sống đời thường, con người Việt Nam thường đồng cam cộng khổ, biết thương xót nhau trong hoạn nạn, đau thương. “Lần này cả khám đều hay. Tay đứt dạ xót, suốt đêm có mấy ai nằm nhắm mắt được” (“Ngẩng lên”, Phạm Hữu Tùng, 14, tr. 561). “Ông Hai Khoản do dự. Xa xôi mười mấy cây số mới tới huyện. Khiêng được đến nơi, người có còn hay không? Bà lắc đầu quầy quậy: - Thôi thôi! Cứ chết ngay tôi cũng không chữa thuốc y viên đâu. Người ta không tay đứt ruột xót, máu chảy ruồi bâu gì. Ai người ta chăm sóc con tôi. Mà thuốc của họ…” (Chu Văn, “Bão biển”, 376).
2.4. Phương thức lao động hoặc vận chuyển bằng sức người
Người dân Việt Nam trước đây chủ yếu sống bằng nghề nông. Trình độ phát triển kinh tế thấp kém, khoa học kỹ thuật chưa phát triển. Con người sống nhờ vào sản phẩm nông nghiệp, họ luôn phải dựa vào điều kiện thiên nhiên, mong sao mưa thuận gió hoà để canh tác trồng trọt được thuận lợi. Ngày nay khoa hoc kỹ thuật phát triển, con người bớt vất vả hơn, không còn cảnh kéo cày thay trâu, tuy nhiên hình tượng con trâu đi trước, cái cày theo sau vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi, và điều đó đã được ghi nhận trong thành ngữ: tay cày tay cuốc, tay xách nách mang, tay chèo tay lái, tay bế tay bồng, vai gánh vai cuốc…“Chị Thành tay xách nách mangquà và túi quần áo từ ngoài vội vào” (Nhiều tác giả, “Pháo đài Hà Nội”, 14, tr. 562).
2.5. Hình thức bên ngoài
Cuộc sống của người dân lao động vật vả, chân lấm tay bùn, một nắng hai sương, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, vì vậy họ ít có cơ hội làm duyên, làm đẹp cho bản thân mình. Bên cạnh những người đẹp cũng gặp người có những bộ phận cơ thể mang dáng hình của cây cỏ, của công cụ sản xuất qua những ví dụ sau: tay dùi đục chân bàn chổi, tay que rẽ chân vòng kiềng, tay sống sậy chân ống đồng, tay bắp cày chân bàn cuốc…“Nó đứng yên một chỗ thì thật đẹp, nhưng nhìn nó đi, tay que rẽ chân vòng kiềng, rõ chán” (14, tr. 561). Không có sự hiểu biết về con người Việt Namvà nền văn hoá Việt Nam , thì khó có thể hiểu rõ được ý nghĩa của các thành ngữ trên.
2.6. Tính cách con người
Người Việt Nam sống trọng tình trọng nghĩa, luôn có tinh thần tập thể, tinh thần cộng đồng, luôn gần gũi tương trợ cho nhau trong cuộc sống: “Lối sống trọng tình và cách cư xử dân chủ dẫn đến tâm lí coi trọng cộng đồng, tập thể. Người nông nghiệp làm gì cũng phải tính đến tập thể, luôn có tập thể đứng sau” (12, tr. 24). “Khi hoạt động ở đất khách quê người, khi bị giam ở lao tù đế quốc, khi đấu tranh ở nước nhà, hơn 25 năm đã bao phen chúng ta đồng cam cộng khổ, như tay với chân” (Hồ Chí Minh, “Những lời kêu gọi”, 19, tr. 491). Những phẩm chất tốt đẹp như thế của người Việt Nam được thể hiện trong các thành ngữ: quen tay quen việc, đánh chuông ra mặt đánh giặc ra tay, khéo tay may miệng, đầu gối tay ấp, chung tay góp sức, một chân một tay, theo chân nối gót…
Bên cạnh việc biểu dương những phẩm chất tốt đẹp kể trên, thành ngữ tiếng Việt cũng biểu lộ sự phê phán một số tính cách xấu: có người làm điều ác một cách lén lút, không dám công khai lộ mặt, thường mượn tay người khác thực hiện mưu đồ xấu xa của mình, về ngoài lại tỏ ra vô can với việc làm xấu xa và hậu quả của nó: “Thú thì có thể bị tội, bị bọn kia thù oán. Nhưng thà thế, đường đường chính chính, không bị sợ ném đá dấu taytrong xó tối. Dứt khoát đi một lần, đỡ khổ về sau” (Bão biển, Chu Văn, 480).
Có người một lúc hướng vào hai đối tượng, có hai cách biểu lộ thái độ tình cảm nhằm được nhiều lợi lộc. Tính cách này thể hiện trong thành ngữ : bắt cá hai tay. Hễ một người nào đó vì lòng ham muốn có được nhiều thứ trong cùng một lúc, hoặc để ăn chắc, không được thứ này thì được thứ khác, mà vừa làm điều này ở đây rồi, lại làm điều đó ở nơi khác nữa, trong khi theo lẽ thường anh ta chỉ được làm ở một nơi, thì sẽ bị mọi người gọi một cách mỉa mai là kẻ “ bắt cá hai tay”… Nhân dân ta đều hiểu thành ngữ này với nghĩa đen là: mỗi tay bắt một con cá, và kết quả là tuột mất, chẳng bắt được con nào. Ta gặp cách nói này:
Xin đừng bắt cá hai tay
Cá lội dưới nước, chim bay trên trời” (7, tr. 39).
Ngoài những thành ngữ trên có thể kể đến một số thành ngữ về tính cách con người khác nữa: tay bẩn nuôi miệng bẩn, trở mặt như (trở) bàn tay, khoa chân múa tay, dẫm chân lên nhau, gắp lửa bỏ tay người…
2.7. Tư thế con người khi qua đời
Thành ngữ có từ “chân” và “tay” cũng được dùng để nói về cái chết. Khi con người gần kề với cái chết hay đã qua đời, họ ở những tư thế khác nhau: chết hai tay chắp đít- chết khổ sở, nhục nhã; hai tay buông xuôi- ở tư thế buông xuôi tay trước khi tắt thở; nhắm mắt xuôi tay - chết, yên nghỉ vĩnh hằng; chết chỏng cẳng- chết hẳn; chết thẳng cẳng- chết tươi; không còn cựa quậy gì nữa… Tuỳ theo tình huống, mối quan hệ, hay thái độ của người nói với người đã qua đời, người ta có dùng thành ngữ cho phù hợp. Chẳng hạn, thành ngữ sau đây được dùng như một lời nguyền rủa: “Loại người độc ác như mày thì cũng có ngày chết hai tay chắp đítthôi” (14, tr. 129).
2.8. Nghệ thuận ngôn từ tiếng Việt
Ngoài những đặc trưng văn hoá nói trên được thể hiện trong các thành ngữ có từ chỉ “chân”, “tay”, nghệ thuật sử dụng ngôn từ cũng có thể được xem là nét văn hoá của người Việt. “Nghệ thuật ngôn từ Việt Nam có tình biểu trưng cao. Tính biểu trưng thể hiện ở xu hướng khái quát hoá, ước lệ hoá với những cấu trúc cân đối hài hoà” (12, tr. 160). Xu hướng ước lệ bộc lộ cả trong thành ngữ tiếng Việt có các từ chỉ những con số biểu trưng: ba đầu sáu tay, ba đầu sáu tay mười hai con mắt, mặt choắt bằng hai ngón tay chéo, một chân một tay, một tay một chân, một chân bước ra ba chân bước vào, ba chân bốn cẳng, chân tám cẳng, tay năm tay mười, vắt chân chữ ngũ…
Người Việt Nam có lối sống ưa ổn định và có quan hệ tốt với mọi người dẫn đến có những biểu hiện xu hướng trọng sự cân đối hài hoà trong ngôn từ. Tính cân xứng là đặc tính điển hình của tiếng Việt nói chung, và của thành ngữ nói riêng. Trong số 239 thành ngữ có từ chỉ “tay” và “chân” được nghiên cứu, có 130 thành ngữ có cấu trúc đối ngẫu cặp đôi ở cả thành ngữ bốn, sáu và tám yếu tố. Các thành ngữ bốn yếu tố đối ngẫu cặp đôi: bó chân bó tay, chặt tay day trán, chân yếu tay mềm, miệng nói tay làm, tay làm hàm nhai, khéo tay may miệng, tay rảnh chân rỗi, tay xách nách mang, tay kiếm tay cờ…Các thành ngữ sáu yếu tố đối ngẫu cặp đôi: bắt tận tay day tận cánh, coi bằng mắt bắt bằng tay, con đầu gối con cánh tay, day tay mặt đặt tay trái, tay dùi đục chân bàn chổi, thượng cẳng tay hạ cẳng chân…Các thành ngữ tám yếu tố đối ngẫu cặp đôi: đánh chuông ra mặt đánh giặc ra tay, khéo hai con mắt vụng hai bàn tay, chân không bám đất cật không đến trời, lội bùn lấm chân vọc sơn phù mặt, một chân bước ra ba chân bước vào…
3. Kết luận
Thành ngữ tiếng Việt nói chung và thành ngữ có từ chỉ “tay” và “chân” người nói riêng được sử dụng rộng rãi trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân, là giá trị tinh thần của văn hoá, phản ánh những đặc trưng của loại hình văn hoá gốc nông nghiệp. Qua thành ngữ chúng ta hiểu biết hơn về cái hay cái đẹp của ngôn ngữ tiếng Việt, hiểu biết hơn về con người Việt Namvà nền văn hoá Việt Nam . Do đó khai thác một cách toàn diện thành ngữ tiếng Việt nói chung và thành ngữ có từ chỉ “tay”, “chân” người nói riêng, hiểu, sử dụng và phổ biến chúng là góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam.
___________
Tài liệu tham khảo
1. Lương Văn Đang, Nguyễn Lực - Thành ngữ tiếng Việt, NXB KHXH, Hà Nội, 1978.
2. Nguyễn Thiện Giáp - Về khái niệm thành ngữ tiếng Việt, Ngôn ngữ, Số 3, tr. 42-52, Hà Nội, 1979.
3. Hoàng Văn Hành - Về bản chất của thành ngữ so sánh trong tiếng Việt(tr. 11-19), Ngôn ngữ, 1/1976.
4. Hoàng Văn Hành - Từ ngữ tiếng Việt trên đường hiểu biết và khám phá, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991.
5. Hoàng Văn Hành - Kể chuyện thành ngữ tục ngữ, Tái bản lần 2, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1999.
6. Nguyễn Văn Hằng - Thành ngữ bốn yếu tố trong tiếng Việt hiện đại, NXB KHXH, Hà Nội, 1999.
7. Đỗ Huy - Văn hoá mới Việt Nam - Sự thống nhất và đa dạng, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996.
8. Nguyễn Thị Hoài Nhân, Nguyễn Thị Thu, Trần Kim Bảo, Nguyễn Xuân Hoà - Thành ngữ Nga có từ “ðóêà” so sánh - đối chiếu với các thành ngữ có chứa từ “hand” trong tiếng Anh và từ “tay” trong tiếng Việt. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001.
9. Trịnh Thị Kim Ngọc - Ngôn ngữ và văn hoá tri thức nền và việc giảng dạy tiếng nước ngoài, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1999.
10. Trần Ngọc Thêm - Cơ sở văn hoá Việt Nam , NXB Giáo dục, Hà Nội – 1999.
11. Nguyễn Đức Tồn - Đặc trưng văn hoá dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ngôn ngữ ở người Việt(trong sự so sánh với những dân tộc khác). NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.
12. Trần Quốc Vượng - Văn hoá Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm, NXB Văn hoá dân tộc tạp chí văn nghệ thuật. Hà Nội, 2000.
13. Thành tố văn hoá trọng dạy - học ngoại ngữ, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia, Hội ngôn ngữ học Việt Nam, Trường Đại học ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2000.
14. Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành - Từ điển thành ngữ Việt Nam, NXB Văn hoá, Hà Nội, 1993.
15. Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, NXB Đà Năng, Hà Nội – Đà Nẵng, 2002.
Nguồn: Ngôn ngữ & Đời sống, số 3 (125), 2006, tr 22 - 26