Thanh Hoá: Tìm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao
Chiều ngày 26/8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa (Liên hiệp hội) đã tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến cho báo cáo tham vấn về chủ đề: Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Hội thảo góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 58/NQ-TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về xây dựng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Đây là chủ đề do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa giao cho đội ngũ trí thức Liên hiệp hội tham vấn tại Hội nghị tiếp xúc, gặp gỡ, tham vấn và đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh; Thường trực, văn phòng và các ban của Liên hiệp hội. Chủ tịch Liên hiệp hội TS. Nguyễn Văn Phát chủ trì Hội thảo.
Sau khi nghiên cứu dự thảo Báo cáo tham vấn do Trường Đại học Hồng Đức chuẩn bị, các chuyên gia, nhà khoa học đều thống nhất rằng: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh là nhiệm vụ rất quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 58/NQ-TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về xây dựng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã định hướng phát triển một số ngành kinh tế trọng điểm gồm: công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao là nền tảng; các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Kết luận số 2709-KL/TU ngày 05/4/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra một trong các nhiệm vụ quan trọng đó là đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa…
Nhiều ý kiến góp ý cho rằng, Báo cáo tham vấn cần đánh giá cụ thể hơn thực trạng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao của Thanh Hóa; đánh giá về hiệu quả của các cơ chế, chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các cơ sở giáo dục - đào tạo đã và đang áp dụng; từ đó đưa ra các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Các mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể cần hướng tới phục vụ phát triển các ngành kinh tế trọng điểm, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao và toàn diện. Một số giải pháp được các đại biểu đề xuất, như: đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh về phát triển và nâng cao nguồn nhân lực; có cơ chế, chính sách hấp dẫn để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp hoạt động các ngành kinh tế trọng điểm; đề nghị đưa các nội dung yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương vào các cam kết đầu tư…