Tham luận của đồng chí Phạm Sỹ Liêm
TS. Phạm Sĩ Liêm*
Tôi nhất trí với Báo cáo của Hội đồng Trung ương và có ba ý kiến đóng góp với Đại hội. |
Trước tiên là về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, gọi tắt là tư vấn xã hội. Nhiệm kỳ qua Liên hiệp hội đã có công giúp Chính phủ thể chế hoá được hoạt động rất quan trọng này, nhờ đó mà các hội thành viên đã triển khai được nhiều việc làm có ích, chẳng hạn Tổng hội Xây dựng Việt Nam cùng với Hiệp hội nhà thầu Việt Nam và Hiệp hội tư vấn Việt Nam đã nêu ra vấn đề chống thất thoát trong đầu tư xây dựng vào cuối năm 2003, sang năm 2004 trở thành chủ đề bàn luận của Quốc hội, Chính phủ và các phương tiện thông tin đại chúng. ở cấp Liên hiệp hội, tuy đã có một số hoạt động tư vấn xã hội bổ ích nhưng chưa nhiều. Chẳng hạn tại sao chúng ta không có ý kiến gì đối với việc chuyển quản lý nhà nước về môi trường từ Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sang Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tôi cho rằng quyết định đó không hợp lý, giống như trước đây đã chuyển Tổng cục Du lịch từ bộ này qua bộ khác để rồi lại trở về vị trí xuất phát. Dù sao đấy vẫn là chuyện nhỏ. Chuyện lớn hơn nhiều là vấn đề hoàn thiện thể chế cho hệ thống thị trường mà “sát sườn” với Liên hiệp hội là thị trường khoa học và công nghệ, là vấn đề tìm ra các tiêu chí để đánh giá “hiện đại hóa” kinh tế và xã hội, để đánh giá “xã hội văn minh” được đến đâu rồi, hay như chuyện cải cách chế độ tiền lương để “có thực mới vực được đạo” mà hiện nay các nhà hoạch định chính sách đang rất lúng túng.
Mong rằng nhiệm kỳ tới Liên hiệp hội đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tư vấn xã hội ở cấp Liên hiệp hội. Mỗi năm chọn một vài chủ đề xứng đáng ở tầm quốc gia để đưa ra kế sách, qua đó vị thế của Liên hiệp hội trong xã hội sẽ được nâng cao. Trước mắt trong năm 2005, đề nghị Liên hiệp hội chọn một chủ đề để đóng góp cho Đại hội Đảng X, chủ đề đó có thể đưa ra trao đổi trên Tạp chí Khoa học và Tổ quốc ngay từ đầu năm và tổng kết trong một hội thảo toàn quốc vào cuối năm.
Vấn đề thứ hai là cải tiến tổ chức của Liên hiệp hội và việc đăng bạ kỹ sư. Liên hiệp hội chúng ta bao gồm các hội chuyên ngành thuộc “ba” khối: khối khoa học tự nhiên, khối khoa học xã hội và nhân văn và khối KH&CN. Để đẩy mạnh hoạt động đồng đều của cả 3 khối, đề nghị tập hợp các ủy viên hội đồng điều hành thuộc các hội chuyên ngành vào ba khối đó, hình thành 3 Uỷ ban để bàn bạc quyết định về những vấn đề mà mình quan tâm. Mỗi uỷ ban có một tổ thư ký vài ba người do một Phó Tổng thư ký được Hội đồng điều hành bổ nhiệm phụ trách. Ba Phó Tổng thư ký đó cùng với Tổng thư ký hình thành Ban Thư ký của Liên hiệp hội.
Đối với khối KH&CN thì trước mắt cần triển khai ngay công tác đăng bạ kỹ sư, một việc mới mẻ rất cần thiết khi nước ta chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Nói vắn tắt, đăng bạ kỹ sư là đánh giá theo tiêu chuẩn thống nhất về ba mặt: kiến thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp của các kỹ sư nước ta ngày nay vốn đã được đào tạo từ rất nhiều nguồn ở nhiều nước để thị trường sử dụng họ một cách hiệu quả, khác với trước đây kỹ sư do nhà nước đào tạo, nhà nước đánh giá để nhà nước sử dụng. Tôi đề nghị Liên hiệp hội, mà cụ thể là khối KH&CN, đề xuất Chính phủ sớm ra Nghị định về đăng bạ kỹ sư và ủy nhiệm cho Liên hiệp hội tổ chức thực hiện. Khối KH&CN cũng phải chăm lo chuẩn bị và tham gia tích cực các hoạt động của AFEO, trong đó có đăng bạ kỹ sư ASEAN và hội nghị CAFEO hằng năm.
Vấn đề thứ ba là công tác phổ biến kiến thức. Khác với trước đây, công tác phổ biến kiến thức ngày nay được triển khai trong bối cảnh cả nước đã phổ cập tiểu học, nhiều nơi đã phổ cập trung học cơ sở, tầng lớp trí thức ngày càng đông đảo, nước ta chuyển sang kinh tế thị trường. Phương tiện để phổ biến kiến thức lại rất phong phú. Nếu Đảng, Chính phủ và chính Liên hiệp hội chúng ta cho rằng công tác phổ biến kiến thức ngày nay vẫn hết sức cần thiết thì cần đề ra chính sách và thể chế để công tác này không còn nặng tính tự phát như bây giờ nữa mà được tổ chức lại, có mục tiêu rõ rệt và giao trách nhiệm rành mạch. Tôi cho rằng Liên hiệp hội các tỉnh thành sẽ đóng vai trò chủ lực trên mặt trận phổ biến kiến thức, nhưng các hội chuyên ngành lại có nhiệm vụ cung cấp tài liệu phổ biến kiến thức cho họ. Chỉ với vai trò phổ biến kiến thức thôi thì Liên hiệp hội đã phải có tổ chức ở tất cả các tỉnh, kể cả tỉnh nghèo nhất và xa xôi nhất.
Đối tượng phổ biến kiến thức bây giờ rất rộng rãi. Báo Khoa học và Đời sống đã có nhiều cống hiến trong việc phổ biến kiến thức phổ thông, rất đáng ca ngợi. Thế nhưng trên thị trường báo chí còn không ít tờ báo lá cải in rất bắt mắt với nội dung theo kiểu chuyện lạ đó đây chứ không phải là phổ biến kiến thức. Có một số Tạp chí rất tốt như Tia sáng của Bộ KH&CN, Nhà quản lý của Liên hiệp hội, Xưa và Nay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, v.v... làm công tác phổ biến kiến thức ở trình độ cao. Tuy vậy, tôi cho rằng Liên hiệp hội vẫn nên nghiên cứu xuất bản một tạp chí nhằm vào đối tượng trung học phổ thông và đại học, để khuyến khích óc tò mò, ham thử nghiệm, ưa mạo hiểm, dám đương đầu với rủi ro v.v... mà thanh niên ta đang thiếu khi bước vào đời và tiếp xúc với thị trường.
Cuối cùng, tôi mong Liên hiệp hội nhanh chóng trở thành một thể chế đáng kể của xã hội dân sự, tập hợp tầng lớp trí thức khoa học và công nghệ để góp phần vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. Các nước, kể cả nước láng giềng Trung Quốc, ngày nay phát triển nhanh. Với công nghệ thông tin, thời giờ thực sự là vàng bạc, rất nhiều doanh nhân các nước buôn bán suốt 24 giờ, lợi dụng sự lệch múi giờ trên trái đất. Cũng một đồng vốn nhưng ban ngày đã cho một bên vay, ban đêm lại huy động cho một bên khác ở xa tít và đang là ban ngày vay như vậy nhân đôi được đồng vốn, đã giàu càng giàu thêm. Vì vậy, tôi mong Liên hiệp hội nhiệm kỳ tới tăng tốc, chẳng gì cũng đã là một thanh niên cường tráng hai mấy tuổi rồi. Chúng tôi xin gửi gắm sự tin cậy và nhiều mong đợi vào ông Chủ tịch, các ông Phó Chủ tịch chuyên trách và Tổng Thư ký nhiệm kỳ mới mà Đại hội đã giao trọng trách.
Xin kính chúc Đại hội thành công và các vị khách quý, các vị đại biểu năm mới thắng lợi mới.
-----
* Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam