Tham luận của đồng chí Nguyễn Lân Dũng
GS. TS. Nguyễn Lân Dũng*
Báo cáo của Hội đồng Trung ương trình bày trước Đại hội đã nói lên khá đầy đủ thành tích của Liên hiệp hội, của 56 tổng hội và hội KHKT ở trung ương cùng 36 Liên hiệp hội 36 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Tôi thấy không cần bổ sung thêm gì nhưng muốn nêu một vấn đề để chúng ta cùng suy nghĩ. Đó là: Liệu sức mạnh của đông đảo chúng ta có phải chỉ làm nổi từng ấy việc hay sao? Sức mạnh tổng hợp của đội ngũ hàng chục vạn trí thức Việt Nam trong đó có trên 1 vạn tiến sĩ, hàng ngàn giáo sư và phó giáo sư có thể đóng góp được nhiều hơn không cho công cuộc Đổi Mới của đất nước? |
Tại Tân Trào, khi chuẩn bị bước vào cuộc Cách mạng tháng Tám bác Hồ đã nói: Nhân sĩ trí thức là thứ men tốt, cần phải kéo họ về mình.Ngày nay trí thức Việt Nam đều đã được tập hợp trong một đội ngũ thống nhất. Họ tự giác đi theo cách mạng, tự giác phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Có thể nói ít có đất nước nào trí thức có nhiều sự tự giác lớn đến như vậy, nhất là nếu so sánh về trí tuệ với đồng lương hiện tại. Rất nhiều người hưởng một lương, có khi chỉ là một lương hưu rất ít ỏi nhưng đảm nhiệm cùng một lúc nhiều nhiệm vụ khác nhau. Họ đâu có so bì thiệt hơn mà chỉ mong sao có điều kiện để cống hiến được nhiều hơn nữa cho sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Họ đúng là thứ men tốt,nói theo thuật ngữ khoa học thì đó là những enzymquý giá, loại chất xúc tác chỉ cần với số lượng nhỏ cũng đủ thúc đẩy rất mạnh mẽ những phản ứng to lớn.
Vậy thì nhân tố nào đã hạn chế tác dụng của các chất mennày? Theo tôi trước hết phải nhận thiếu sót về phần mình. Hội đồng Trung ương tuy gồm tới trên 200 trí thức tiêu biểu cho cả nước nhưng mỗi năm chỉ họp có một kỳ thì làm sao có thể thúc đẩy được công việc? Đoàn Chủ tịch tuy gồm toàn các nhà khoa học ưu tú và cũng đầy nhiệt huyết nhưng còn bị động và thiếu sáng kiến để đề ra các cuộc vận động, các chương trình phản biện, các cuộc khảo sát và giám sát thực tiễn, các hội thảo chuyên đề để có thể đề xuất với Đảng, với Chính phủ, với Quốc hội, với Mặt trận Tổ quốc những kiến nghị sâu sắc, những phản biện đầy đủ căn cứ khoa học, những phát hiện mang tính đột phá và đầy tinh thần trách nhiệm.
Trong Báo cáo trước kỳ họp thứ 6 vừa qua của Quốc hội Khoá XI, Thủ tướng Chính phủ đã nhận xét trong 4 năm qua nền kinh tế còn chậm chuyển biến về chất lượng tăng trưởng, về hiệu quả và sức cạnh tranh; hệ thống thị trường chưa phát triển đồng bộ, chưa vận hành thông suốt và có trật tự, các nguyên tắc của kinh tế thị trường chưa được quán triệt đầy đủ; hệ thống tài chính-tiền tệ chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế và có mặt thiếu lành mạnh; các lĩnh vực văn hoá, xã hội phát triển về bề rộng nhưng nhiều mặt còn kém về chất lượng; giáo dục - đào tạo và khoa học -công nghệ còn nhiều bất cập so với yêu cầu đặt ra cho vai trò quốc sách hàng đầu; tỷ lệ sinh đẻ có chiều hướng tăng; môi trường sống bị ô nhiễm nặng; nhiều tài nguyên bị khai thác bừa bãi; tai nạn giao thông và tệ nạn xã hội tiếp diễn nghiêm trọng; kỷ cương chưa nghiêm cả trong xã hội và trong bộ máy nhà nước.
Chúng ta thử nghĩ xem trong các tồn tại và yếu kém mà Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra trên đây có bao nhiêu phần trăm là do yếu kém về tri thức, về khoa học, về công nghệ? Và giới trí thức chúng ta đã có những hành động gì thiết thực để khắc phục các tồn tại, yếu kém đó?
Tôi cho rằng nếu Đảng, Chính phủ và Quốc hội biết dựa nhiều hơn vào đội ngũ trí thức, mặt khác nếu các hội KHKT nói riêng và cả Liên hiệp hội chúng ta nói chung biết chủ động phát huy sức mạnh trí tụê của đội ngũ mình thì tình hình không đến nỗi khó khăn như vậy. Làm gì mà chúng ta không đủ sức để đóng góp cho ngành Giáo dục có được một bộ Chương trình và một bộ Sách giáo khoa không thua kém so với mặt bằng chung của Thế giới? Làm gì mà chúng ta không đủ sức để có được những biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn tình trạng đầu tư tràn lan và thiếu hiệu quả trong hàng loạt công trình xây dựng cơ bản, trồng rừng, đánh bắt hải sản xa bờ...? Làm gì chúng ta không nghĩ ra nổi các con đường ngắn hơn để góp phần xoá đói, giảm nghèo nhờ áp dụng các tiến bộ của khoa học và công nghệ? Làm gì chúng ta không đề xuất nổi những kiến nghị khả thi và có tính khoa học cao để đẩy lùi tham nhũng, hối lộ, quan liêu và vô trách nhiệm với quần chúng? Làm gì mà chúng ta không loại bỏ nổi những đề tài nghiên cứu chỉ tốn kém tiền bạc mà không đem lại ích lợi gì cho xã hội? Làm gì mà chúng ta không ngăn cản được việc ai muốn xây nhà kiểu lố lăng gì thì cứ tự do xây? Làm gì mà chúng ta không hạn chế được việc công bố các việc làm khi chưa chuẩn bị kỹ, chẳng hạn như việc sớm tuyên bố Tăng lương (khiến cho có nhà báo phải kêu lên: Giá ơi, chờ Lương với!).... oiaicoekhi ch các Hội khoa học của 35
Trách nhiệm nếu thuộc về các cơ quan Nhà nước do chưa tin và chưa giao trách nhiệm cho Liên hiệp hội thì xin được sớm khắc phục trong thời gian tới. Tuy nhiên phần chủ động phải thuộc về Liên hiệp hội và các hội thành viên. Chúng ta có trong tay trên 400 nghìn những trí thức tốt, chúng ta có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quyền hạn của các tổ chức quần chúng làm công tác khoa học -kỹ thuật. Chỉ cần Hội đồng trung ương và nhất là Đoàn Chủ tịch mà Đại hội này bầu ra cùng với Ban chấp hành và Thường trực của 92 tổng hội và hội ở trung ương và địa phương, nếu đều hoạt động hăng hái hơn, nhiệt tình hơn, chủ động hơn và sáng tạo hơn thì chúng ta tin chắc rằng tình hình sẽ thay đổi theo chiều hướng hết sức tích cực.
100 năm trước đây, cụ Phan Bội Châu đã cùng các cụ Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kính sang Nhật gây dựng phong trào Đông Du vì cho rằng cần tạo ra một lực lượng có thực tài làm nòng cốt cho sự nghiệp phục quốc, mong muốntiếp thu văn minh nước ngoài với tinh thần khiêm tốn nhưng tích cực, chủ động, và sáng tạo để từng bước rút ngắn khoảng cách của nước mình với các nước tiên tiến.
Ngày nay chúng ta có tới gần 3 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, trong số này có tới trên 300.000 trí thức với không ít các chuyên gia cao cấp thuộc nhiều ngành khoa học mũi nhọn khác nhau. Chúng ta có tới trên 30.000 học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh đang học tập tại nước ngoài, trong đó phần lớn là đi học bằng kinh phí tự túc. Chúng ta có một đội ngũ khoa học đông đảo đang làm việc tại 214 trường Đại học và Cao đẳng, 286 trường Trung học chuyên nghiệp 546 trường Dạy nghề và hàng trăm Viện nghiên cứu, Trung tâm khoa học.
Phần lớn các trí thức của chúng ta đang được tập hợp trong Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam rất hùng mạnh này. Chúng ta vẫn tiếp tục đào tạo thêm nhiều cán bộ trẻ, tiếp tục học tập các thành tựu tiên tiến của nhân loại, nhưng với đội ngũ hiện nay chúng ta có thể đóng góp nhiều hơn, xứng đáng hơn nếu như chúng ta không tự bằng lòng với các thành tích đã có, không bàng quan với tình trạng nghèo nàn và lạc hậu của nước ta so với rất nhiều nước mà trước đây không lâu cũng chỉ như ta hoặc thua kém ta về kinh tế. Chúng ta hãy nêu quyết tâm hợp sức với các cơ quan Nhà nước, tạo nên một mối quan hệ gắn bó hơn, thiết thực hơn để có thể phát huy đến mức cao nhất chất xám của đội ngũ đông đảo các trí thức thuộc Liên hiệp hội.
-----
* Phó Chủ tịch thường trực Hội các ngành sinh học Việt Nam