Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 16/11/2007 00:00 (GMT+7)

Thái Sơn - ngọn núi biểu tượng về người cha

Câu ca dao này hầu như ai ai cũng biết. Nhưng có lẽ không mấy ai biết ngọn núi Thái Sơn ở đâu, và vì sao nó được dùng để so sánh với công ơn cao cả của người cha? Nhân “Mùa Vu Lan” báo hiếu lại về, xin được giới thiệu đôi nét về ngọn núi nổi tiếng này.

Núi Thái Sơn ở miền trung tỉnh Sơn Đông - Trung Hoa, chạy dài trong ba huyện Thái An, Lịch Thành và Trường Thành, nơi cao nhất cách mặt biển 1545 m. Xưa được gọi là Nhạc Sơn (hay Nhạc Tông), là ngọn núi đứng đầu trong Ngũ Nhạc ( 5 ngọn núi lớn của Trung Nguyên - Trung Hoa). Vì nằm ở phía đông đất nước, nên núi này có tên là Đông Nhạc và thường gọi là “Ngũ Nhạc Độc Tôn”. Thái Sơn nguy nga hùng vĩ, sừng sững uy nghiêm, xưa nay lúc nào cũng được người dân Trung Hoa ngưỡng mộ, coi là hình ảnh tượng trưng cho sự cao cả, vĩ đại.

Tương truyền, từ rất sớm, ngay vào các thời đại Hạ, Thương, Chu(Cách nay trên 3.000 năm), đã có 72 đấng quân vương đến lễ bái nơi này. Tần Thuỷ Hoàng, sau khi thống nhất Trung Hoa, đã đến Thái Sơn để phong thiện, tức phong cho Thái Sơn là nơi tế trời. Từ đó về sau, nhiều vị hoàng đế, khi vừa mới đăng cơ, hoặc vào những năm đất nước thái bình, đều đến phong thiện và cầu khấn. Văn nhân, học giả các thời đại, sau khi du lịch Thái Sơn đã có nhiều sáng tác truyền đời. Khi đứng ở đỉnh ngọn núi này, Khổng Tử đã có cảm giác bàng hoàng thật sự: “Đăng Thái Sơn nhi tiểu thiên hạ”, còn Hán Vũ Đế thì ca ngợi hết lời: “Cao hề, cực hề, đặc hề, tráng hề, hách hề, hãi hề, cảm hề…”.

Cái nôi của nền văn minh Trung Hoa

Theo các chuyên gia lịch sử và khảo cổ nổi tiếng của Trung Hoa thì khu vực Thái Sơn là cái nôi của nền văn minh Trung Hoa ngày nay. Tại đây, con người có mặt từ rất sớm. Một quốc gia sơ khai đã manh nha từ thế kỷ XX trước công nguyên; và nền văn hoá của nó sau này được gọi là nền “Văn hoá Thái Sơn”, cũng phát triển rất sớm và có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của nền văn hoá Trung Hoa cũng như các nước phương Đông nói chung.

Đối với các bộ tộc đầu tiên sống ở xung quanh, trong thời tiền sử, Thái Sơn là chỗ dựa linh hồn của họ, trở thành vật tổ của họ, được tôn sùng là ngọn núi thần (Thần Sơn), vô cùng thiêng liêng. Theo họ, vùng đất đó là trung tâm của vũ trụ, vì thế Thái Sơn không chỉ to lớn nhất, hùng vĩ nhất mà còn được coi là tổ tiên của tất cả các ngọn núi khác, là “Quần sơn chi tổ, ngũ nhạc chi tông”. Tâm lý “uống nước, nhớ nguồn” và “lá rụng về cội” của người Trung Hoa bắt nguồn từ nơi đây.

Thái Sơn được ví như một cây cao muôn trượng, còn mỗi người chỉ như một chiếc lá, lúc nào cũng muốn trở về với cội (Thụ cổ thiên trượng, diệp lạc quy căn). Đây cũng là quan niệm sống của người phương Đông nói chung đối với nguồn gốc của mình. Từ Thái Sơn ngày nay vẫn được người dân Trung Hoa sử dụng hàng ngày trong các thành ngữ “Trọng vu Thái Sơn” (Nặng như Thái Sơn), “An như Thái Sơn” (Yên ổn như Thái Sơn), “Thái Sơn Bắc đẩu” (Người có thành tích trác việt được thiên hạ ngưỡng mộ), “Hữu nhãn bất thức Thái Sơn” (Có mắt mà không nhận ra Thái Sơn)… Điều đó nói lên Thái Sơn luôn luôn có một địa vị cao quý trong lòng người dân Trung Hoa.

Biểu trưng ý chí tự cường

Thái Sơn còn tượng trưng cho đức tính cao đẹp của nhân dân Trung Hoa, chủ yếu là tinh thần tự cường, tinh thần yêu nước và ý chí thống nhất. Tinh thần tự cường thể hiện rất rõ trong quá trình leo núi. Từ cổng Hồng Môn ở chân núi phải leo lên 1.000 bậc đá mới đến được đỉnh Ngọc Hoàng. Mọi người phải nỗ lực với tinh thần tự giác tự cường.

Tinh thần đó được ghi rõ ở nhiều chỗ trên con đường lên núi bằng những câu, chữ khắc trên đá. Nhiều nhất là chữ “Đăng” (Lên cao). Thứ nữa là hàng chữ “Đăng cao tất tự” (Lên cao phải tự bản thân mình). Bốn chữ này lấy từ sách “Trung dung”, trong câu: “Đăng cao tất tự ti, hành viễn tất tự nhĩ”, là (Lên cao phải bắt đầu từ dưới thấp; đi xa phải bắt đầu từ chính mình). Ngoài ra, còn có các hàng chữ “Tùng thiện như đăng” (Theo việc thiện giống như leo núi); “Nhược đăng thiên nhiên” (Như vào vũ trụ); “Nỗ lực phàn đăng” (Gắng sức vươn lên)….

Tất cả cùng động viên người ta khắc phục khó khăn để vượt qua, để tu dưỡng về đạo đức và phẩm chất. Khi đạt đến đỉnh núi cao nhất, ai cũng thấy sung sướng, tự hào. Nhiều câu, chữ khắc trên đá nói lên cảm nghĩ đó, như “Ngưỡng bất quý vu thiên” (Ngửa mặt lên không thẹn với trời); “Nhất lãm chúng sơn tiểu” (Một thoáng nhìn thấy ngọn núi nào cũng nhỏ bé); “Chỉ hữu thiên tại thượng, cách vô sơn dữ tề” (Chỉ có trời là ở trên, không núi nào cao bằng)…

Trên đỉnh núi, ngoài các di tích liên quan đến vua chúa, còn có rất nhiều miếu mạo, đền đài, những cơ sở tu hành và thuyết giảng kinh kệ của đạo Giáo, cuốn hút biết bao thiện nam tín nữ tìm đến dâng hương. Vào mùa đông, khách du lịch không nhiều, nhưng đoàn người leo núi vẫn đông, không ít cụ già cố sức leo lên đền thời Bích Hạ Nguyên Quân để cầu mong không bệnh tật, được mạnh khoẻ, bình an và hạnh phúc.

Một danh thắng

Thái Sơn cũng là một thắng cảnh được du khách ưa thích. Tham quan Thái Sơn, trước tiên phải đến với Đại Miếu, nơi các hoàng đế thời phong kiến cử hành những nghi thức lễ báo khi đến phong thiện tại đây. Ngôi miếu này nằm trong thành Thái An, được xây dựng vào thời Bắc Tống. Điểm thứ hai là Đại Tông phường, khu cổng chính của Thái Sơn, được xây dựng dưới thời Minh với nhiều kiến trúc rất đẹp, là nơi các vua chúa dừng chân nghỉ ngơi trước khi leo lên Thái Sơn.

Điểm tham quan hấp dẫn nhất là đến thờ Bích Hà. Đây là một quần thể kiến trúc lớn. Các kiến trúc trong đền đều lợp ngói, làm bằng đồng. Trong điện thờ chính có tượng Thái Sơn Nữ thần Bích Hà Nguyên Quân đúc bằng đồng. Đạo Giáo cho rằng Nguyên Quân là con gái của Đông Nhạc Đại đế, được Ngọc Đế giao cho công việc theo dõi sự thiện - ác ở trần gian.

Qua đền Bích Hà là đỉnh Ngọc Hoàng, đỉnh cao nhất của Thái Sơn. Đỉnh Ngọc Hoàng còn có tên là ngọn Thiên Trụ, trên đó có điện Ngọc Đế, nơi thờ Ngọc Hoàng Đại đế. Phía đông có đình Quan Nhật, nơi ngắm cảnh mặt trời mọc ở phương đông. Còn ở phía tây thì đình Vãn Hà, nơi ngắm cảnh chiều tà trên sông. Ngoài ra còn có “Hoàng Hà Kim Đới” (Đai Vàng Hoàng Hà) và “Vân Hải Ngọc Bồn” (Biển Mây Ngọc Bồn) là bốn kỳ quan lớn của Thái Sơn. Do có giá trị to lớn về du lịch cũng như nhân văn, vào năm 1987, Thái Sơn được tổ chức UNESCO của Liên hiệp quốc công nhận là “Di sản thiên nhiên và văn hoá của thế giới”.

Do chịu ảnh hưởng sâu sắc nền văn hoá của phương Đông, cha ông chúng ta thuở xưa cũng cho rằng Thái Sơn là ngọn núi cao nhất, hùng vĩ nhất, thiêng liêng nhất, không ngọn núi nào sánh bằng, nên đã dùng nó để so sánh với công ơn cao dày của người cha đối với con cái.

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh
Đại hội Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) nhiệm kỳ 2025–2030 được tổ chức thành công vào sáng ngày 21/7. Tại Đại hội, đại diện Đoàn Thanh niên VUSTA đã có bài phát biểu chúc mừng đại hội. Bí thư Đoàn Thanh niên Lê Thị Thủy khẳng định: “Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh và luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới đất nước”.
Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương
Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và biểu trưng (logo) Đại hội đại biểu Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 được chính thức khởi động từ ngày 18/7/2025.