Thái Nguyên: Tập huấn sản xuất chè hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm
Ngày 27/10, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Hội chè Thái Nguyên đã tổ chức tập huấn “Sản xuất chè hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” cho các đơn vị hội viên, sản xuất kinh doanh chè và các hộ sản xuất chè hữu cơ tại thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ.
Lớp tập huấn nhằm cung cấp các kiến thức cơ bản về sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam 11041 – 6: 2018 và giới thiệu các đối tác quan tâm đến sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ để liên kết, tiêu thụ sản phẩm.
Tại buổi tập huấn, các học viên đã được phổ biến kiến thức về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, quy trình sản xuất chè hữu cơ với các nội dung chủ yếu: Nguyên tắc chung của sản xuất hữu cơ; Những thuận lợi, khó khăn khi sản xuất nông nghiệp hữu cơ; Định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ; Kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch chè theo tiêu chuẩn hữu cơ (sản xuất riêng rẽ và sản xuất song song, quản lý hệ sinh thái và đa sạng sinh học, lựa chọn loài và giống cây trồng, truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm…).
Hiện nay diện tích, sản lượng và giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng chè của tỉnh Thái Nguyên đang dẫn đầu cả nước với diện tích 22,2 ngàn ha, sản lượng dự ước cả năm 2023 là 262,4 ngàn tấn, sản lượng chè sau chế biến ước đạt 52,5 ngàn tấn, giá trị sản phẩm sau chế biến là 12,1 nghìn tỷ đồng, diện tích chè được ứng dụng tiến bộ KHKT và đạt tiêu chuẩn an toàn đạt khoảng 17,8 ngàn ha trong đó diện tích chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ là 65 ha. Tuy nhiên, để chuyển đổi sản xuất chè từ canh tác truyền thống sang sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ là cả một quá trình thay đổi từ nhận thức sang hành động.
Tỉnh Thái Nguyên đã từng sản xuất chè hữu cơ từ năm 1998 và đã đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế IFOAM nhưng vì không có thị trường tiêu thụ nên không duy trì được. Đến nay diện tích chè hữu cơ của tỉnh có 65 ha trong đó có 60 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam và 5 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ IFOAM. Trong thực tế, việc sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nói chung và chè hữu cơ nói riêng phải gắn với thị trường tiêu thụ thì mới bền vững. Ý thức được điều này, các đơn vị hội viên, sản xuất kinh doanh chè tại thị trấn Sông Cầu nói riêng và những người làm chè tỉnh Thái Nguyên nói chung rất quan tâm đến sản xuất chè hữu cơ.
Những kiến thức bổ ích từ lớp tập huấn sẽ giúp các đơn vị hội viên, sản xuất kinh doanh chè và các hộ sản xuất chè hữu cơbiết vận dụng lợi thế về đất đai và khí hậu để sản xuất tạo nên những sản phẩm chè xanh truyền thống có hương thơm, vị đượm rất đặc trưng, thực hiện mục tiêu phát triển chè theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm chè trên thị trường cả trong nước và quốc tế. Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội chè Thái Nguyên cũng đã bày tỏ: “Hội chè Thái Nguyên với tư cách là đại diện cho người làm chè tỉnh Thái Nguyên mong muốn vùng chè Sông Cầu sẽ chuyển đổi thành công toàn bộ diện tích thành vùng chè hữu cơ điển hình của tỉnh và Hội sẽ hỗ trợ, tư vấn trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm”.
Trong khuôn khổ chương trình, sau khi kết thúc tập huấn, các chuyên gia và các đại biểu tham gia đã thăm mô hình sản xuất chè hữu cơ tiêu biểu tại xóm 5, thị trấn Sông Cầu.