Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 09/06/2008 14:59 (GMT+7)

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên (Sydney, ÚC): "Lạc quan để tồn tại, nghị lực để vươn lên"

Công trình của anh được chọn lọc từ 1.500 đề tài được đưa ra báo cáo tại Hội thảo, nhưng có một điều ít ai biết rằng nhà khoa học trẻ ấy đã phải trải qua bao sóng gió cuộc đời để đến được đây, trên vị trí tôn vinh những người hết lòng vì khoa học. Bảy tháng tuổi, di chứng của căn bệnh sởi quái ác khiến một mắt anh bị hỏng. Với thị lực khiếm khuyết đeo đẳng bên mình, anh đến trường với bao khó khăn vất vả; ngồi ngay bàn đầu mà cứ phải chạy lên chạy xuống nhìn bảng chép bài,  lắm lúc anh muốn buông xuôi, phó mặc cho số phận…Nhưng như cây non gặp hạn vẫn cứ vươn về phía mặt trời, khát khao được sống, được làm việc cứ trỗi dậy trong tâm hồn người con vùng cao nguyên Pleiku. Và anh lại đứng lên, bước tiếp. 

Cổng trường Đại học Y đã mở ra với anh nhưng rồi “mắt kém làm sao đủ tiêu chuẩn học ngành y? Thôi hãy về tìm nghề khác mà học”! Phũ phàng thế sao? Không, không thể đầu hàng dễ dàng như thế. Và ý chí, nghị lực cộng với cả …nước mắt của anh đã làm những người thầy nghiêm khắc nhất cũng phải mềm lòng. Anh lại được đón nhận. Cuộc sống lại mở ra với những tia nắng hồng! 

Thế nhưng ông trời hình như rất thích thử lòng người. Năm thứ 4 trường Y, thị lực của anh gần như mất hẳn. Bỏ học ngang chừng, ra Hà Nội tìm cơ hội sáng mắt. Mổ rồi nhưng thị lực vẫn còn yếu lắm, mọi vật cứ mù mờ, cứ nhạt nhòa như tương lai của anh vậy. Thế là hết, là trở thành một người khuyết tật! Buồn chán, nản lòng anh nhờ người chở đến trường khiếm thị Hà Nội. Những bóng người mờ ảo cắm cúi làm việc, cắm cúi học. “Ồ, thì ra mình vẫn còn may mắn, hạnh phúc lắm. Các em bé ấy không nhìn thấy gì nhưng vẫn làm việc thật giỏi, còn mình, mình đã được nhìn thấy cuộc đời trên 20 năm, mình lại được học tập, vậy tại sao mình lại bó tay, lại buông xuôi chứ?” - nhủ thầm với lòng mình như vậy để rồi sáng hôm sau năn nỉ bà mẹ nuôi chở anh đến trường. Cứ như thế trong cả năm trời, với tình thương của cha mẹ nuôi người Hà Nội, với sự giúp đỡ của bè bạn, anh vẫn tiếp tục đến trường, nhờ bạn chép bài để tối về mở máy ghi âm nghe lại lời thầy giảng, kê thước tập viết chữ thật thẳng. “Trời thật có mắt”, sau   đó thị lực dần phục hồi, và rồi anh giành luôn vị trí thủ khoa tốt nghiệp trường Y Hà Nội năm 1992.  

Thạc sĩ Nguyễn Đình Nguyên tại Khách sạn REX, TP.HCM.
Thạc sĩ Nguyễn Đình Nguyên tại Khách sạn REX, TP.HCM.
“Có lẽ nhờ trời nuôi nên dần dần mắt tôi lấy lại được thị lực, tuy chỉ còn khoảng 70% nhưng như thế là may mắn lắm rồi. Dù không biết kéo dài được bao lâu thì mù hẳn nhưng tôi nghĩ còn làmđược điều gì thì cố gắng làm. Tôi nghĩ phải vui với cái mình hiện có, vì thế tôi vẫn làm việc, khám chữa bệnh, vẫn đọc, viết, nghiên cứu với suy nghĩ hãy làm khi còn có thể chứ chẳng nên ngồi đó đểvò đầu bứt tai. Nếu sau 5 năm mà mắt không còn thấy đường thì mình cũng đã làm được một số việc, còn hơn là sau 5 năm nữa mình chẳng làm được gì. Sống thì phải hy vọng, chính vì thế tôi lạc quan đểtôi tồn tại, và cần phải có nghị lực để vươn lên!!”

 - Anh cười thật sảng khoái khi nghe tôi hỏi anh có bi quan không khi một ngày nào đó anh sẽ không còn nhìn thấy gì nữa. Vâng, “lạc quan để tồn tại, nghị lực để vươn lên ”! Tôi vui với niềm tin vào cuộc sống của anh, vui khi được biết anh, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên, càng vui hơn khi biết anh nhận được một giải thưởng khoa học lớn. Rất chân tình, anh tâm sự: “Thật ra đây cũng là một sự tình cờ, vì đây là một dự án nằm trong luận án tiến sĩ của tôi với sự hướng dẫn của  Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, một chuyên gia về dịch tễ học và bệnh loãng xương”.

PV: Sự tình cờ? Nhưng đó là một vinh dự lớn vì chắc hẳn dự án của anh là đề tài khá mới mẻ và có giá trị cao?

Thạc sĩ Nguyễn Đình Nguyên: Đây là một sự khích lệ, vì giải thưởng giành cho các nhà nghiên cứu trẻ. Trẻ nghĩa là trẻ tuổi nghề, đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ hoặc là trong 5 năm sau khi nghiên cứu sinh tốt nghiệp. Đề tài này là ”Đánh giá nguy cơ gãy xương cho người cao niên trong quãng đời còn lại”.Ví dụ một người già thì nguy cơ của họ là loãng xương và hậu quả lớn nhất là gãy. Gãy xương là một vấn đề rất nghiêm trọng, không chỉ là vấn đề chi phí mà còn là chất lượng cuộc sống bị giảm đi: tạo gánh nặng cho gia đình, cho xã hội. Vấn đề đặt ra là phòng ngừa và điều trị như thế nào.

Từ trước đến nay, trong ngành điều trị loãng xương quốc tế, ai cũng biết rằng vấn đề loãng xương và gãy xương liên quan đến tuổi tác, nghĩa là tuổi càng cao thì nguy cơ gãy xương càng lớn. Thứ hai là liên quan đến người phụ nữ ở tuổi mãn kinh, ở tuổi này, xác xuất gãy xương cao. Thứ ba là mật độ khoáng xương càng thấp thì nguy cơ gãy xương càng cao. Bên cạnh đó còn nhiều yếu tố khác thường gọi là yếu tố nguy cơ. Nhưng đối với một số nhóm người mà mật độ khoáng xương giảm đi chừng 0.12gr thì khả năng gãy xương tăng lên gấp 2 - 3 lần so với người có mật độ khoáng xương thấp hơn mức độ đó. Nhưng cũng không có nghĩa yếu tố này áp dụng trên một cá nhân cụ thể mà xác xuất này được tính trên một quần thể lớn. Nhưng vấn đề đặt ra lại là cho một cá nhân cụ thể. Chẳng hạn một bệnh nhân A, tuổi 60, có mật độ khoáng xương là 0.7g/cm 2, người này lại đã từng bị gãy xương trước đó, thì bác sĩ cũng không thể đưa ra câu trả lời cho việc xác xuất người đó sẽ bị gãy xương lần hai trong quãng đời còn lại là bao nhiêu.

Thạc sĩ Nguyên và Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn tại Hội thảo Khoa học.
Thạc sĩ Nguyên và Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn tại Hội thảo Khoa học.
Ý tưởng đó được cộng với lợi thế là GS Tuấn đang điều hành một trong những nghiên cứu dịch tễ học về bệnh lý Loãng xương lớn nhất thế giới là “Nghiên cứu Dịch tễ học về Loãng xương ởDubbo”, một tỉnh của Úc. Nghiên cứu này đã được tiến hành trong vòng 15 năm rồi. Tất cả những đối tượng từ 60 tuổi trở lên đều được mời tham gia vào đề tài nghiên cứu này để được tiến hành các khámnghiệm liên quan đến xương.

Từ nghiên cứu này, sau một năm thì nhóm nghiên cứu cũng đã tìm ra câu trả lời. Thí dụ, với một người phụ nữ trong độ tuổi 60 thì trong vòng 10 năm nữa, nguy cơ bị gãy xương do loãng xương ít nhất ở một vị trí là khoảng 30%. Quan trọng hơn là  từ đó có thể vạch chiến lược điều trị phòng ngừa cho một quần thể lớn, phải làm sao để giảm thiểu những gánh nặng về sau. Hy vọng từ kết quả nghiên cứu này, chúng tôi có thể đưa ra được một phác đồ đánh giá nguy cơ gãy xương để bác sĩ áp dụng cụ thể cho từng cá nhân trong độ tuổi có nguy cơ cao. Và trong chuyến đi Geneva lần này chúng tôi sẽ thuyết trình về đề tài đó. 

Đây có phải là một hội nghị về Loãng xương lớn nhất thế giới không, thưa thạc sĩ?

Là một trong hai hội nghị lớn nhất, hội nghị Mỹ mở rộng và hội nghị Liên hiệp châu Âu - Quốc tế. Đây là một hội thảo liên kết giữa châu Âu và quốc tế. Hội thảo này được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần, quy tụ từ 2.000 - 3.000 khoa học gia từ khắp nơi trên thế giới với khoảng 1.000 -1.500 công trình nghiên cứu, trong đó sẽ có một số công trình được chọn để thuyết trình trực tiếp tại Hội thảo, các công trình còn lại thì thuyết trình bằng poster (tức là chỉ trình bày trên bảng giấy khổ lớn, không phải thuyết trình bằng miệng). Có khoảng trên dưới 20 công trình được trao giải trong mỗi kỳ hội thảo quốc tế như vậy, tùy theo chất lượng công trình nghiên cứu. Công trình của chúng tôi cũng có điều may mắn vì đây là giải thưởng đầu tiên mà hội nghị Liên hiệp châu Âu - Quốc tế  trao cho một người Úc, mà lại là người Úc gốc Việt trong lĩnh vực này.  

Quả thật hơi lạ khi biết rằng trước đây, lúc học ở trong nước, anh đã tốt nghiệp về Nhi khoa lâm sàng. Tại sao giờ đây anh lại làm nghiên cứu sinh tiến sĩ và nhận giải thưởng về bệnh Loãng xương? 

Đúng vậy. Bản thân tôi vốn có chuyên môn về nhi khoa lâm sàng chứ không phải chuyên về nghiên cứu. Nhưng khi sang Úc du học, được tiếp cận với một lĩnh vực mới mà tôi cũng cảm thấy yêu thích, lại có thêm Giáo sư Tuấn cầm cây bút chỉ đường, Giáo sư là một người có thâm niên trong nghề, có uy tín trên trường quốc tế, nhiệt tình với công việc, thường quan tâm, nâng đỡ lớp trẻ, đặc biệt giáo sư lại là người Việt. Đó chính là may mắn của tôi chứ không phải tôi tài giỏi gì đâu! 

Nhưng với bằng thạc sĩ về Nhi khoa, tại sao khi nhận được học bổng du học của Chính phủ Úc, anh lại không tiếp tục làm nghiên cứu sinh tiến sĩ về ngành này? Phải chăng anh thích được thử sức?

Nói đúng ra là tôi bị “số phận đưa đẩy”. Bởi khi nộp hồ sơ du học, tôi đang chuẩn bị lấy bằng thạc sĩ Nhi khoa ở Việt Nam, khi đó phía Úc lại không chấp nhận cho tôi làm nghiên cứu sinh tiến sĩ vì khi nộp hồ sơ tôi chưa có bằng thạc sĩ. Vì thế khi sang Úc, tôi tiếp tục nghiên cứu để lấy bằng thạc sĩ thứ hai. Khi đó tôi đã có một bằng thạc sĩ y học lâm sàng rồi nên tôi muốn chuyển sang một đề tài mới. Và tôi đã chọn đề tài Nhi khoa cộng đồng làm đề tài thạc sĩ của mình. Trước đây, tôi nghiên cứu về việc điều trị cho một bệnh nhân cụ thể, còn giờ là chiến lược điều trị cho cộng đồng, theo nguyên lý phòng bệnh hơn chữa bệnh. Chẳng hạn như để phòng ngừa bệnh trái rạ trong cộng đồng thì phải làm gì? Và khi lấy xong bằng thạc sĩ thứ hai này rồi, tôi đến chào bà giáo sư hướng dẫn để về nước. Bà ngạc nhiên: “Sao lại về?”. Tôi cười: tôi là người Việt Nam ! Bà la lên: “Ồ, không được! Không được!”. Đó là vì tôi đã tham gia vào một dự án “Nghiên cứu sự phát triển của trẻ em Việt Nam ở Úc”.

Th.S Nguyễn Đình Nguyên với giải thưởng cao nhất của Hội thảo Khoa học.
Th.S Nguyễn Đình Nguyên với giải thưởng cao nhất của Hội thảo Khoa học.
Đây là dự án của một bệnh viện Nhi khoa lớn nhất vùng Tây Nam Sydney (Bệnh viện Nhi khoa Hoàng gia Alexandra) nơi tập trung 80% người Việt ở tiểu bang New South Wales . Cộng đồng ngườiViệt là cộng đồng lớn thứ ba và là cộng đồng phát triển nhanh nhất tại Úc trong vòng 20 năm qua. Để thực hiện dự án này cần có một người có trình độ về nhi khoa, hiểu biết về ngôn ngữ và văn hóa,đồng thời phải biết nghiên cứu khoa học. Tôi may mắn là người hội đủ ba điều kiện này. Thế là tôi bắt tay vào việc: thiết kế nghiên cứu, mời người tham gia, lấy mẫu xét nghiệm, phân tích… Chỉ với 200gia đình thôi nhưng tôi phải thực hiện gần 2.000 chuyến đi để đến từng nhà, khám từng cháu một, mỗi ngày đi từ 180 - 200 cây số, đi liên tục như thế trong vòng 2 năm. Bản thân tôi cùng bà giáosư phải trực tiếp làm tất cả từ A đến Z.

Dự án này đã đưa ra một kết luận: người Việt Nam thấp bé nhẹ cân không phải do di truyền mà là do dinh dưỡng. Người Việt ở Úc phát triển cao hơn người Việt trong nước và người Việt ở Pháp 10 năm trước. Như vậy, nếu cải thiện được vấn đề dinh dưỡng thì tầm vóc người Việt sẽ phát triển. Điều thứ hai là vấn đề thiếu chất sắt. Đây là việc không thể nhìn thấy ngay bây giờ mà 10 - 15 năm sau mới ảnh hưởng đến trí tuệ của trẻ. Người Việt vốn thích trẻ con bụ bẫm nhưng đó là do trẻ được cung cấp đủ năng lượng chứ không ai để ý đến việc trẻ thiếu khoáng chất và các yếu tố vi lượng. Thiếu chất sắt gây ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ về sau.

Chính vì thế khi tôi chào để về nước, bà giáo không đồng ý vì dự án này đang được tài trợ mấy trăm ngàn USD, nếu tôi về thì dự án sẽ bị ngưng trệ, sẽ phải đi tìm một người có đủ những điều kiện trên. Bởi vì người Việt rất ngại khi có người lạ đến lấy thông tin của mình, họ cũng không kiên trì để tham gia từ đầu đến cuối một chương trình nếu không có người đeo bám, điều này sẽ gây trở ngại cho người làm nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, ở bên Úc sẽ chẳng có ai chịu tình nguyện làm với một mức lương thấp mà lại đòi hỏi nhiều kiến thức và kinh nghiệm, trong khi đó tôi tham gia dự án này không hề nhận lương mà chỉ nhận học bổng.

Và anh đã ở lại để tiếp tục làm nghiên cứu sinh tiến sĩ cho đề tài này? Ồ, nhưng sao bây giờ anh lại nghiên cứu về loãng xương ở Viện nghiên cứu Y khoa Garvan nhỉ?

Rất lạ phải không? Cái số tôi nó lận đận mà! Trước lời mời tiếp tục tham gia vào dự án này của bà giáo sư, tôi đã bàn bạc lại với gia đình. Rất may cả gia đình ủng hộ: mình muốn học mà họ cho học tại sao lại bỏ lỡ cơ hội. Thế là tôi tiếp tục ở lại để làm nghiên cứu sinh tiến sĩ với dự án này. Nhưng trong cái may tôi lại gặp điều rủi. Số là dự án này được một công ty lớn tài trợ, nhưng trong vụ khủng bố đánh sập Tòa nhà Thương mại ở Mỹ ngày 11.09, công ty này đã bị ảnh hưởng và họ đành cắt giảm chi phí tài trợ cho  các dự án. Và học phí là phần không ưu tiên, do đó tôi nằm trong số người bị cắt nguồn tài trợ học phí 30.000USD/năm cho nghiên cứu sinh tiến sĩ. Mặc dù họ đã giảm 2/3 học phí nhưng với 10.000USD/năm thì tôi không có khả năng để đóng. Thế là luận văn tiến sĩ đã thực hiện được 1 năm rưỡi đành bỏ dở!

Trong tình cảnh dở khóc dở cười thì tôi gặp Giáo sư Tuấn và nhờ ông giúp đỡ. Nhưng Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, nơi GS Tuấn làm việc, lại chuyên nghiên cứu về bệnh loãng xương, vì thế mặc dù được đánh giá là có năng lực nhưng muốn làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Garvan thì tôi phải chuyển đổi đề tài! Tôi nghĩ học là vô cùng, nghiên cứu về dịch tễ học là một phạm vi rộng và cũng ứng dụng vào nhi khoa được. Vả lại, Viện nghiên cứu Y khoa Garvan là một trong hai Viện nghiên cứu Y khoa lớn nhất Úc châu và nằm trong “top ten” của thế giới; rất uy tín, không dễ dàng được vào học. Nếu học được ở đây, tôi nghĩ mình sẽ vững vàng hơn sau khi ra trường, mình sẽ tự tin hơn khi làm việc độc lập. Nhờ có giáo sư Tuấn đỡ đầu nên sau một thời gian chật vật tôi cũng đã theo đuổi luận án tiến sĩ được hai năm, đã có 3 bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế và đang cố gắng để bảo vệ luận án sớm hơn thời gian quy định một năm. Đề tài được giải thưởng của Hội nghị lần này là một phần chính trong luận án tiến sĩ của tôi và nhóm nghiên cứu. Đó là một điều hết sức bất ngờ, chúng tôi nhìn nhận được tầm quan trọng của nghiên cứu này nhưng không nghĩ là được trao giải thưởng.  

Quả thật câu chuyện về cuộc đời anh rất lý thú. Nghe nói anh còn là  người anh tinh thần của một cậu thanh niên mắc bệnh xương thủy tinh?

Vâng. Có lần tôi đọc được thông tin về cậu bé Vũ Ngọc Anh bị bệnh xương thủy tinh ở Hải Phòng. Tôi viết một bài về căn bệnh này đăng trên báo Tuổi Trẻ. Ngọc Anh đã liên lạc với tôi. Từ đó chúng tôi thường xuyên liên lạc. Tôi đã kể cho Ngọc Anh nghe về cuộc đời mình, qua đó như để thổi vào em một niềm lạc quan, để động viên, khích lệ em cố gắng vượt qua nghịch cảnh. Bởi ít nhiều, em cũng còn đi học được và sẽ tốt nghiệp đại học. Em còn may mắn hơn nhiều bạn bị thiểu năng trí tuệ. Tôi muốn chia sẻ với em một điều là chúng ta còn làm được nhiều việc có ích và đừng để nó trôi qua khi chưa muộn, chúng ta chỉ thất bại khi mình không còn nghị lực mà thôi. 

Hình như anh viết báo rất nhiều và thường gửi đăng trên các báo ở quê nhà.

Tôi viết như một sự đam mê. Bài của tôi đăng trên báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, Sức khỏe và Đời Sống, báo Nhân Dân… và cả Người Viễn Xứ nữa. Năm 2003 -2004, tôi đã có trên 100 bài dịch và viết về bệnh SARS đăng trên Sức khỏe và Đời sống, Khoa học phổ thông, hoặc trong năm vừa rồi về bệnh Cúm gà. Tôi muốn chia sẻ những kiến thức mà mình biết với mong muốn đem lại điều có ích cho cộng đồng. 

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện rất thú vị này. Chúc mừng anh đã nhận được giải thưởng cao nhất của một hội nghị khoa học quốc tế! Chúc anh gặt hái nhiều thành công hơn nữa!

Cám ơn chị, cũng nhân đây tôi muốn qua báo, gửi lời chân thành biết ơn sâu sắc đến với những người đã có ảnh hưởng lớn và luôn bên cạnh tôi, động viên tôi và giúp tôi vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, đó là ba mẹ tôi, gia đình bố mẹ nuôi tôi (mà tôi coi như ba mẹ đẻ), vợ con tôi - những người hiện đang trực tiếp  hy sinh vì sự nghiệp của tôi, và không quên cám ơn Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, người thầy đang hướng dẫn tôi. Cũng nhân đây tôi xin cám ơn báo Người Viễn Xứ đã cho tôi cơ hội trao đổi. Tôi cũng xin nhắc lại, những gì tôi đã làm và đạt được không có gì to tát, chỉ là những việc rất nhỏ và bình thường. Nhưng điều tôi muốn chuyển tải đến các bạn trẻ là chúng ta có nhiều cơ hội để học hỏi, để tiếp cận với tri thức hiện đại. Khó khăn và trở ngại lớn nhất là khó khăn trong chính bản thân mình, chỉ có mình mới là sức cản lớn nhất cho mình mà thôi. Nghị lực và quyết tâm có thể biến những điều không thể thành có thể.

Nguồn: ykhoanet.com (02/05/08)

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.