Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 23/06/2005 21:00 (GMT+7)

Tạo sự bình đẳng giữa các tổ chức thông tin KH&CN

Hiện nay, bên cạnh hệ thống thư viện thuộc quản lý của Bộ văn hoá-thông tin, là hệ thống thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (Hệ thống TT KH&CN QG). Hệ thống này đã có quá trình hình thành và phát triển hàng chục năm, kể từ sau khi các ngành, các cấp thực hiện các văn bản pháp quy của Nhà nước, như Nghị quyết số 89-CP ngày 4-5-1972 của Hội đồng Chính phủ về tăng cường công tác thông tin khoa học và kỹ thuật, Chỉ thị số 95-CT ngày 4-4-1991 của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về công tác thông tin khoa học và công nghệ, Quyết định số 133-QĐ ngày 2-4-1985 của Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học và kỹ thuật nhà nước (nay là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) quy định thống nhất về tổ chức và hoạt động thông tin khoa học và kỹ thuật.

Như đánh giá nêu trong Chỉ thị 95-CT, từ sau khi có Nghị quyết 89-CP của Chính phủ ở nước ta đã hình thành Hệ thống TT KH&CN QG với các cơ quan thông tin KH&CN từ trung ương đến các địa phương, bao quát hầu hết các ngành kinh tế-xã hội, các lĩnh vực KH&CN với một vốn tư liệu ngày càng phong phú. Hoạt động thông tin KH&CN ở nước ta đã có những đóng góp quan trọng trong việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong việc triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, KH&CN và trong việc phổ biến rộng rãi kiến thức KH&CN góp phần đẩy mạnh phong trào lao động sáng tạo của quần chúng và nâng cao dân trí.

Ngày nay, thế giới đã nhận thức rằng, thông tin và tri thức là loại hàng hoá đặc biệt, và với tư cách là yếu tố tiềm lực có vị trí hàng đầu nên càng được quan tâm tích luỹ và phát triển. Thông tin KH&CN cũng khẳng định vị trí quan trọng đặc biệt của mình trong xã hội và đời sống. Các hệ thống thông tin KH&CN được tổ chức rất hiện đại và tiện lợi, được tiếp cận và áp dụng các công nghệ thông tin và truyền thông tiên tiến đã và đang đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế- xã hội nói chung và hoạt động sáng tạo nói riêng.

Ở nước ta, ngày 31-8-2004 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 159/2004/NĐ-CP về hoạt động thông tin khoa học và công nghệ (sau đây viết tắt là Nghị định 159) nhằm hướng dẫn thực hiện Điều 25 và Điều 45 của Luật Khoa học và Công nghệ, cũng như tăng cường hoạt động thông tin KH&CN trong tình hình mới hiện nay. Điều 45 chỉ rõ, “Chính phủ đầu tư xây dựng hệ thống thông tin khoa học và công nghệ quốc gia hiện đại, bảo đảm thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về các thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ ở trong nước và trên thế giới; ban hành quy chế quản lý thông tin khoa học và công nghệ”.

Nghị định 159 đã khẳng định vai trò của Nhà nước, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc xây dựng và phát triển Hệ thống TT KH&CN QG hiện đại, trong việc tích hợp và phát triển nguồn tin KH&CN trong nước và nước ngoài, bảo đảm cho các tổ chức và cá nhân dễ dàng và bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin KH&CN được tạo ra bằng ngân sách nhà nước; đồng thời Nghị định 159 cũng tạo khung pháp lý ban đầu cho việc xã hội hoá hoạt động thông tin KH&CN, khuyến khích phát triển dịch vụ thông tin KH&CN có thu phí, tạo lập thị trường thông tin KH&CN,…

Tuy nhiên, Nghị định 159 ra đời đã gần một năm mà chưa thể đi vào cuộc sống. Nghị định ra đời trong tình hình nhiều bộ ngành và địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và vị trí của hoạt động thông tin KH&CN, nhiều cấp lãnh đạo và quản lý chưa quan tâm đúng mức tới việc tổ chức và phát triển hoạt động thông tin KH&CN; tổ chức Hệ thống TT KH&CN QG đã được tạo ra trước đây có chiều sa sút. ở một loạt bộ, Trung tâm thông tin KH&CN với tư cách là một tổ chức sự nghiệp trực thuôc trước đây đã bị đổi tên thành Trung tâm tin học, như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội. ở Bộ Giao thông vận tải, Trung tâm thông tin KH&CN trước đây được chuyển đi nơi khác, nhập vào cơ cấu tổ chức của một viện nghiên cứu khoa học, còn vị trí của Trung tâm này trong trụ sở của Bộ được dành cho Trung tâm tin học mới thành lập. Bộ Công nghiệp là một bộ lớn, quản lý những ngành công nghiệp rất quan trọng của đất nước thì đã từ lâu không tồn tại cơ quan thông tin KH&CN với tư cách là một tổ chức sự nghiệp trực thuộc. Bộ giáo dục và đào tạo, Bộ Văn hoá - Thông tin chưa từng thành lập tổ chức thông tin KH&CN trực thuộc. Trong ngành giáo dục và đào tạo, nhiều trung tâm thông tin-thư viện được thành lập ở các trường đại học và được nhà nước đầu tư kinh phí rất lớn để xây dựng thư viện điện tử, nhưng chưa tham gia vào Hệ thống TT KH&CN quốc gia.

Trước trào lưu xây dựng chính phủ điện tử, tin học hoá hệ thống quản lý hành chính, nhiều bộ và địa phương đã lấy tên Trung tâm tin học để thay thế tên Trung tâm thông tin KH&CN, hoặc ghép cơ học hai hoạt động này vào với nhau trong một tổ chức. ở đây có sự lầm lẫn giữa hoạt động thông tin KH&CN với hoạt động quản lý hành chính bằng phương tiện tin học.

Ngoài ra, quan hệ giữa các cơ quan thông tin KH&CN trong Hệ thống TT KH&CN QG rất lỏng lẻo, đặc biệt trong việc thu thập, bổ sung các nguồn tin, trong việc xử lý thông tin cấp I, chưa hình thành mạng lưới trao đổi và chia sẻ thông tin. Hệ thống TT KH&CN QG chưa hợp tác và liên kết với hệ thống thông tin kinh tế-xã hội, nên thiếu những nguồn thông tin về kinh tế-xã hội gây khó khăn cho việc đáp ứng, đôi khi không thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu thông tin của quản lý và lãnh đạo, cũng như cung cấp thông tin mang tính luận cứ trong tư vấn và phản biện thông tin.

Nghị định 159 đã có hiệu lực thi hành và các quy định trước đây trái với Nghị định này đều bị bãi bỏ. Tuy nhiên, để thi hành đúng và đầy đủ Nghị định này, nhiều bộ chức năng liên quan phải có hướng dẫn chi tiết và cụ thể hơn. Trước tình hình tổ chức hoạt động thông tin KH&CN như trình bày ở trên, để triển khai và đưa Nghị định 159 vào cuộc sống, văn bản hướng dẫn cần quan tâm những vấn đề sau:

1.Tiếp tục khẳng định và nâng cao nhận thức, đặc biệt là đối với các nhà lãnh đạo và quản lý - những người quyết định việc tổ chức và phát triển hoạt động thông tin KH&CN - về vai trò, vị trí của hoạt động thông tin KH&CN, của các tổ chức thông tin KH&CN trong các bộ, ngành và địa phương, trong các tổ chức nghiên cứu và phát triển. Cần phải khẳng định một nhận thức rằng, “ nếu để yếu kém về thông tin không những bị thua thiệt về kinh tế mà còn có thể cả về vị trí chính trị”, và “ ai nắm được thông tin người đó nắm được quyền lực”.

Đồng thời, đi đôi với việc nâng cao nhận thức, việc quản lý nhà nước đối với hoạt động thông tin KH&CN phải đưa ra những quy định bắt buộc về tham khảo và phản biện thông tin, đặc biệt đối với các công trình nghiên cứu, các dự án kinh tế-xã hội, các quyết định của các cấp lãnh đạo và quản lý. Mặt khác, quản lý nhà nước đối với hoạt động thông tin KH&CN trong tình hình hiện nay vẫn cần tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ người sử dụng thông tin KH&CN, cũng như người tổ chức hoạt động thông tin KH&CN. Cần có cơ chế tài chính, tín dụng và thuế ưu đãi đối với các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động thông tin KH&CN, cũng như tích cực sử dụng thông tin KH&CN.

2.Khi hướng dẫn về tổ chức hoạt động thông tin KH&CN ở các ngành các cấp cần đưa ra được một thiết kế tổng thể hoàn chính và một quy trình thực hiện việc xây dựng Hệ thống TT KH&CN QG hiện đại, trong đó xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động và các quan hệ, nhất là quan hệ thông tin của các cơ quan thông tin KH&CN tham gia vào Hệ thống TT KH&CN QG thống nhất trong điều kiện nước ta đang thực hiện ở giai đoạn đầu nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đang thực hiện công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Các cơ quan thông tin KH&CN trong Hệ thống TT KH&CN QG phải có quan hệ chặt chẽ với nhau và liên kết với nhau một cách tự nguyện và bình đẳng thông qua mạng lưới trao đổi và chia sẻ nguồn lực thông tin, hợp tác và trợ giúp nhau thực hiện các sản phẩm và dịch vụ thông tin có giá trị gia tăng.

Đồng thời, để đẩy nhanh việc xây dựng Hệ thống TT KH&CN QG hiện đại, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm đưa ra được chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển và hiện đại hoá Hệ thống TT KH&CN QG.

3.Việc xây dựng, phát triển và tích hợp vốn thông tin quốc gia phải được coi là một chiến lược quan trọng nhất trong đầu tư phát triển Hệ thống TT KH&CN QG hiện đại. Hoạt động thông tin KH&CN chỉ phát huy hiệu quả cao khi được đảm bảo vốn thông tin tới một ngưỡng nhất định, cũng như biết cách tận dụng và khai thác nguồn vốn thông tin đó.

Việc phát triển và tích hợp vốn thông tin quốc gia có thể thực hiện bằng nhiều nguồn tài chính khác nhau, trong đó tỉ lệ vốn từ ngân sách nhà nước chiếm tỉ lệ lớn hơn cả. Ngoài ra, các chính sách và quy chế về khuyến khích và hỗ trợ hoạt động thông tin KH&CN, xây dựng mạng lưới trao đổi/chia sẻ nguồn tin, tạo lập các kho thông tin mở, không độc quyền đối với các nguồn tin được tích luỹ và phát triển bằng ngân sách nhà nước,… phải được cụ thể hoá để các tổ chức thông tin và các cá nhân tham gia hoạt động thông tin cảm nhận được sự bình đẳng và tự nguyên tham gia phát triển và tích hợp vốn thông tin quốc gia.

Thực tế hiện nay có hai loại nguồn tin KH&CN phải được chú ý phát triển và tích hợp trong tổng vốn thông tin KH&CN quốc gia. Đó là:

·Nguồn tin trong nước: Ngoài các nguồn thông tin về nhiệm vụ KH&CN, luận văn sau đại học đã nêu trong các Điều 15,16,17 của Nghị định 159, cần có quy định và chính sách đối với các nguồn tin KH&CN xuất bản (in và điện tử), các tư liệu hội nghị/hội thảo, và đặc biệt cần có quy định và chính sách trong việc hợp tác, liên kết với các hệ thống thông tin kinh tế-xã hôi và hệ thống thông tin quản lý hành chính để tham gia vào việc xây dựng, tích luỹ và khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia (theo Quyết định số 112/2001/QĐ-TTg ngày 25-7/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tin học hoá quản lý hành chính nhà nước).

·Nguồn tin nước ngoài: Các cơ quan thông tin cần phối hợp để tránh trùng lặp khi bổ sung các nguồn tin nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nguồn tin nước ngoài nhập vào nước ta còn theo nhiều kênh và bằng nhiều nguồn vốn khác nữa, cần có quy định và chính sách khuyến khích việc trao đổi và chia sẻ nguồn tin này. Việc khai thác các nguồn tin KH&CN trên INTERNET và bao gói lại để làm giầu vốn thông tin KH&CN quốc gia trong khuôn khổ luật pháp cũng là một vấn đề cần khuyến khích và có chính sách hỗ trợ.

4.Trong các hướng dẫn thi hành Nghị định 159, cần nhấn mạnh đến việc xây dựng một ngành hoạt động mới ở nước ta là ngành công nghiệp nội dung (Content Industry). Một trong những nhiệm vụ chính của các cơ quan thông tin KH&CN là tham gia thực hiện công nghiệp nội dung nhằm tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thông tin có giá trị gia tăng bằng các công nghệ thông tin hiện đại đặng sẵn sàng đáp ứng đầy đủ, chính xác và kịp thời các yêu cầu của người dùng tin, chứ không dừng lại ở việc cung cấp thông tin về tài liệu. Đây là yếu tố phân biệt hoạt động thông tin KH&CN với các hình thức hoạt động tư liệu khác trong điều kiện có thể dễ dàng áp dụng các công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại đang phát triển mạnh mẽ ngày nay. Các sản phẩm và dịch vụ thông tin được tạo ra bởi ngành công nghiệp nội dung Việt Nam có thể được đưa vào sử dụng một cách tiện lợi nhất đối với mọi người dùng tin ở trong nước, cũng như đưa ra bán hoặc trao đổi với nước ngoài.

5.Nghị định 159 đã đưa ra một số điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức và tham gia hoạt động thông tin KH&CN của nhiều đối tượng ngoài nhà nước, thể hiện quan điểm xã hội hoá hoạt động thông tin KH&CN của Nhà nước ta. Từ nay, ngoài các tổ chức thông tin Nhà nước còn có các tổ chức thông tin ngoài công lập, trong đó có các tổ chức thông tin KH&CN của các tổ chức phi chính phủ, của các hội khoa học và công nghệ, các hội nghề nghiệp tham gia hoạt động trong hệ thống thông tin KH&CN quốc gia. Đây là một chủ trương đúng đắn, vì sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng hoạt động thông tin KH&CN.

Tuy nhiên, để xã hội hoá hoạt động thông tin KH&CN cần có quy định và chính sách cởi mở hơn, mạnh dạn hơn và khuyến khích hơn. Cụ thể là:

·Không hạn chế tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động thông tin KH&CN; Cần hướng dẫn cụ thể và hợp lý hơn Khoản 2 Điều 12 về việc tham gia hoạt động thông tin KH&CN của các tổ chức ngoài công lập và các cá nhân;

·Tạo sự bình đẳng giữa các tổ chức thông tin KH&CN của Nhà nước và ngoài công lập tham gia thực hiện các dự án thông tin có nguồn vốn từ ngân sách và sự trợ giúp của nước ngoài và các tổ chức quốc tế, như tạo lập và phát triển vốn thông tin quốc gia, tạo lập các sản phẩm và dịch vụ thông tin phục vụ quản lý và lãnh đạo, phục vụ vùng sâu vùng xa;

Các tổ chức thông tin ngoài công lập, cũng như các tổ chức và cá nhân ngoài nhà nước tham gia hoạt động thông tin được khuyến khích và hỗ trợ kinh phí từ ngân sách và được hưởng một phần vốn đầu tư phát triển của Nhà nước./.

Xem Thêm

Cao Bằng: Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có vai trò quan trọng nhằm bổ sung thêm những luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn một cách khách quan, tạo ra sự đồng thuận giữa các cơ quan quản lý, đối tượng quản lý và cộng đồng xã hội, đồng thời tạo ra tính khả thi, hiệu quả khi kết quả tư vấn, phản biện được áp dụng vào thực tiễn đời sống.
Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô phải minh bạch phương án tài chính
Khẳng định đầu tư theo phương thức đối tác công tư(PPP) đối với dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng đường cao tốc thuộc DA Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là cần thiết, chuyên gia lưu ý, Nhà nước phải minh bạch phương án tài chính, có phương án tổ chức giao thông rõ ràng, nhất là đối với các phương tiện liên tỉnh bắt buộc phải đi qua Vành đai 4 để bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư.
Các nhà khoa học góp ý cho Dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô
Ngày 12/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Hội Khoa học và kỹ thuật Cầu đường Việt Nam tổ chức Hội thảo "Tác động của việc xây dựng Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội".
Nâng cao hiệu quả công tác tư vấn phản biện của Liên hiệp hội Việt Nam
Thời gian qua Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã chủ trì tổ chức thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TV, PB &GĐXH) rất sôi nổi. Rất nhiều cuộc toạ đàm, hội thảo đã được tổ chức, các hội thành viên, các tổ chức trực thuộc đã đóng góp được những ý kiến rất phong phú, bổ ích.
Phát huy hiệu quả hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội
Hoạt động TVPB&GĐ XH là hoạt động mang tính xã hội, độc lập, khách quan, do trí thức đóng góp trí tuệ, cung cấp cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn cho Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở đánh giá, phân tích và quyết định các vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng và những chương trình, dự án lớn có liên quan về KH&CN, GD&ĐT và chính sách xây dựng đội ngũ trí thức.
Liên hiệp Hội Sơn La: Đẩy mạnh hoạt động tư vấn phản biện
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có vai trò quan trọng nhằm bổ sung thêm những luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn một cách hiện thực, khách quan, tạo ra sự đồng thuận giữa các cơ quan quản lý, đối tượng quản lý và cộng đồng xã hội, tạo ra tính khả thi, hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn đời sống.
Phát triển nhà ở xã hội: Cần bổ sung cụ thể vào Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
Trong tờ trình về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, nhiều năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tin mới

Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).