Tạo giống cây trồng bằng phương pháp phóng xạ: Bước đột biến trong canh tác
Lợi thế của giống phóng xạ đột biến
Được nhập về Việt Nam từ năm 1995, giống lúa Khang Dân 18 đã nhanh chóng chiếm được "cảm tình" của người nông dân bởi những ưu điểm: hạt gạo dài, thời gian sinh trưởng trung bình, năng suất khá. Nhưng chỉ sau một vài năm canh tác, giống này đã có biểu hiện thoái hóa: Khả năng chống chịu sâu bệnh, đặc biệt là chống đổ rất kém. Trên cơ sở đó, ngay từ năm 1999, được sự tài trợ của cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), các nhà khoa học thuộc Bộ môn Di truyền và công nghệ lúa lai (Viện Di truyền Nông nghiệp) đã tiến hành bắt tay vào cải tạo lại giống này bằng một phương pháp mới: phóng xạ hạt nhân.
TS Đỗ Hữu Ất - tác giả của phương pháp trên cho biết: "Khác với công nghệ biến đổi gen GMO, phương pháp phóng xạ đột biến là sự phá vỡ hệ gen gốc, rồi sắp xếp lại thành một hệ gen khác, cuối cùng tạo ra cá thể mới để loại bỏ những gen bất lợi và chọn lọc lên những gen có nhiều ưu thế".
Chính nhờ phương pháp này mà giống Khang Dân 18 (đột biến) có thời gian sinh trưởng ngắn hơn từ 10-15 ngày so với giống gốc, vụ xuân (120 - 125 ngày), cây nhỏ và đẻ khỏe hơn, dạng hình gọn, đẹp, bông to, hạt xếp xít, khả năng chống chịu sâu bệnh, chống đổ tốt hơn, chất lượng cơm thơm, ngon...
Theo TS Đỗ Hữu Ất: "So với phương pháp lai tạo, tạo đột biến bằng phóng xạ là kỹ thuật dễ, nhưng lại phải tốn rất nhiều công sức theo dõi kiểm tra. Quá trình này phải được tiến hành liên tục với thời gian chọn lọc có thể lên đến 5 - 6 lần mới chọn ra được các dòng có triển vọng".
Sau Khang Dân, Viện Di truyền Nông nghiệp đã tiếp tục tiến hành cải tạo hai giống nữa cũng bằng phương pháp trên là Bắc Thơm số 7 và Thạp Luông. Kết quả giống Bắc Thơm số 7 có hạt dài, to, bầu hơn, nhưng vẫn giữ được chất lượng và mùi thơm, gạo trong. Nhờ các kết quả trên, đến nay các giống lúa đột biến, nhất là Khang Dân 18 đã được phát triển và đưa vào sản xuất ở hầu hết các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ như Hà Tây, Vĩnh Phúc, Nghệ An... Thành công hơn cả là các giống đậu tương đột biến như DT 10, DT-84, DT-96 bởi không những cho năng suất, chất lượng cao hơn hẳn, những giống đậu tương này còn có một khả năng chịu hạn rất đặc biệt, có thể lên đến... hai tháng.
Sản phẩm sẽ an toàn hơn công nghệ GMO?
Tuy có nhiều ưu điểm, song hiện vẫn còn một số ý kiến cho rằng phải xem xét lại mức độ an toàn thực phẩm của các sản phẩm lúa, đậu tương sau khi tạo đột biến bằng vật liệu là các chất phóng xạ hạt nhân có giống công nghệ GMO hay không? TS Đỗ Hữu Ất cho rằng: "GMO là công nghệ làm biến đổi gen cây trồng bằng cách cấy gen của cây này lên cây khác, còn phóng xạ đột biến chỉ là việc phá vỡ hệ gen trong một loại giống, nên mức độ an toàn có thể cao hơn". Thạc sĩ Đào Thanh Bằng - Viện Di truyền Nông nghiệp cũng cho rằng: "Đột biến là những thay đổi trong cấu trúc của ADN với các biểu hiện đảo đoạn, chuyển đoạn, đứt đoạn nhiễm sắc thể dẫn đến thay đổi một số tính trạng so với giống gốc, chứ không làm thay đổi toàn bộ hệ genome, khác hẳn công nghệ GMO".
Tuy còn nhiều tranh cãi, nhưng cho đến nay phương pháp này vẫn còn rất mới, các sản phẩm được tạo ra bằng phóng xạ hạt nhân cũng chưa đầy 10 năm, vì thế rất nhiều nhà khoa học khi được hỏi đều chưa dám chắc về mức độ an toàn của những loại sản phẩm này. Song, nhiều người cũng đồng tình với quan điểm dù thế nào đi chăng nữa thì trong thời gian trước mắt chúng ta vẫn nên phát triển công nghệ này và nhanh chóng đưa vào sản xuất để giải quyết những khó khăn trước mắt đối với công tác cải tạo giống cây trồng.
GS-TS Nguyễn Hữu Đống - nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền Nông nghiệp) cho biết: Đến nay, Viện đã tạo thành công giống đậu tương đột biến chịu hạn, cho năng suất cao hơn 30% so với giống bình thường với hàng trăm ha giống cây này được gieo trồng ở đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ. Tuy nhiên, theo ông Đống, thời gian trung bình để tạo ra một giống cây có những tính trạng mong muốn bằng phương pháp đột biến gen ngẫu nhiên là 10 năm. Nguyên nhân là chiếu xạ (nguồn bức xạ chủ yếu là Co-60) sẽ tạo ra vô vàn đột biến, và các nhà khoa học phải chọn lọc những đột biến có lợi, phù hợp với mong muốn mà không gây ảnh hưởng đến môi trường. Được biết, hiện Việt Nam đang tích cực hợp tác với các nước như Philippines, Indonesia, Thái-lan... để đưa nhanh công nghệ trên vào sản xuất.
Nguồn: nhandan.com.vn 24/3/2005