Tấm lòng của một gia đình người Mỹ với Chủ tịch Hồ Chí Minh
Hồ Chủ tịch đã tiếp đại diện của OSS và trong khi chính quyền non trẻ còn đang gặp muôn vàn khó khăn, Người đã dành cho phái đoàn đồng minh những điều kiện tốt nhất như nhà ở, phòng làm việc, bệnh viện để chăm sóc, cứu trợ tù binh thuộc nhiều quốc tịch khác nhau (năm 1968, khi viết thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tá No-ling-giơ đã cảm động nhắc lại các kỷ niệm trên). Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhờ những người lính đồng minh giúp đỡ việc vận chuyển gạo từ miền Nam ra miền Bắc, một nhu cầu rất cấp bách lúc bấy giờ để khắc phục hậu quả nạn đói ở miền Bắc do phát xít Nhật gây ra từ đầu năm 1945. Và khi chia tay, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng Đại tá No-ling-giơ một bức tranh thêu cảnh tùng hạc. Bức tranh rộng 0,58m, dài 2,05m, phía trên trang trọng thêu dòng chữ Anh: Best greetings from Hồ Chí Minh oct-1945 (Lời chúc tốt đẹp nhất của Hồ Chí Minh, tháng 10-1945).
Đại tá No-ling-giơ trạc tuổi với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 3-1946 ông trở về Mỹ và từ đó đến khi qua đời, ông không có dịp gặp lại Người.
Đại tá sinh trưởng trong một gia đình giàu có ở Niu-Yoóc. Hồi trẻ, được bố mẹ cho đi Pháp học, ông đã yêu và lấy một bà người Pháp nhà nghèo, khi đưa về Mỹ cha mẹ không ưng thuận, ông bà đã đưa nhau về miền Tây nước Mỹ tự làm để nuôi nhau. 3 năm sau, cha mẹ cho gọi cả hai vợ chồng về để giao quản lý công việc của gia đình. Bức tranh thêu do Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng được gia đình Đại tá No-ling-giơ gìn giữ hơn sáu chục năm, coi như một báu vật. Các thế hệ con cháu nhà ông đã được chiêm ngưỡng bức tranh treo trong phòng khách của gia đình. Bà Giên-ni Kôn là cháu dâu, gọi No-ling-giơ là ông nội chồng. Bà sinh năm 1946, nay đã nghỉ hưu. Bà đã từng sang Việt Nam, từng giúp đỡ nhiều Việt kiều ở Mỹ trong một số công việc từ thiện. Bà quen ông Nguyễn Nhã Đức-một cán bộ khoa học Việt Nam tại một hội nghị ở Mỹ. Chính thông qua ông Đức, bà đã bày tỏ nguyện vọng tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh kỷ vật của ông nội chồng bà.
Chiều 13-5-2006, phát biểu tại lễ tiếp nhận, bà Giên-ni Kôn xúc động bày tỏ lòng thành kính với Chủ tịch Hồ Chí Minh và bà cảm ơn Bảo tàng đã cho bà cơ hội thực hiện lời di huấn của ông nội chồng là chuyển lại kỷ vật trên cho các bạn Việt Nam. Bà nói: “Đúng là duyên số tuyệt vời của một bức tranh. Nó đã chứng kiến tình cảm của ông nội chồng tôi với Bác Hồ và nay nó được trở lại với bảo tàng, nơi sẽ lưu giữ đời đời tình cảm của gia đình tôi với Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Nguồn: quandoinhandan.org.vn 24/5/06