Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 22/09/2005 14:56 (GMT+7)

Tại sao Bác Hồ chọn tên Ba Đình để đặt cho quảng trường ?

Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về chiến thắng Ba Đình lịch sử qua một số tư liệu có được do ông Trần Xuân Thảo, cháu nội cụ Trần Xuân Soạn, Tả quân đô thống, vị tướng cầm quân kháng Pháp tại Ba Đình, cung cấp.

Ông Trần Xuân Thảo là một thành viên trong Chiếu văn của nhà văn Sơn Tùng. Ông vóc người mảnh, trầm lắng, sâu sắc, nhưng đôi khi cũng rất dí dỏm. Được biết ông là hậu duệ của vị Tả quân đô thống Trần Xuân Soạn nên tôi xin ông kể cho nghe đôi chút về lịch sử. Ông Trần Xuân Thảo đồng ý và trao cho tôi khá nhiều tư liệu.

Trước khi trao cho tôi tập bản thảo Trận chiến Ba Đình và Trần Xuân Soạn, ông Trần Xuân Thảo nói:

-   Ngày 31/8/1945, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Bác Hồ đã đi thị sát địa điểm và quyết định chọn một khu đất rộng rồi đặt tên là Quảng trường Ba Đình làm nơi Người sẽ đọc bản Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ông Trần Xuân Thảo hỏi tôi: Nếu theo cách đánh giá của một số sách lịch sử cho rằng cuộc khởi nghĩa Ba Đình là thất bại thì tại sao Bác lại chọn cái tên đó để đặt cho quảng trường?

Câu hỏi của ông Trần Xuân Thảo cũng là điều khiến tôi suy nghĩ đã lâu mà không giải đáp được. Lúc ấy mọi điều tôi biết về trận chiến Ba Đình đều rút ra từ sách giáo khoa môn lịch sử, cho nên cách tốt nhất là lặng yên nghe ông nói.

Năm 1885, giặc Pháp đưa Hàm Nghi lên ngôi với hy vọng rằng vị vua này sẽ ngoan ngoãn nằm yên hưởng lộc và phó mặc cho chúng cai trị. Nhưng giặc Pháp đã lầm. Hàm Nghi là vị vua rất yêu nước, tỏ rõ thái độ bất hợp tác, ngài đã xuống chiếu Cần Vương chống Pháp.

Giặc Pháp trước sau gì cũng sẽ không thể để yên cho vị vua yêu nước này. Tôn Thất Thuyết, vị chủ tướng rất hiểu điều này đã có chủ trương với các vị tướng theo phe chủ chiến. Cùng với Đinh Công Tráng, Trần Xuân Soạn… Tôn Thất Thuyết quyết định đưa vua rời khỏi kinh thành ra Bắc để mưu cuộc kháng chiến lâu dài. Phương án được chọn là đưa vua bí mật qua thượng đạo Tây Nam Nghệ Tĩnh. Muốn vậy phải tránh được vòng vây của giặc ở đây. Và Ba Đình được chọn là nơi để dụ địch tập trung nhằm giải tỏa thượng đạo Tây Nam Nghệ Tĩnh hợp với mẹo “giương Đông kích Tây” của binh pháp Trung Hoa và Việt Nam. Xin được điểm qua vài nét về địa hình của Ba Đình.

Ba Đình thuộc huyện Nga Sơn (Đông Bắc tỉnh Thanh Hóa), ba mặt Bắc, Tây, Nam (thời điểm lịch sử lúc đó theo bản đồ của Pháp) là sông mà pháo hạm nhỏ của địch có thể ra vào được, mặt Đông của huyện là biển nên dễ bị cô lập với các huyện lân cận. Ba Đình nằm gọn giữa một vùng bãi lầy quanh năm ngập nước, không trồng cấy gì. Ra vào Ba Đình có 6 đường bờ vùng nhỏ, rộng nhất cũng chỉ vừa cho “hai người đi ngang” và chỉ cách làng Kẻ Dừa 2km, một làng tiền tiêu cho cả một vùng công giáo rộng lớn. Những đặc điểm này khẳng định rằng Ba Đình là nơi Pháp rất dễ tập trung quân và trọng pháo. Ngược lại với quân triều đình thì nơi đây lại chứa nhiều yếu tố bất lợi không thể xây dựng cứ điểm kiên cố để có thể chỉ đạo thống nhất toàn tỉnh trong phong trào Cần Vương chống Pháp lâu dài.

Tuy nhiên, ngoài những bất lợi kể trên, Trần Xuân Soạn - người “cắm đất” lại nhìn ra những ưu thế khác. Đó là vùng trũng Ba Đình chịu ảnh hưởng trực tiếp cũng như gián tiếp của thủy triều. Cái khe từ kênh Ninh Bình chảy vào vùng trũng, đưa trực tiếp thủy triều tới Ba Đình, nếu bịt cửa cái khe này lại, thủy triều sẽ được điều chỉnh, gián tiếp ảnh hưởng vào Ba Đình. Bản đồ trận địa Ba Đình của ký giả J. Masson (người trợ lý của đại tá Brissaud) có vẽ giới hạn vùng ngập nước nhân tạo xung quanh Ba Đình. Đó là giới hạn khi đã làm cạn bớt nước bằng phương pháp thủ công: bịt cửa khe khi thủy triều bắt đầu xuống thấp. Khoảng cách từ quần đảo Ba Đình đến bờ ngoài vùng ngập nước đã làm cạn, rộng khoảng 0,5-1km. Bản đồ cũng thể hiện vùng trũng Ba Đình cạn ngoài sâu trong. Ba Đình có 6 đảo, đôi một kề nhau hợp thành 3 làng: Thượng Thọ, Mậu Thịnh và Mỹ Khê. Đảo Thượng Thọ ở tột cùng phía Bắc, cách xa hơn cả, 5 đảo còn lại gần nhau nằm gọn trong một vành đai nước sâu lút người, rộng khoảng 150-300m.

Căn cứ Ba Đình được bí mật làm xong với mục đích dụ càng nhiều địch tập trung lại đây càng tốt và tấn công càng nhiều lần càng hay. Vậy mà triều quân ta phải “đi mời” giặc từ tháng 10 đến đầu tháng 12 năm 1886 chúng mới tập trung có mặt tại Ba Đình.

Về quân số, nếu tính tỷ lệ quân số được điều động trong một chiến dịch so với tổng số quân thì ở Ba Đình tỷ lệ này là 1/10 và chiếm vị trí thứ nhất kể từ lúc chúng bắt đầu xâm lược nước ta cho đến năm 1945 (trừ ra mấy trận đánh nhau đầu tiên ở Đà Nẵng và Nam Kỳ). Năm 1859, khi đánh vào Sài Gòn, Pháp có 2176 sĩ quan và binh lính, Tây Ban Nha có 850 quân. Năm 1883, khi tướng De Courey đánh vào Huế và sau đó tấn công kinh thành vào ngày 5 tháng 7, y có 31 sỹ quan, 1387 lính và 17 đại bác. Năm 1891, khi đánh Đề Thám, trung tá Winckel Mayer chỉ huy có 600 lính và 4 khẩu pháo. Năm 1909, cuộc tổng công kích vào Yên Thế, tại tá Bataille chỉ huy 4 đại đội bộ binh, 1 khẩu đội liên thanh, 5 đại đội bộ binh(??), 1 trung đội lê dương, 1 khẩu đội pháo 75 ly, 1 khẩu đội sơn pháo 80 ly, 1 đại đội công binh, 1 trung đội kỵ binh, tổng quân số không vượt quá con số 2000 người. Thực dân Pháp dùng một con số ít hơn khi đối phó với khởi nghĩa Trương Định, Bãi Sậy, Hương Khê… Một tướng Pháp thốt lên: “Tất cả quân lính ở Bắc Kỳ không bị ràng buộc và có thể sử dụng được đều được điều về Ba Đình”. Và cuối cùng, con số quân Pháp điều về Ba Đình lên đến 3608, chưa kể 5000 dân phu giáo vệ do Trần Lục (cha Sáu) cung cấp.

Suốt trong khoảng 50 ngày bao vây tiến công khu căn cứ Ba Đình, địch đã phải thay đổi cấp bộ chỉ huy chiến đấu hai lần.. (cấp bộ chỉ huy cao nhất cuối cùng là Tư lệnh trưởng quân khu). Địch cũng đã phải thay đổi chiến pháp hai lần. Ít ai ngờ rằng để chống lại một lực lượng hùng hậu như thế, nghĩa quân cả tráng binh lẫn hậu cần, người già, người trẻ không vượt quá 400 người và hơn nữa lại không có điều kiện thay thế. Khi địch đã tập trung rất nhiều quân, đã đánh ròng rã 50 ngày trời mà vẫn chưa qua được hàng rào tre thì Tư lệnh Brissaud quyết định phun dầu vào đốt (nhưng sau này mới biết rằng lửa chẳng gây được ảnh hưởng gì cả vì những đồ dễ cháy đã được cất dưới hào và xung quanh toàn là nước) và mấy ngày sau sẽ tổng tiến công vào căn cứ. Nhưng kết cục Tư lệnh quân khu Brissaud cũng không phải đợi đến mấy ngày sau, vì đến ngày 20/1/1887 triều quân đã mở một trận đánh thoát vây thần kỳ.

Trong ký sự của đại tá chuyên trách J.Masson ghi: “Vào cuối ngày, một hoạt động hiếm thấy xảy ra trong căn cứ, trên các điểm cao và trong các làng lân cận. Rồi tối đến, những đám lửa lớn bừng cháy sáng khắp mọi hướng và liền sau đó những phòng tuyến của chúng ta bị tấn công dữ dội do những người bị vây đã thoát ra khỏi căn cứ và do những toán quân tấn công từ phía ngoài. Mọi người chạy lấy vũ khí và chốt lại tại các vị trí chiến đấu. Sương mù dữ dội làm tăng thêm độ dày của bóng tối và làm mọi chỉ huy chiến đấu tuyệt đối không thể quyết định được. Người ta chỉ phân biệt bạn thù qua ánh lửa của những đám cháy, hay qua ánh nổ của súng trường và đại bác: những đạn và trái phá đan chéo nhau theo khắp mọi phương và từ xa người ta cũng nghe được tiếng đại bác và súng trường của các đồn bốt Pháp đụng đầu với những toán quân bên ngoài. Tiếng súng chỉ ngừng cùng với đêm tối… Những người bị vây đã vượt qua 800 m bãi lầy ngăn cách họ với những phòng tuyến của ta… Ngày 21/1/1887 đến 8 giờ chúng ta tiến vào căn cứ…”

Bằng cách tính toán tài tình, triều quân ta đã chọn ngày 27/12 Bính Tuất (lịch ta) tức là tiết đại hàn không trăng, mù đục sương (ngày đó thủy triều xuống thấp nhất vào chiều tối và lên cao nhất vào sáng sớm hôm sau) để thoát vây.

Ký giả J. Masson đã phải ghi lại: “Một sự thất bại ở Ba Đình sẽ dẫn đến một thảm họa mà tiếng vang chắc chắn sẽ tác động đến Bắc Kỳ, nơi mà những biến cố trọng đại nhất có thể xảy ra. Vì thế bằng mọi giá, cần phải đánh cho phiến quân một đòn cuối cùng để cứu lấy thuộc địa của chúng ta đang bị đe dọa nghiêm trọng…”Vậy là căn cứ Ba Đình đã hoàn thành sứ mệnh của nó trong việc đánh lạc hướng chú ý của địch để phò giá vua Hàm Nghi, tiếc rằng sau này có kẻ phản bội đã đưa giặc Pháp đánh úp bắt mất vua.

Chiến thắng Ba Đình trở thành biểu tượng của việc dùng mưu, dùng cách đánh của Việt Nam chống Pháp, có lẽ vì vậy mà Bác Hồ đã chọn cái tên Ba Đình để đặt cho quảng trường, nơi người đã đọc Tuyên ngôn độc lập chăng? Và chỉ một năm sau, năm 1946, Trung đoàn Thủ đô anh dũng đã kiềm chân giặc Pháp suốt 60 ngày đêm nhằm đảm bảo an toàn cho đại quân ta rút lui và xây dựng căn cứ địa vững chắc chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ.

Ngày hôm nay, đọc xong tập bản thảo công trình nghiên cứu của ông Trần Xuân Thảo, thấu hiểu được một phần nào chiến thắng Ba Đình của cha ông ta khi xưa và viết lại thành bài báo này, tôi không khỏi bùi ngùi khi nhớ về ông Trần Xuân Thảo, ông đã đi xa mấy năm nay mà chưa kịp in được cuốn nghiên cứu của mình. Hy vọng rằng đến một ngày gần đây, tập nghiên cứu của ông sẽ được xuất bản để dưới suối vàng lòng ông được thanh thản.

Nguồn:Nhìn lại trận chiến Ba Đình lịch sử.- Giáo dục & Thời đại, số 109, ngày 10/9/2005. Nhan đề do chúng tôi đặt

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Tiền Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng tổng kết hoạt động năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Trọng tham dự hội nghị.
Gia Lai: Liên hiệp hội tổng kết năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2025. Tham dự hội nghị có bà Ayun H’But, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể của tỉnh.