Tài nguyên có thể thúc đẩy tăng trưởng công bằng
Cộng đồng các quốc gia vùng Andes là các nhà xuất khẩu hàng hóa quan trọng. Công nghiệp khai khoáng – chủ yếu là khoáng sản, dầu mỏ và khí tự nhiên đóng vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế của khu vực. Với giá cả hàng hóa tăng gấp ba lần trong giai đoạn 2000-2013, lượng hàng hóa xuất khẩu gia tăng đã mang lại nguồn thu lớn cho khu vực, thúc đẩy tăng trưởng và gia tăng nguồn thu thuế. Tuy nhiên điều này cũng đồng thời đặt ra những thách thức đối với chính phủ trong việc quản lý đầu tư và chi tiêu sao cho nguồn thu này có thể mang lại lợi ích cho người dân.
Nỗ lực từ hai phía…
Xuất khẩu từ ngành công nghiệp khai thác của Bolivia, Columbia, Ecuador và Peru chiếm khoảng 2/3 tổng sản phẩm xuất khẩu trong 5 năm năm qua. Theo đó, nguồn thu từ ngành công nghiệp khai thác chiếm vị trí quan trọng trong tổng nguồn thu ngân sách của khu vực: khoảng 1/3 ở Bolivia và Ecuador; 20% ở Peru và 13% ở Colombia. |
Ngành công nghiệp khai thác ở các quốc gia vùng Andes không phải là ngành sử dụng nguồn nhân lực lớn. Tuy nhiên họ đã nỗ lực tạo công ăn việc làm và nâng cao năng lực cho các cộng đồng địa phương trong các hoạt động liên quan.
Cộng đồng địa phương ở nơi các dự án khai thác tài nguyên được triển khai luôn kỳ vọng rằng cuộc sống sẽ được cải thiện nhờ có thêm thu nhập, công ăn việc làm và cơ sở hạ tầng được đầu tư. Tuy nhiên họ cũng thường phản đối các dự án khai khoáng vì các lý do xã hội, môi trường và thậm chí cả kinh tế. Để xoa dịu các quan ngại của cộng đồng, các công ty khai khoáng phải chứng tỏ cam kết của họ đối với việc quản lý môi trường, trách nhiệm xã hội và hỗ trợ cộng đồng địa phương phát triển.
Về phần mình, chính quyền cũng cần đảm bảo cung cấp các nhà đầu tư uy tín và khung luật pháp chặt chẽ cho tất cả các khâu từ thăm dò, khai thác đến chế biến. Đồng thời, chính phủ cũng có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng, các dịch vụ xã hội và an ninh tại khu vực khai thác.
Ngoài ra, chính phủ cũng phải tạo khung tài chính hợp lý để ứng phó với các biến động về giá cả và tính chất không tái tạo của tài nguyên. Chính phủ có thể ban hành đạo luật ngân sách để thắt chặt chi tiêu khi mà giá tài nguyên cao có thể mang nguồn thu lớn cho ngân khố.
Khi đó, đạo luật được ban hành có thể giúp bình ổn chi tiêu và dự phòng ngân sách trong trường hợp giá tài nguyên giảm, tránh được những hậu quả tiêu cực từ việc chi tiêu quá mức vào nền kinh tế. Vì tính chất không tái tạo của tài nguyên, đạo luật này cũng có thể giúp đảm bảo rằng các thế hệ tương lai có thể hưởng lợi từ nguồn thu tài nguyên.
… có thể mang lại tăng trưởng bền vững và công bằng
Phát triển bền vững và tăng trưởng công bằng hiện đang là mục tiêu trọng tâm của rất nhiều quốc gia. Các chính phủ đều có thể lựa chọn và phải quyết định xem họ sẽ chi dùng bao nhiêu phần nguồn thu tài nguyên cho hiện tại và bao nhiêu phần dành để dự trữ/đầu tư cho các thế hệ tương lai. Đồng thời, cách thức dự trữ và đầu tư tốt nhất (vào nền kinh tế nội địa hay ra nước ngoài) cũng là một yếu tố quan trọng mà các quốc gia phải cân nhắc.
Bằng cách thiết lập các quỹ tài nguyên, các chính phủ có thể đương đầu với sự biến động nguồn thu tài nguyên (quỹ bình ổn) đáp ứng mục tiêu phát triển (quỹ phát triển) và dự trữ cho các thế hệ tương lai (quỹ dự trữ).
Ngoài ra, nghiên cứu của IMF đã chứng minh những tác động tiêu cực đối với tính công bằng và hiệu suất kinh tế mà các khoản trợ giá năng lượng có thể mang. Theo đó, các khoản trợ giá đã làm trầm trọng hóa tình trạng mất cân bằng tài chính, đánh bật các ưu tiên chi tiêu công và làm suy yếu các khoản đầu tư từ khu vực tư nhân. Lợi ích của trợ giá vì vậy chủ yếu rơi vào túi của tầng lớp có thu nhập cao hơn, làm gia tăng bất bình đẳng. Dựa trên thực tế đó, việc xóa bỏ trợ giá đang trở thành ưu tiên của nhiều quốc gia.
Tăng trưởng công bằng để người dân có thể đóng góp và hưởng lợi là thách thức lớn đối với phát triển tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu tài nguyên được quản trị tốt, lợi ích được chia sẻ có thể giúp giảm bất bình đẳng về thu nhập. Và kinh nghiệm của khu vực Anderea đã chứng tỏ đầu tư vào giáo dục và y tế có thể thúc đẩy tăng trưởng công bằng.
“Các quốc gia vùng Anderean đã thành công khi tránh được vết xe đổ mà các quốc gia giàu tài nguyên khác mắc phải. Nền kinh tế của họ đã cho thấy khả năng phát triển các khu vực kinh tế phi tài nguyên, không chỉ bằng cách đảm bảo nguồn cung lao động chất lượng mà còn tối ưu hóa được nguồn vốn đầu tư”- Phó Giám đốc điều hành IMF ông David Lipton đã nhận định như vậy về cách mà các quốc gia vùng Andes quản trị tài nguyên.