Tái chế bút bi thành sản phẩm thân thiện với môi trường
Xuất phát từ quan niệm trường học là lĩnh vực rộng lớn trên toàn thế thế giới, số lượng người đi học chiếm một tỷ lệ cao trong xã hội. Nếu thiếu ý thức về bảo vệ môi trường thì học sinh sẽ là tác nhân lớn gây tổn thương vô cùng đau đớn cho người bạn thiên nhiên và làm hại chính cuộc sống của mình.
Do đó trong quá trình giảng dạy thầy Cao Lê Quang và các học sinh ở trường THCS Đặng Văn Ngữ luôn có ý tưởng chuyển hóa các đồ dùng học tập phần lớn bằng các chất cao su, ni lon, như bút, thước, hộp bút, màu vẽ, sách vở… là những vật chất khó phân hủy, tái chế và sáng tạo thành các vật dụng hữu ích thân thiện với môi trường.
Thầy Cao Lê Quang và nhóm các bạn Nguyễn Nguyên Nhật Minh, Lê Chánh Chí Tài, Nguyễn Thị Thùy Ni đã tìm hiểu, nghiên cứu đề tài và thực hiện trong hơn 3 tháng.
Nhận thấy đây là một đề tài hữu ích và đặt vấn vì môi trường xanh sạch đẹp ở lớp học nên học sinh trường THCS Đặng Văn Ngữ đã tích cực tham gia.
Nhà trường phát động học sinh thu gom rác thải học đường như: các loại bút, vỏ bút, hộp bút đã sử dụng; phát động các bạn xây dựng ý tưởng sáng tạo; làm thử các đồ dùng tái chế...
Ngoài việc nghiên cứu khoa học, đề tài này cũng là hoạt động ngoài giờ lên lớp: Đẩy mạnh phong trào chống biến đổi khí hậu của trường THCS Đặng Văn Ngữ.
Các công trình nghiên cứu được lấy cảm hứng từ những hình ảnh của nền văn hóa Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử: nhà sàn Tây Nguyên, tháp Chàm, ngôi nhà chống bão lũ, phi thuyền mặt trời, các con vật, cây cối xanh tươi.
Bạn Nguyễn Nguyên Nhật Minh - Nhóm trưởng - chia sẻ: “Qua những sản phẩm được tái chế từ bút bi, vỏ bút chúng em mơ ước được bảo tồn những giá trị tốt đẹp đó để giới thiệu cho bạn bè trên thế giới hiểu biết về văn hóa Việt Nam. Đồng thời chúng em hướng đến một thế giới hạnh phúc tươi sáng, văn hóa và môi trường trong sạch bền vững.
Chúng em hy vọng đề tài này sẽ được phổ biến trong tương lai, được các bạn học sinh hưởng ứng nghiên cứu thêm nhiều công trình mới lạ hơn, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm về cách bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, phát huy khả năng sáng tạo khoa học kỹ thuật cho tất cả học sinh - học đường của chúng ta”.
Sử dụng các loại rác thải trong học đường để tạo nên những sản phẩm mới mang nhiều ý nghĩa, giá trị thiết thực cho cuộc sống. Đây cũng là một cách làm có định hướng mới để học sinh chúng ta chung tay xây dựng một thế giới trong sạch bằng những kinh nghiệm và ý tưởng sáng tạo của mình.
Đánh giá về những “ đứa con cưng của cả nhóm” thầy giáo, họa sĩ Cao Lê Quang tâm sự: Các mô hình được làm từ vỏ bút, ruột bút, nắp bút… sử dụng keo nhựa làm chất kết dính.
Đề tài này thu hút mọi người sử dụng rác thải để tái chế thành những sản phẩm hữu ích mà không tốn kém về kinh phí, hạn chế việc sử dụng các đồ chơi - trò chơi độc hại, rèn luyện hứng thú cho học sinh tính khéo léo sáng tạo trong học tập và trong nghiên cứu khoa học kỹ thuật.
Tạo nên những sản phẩm có giá trị văn hóa và khoa học kỹ thuật cao, các sản phẩm trở thành một món quà lưu niệm để quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam đến với các nước trên thế giới. Góp phần cải tạo môi trường không bị ô nhiễm, chống biến đổi khí hậu trên trái đất.
Cao hơn nữa, đề tài này giúp nâng cao ý thức cho học sinh và nhân dân rằng: rác thải không chỉ là phế thải mà có ý nghĩa thật đẹp cho cuộc sống nếu chúng ta biết sáng tạo, sử dụng có hiệu quả.