Sức tỏa sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh
Chúng ta muốn nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh.Đọc kỹ “điều mong muốn cuối cùng”, câu cuối cùng trong Di chúc của Người chúng ta sẽ hiểu ra chân lý ấy.
Với sự trải nghiệm của một nhà cách mạng đã từng bôn ba khắp chân trời góc bể, hiểu kỹ được những thành tựu cũng như những thất bại, những tinh hoa cũng như những khuyết tật của phong trào cách mạng, Hồ Chí Minh hiểu rõ dân tộc mình, nhân dân mình cần cái gì nhất.Vì thế, đọc kỹ nội dung “điều mong muốn cuối cùng” của Hồ Chí Minh, chúng ta hiểu ra được rằng: với thời gian, chân lý bỗng vụt sáng lên từ trong những câu chữ vốn rất dung dị, khiến người ta đôi khi cứ ngỡ như không còn gì để mà suy ngẫm nữa. Nhưng rồi, tỉnh táo trong nhận thức để không bị vướng bận bởi những màn sương hư ảo đã một thời che lấp tầm nhìn và sức nghĩ của mình, càng suy ngẫm chúng ta càng thấm thía được rằng quả là “Hồ Chí Minh có sự nhạy cảm đặc biệt đối với lịch sử, thấu hiểu cuộc sống của con người, có nhận thức sâu về vận mệnh dân tộc, về hướng đi của thời đại”(Phạm Văn Đồng).
Trên cái “hướng đi của thời đại”mà Hồ Chí Minh đã nhận thức sâu và đã quán triệt nó trong “điều mong muốn cuối cùng”của Người, suy ngẫm sâu vào nội dung “điều mong muốn cuối cùng”ấy, chúng ta hiểu ra được phải dồn sức vào đâu, phải tập trung ý chí của dân tộc vào vấn đề gì và bằng cách nào để thực hiện được “điều mong muốn cuối cùng”đó của Bác Hồ. Càng nghĩ kỹ hơn, chúng ta lại càng nhận ra được chiều sâu của một tư tưởng lớn, nhận ra được tính cập nhật của một sức nghĩ lớn từ tầm cao của tư duy Hồ Chí Minh, bản lĩnh Hồ Chí Minh.
Chân lý thì luôn luôn đơn giản, song hiểu được chân lý, đến được với chân lý thì thường lại cực kỳ gian truân. Gian truân nhất là phải phân biệt cho được chân lý với cái na ná như chân lý khiến đôi khi người ta ngộ nhận một cách chân thành và đầy sự sùng kính! Nhưng rồi, cũng với thời gian, sự thật dần dần hiện ra, và chúng ta nhận ra được sự đơn giản đó của chân lý, vì chânlý là cụ thể. Chúng ta đọc thấy chân lý đó trong “Điều mong muốn cuối cùng”của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc của Người. Nếu “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba thì đến “lúc cuối ”, “chủ nghĩa yêu nước”đó tập trung trong “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.Điều mong muốn cuối cùng của Hồ Chí Minh là mục tiêu có sức vẫy gọi và quy tụ mọi tấm lòng Việt Nam vốn nặng lòng với đất nước, gần gũi với mọi trái tim Việt Nam mà nhịp đập vẫn hòa cùng với từng nhịp bước của dân tộc vượt qua mọi thử thách hiểm nguy để đi tới.
Cần nhớ lại rằng, Di chúc của Người được bắt đầu từ một buổi sáng tháng 5 năm 1965, nói như Vũ Kỳ, người thư ký tận tụy và yêu thương của Bác: “chọn đúng vào một ngày tháng Năm, nhân dịp ngày sinh của mình; chọn đúng vào lúc 9 giờ, giờ đẹp nhất của một ngày, chọn đúng vào lúc sức khỏe tốt nhất trongnhững năm gần đây... để viết về ngày ra đi của mình, sao mà Bác thanh thản, ung dung đến thế!”. Cứ thế, trong bốn năm, vào đúng giờ nhất định trong một ngày tháng năm, như lời Bác dặn đồng chí Vũ Kỳ “chú cất giữ cẩn thận, sang năm, mồng 10 tháng 5 nhớ đưa lại cho Bác”. Và rồi ngày19/5/1969, “đúng 9 giờ, Bác ngồi vào bàn làm việc với bản Di chúc trước mặt. Bên ngoài nắng đã lên cao. Một làn gió mát rượi ùa vào khung cửa sổ làm bay bay những sợi tóc bạc của Bác. Bác ngồi tựa lưng vào thành ghế thoải mái, ung dung, nét suy tư hiện lên trên vầng trán rộng. Hôm nay, Bác xem lại kỹ toàn bộ các bản viết của Người trong bốn năm qua, nhưng chỉ chữa thêm ba chữ ở phần mở đầu”.
Như thế là trong cả bốn năm, xem đi xem lại nhiều lần, với “Điều mong muốn cuối cùng”,Bácvẫn giữ nguyên không sửa một chữ. Một sự dồn nén, chưng cất của ý tưởng, tình cảm đạt tới độ minh triết của một tầm vóc tư duy không bị ràng buộc và câu nệ bởi bất cứ cái gì: thời gian thúc bách hay không gian hạn hẹp. Vì thế, chúng ta có quyền tin chắc vào độ “chín”, đạt đến sự tường minh của tư tưởng trình bày trong Di chúc. Chúng ta hiểu rằng, Hồ Chí Minh đã nhìn thấu cái cốt lõi nhất của khát vọng mà nhân dân ta ấp ủ, nung nấu. Tôi hiểu “chân lý là cụ thể” ở sự đúc kết giản dị mà hết sức cô đọng đó từ những lý luận, những học thuyết loàingười đã tìm tòi, phát hiện, sửa chữa, bổ sung để rồi còn đọng lại những gì được cuộc sống chấp nhận mà Hồ Chí Minh đã tiếp nhận và vận dụng vào thực tế của đất nước mình, nhân dân mình. Tư tưởng và lý luậnkhông còn nằm trong những câu chữ, mà được ấp ủ từ trong trái tim yêu nước của Người rồi được tỏa sáng từ tầm cao trí tuệ của một chiến sĩ cách mạng từng bôn ba khắp năm châu bốn biển và là một danh nhân văn hóa từng am hiểu sâu sắc truyền thống văn hóa của dân tộc mình để cởi mở và chọn lọc tiếp thu những thành tựu của văn hóa, văn minh của cả loài người.
Tư tưởng lý luận đó đã được hun đúc, hình thành và hoàn thiện bởi một nhân cách tuyệt vời trong sáng. Hãy chỉ tìm hiểu sự trong sáng ấy trong nỗi “ham muốn” của Người, “ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”.Đây là câu Bác trả lời các nhà báo nước ngoài tại Hà Nội ngày21/1/1946với tư cách là Chủ tịch nước.
Không là một ứng xử chính trị trong hoạt động ngoại giao của một chính khách, đây là điều tâm huyết, dường như thường trực trong tình cảm và tư tưởng của Hồ Chí Minh, trong cốt cách của Hồ Chí Minh, một người am hiểu văn hóa phương Tây, song lại rất thấm nhuần triết lý phương Đông, xuất thân trong một gia đình nho học, bằng lao động kiếm sống để bôn ba nhiều nước của nhiều châu lục để tìm đường cứu nuớc. Vì thế, chúng ta lại đọc thấy nó trong câu trả lời một nhà báo nước ngoài một năm sau đó, ngày16/7/1947: “Tôi chỉ có một điều ham muốn là làm cho Tổ quốc tôi được độc lập, thống nhất, dân chủ. Bao giờ đạt được mục đích đó tôi sẽ trở về làm một người công dân du sơn ngoạn thủy, đọc sách làm vườn”.
Thử hình dung xem, nếu cuộc sống đó được thực hiện, ta sẽ như sống lại với cảm quan thanh thoát khi đọc lại chuyện kể về cuộc đời những danh sĩ hiền minh trong lịch sử nước nhà như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, hay như “Điều ngự đệ nhất tổ” (tức là Trần Nhân Tông) của Thiền phái trúc lâm Yên tử...
Là nhà cách mạng từng trải, Hồ Chí Minh nhìn rõ sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước gắn bó rất chặt chẽ với sự vận động, biến đổi và phát triển của thế giới. Vận mệnh của dân tộc không thể nằm ngoài sự vận động và phát triển của các dân tộc trên quả đất này. Cho nên, nhờ có sự nhạy cảm đặc biệt đối với lịch sử, thấu hiểu cuộc sống của con người, có nhận thức sâu về vận mệnh dân tộc, về hướng đi của thời đại mà tư tưởng Hồ Chí Minhcó sức soi rọi cho những bước tìm tòi đi tới của dân tộc ta trong một thế giới đầy biến động mà kiểu tư duy tuyến tính và kinh nghiệm cũ không đủ cho hành trình dân tộc đi tới trên con đường chưa có bản đồ.
Không thấy tính tất yếu của quá trình vận động dẫn đến sự phán quyết của lịch sử đối với chế độ tư bản sẽ không hiểu được quy luật vận động của lịch sử. Tuy nhiên, nếu không thấy những điều chỉnh để có thể tồn tại và phát triển của chính nó, chế độ tư bản hiện đại đã đẩy tới quá trình làm biến đổi hoàn cảnh và con người sống trong hoàn cảnh đó, là quay lưng lại với hiện thực đang vận động, là tự bưng tai bít mắt mình, tước bỏ mất khả năng hành động phù hợp với điều kiện mới, đáp ứng được đòi hỏi của cuộc sống.
Không đợi phải đến tận hôm nay, mà ngay từ 1924, với một cách nhìn đầy bản lĩnh do không chịu khuôn mình vào những khuôn thức được áp đặt, Nguyễn Ái Quốc đã đòi hỏi phải “phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản”với lập luận rằng “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn nhất của đất nước... Người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại, và duy nhất của đời sống xã hội của họ”.Nguyễn Ái Quốc nhận định rằng, ở ViệtNam, “cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây”, và chỉ ra rằng “quyền lực của quan lại được cân bằng bằng tính tự trị của xã thôn”.Từ sự phân tích đặc điểm cụ thể của xã hội nước mình, và để cho “chủ nghĩa Mác sẽ còn đúng cả ở đó”,Nguyễn Ái Quốc cho rằng “dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được”.Người lập luận: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”.Vì thế, Người đòi hỏi phải “xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”.
Theo William J. Duiker, tác giả của cuốn sách mới nhất viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất bản ởNew Yorknăm 2000 “thì đây là một nghịch lý táo bạo, nhưng lại là một thực tế tuyệt vời”.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh đã thể hiện một cách thật tường minh những nhận định, phán đoán và dự báo độc đáo của mình. Không thể không chú ý đến một sự thật lịch sử là với Hồ Chí Minh, Người không hề câu nệ trong quá trình tìm kiếm phương tiện để nhằm thực hiện mục tiêu. Chính Người đã nói : “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân, tôn giáo Giê-su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta... Khổng Tử, Giê-su, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng đã có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội, nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”.
Ở đây không chỉ là sự khiêm tốn, ở đây là một thái độ chân thành trong tìm tòi chân lý. Nghĩ cho kỹ, chúng ta sẽ hiểu ra rằng, “Tư tưởng Hồ Chí Minh”không đơn thuần chỉ là sự vận dụng một cách sáng tạo những tư tưởng lý luận của “học thuyết của C. Mác”vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Hồ Chí Minh không chỉ tiếp thu những phần tinh túy nhất của học thuyết khoa học và cách mạng đó. Quá trình bôn ba khắp năm châu bốn biển, Hồ Chí Minh đã hấp thu vào mình trí tuệ, văn hóa của cả loài người. Có được điều đó, trước hết là do Hồ Chí Minh am hiểu sâu sắc về dân tộc mình, thấm nhuần lịch sử và văn hóa của dân tộc. Nhờ nắm vững phương pháp biện chứng của học thuyết C. Mác gắn với tư duy thực tiễn của người cách mạng Việt Nam gắn bó máu thịt với dân tộc mình, tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của sự kết hợp hài hòa đó. Tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với ba đặc trưng “Độc lập”, “Tự do”, “Hạnh phúc”xuất hiện với Cách Mạng Tháng Tám và ngày lập nước là minh chứng sinh động và đầy sức thuyết phục và quy tụ mọi tấm lòng người Việt Nam đủ mọi chính kiến, mọi thành phần, mọi tôn giáo tín ngưỡng ở bất cứ đâu. Nói chân lý là cụ thể còn là ở sự gần gũi, ở sức hấp dẫn đó.
Nếu nói thật gọn thì tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng của con người ViệtNam, dân tộc ViệtNamtiên tiến và có hiệu quả nhất. Tư tưởng đó được hình thành từ xa xưa, biến chuyển cùng với lịch sử lâu đời của dân tộc, được làm giàu đẹp và độc đáo thêm trong quá trình tiếp biến hàng ngàn năm với nhiều hệ tư tưởng, nhiều nền văn minh phương Đông như Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á, rồi từ thế kỷ XIX với nhiều hệ tư tưởng và nhiều nền văn minh phương Tây, được đột biến và nâng cao về chất. Tất cả những yếu tố đó là cội nguồn của sự xuất hiện tư tưởng Hồ Chí Minh vào đầu thế kỷ XX khi gặp được luận cương của V.I Lênin về dân tộc và những tư tưởng lý luận của Học thuyết của C. Mác. Từ đó, tư tưởng ấy tiếp tục phát triển sáng tạo trong thực tiễn và trong lý luận, gắn kết với việc phát huy các giá trị tốt đẹp của dân tộc và sự tiếp thu những thành quả hiện đại của tư tưởng loài người. Tiến trình hình thành tư tưởng ấy trong gần 2/3 đầu thế kỷ XX, in đậm dấu ấn riêng của cuộc đời hoạt động, bản lĩnh và nhân cách Hồ Chí Minh, được tiếp nối trong công cuộc đổi mới và phát triển hiện nay của dân tộc Việt Nam ta.
Chính mạch sống của dân tộc, một dân tộc có truyền thống văn hiến đã là cội nguồn của sự hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh. Quả đúng là “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại”. Nói văn hiến chính là nói văn hóa và hiền tài. Không có một truyền thống văn hóa với một bề dày lịch sử mấy nghìn năm thì cũng không thể có hiền tài. Đồng thời, có hiền tài thì mới gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa, nâng cao lên trong sự phát triển của đất nước và thích nghi được với thời đại. Nếu hiềntài là nguyên khí quốc gia như ông cha ta đã truyền dạy, thì chăm lo giữ gìn, hun đúc và nâng cao mãi nguyên khí đó trong tầm cao của những thành tựu văn minh của loài người đã đạt được như Hồ Chí Minh đã từng làm là vô cùng cần thiết. Tư tưởng Hồ Chí Minh là minh chứng cụ thể và sinh động của điều đó. Vì vậy mà “chính Người làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”.
Biết giương cao ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh để định hướng cho sự nghiệp chấn hưng dân tộc, đưa đất nước tìm ra bước đột phá bứt lên trong những thách đố của thời đại mới để không phải hổ thẹn với ông cha. Làm được như thế cũng có nghĩa là đã nâng lên tầm cao mới của nguyên khí quốc gia được hun đúc trong thử thách khốc liệt của cuộc chiến đấu đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới, dũng cảm và tỉnh táo vượt qua những cạm bẫy cũng như nắm bắt được những cơ hội để phát triển trong quá trình hội nhập quốc tế.
Chúng ta phải đến với thế giới với bản lĩnh của chính mình, bản lĩnh ấy trước hết là bản lĩnh văn hóa ViệtNam. Không có cái đó thì những cái khác sẽ không có gì đáng giá. Chúng ta tìm thấy bản lĩnh ấy trong tư tưởng Hồ Chí Minh, cái làm nên sức mạnh ViệtNamtrong cuộc thử thách mới.
Nguồn: Khoa học phổ thông19/5/2006