Sức sống trường tồn
Tới giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa và đế quốc, những mầm mống tư tưởng đó đã được các nhà lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp vô sản toàn thế giới xây dựng thành một học thuyết hoàn chỉnh về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và chủ nghĩa cộng sản (CNCS) trên cơ sở phân tích sâu sắc và toàn diện với góc nhìn mới mẻ về chủ nghĩa tư bản (CNTB) và tiến trình phát triển lịch sử nhân loại, khẳng định rõ sự diệt vong tất yếu của CNTB cũng như mọi hình thức xã hội có cảnh người bóc lột người.
Các Mác với tư cách là người sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình như một nhà tư tưởng thiên tài, đồng thời là một nhà cách mạng vĩ đại, một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của nhân loại.
Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ đầu thế kỷ XX, những tư tưởng của Các Mác với sự phát triển thiên tài của Vladimia Ilích Lênin đã trở thành ngọn cờ có sức thuyết phục lớn đối với phong trào cách mạng vô sản trên toàn thế giới bởi chính sức mạnh toát lên từ sự lý giải thế giới và lịch sử đúng đắn của nó. Với ngọn cờ này, giai cấp vô sản ở nhiều nước trên thế giới từng tiến hành thành công cuộc cách mạng của mình, giành lại quyền lực về tay nhân dân lao động.
Từ quan điểm tạo dựng một cuộc cách mạng vô sản trên qui mô toàn thế giới, bắt đầu cùng một lúc ở những nước tư bản phát triển, với Lênin, giai cấp vô sản đã nhận thức được khả năng thành công của cách mạng vô sản trước tiên ở một nước hay một số nước, thậm chí những quốc gia còn kém phát triển và từ đó, tạo nên sự kết hợp chặt chẽ giữa cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc. Đây là một bước tiến quan trọng trong sự phát triển CNXH khoa học. CNXH từ một học thuyết đã biến thành một phong trào cách mạng và trở thành một hình thái kinh tế xã hội hiện thực.
Cuộc cách mạng XHCN Tháng Mười Nga năm 1917 đã trở thành cuộc thử nghiệm vĩ đại nhất thế kỷ XX, tạo nên ảnh hưởng to lớn đối với tiến trình phát triển của thế giới ngót trăm năm qua. Với một mô hình xã hội có thiên hướng trở nên bình đẳng thực sự, với một khao khát tạo dựng lại thế giới công bằng, Liên Xô đã có sức hấp dẫn lớn và đóng vai trò ngọn hải đăng chiếu sáng lòa trên một hành tinh TBCN đầy bất công và áp bức.
Chính Liên Xô đã đưa vai ra gánh vác sức nặng không nhỏ của một cuộc cách mạng vô sản trên qui mô thế giới, đồng thời mở ra triển vọng cho phong trào giải phóng tất cả các dân tộc bị áp bức trên khắp hành tinh…
Sức sống của học thuyết Mác trong thời đại ngày nay thể hiện ở chỗ: các giá trị bền vững trong học thuyết cơ bản của ông đã và vẫn sẽ là lý luận và phương pháp luận để nhận thức, cải tạo thế giới.
Ở Việt Nam ta, kể từ sau năm 1917, cuộc đấu tranh giành lại tự do, độc lập từ tay chủ nghĩa thực dân cũ đã mang một màu sắc khác hẳn trước. Nhiều chiến sĩ cách mạng Việt Nam đã dần dà tiếp nhận được nguồn cổ vũ lớn lao từ tư tưởng và phong trào XHCN, tìm thấy ở đó một nguồn lực mới để tạo nên cuộc cách mạng vừa giành lại được độc lập tự do cho đất nước, vừa xây dựng được một xã hội có thể mang lại ấm no cơm áo cho mọi tầng lớp nhân dân.
Bác Hồ của chúng ta đã chính là người đã nhìn rõ nhất vai trò của giai cấp vô sản và chủ nghĩa Mác - Lênin trong cuộc đấu tranh cứu nước: "Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của CNCS và của cách mạng thế giới".
Với những chiến sĩ cách mạng Việt Nam như Nguyễn Ái Quốc, cứu nước gắn với cứu dân bao giờ cũng là nhiệm vụ hàng đầu: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản" và "giai cấp vô sản muốn được giải phóng trước hết phải giải phóng dân tộc".
Quan điểm rõ ràng này đã giúp cho cách mạng vô sản Việt Nam ngay từ đầu đã mang một sắc thái giải phóng dân tộc rõ rệt và không bị lôi cuốn quá đà theo những sai lệch hoặc bốc đồng đã từng có trong phong trào cách mạng vô sản thế giới ở một số thời điểm nhất định.
Bác Hồ của chúng ta, trong khi hết lòng cổ xúy cho cách mạng vô sản trên qui mô toàn thế giới, đã nhận thức rõ ràng với sự anh minh rất phương Đông và Việt Nam rằng, công cuộc giải phóng của các dân tộc bị áp bức "chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của chính bản thân mình" và "Muốn người ta giúp cho thì trước mình phải tự giúp mình".
Tư tưởng Hồ Chí Minh hình thành trong suốt cuộc đời vì nước vì dân của Người đã mang lại cho cuộc cách mạng dân tộc ở Việt Nam, con đường XHCN cũng như công cuộc cách mạng vô sản ở Việt Nam một sắc thái riêng, hữu lý và hữu tình, bám chắc vào cái nền tảng yêu nước, thương nòi.
Chính Bác Hồ đã vạch ra đường ngay lối thẳng cho dân tộc đi lên nhằm hướng tương lai tươi sáng. Và trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể, trên cơ sở quán triệt sâu sắc các tư tưởng chính yếu của chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đưa ra những quyết sách mềm dẻo về chiến thuật, nhất quán về chiến lược nhằm từng bước đưa cách mạng Việt Nam đạt được mục tiêu cần thiết, giảm bớt những tổn thất, hy sinh.
Người chỉ rõ, chúng ta cần làm cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới nhằm đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và phong kiến tay sai, giành độc lập cho dân tộc và ruộng đất cho nông dân, rồi tiến lên cách mạng XHCN, xây dựng CNXH và CNCS ở Việt Nam.
Đối với Người, CNXH và CNCS không phải là cứu cánh tự thân, mà là hình thái xã hội duy nhất để thực hiện "ham muốn tột bậc" là "làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".
Cùng với sự phát triển của cách mạng Việt Nam, của vị thế quốc gia, những người cộng sản và toàn dân tộc đã càng nhận rõ hơn tinh hoa trong học thuyết Mác-Lênin và tìm ra cách áp dụng sáng tạo, phù hợp với tình hình cụ thể, tránh cho dân tộc những thử thách khốc liệt không đáng có, như đã từng xảy ra ở một số quốc gia khác cũng chọn con đường phát triển XHCN.
Tất nhiên, không phải mọi sự đều lúc nào cũng xuôi chèo mát mái trong những thập niên chiến tranh và cách mạng đã qua, nhưng như thực tế đã cho thấy, chính sự kết hợp nhuần nhuyễn tư tưởng XHCN với truyền thống dân tộc đã giúp cho những người cộng sản ở Việt Nam lãnh đạo dân tộc và đất nước đi từ thành công này tới thành công khác, tạo nên những nguồn lực trong và ngoài vĩ đại để Việt Nam chiến thắng được những kẻ thù hùng hậu tưởng không bao giờ phải biết mùi thất bại.
Nhân dân ta đã lựa chọn con đường đi theo những người Cộng sản Việt Nam bởi lẽ, như các giai đoạn lịch sử đã qua cho thấy, đó là con đường đúng đắn duy nhất để cứu nước và giải phóng giống nòi. Thực tế cho thấy, chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ phát huy được vai trò tích cực của mình khi nào và ở đâu nó được hiểu đúng và áp dụng đúng.
Đây chính là thí dụ nhỡn tiền về ưu thế của định hướng XHCN trong nền kinh tế thị trường của chúng ta. Chính định hướng này, như không ít nhà quan sát nước ngoài nhận xét, đã tạo cho chúng ta thế mạnh nhờ một nền tảng công bằng xã hội và nhân bản, một sự ổn định chính trị, giúp Việt Nam phát triển lâu dài. Hy vọng rằng với định hướng XHCN, chúng ta có thể giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của mọi phong ba bão táp bên ngoài tới cuộc sống của nhân dân và con đường đi lên của đất nước.