Sức mạnh cảm hoá của Bác Hồ
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Mặt trận và các đoàn thể làm việc tại ATK (An toàn khu) Việt Bắc. Đây là vùng đất rộng lớn chung quanh dãy núi Hồ bao gồm các huyện: Định Hoá (Thái Nguyên), Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang) và chợ Đồn (Bắc Kạn). Bác Hồ thay đổi chỗ ở nhiều lần quanh Phú Đình (Định Hoá) và Tân Trào (Sơn Dương). Tuy thuộc hai tỉnh khác nhau, hai xã này rất gần nhau, nằm hai bên dãy núi Hồn, cách nhau con đèo De, ngọn đèo dài khoảng bốn kilômét.
Nhớ ông cụ mắt sáng ngời
Áo nâu túi vải, đẹp tươi lạ thường!
Nhớ người những sáng tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suốt reo…
Chính là với con “tuấn mã”. Trong ảnh Bác đã “ung dung yên ngựa trên đường suối reo”.
Vậy con ngựa ấy là con ngựa cụ thể nào vậy? Lai lịch nó ra sao?
Cuốn hồi ký của ông Vũ Đình Huỳnh, một cán bộ làm việc gần Bác tại ATK Việt Bắc dạo ấy, cho ta biết:
“Bác thường qua thăm cụ Vi Văn Định và các cụ cao tuổi khác. Bác bận thì lại bảo mấy cán bộ làm việc ở Phủ Chủ tịch trong nom. Năm 1949, tôi đi Cao Bằng mua về mấy con ngựa, định bụng chọn một con để Bác dùng đi lại cho đỡ vất vả. Biết tin, cụ Vi bảo tôi:
Ông dẫn chúng nó sang đây cho tôi xem! Này, cái tướng ngựa là tôi rành lắm đấy! Để tôi xem cho, con nào hay, con nào dở, tôi bảo cho. Tôi liền dẫn lũ ngựa sang. Đứng trước mấy con ngựa, cụ già Vi như trẻ hẳn lại, háo hức như thanh niên. cụ trìu mến vỗ về chúng, rồi xem kỹ từng con một, dắt tới dắt lui, xem răng, xem ức. Cuối cùng cụ chỉ vào con tía:
- Con này hay nước chạy lại hiền, xin ông để cụ Hồ dùng.
Rồi chỉ con đứng bên cạnh:
- Con này hay lắm, nhưng phải cái hay trở chứng, nên để cho bảo vệ anh nào trẻ mà nhanh cưỡi.
Con ngựa trong tấm ảnh lịch sử chụp Bác sửa soạn yên cương lên đường đi Chiến dịch Biên giới 1950 chính là con ngựa tía mà cụ Vi đã chọn.
Theo ông Vũ Đình Huỳnh, Bác Hồ thường nói với các cán bộ gần Bác: “Chúng mình chỉ là cái men thôi. Nên được rượu là nhờ cơm nếp. Phải có đông đảo quần chúng tham gia mới thành cách mạng. Nhân sĩ, trí thức là thứ men tốt, cần phải kéo họ về mình”.
Tại sao một người từng làm Tổng đốc tỉnh Thái Bình như cụ Vi Văn Định lại có mặt tại ATK Việt Bắc? Câu chuyện hơi dài…
Cụ Vi Văn Định có hai người con gái là các tiểu thư Vi Kim Ngọc và Vi Kim Phú, vừa xinh đẹp, vừa có trình độ học vấn khá cao, người Tày nhưng nói rất sõi tiếng Kinh và cả tiếng Pháp, trước cách mạng tháng Tám, đã kết hôn với hai nhà trí thức lớn: tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên và giáo sư Hồ Đắc Di. được giáo sư Hồ Đắc Di giới thiệu, bác sĩ Tôn Thất Tùng cưới người cháu nội gái của cụ Vi là tiểu thư Nguyệt Hồ. Cả ba nhà trí thức đó, được Bác Hồ cảm hoá, đều hăng hái gánh vác trọng trách sau ngày nước nhà độc lập: tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên nhận là Bộ trưởng Giáo dục quốc dân, giáo sư Hồ Đắc Di - Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Tôn Thất Tùng - Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn.
Mùa hè năm 1946, trước ngày rời Hà Nội lên đường lên Paris thăm nước Pháp nhân khai mạc Hội nghị Fontainebleau, mặc dù bận trăm công nghìn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên giao nhiệm vụ cho ông Hoàng Hữu Nam, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, lo đón cụ Vi Văn Định về Hà Nội kẻo “hữu sự thì không kịp”. Bác nói: “Con cháu cụ Vi đều đi với cách mạng cả, hãy mời cụ về Hà Nội!” Bác còn dặn, phải tìm những cán bộ cách mạng trước đây đã từng bị cụ Vi bắt giam, khi còn làm Tổng đốc Thái Bình, cầm giấy mời của Chính phủ lên trao tận tay cụ, như vậy cụ sẽ thấy ta không giữ hận thù mà thật lòng đoàn kết.
Ông Ba Ngọ, một cựu chính trị phạm, được giao nhiệm vụ này. Ông cùng Đoàn Chính phủ lên Bản Chu, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, tha thiết mời cụ về Hà Nội, nhưng cụ từ chối, nói:
- Tôi nay già yếu rồi, chắc chẳng đóng góp được gì, xin để cho “lão giả an chi”!
Ông Ba Ngọ cùng Đoàn đành lui ra nghỉ tạm ở thị xã Lạng Sơn. Nhưng ông không chịu bỏ cuộc, tay không trở về Hà Nội. Hai ngày sau, ông cùng Đoàn quay trở lại Bản Chu. Lần này cụ Vi không nỡ từ chối. Cụ cho mời tất cả bà con trong làng và ở các trại khoảng vài nghìn người đến dự bữa cỗ tiễn biệt. Phải mổ mấy còn bò, mấy chục con lợn, nấu mấy trăm mâm cỗ. Giữa bữa cỗ thịnh soạn, cụ nghiêm mặt nói:
- Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cho người lên đây đón tôi về Hà Nội. Khi tôi vắng mặt, con cháu cùng bà con dân bản phải làm lụng chăm chỉ như bình thường.
Mọi người nhao nhao lên hỏi:
- Cụ đi như thế có được bảo đảm an toàn không?
Ông Ba Ngọ liền đứng lên trịnh trọng cam kết:
- Xin đồng bào yên tâm, Chí phủ đã đón Cụ đi là phải đảm bảo an toàn.
Chẳng bao lâu, một hôm người con trai cụ Vi Văn Định là ông Vi Văn Kỳ ngụ tại phố Hàng Da, Hà Nội, đang mặc quần áo cộc ở gian nhà trong, bỗng nghe tin báo có một vị “khách Tây” không mời mà đến. Hoá ra đó là một tên mật thám của Pháp xin gặp để ngỏ ý mời ông Kỳ trở về Lạng Sơn làm “vua nước Tày - Nùng”! Ông Kỳ hoảng quá, liền xin yết kiến cụ Huỳnh Thúc Kháng, Quyền Chủ tịch nước (lúc đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ở Pháp) và ông Hoàng Hữu Nam, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, để trình bày sự việc khác lạ nói trên. Ngay sau đó, cả gia đình ông Kỳ được Chính phủ ta sắp xếp lặng lẽ chuyển vào Thanh Hoá. Tại đây ông Kỳ làm việc ở cơ quan Bộ Nội vụ cho đến lúc về hưu. Chính sách dùng người của Bác Hồ là vậy, rất tin cậy, thuỷ chung.
Qua câu chuyện này, ta càng thấy rõ tiên đoán sáng suốt của Bác trong việc kịp thời đưa cụ Vi rời khỏi Lạng Sơn, “kẻo hữu sự thì không kịp”.
Tháng 12/1946, trước ngày Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tình hình Hà Nội hết sức căng thẳng. Bác Hồ chỉ thị cho Bộ trưởng Lê Văn Hiến đưa ôtô hòm đến nhà riêng đón cụ Vi đi tản cư về làng Bật, quê hương cụ Bùi Bằng Đoàn, rồi sau đó ít lâu, đưa cả cụ Vi và cụ Bùi cùng linh mục Phạm Bá Trực lên ATK Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên. Từ Định Hoá, các cụ vượt đèo De, núi Hồng sang Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, một vùng núi non tuyệt đẹp “ngày xuân mơ nở trắng rừng”… Tại ATK, cụ Vi được Bác Hồ và Chính phủ kháng chiến chăm sóc chu đáo. Sau ngày Hà Nội giải phóng, tháng 10/1954, cụ Vi cùng con cháu trở về Thủ đô. Cụ sống bình yên qua cải cách ruộng đất, được chứng kiến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, rồi qua đời ngày 20/12/1975, thọ 96 tuổi. Chính phủ ta giữ đúng lời hứa “bảo đảm an toàn”cho cụ Vi, lời hứa mà ông Ba Ngọ, thay mặt Đoàn đại biểu Chính phủ, đã nói vào ngày đầu cách mạng khi thừa lệnh Bác Hồ lên Bản Chu đón cụ về Hà Nội.
Bác Hồ cảm hoá trí thức và nhân sĩ không phải bằng lời lẽ văn hoa hùng biện, mà bằng chính cuộc đời cao cả của chính mình hoàn toàn hy sinh vì dân, vì nước.
Giáo sư Hồ Đắc Di, một chàng rể của cụ Vi Văn Định, người bản xứ đầu tiên và duy nhất trong toàn cõi Đông Dương thuộc Pháp được Toàn quyền Jean Decoux phong chức danh giáo sư đại học trước Cách mạng tháng Tám, cho biết: Năm 1918, khi ông đặt chân lên đất Pháp, ở nước này, đã có nhiều công nhân và sinh viên người Việt Nam lao động và học tập. Tám yêu sách về Quyền của của các dân tộc do Nguyễn Ái Quốc gửi tới Hội nghị hoà bình Versailles năm 1919, được báo chí Pháp công bố, gây tiếng vang rất lớn. Chàng trai trẻ Hồ Đắc Di thường lui tới cậu lạc bộ sinh viên An Nam ở số nhà 15 phố Sommeard, khu Latin, Paris. Tại đây ông thường gặp những nhà yêu nước nổi tiếng như: Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc. Ông cùng các bạn sinh viên và thợ thuyền hăng hái đi bán báo Le Paria (Người cùng khổ) viết bằng tiếng Pháp và Việt Nam hồn bằng tiếng Việt. Rất ngưỡng mộ Nguyễn Ái Quốc nhưng ông không thể ngờ con người xanh xao, có đôi mắt sáng ấy, về sau sẽ thay đổi vận mệnh của cả dân tộc cũng như thay đổi cuộc đời ông.
Sau này, giáo sư Hồ Đắc Di kể lại:
“Năm 1919, mặc dù hoàn toàn chưa có khái niệm về cách mạng Việt Nam nhưng tôi vẫn thầm cảm phục lòng yêu nước nồng nhiệt và lòng quả cảm vô song của ông Nguyễn Ái Quốc. Cho nên năm 1945, khi được biết phong trò Việt Minh do Ông Nguyễn Ái Quốc sáng lập (nhờ một tờ truyền đơn do ai đó lùa qua khe cửa) là tôi yên tâm: Chính nghĩa đây rồi! Độc lập tự do đây rồi! Và khi được thấy con người mảnh khảnh năm xưa thường lui tới số nhà 15 phố Sommerard, Paris, nay tóc đã điểm bạc, lưa thưa chòm râu cằm, cất cao giọng Nghệ đọc Tuyên ngôn Độc lập thì niềm tin của tôi càng thêm vững chắc”.
Năm 1947, tại Chiến khu Việt Bắc, giáo sư viết: Trên mặt đồng hồ lịch sử giờ giải phóng đã điểm, vang lên hiệu lệnh tập hợi mọi nghị lực để hoàn thành sứ mạng cao cả và quyết định giành lấy độc lập và tự do (…) Chúng ta tìm từ đâu ra niềm tin và lòng hy vọng nếu không phải từ sự suy ngẫm đầy cảm kích về Con Người ấy, con người có số phận phi thường đã hoàn toàn xả thân vì nước trong nửa thế kỷ qua, con người hôm nay đang cầm đũa chỉ huy dàn nhạc giao hưởng của chúng ta.”
Thế đấy, sức mạnh cảm hoá của Bác Hồ bắt nguồn từ cuộc đời vô cùng trong sáng và cao thượng, vô cùng phong phú và đẹp đẽ của Bác.
Nguồn: Diễn đàn trí thức, số 1/2005