Sử dụng trích dẫn thế nào?
Trước hết hãy nói về tình trạng bịa. Có rất nhiều kiểu bịa nhưng phổ biến nhất là kiểu đi họp báo, nhân vật trả lời một loạt những câu hỏi mà phóng viên nhao nhao đưa ra. Ấy vậy mà ngày hôm sau, một vài tờ báo sẵn sàng ghi những câu đại loại như "phát biểu khi trả lời phỏng vấn riêng của báo A..." Cứ cho là bỏ qua khả năng người viết không hiểu rằng một câu hỏi đưa ra tại cuộc họp báo thì không được gọi là phỏng vấn riêng, thì nhiều câu hỏi và trả lời trong đó không phải là của phóng viên báo A.
Một kiểu bịa trắng trợn hơn là điềm nhiên cho vị quan chức B, lãnh đạo C nói một điều gì đó tuy phóng viên không hề gặp trực tiếp. Có lần tôi được giao tìm hiểu thêm một vấn đề từ một tin đăng trên báo nọ. Gọi điện cho đồng chí cán bộ cấp kha khá để xác minh phát biểu trên báo thì đồng chí đó ngã ngửa: "Tôi có nói thế đâu, tôi không hề gặp phóng viên nào cả."
Nhưng phổ biến hơn là tình trạng không biết cách trích dẫn. Có được một ý hay tống lên lead (mào đầu) theo kiểu lối nói gián tiếp, và bên dưới tuyệt nhiên không hề có cái mở ngoặc nào. Lại có kiểu sau dấu hai chấm (:) là một loạt các ý kiến, có khi làm nguyên cả cụm dài đến nửa gang tay, có khi xuống dòng mấy lần, chẳng biết là ý kiến của người nói đến đâu và đâu là lời của phóng viên.
Một điều thường thấy nữa là câu phát biểu, trích dẫn bị "chôn" ở giữa hoặc thậm chí cuối bài. Và tệ nhất là việc phóng viên đoán ý của người nói và dẫn lại theo kiểu của mình.
Thực ra nhiều lúc, một bài viết có thể khởi nguồn từ một câu phát biểu. Khi phóng viên chớp được một câu nói hay trong một cuộc phỏng vấn hoặc tại một cuộc họp báo, hãy ghi lại. Và điều quan trọng là phải biết đặt nó vào đâu để bài viết nâng được hiệu quả. Dưới đây là 10 điều cần lưu ý:
1. Trích dẫn không những làm bài viết sinh động mà còn có thể giải thích các vấn đề phức tạp bằng ngôn từ đơn giản. Điều này đặc biệt quan trọng khi bài viết đề cập đến những lĩnh vực chuyên môn như kinh tế hay khoa học. Tuy nhiên, các chuyên gia trong các lĩnh vực này thường dùng biệt ngữ nên cần tránh sử dụng chúng trong trích dẫn hoặc trong bài viết. Khi nguồn tin dùng các thuật ngữ chuyên môn, đừng ngại ngắt lời họ và yêu cầu họ giải thích bằng ngôn ngữ thông thường.
2. Tin không đơn thuần chỉ là những gì người ta nói mà còn là cách họ nói như thế nào. Một tin thông thường nên có một trích dẫn vào đoạn thứ hai hoặc thứ ba để hỗ trợ cho thông tin chính đã nêu ở phần mào đầu. Nhưng câu trích đó phải có thông tin mới chứ không lặp lại thông tin đã nêu ở mào đầu.
3. Ngay cả khi lấy nguồn tin từ một tuyên bố của chính phủ thì vào khoảng đoạn 3 hoặc 4 vẫn cần dẫn nguyên một câu trong tuyên bố đó.
4. Lý tưởng nhất là các phát biểu là của một nhân chứng hoặc một nguồn tin có uy tín cho phép phóng viên sử dụng tên của họ trong bài. Các chi tiết khác như tuổi, nghề nghiệp… của họ cũng cần được đưa vào ở chỗ phù hợp. Ngoài ra cần thỏa thuận rõ với nguồn tin về cách dẫn nguồn. Giả dụ nếu nguồn tin nói một câu rất hay nhưng họ không muốn bị nêu tên, thì cần thỏa thuận rõ với họ về cách dẫn nguồn, chẳng hạn thương lượng với họ cách dẫn nguồn như “một quan chức cấp cao của chính phủ nói”, hoặc “một người biết rõ về thỏa thuận này nói”. Đây là một cách tốt để dẫn nguồn tin giấu tên.
5. Trích dẫn có thể sử dụng trong những vấn đề đang gây tranh cãi. Nói cách khác, với việc đưa câu nói trực tiếp vào bài, ta có thể có những ngôn từ chính xác và tránh những hiểu lầm về các ý kiến hoặc tuyên bố của người nói.
6. Khi không trích dẫn trực tiếp câu nói của nguồn tin mà viết gián tiếp thì không bao giờ được tự đoán ý họ định nói gì, hoặc không bao giờ tự ý diễn giải ngôn từ hoặc suy nghĩ của họ. Cần tuyệt đối chính xác khi miêu tả những điều họ nói.
7. Cần chọn lựa các câu trích dẫn rất cẩn thận và đừng sử dụng trích dẫn chỉ để bài viết có trích dẫn.
8. Trích dẫn cần phải có ý nghĩa và phù hợp với mạch của bài viết. Không được thay đổi câu trích và không bao giờ được phép tự bịa ra các câu trích. Tuy nhiên, có thể được phép thay đổi một hoặc hai từ để làm câu đúng ngữ pháp – đặc biệt trong trường hợp người nói không nói bằng tiếng bản địa của họ. Nhưng việc thay đổi từ này không được làm thay đổi nghĩa của câu nói.
9. Viết báo không có những nguyên tắc bắt buộc, mà chỉ là những hướng dẫn. Một trong số đó là bạn hầu như không bao giờ sử dụng trích dẫn ngay tại mào đầu, trừ phi đó là một câu nói cực kỳ hay hoặc miêu tả một sự kiện mang tính lịch sử, sự kiện chưa từng xảy ra hoặc thực sự có ý nghĩa quốc tế.
10. Trích một hoặc hai từ từ một câu nói để sử dụng trên tít hoặc mào đầu là một cách rất hiệu quả để thu hút sự chú ý của độc giả.
Nguồn: vietnamjournalism.com 16/1/2006