Sinh viên nghiên cứu máy rửa quả lọc chạy thận nhân tạo
Với sự hướng dẫn của thầy Vũ Duy Hải và Phạm Mạnh Hùng, công trình nghiên cứu máy rửa quả lọc trong chạy thận nhân tạo của nhóm sinh viên Nguyễn Minh Đức, Lê Văn Quyền, Nguyễn Tiến Tân va Nguyễn Thị Anh Đào được đánh giá rất cao. Ngoài giải nhất của Bộ GD&ĐT, nhóm còn nhận được huy hiệu tuổi trẻ sáng tạo của Trung ương Đoàn TNCS HCM.
Lê Văn Quyền cho biết, ý tưởng về công trình nghiên cứu được đưa ra từ thực tiễn cuộc sống, chứng kiến những người chạy thận với chi phí rất đắt đỏ. Cả nhóm sinh viên và giáo viên hướng dẫn phân tích, nếu tận dụng được quả lọc thì sẽ tiết kiệm cho người bệnh rất nhiều. Vậy là nhóm bắt tay nghiên cứu thiết kế máy rửa quả lọc, tăng số lần sử dụng để giảm chi phí cho người bệnh.
Để làm được công việc này, các thành viên phải đến bệnh viện tìm hiểu quá trình rửa quả lọc ở bệnh viện. Nhiều lần quan sát các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai rửa quả lọc bằng tay, các thành viên đã ghi chép, phân tích và nghiên cứu. Sau hơn một năm, chiếc máy rửa quả lọc ra đời.
Quyền chia sẻ, nếu rửa bằng tay thì phần kiểm định chất lượng chỉ là định tính bằng mắt, trong khi lượng nước, hóa chất rửa không tối ưu. Nếu thay bằng chiếc máy rửa chúng ta sẽ kiểm soát được dung dịch và nước khi rửa, từ đó tăng số lần tái sử dụng của quả lọc.
Khi đó, chi phí cho mỗi lần chạy thận sẽ giảm xuống, và số người suy thận được chạy chữa sẽ tăng lên. Nếu một quả lọc rửa tay có thể dùng 3-5 lần thì khi rửa máy có thể dùng 7-10 lần, tối đa 15 lần (Bộ Y tế cho phép). Số lần sử dụng sẽ gấp đôi.
"Việc chế tạo chiếc máy này cũng là tâm huyết của các thầy trong việc phát triển máy móc chữa bệnh cho người dân. Tham vọng của nhóm hướng tới chuyên môn hóa và sản xuất máy với số lượng lớn đưa vào sử dụng", Quyền tâm sự.
Trong lễ trao giải, công trình mô hình gậy có gắn đèn và âm thanh cho người khiếm thị của nhóm sinh viên Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Anh Tuấn, Hồ Phạm Uyên Phương và Nguyễn Thị Thùy Dung (ĐH Sư phạm TP HCM) cũng được nhiều người quan tâm.
Cầm trên tay bằng khen giải nhất của Bộ GD&ĐT, Phương cho biết, ý tưởng về cây gậy được hình thành từ chính khó khăn trong cuộc sống của nhóm. Cả bốn người đều khiếm thị, mỗi lần tham gia giao thông rất khó khăn khi đường phố luôn nghìn nghịt xe qua lại.
"Mỗi khi sang đường chúng em phải vất vả lắm, chỉ mong ước có một chiếc gậy phát sáng vào ban đêm, có chuông khi sang đường. Và trong hoàn cảnh đó, cả nhóm đã cùng mày mò biến ước mơ thành hiện thực", Phương cho hay.