Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 24/10/2005 14:34 (GMT+7)

SeaOrbiter đài quan sát giữa lòng đại dương

Sau hơn nửa thế kỷ chinh phục và khám phá, giờ đây con người đã có một trung tâm nghiên cứu cho phép các nhà khoa học lưu trú dài ngày trong vũ trụ, đó là Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Vậy tại sao không thể có một trạm lưu trú tương tự như vậy trong lòng đại dương? Chính xuất phát từ câu hỏi đó mà nhà thiết kế người Pháp Jacques Rougerie đã cho ra đời SeaOrbiter, một công trình nửa chìm nửa nổi cho phép các nhà nghiên cứu hải dương học có thể ở lâu dài trong lòng biển mà không cần đồ lặn hay tàu ngầm.

Với chiều cao 51m, trong đó phần chìm dưới nước là hơn 30m, SeaOrbiter là sản phẩm của nhà thiết kế người Pháp Jacques Rougerie, người luôn nổi danh là “kiến trúc sư của thế giới biển”. Công trình này được thiết kế giống như một phao tiêu khổng lồ được tạo thành từ hai môđun. Môđun phía trên gồm nhiều tầng nổi trên mặt nước, còn môđun dưới nằm chìm sâu dưới mặt nước với một hệ thống điều áp theo nhiều cấp độ để cân bằng áp suất khi xuống tới tận phần đáy của công trình. SeaOrbiter có khả năng tiếp nhận một nhóm nghiên cứu hải dương học gồm 18 người, trong đó có 8 người có thể lưu trú trong thời gian dài ở môđun chìm dưới nước luôn được điều áp ổn định. Theo Jacques Rougerie, việc sống trong môi trường dưới nước mỗi ngày thực sự là một cuộc thám hiểm theo đúng nghĩa của từ này.

Một đài quan sát lý tưởng trong lòng đại dương

Bản thân cấu tạo của SeaOrbiter cũng đã được coi là một hệ thống cảm biến khổng lồ giúp thu thập mọi thông số cần thiết về nhiệt độ, độ mặn, hàm lượng CO 2,, hàm lượng các chất gây ô nhiễm, mức độ đa dạng sinh học,.v.v..Ngoài ra, phòng thí nghiệm này còn được trang bị một giàn thiết bị đo có thể hạ xuống được tới độ sâu 600m để thu thập những số đo tương tự ở các tầng nước sâu trong suốt một thời gian dài. Đối với Jacques Rougerie, SeaOrbiter trước tiên là một “trạm quan sát trường trực 24/24 giờ trong lòng biển” giúp con người có “một sự hiểu biết khác về thế giới dưới biển”. Khác với một chiếc tàu ngầm thường phải đều đặn nổi lên mặt nước hay với một tàu hải dương học thỉnh thoảng mới tiến hành những hoạt động thăm dò và đo đạc các thông số dưới nước, hệ thống của Jacques Rougerie cho phép quan sát thường trực dưới đáy biển, cả ngày lẫn đêm và khi phát hiện có một hiện tượng cần nghiên cứu ở bên ngoài, các nhà nghiên cứu có thể mở buồng thông áp và đến tận nơi quan sát hiện tượng đó thông qua sử dụng các bộ đồ lặn hay dùng một tàu ngầm nhỏ loại 2 chỗ.

Một ốc đảo cho các loài sinh vật biển

Với tổng kinh phí thiết kế và lắp ráp lên tới 25 triệu euro, trung tâm nghiên cứu này có thể trôi giạt trong lòng đại dương, chống chịu được mọi va đập, không gây tiếng động và do vậy không gây xáo trộn đối với môi trường biển. Mặt khác, do phần lớn công trình này nằm dưới mặt nước nên sẽ trở thành một điểm thu hút sự tò mò của hệ động vật dưới nước, từ đó tạo ra hiện tượng quần tụ sinh vật biển và trở thành một ốc đảo sống giúp cho công tác nghiên cứu các loài sinh vật biển trở nên thuận lợi hơn. Rougerie coi SeaOrbiter như là một trạm quan sát được ưu tiên để “nghiên cứu tập tính của các sinh vật biển” trong môi trường thực tế. Việc quan sát sẽ được thực hiện qua những ô cửa sổ hay những ô kính rộng của SeaOrbiter với sự hỗ trợ của một hệ thống đèn chiếu công suất lớn giúp chiếu sáng đáy biển và các camera-robot có khả năng quay phim ở độ sâu tới 600m…Các nhóm nghiên cứu tham gia làm việc tại trung tâm (các nhà sinh vật học, các nhà hải dương học, kỹ sư âm học…) đều được bố trí đầy đủ phòng thí nghiệm bên cạnh các không gian sống (bếp, phòng ngủ…)

Một cơ sở huấn luyện hoàn hảo cho các nhà du hành vũ trụ

Bao quanh môđun điều áp là một vành phao rộng ở độ sâu 12m, tạo thành một mặt bằng để đón nhận các nhà du hành vũ trụ xuống tập luyện. Theo nhà cựu du hành Scott Carpenter-người Mỹ thứ hai đã bay vào quỹ đạo ngày 24/5/1962 - một hệ thống như SeaOrbiter thực sự là một môi trường huấn luyện vô giá. Hiện ông đang tham gia hỗ trợ triển khai dự án tập luyện cho các nhà du hành trong lòng đại dương. Xuất thân là một phi công lái máy bay chiến đấu, bản thân ông cũng đã từng trải qua giai đoạn huấn luyện 30 ngày trong lòng biển vào năm 1965 theo chương trình Sealab III của Hải quân Mỹ. Trước đây, các nhà du hành vũ trụ thường thực hiện các chương trình huấn luyện với những thao tác đặc biệt trong những bể bơi rộng hoặc trong những tòa nhà đặc biệt được xây ngầm bên bờ biển. Tuy nhiên, những môi trường huấn luyện như vậy không thực sự đảm bảo đủ những điều kiện gần với môi trường thực tế. Những bể bơi dù được xây lớn đến đâu cũng không đủ sức tái hiện được một cách chân thực không gian vô tận của vũ trụ, một không gian dễ tạo cảm giác choáng ngợp và thực sự là một thách thức rất lớn về tâm lý đối với các nhà du hành. Cho đến trước khi dự án SeaOrbiter ra đời, ý tưởng huấn luyện cho các nhà du hành trong một phòng thí nghiệm lớn giữa đại dương luôn chỉ là mơ ước của các trung tâm huấn luyện.

Có thể khẳng định rằng, một ngày nào đó chúng ta sẽ phải đặt câu hỏi về sự có mặt thường xuyên của con người dưới đáy đại dương. Đối với nhiều nhà khoa học, sự hiện diện những ngôi nhà dưới biển không phải là điều không tưởng mà chính là “tương lai” của loài người. Các ý tưởng này đã từng xuất hiện trong những tác phẩm khoa học viễn tưởng từ những năm 60 của thế kỷ trước, nhưng sau đó tạm thời bị quên lãng do xảy ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ trong những năm đầu thập niên 70. Giờ đây, với sự phát triển đồng bộ của nhiều chuyên ngành khoa học khác nhau, những dự án này có thể được tái sinh dưới một hình thức khác với các công nghệ mới và SeaOrbiter chính là một bằng chứng cho những phiên bản mới của các ý tưởng này. Hiện nay Jacques Rougerie đang tìm các đối tác nghiên cứu khoa học và công nghệ muốn gắn tên tuổi của mình với vấn đề bảo vệ môi trường để cùng đầu tư thực hiện dự án. Nếu mọi dự định của ông đều diễn ra suôn sẻ thì công trình có thể khởi công vào cuối năm 2006 và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng vào năm 2008.

Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 57 (1775)

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới