Sa sút trí tuệ: Vấn đề của toàn cầu
Tầm cỡ vấn đề
Mỗi năm có tới 7,7 triệu người trên toàn thế giới bị chẩn đoán sa sút trí tuệ (SSTT). Với dân số thế giới và tuổi thọ bình quân của con người không ngừng gia tăng, con số này chỉ có thể tăng lên mà thôi, đặc biệt ở những nền kinh tế đang phát triển nhanh của Trung Quốc và Ấn Độ. Dự kiến đến năm 2050, sẽ có 135 triệu người bị SSTT. Thống kê ở Mỹ cho thấy bệnh Alzheimer là nguyên nhân hàng thứ sáu gây tử vong, và cứ mỗi 3 người Mỹ trên 60 tuổi thì có 1 người chết vì SSTT hay chết cùng với một dạng SSTT nào đó. Hàng tỷ đô la đã đổ ra cho nghiên cứu, nhưng hiện vẫn chưa có thuốc chữa nào thực sự hữu hiệu. Giám đốc cơ sở chăm sóc Hogewey ở phía đông nam TP. Amsterdam (Hà Lan), Jannette Spiering, nói: “SSTT là một vấn đề toàn cầu to lớn, và mọi người đang tìm tòi giải pháp cho nó”.
Kinh nghiệm từ châu Âu
“Bệnh Alzheimer giống như ung thư và bệnh Parkinson”, nhà nghiên cứu Gesine Marquardt ở Đại học công nghệ Dresden nói. “Một liệu pháp có thể sẽ không xuất hiện trong nhiều năm tới. Và trong thời gian đó, chúng ta cần tập trung vào chất lượng cuộc sống”.
Các đề án cách tân như tại Hogewey đang là một mũi nhọn nỗ lực ở lục địa này nhằm tìm ra một phương thức sống trọn vẹn cuộc sống cho các thành viên dân số đang lão hóa ngay cả khi tâm trí họ đã bắt đầu suy yếu. Nhiều nước châu Âu còn đang ngụp lặn trong cơn khủng hoảng nợ nần và cắt giảm ngân sách, nhưng các nhà làm chính sách, nhà lão học, kiến trúc sư, nhà quy hoạch và thiết kế đô thị cũng đang bắt đầu chi ra những khoản tài nguyên và nỗ lực đáng kể nhằm làm cho các xã hội châu Âu trở nên dễ thích ứng hơn cho người bị SSTT. Lực đẩy cho sự đáp ứng này một phần là di sản của chế độ phúc lợi xã hội sẵn có ở phần lớn các quốc gia châu Âu. Cũng như khi các công dân nghĩ rằng Chính phủ sẽ cung ứng sự chăm sóc nhi khoa và giáo dục cho con em họ, họ cũng đang tiến tới việc chờ đợi sự chăm sóc nhân đạo sẽ dành cho “tuổi lẩm cẩm” của mình.
Một số thành phố đã tiến hành thiết kế những nhà nuôi dưỡng với những sơ đồ và bảng hiệu thích hợp hơn. Đáng nói hơn là việc giảm quy mô cơ sở. “Tại một nhà nuôi lớn, các thành viên thường hay rất thụ động. Ở những cơ sở quy mô nhỏ, họ được tăng nguồn lực nhờ vào sự chăm sóc phù hợp với nhu cầu”, Marquardt nói.
Những ý tưởng như vậy đang biến đổi các nhà nuôi SSTT trên khắp châu Âu - trong khi nước Mỹ hầu như dậm chân tại chỗ. Song một phần lớn cách tân lại diễn ra bên ngoài tường rào nhà nuôi vì theo giới chuyên gia, cách chữa trị tốt nhất cho người bị SSTT là cho phép họ lưu lại ở nhà họ càng lâu càng tốt.
Giải pháp Anh Quốc
Hơn 20 thành phố và thị xã ở Anh đã lao vào những sáng kiến thân thiện với SSTT, bao gồm nỗ lực giáo dục những người cung ứng dịch vụ tại địa phương - nhân viên cửa hiệu, nhà băng, người lái xe buýt... Chẳng hạn, người của ngân hàng phải biết cách giúp ai đó đến liên hệ mà lại quên mã số của họ.
Quán Aroma Coffee Shop tại thị xã Haxby, điều hành bởi Nhà thờ Methodist, bắt đầu nhận thấy những người chăm sóc thường hay để người thân của họ tại quán một lát trong khi họ đi mua sắm. “Vì thế chúng tôi tạo cơ hội học tập trong ba tuần cho những người địa phương tới tham dự”, Corinne Brown, người giúp quản lý quán cà phê và trông nom nhóm chăm sóc viên, cho biết. Từ đó, đề án đã phát triển...
Mọi thứ như vậy đã tạo nhiều thuận lợi cho Peter Jones, một kiến trúc sư về hưu 73 tuổi được chẩn đoán SSTT cách đây 4 năm. Avril, vợ ông, 72 tuổi, nói: “Peter đã có thể tự mình bước về làng. Ông có thể đi đến siêu thị... Ông có thể đến với một nhân viên và nói, ‘Tôi bị SSTT. Bạn có thể giúp tôi không?’” Chồng bà nhìn theo, gật gù. “Và điều ấy có tác dụng, bởi vì tôi đã thử rồi”, ông nói.
Lượng giá chi phí
Dựa vào sự phối hợp tài trợ của Nhà nước và tư nhân - và công sức các tình nguyện viên - các kiểu sáng kiến cộng đồng ấy tỏ ra ít tốn kém hơn so với mô hình truyền thống. Đấy là điều rất đáng ghi nhận, khi mà chi phí trên thế giới dành cho chăm sóc bệnh nhân SSTT đã lên tới 604 tỷ USD mỗi năm. Các chính quyền sẽ có động lực kinh tế để tìm kiếm những mô hình thay thế. Tháng 12/2013, lần đầu tiên khối G-8 tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ở London về SSTT, nơi đó các nền kinh tế hàng đầu thế giới đã thống nhất với nhau về việc “tăng đáng kể” tài trợ cho nghiên cứu bệnh Alzheimer.
Một mô hình mẫu
Trong tình hình chưa tìm ra liệu pháp nào, đã có một ý kiến thống nhất nói rằng việc cho phép người bệnh SSTT lưu lại ở nhà càng lâu càng tốt chính là cách làm tốt nhất. Và khi điều ấy không còn khả thi nữa, thì...
Hai mươi năm trước đây, Hogewey là một nhà nuôi bình thường. “Nhưng chúng tôi đã bắt đầu tự hỏi, liệu đó có phải là kiểu chăm sóc mà chúng ta muốn có cho cha mẹ mình không? Và chúng tôi thấy xấu hổ bởi câu trả lời là không”, giám đốc Spiering nói.
Ngày nay ở đây không còn phòng săn sóc đặc biệt hay những dãy hành lang nặc danh. Mỗi thành viên nhà nuôi dưỡng sống với 6 - 7 “thành viên gia đình” khác trong những căn hộ giống nhà ở bình thường, với những giấy hoa dán tường sặc sỡ và những ghế sofa ấm áp. Mỗi người tùy theo khả năng tham gia vào những công việc lặt vặt thường ngày như đi mua sắm, nấu ăn... Thay vì tổ chức theo mức độ tàn phế của bệnh nhân, các gian phòng được tập hợp dựa theo lối sống trước đây của họ - một sự nhìn nhận tính chất cá thể của người bệnh, với những quá khứ và giá trị riêng. Thống kê ban đầu cho thấy các thành viên có xu hướng sống lâu hơn so với các nhà nuôi khác mặc dù họ đều gia nhập với bệnh trạng SSTT đã tiến triển.
Elly Goedhart, có người mẹ hiện sống ở Hogewey, không nghi ngờ gì về tác dụng tích cực của nó. Tám năm sau khi mẹ bà, Gerardina Witteveen, lần đầu tiên được chẩn đoán bị bệnh Alzheimer, bà đã chứng kiến mẹ mình quên ngày tháng và tên tuổi, rồi dần không còn nhận ra gia đình mình nữa, bà nay thậm chí không nói được. Nhưng Goedhart tin chắc mẹ vẫn rất ổn. Witteveen đôi khi vẫn có thể đi mua trái cây ở cửa hàng, và bà thích thú với chuyện đi ra ngoài mỗi ngày. Phải nhìn nhận đấy là một giải pháp hạn hẹp và Goedhart hy vọng một liệu pháp cho bệnh Alzheimer sẽ được tìm thấy trước khi bà đạt tới cái tuổi mà căn bệnh thường hoành hành. “Đó vẫn là một căn bệnh ghê gớm”, bà nói. “Nhưng nơi chốn này khiến tôi có phần bớt sợ nó”.