Rừng người Thượng: Nghiên cứu đầu tiên về núi rừng cao nguyên Việt Nam
Tác phẩm gồm ba phần: hai phần đầu mang tính chủ quan và dựa trên quan sát, phần thứ ba mang tính khoa học và phân tích. Nhưng ngay ở trong phần ba, những tư liệu thu thập được trong cuộc khảo sát của Maitre được so sánh đối chiếu với những công trình đã xuất bản của những nhà du hành, những chuyên luận lịch sử và những sách sử bản địa đã được dịch sang tiếng Pháp.
Cuốn sách không chỉ cho chúng ta một cái nhìn lướt qua cao nguyên trong một thời điểm lịch sử cụ thể, như những công trình của những nhà du hành khác. Chương một của phần ba là một nghiên cứu địa lý hoàn chỉnh về vùng Tây Nguyên và nam Trường Sơn. Chương hai là một nỗ lực nhằm phân loại người Thượng thành những nhóm ngôn ngữ-dân tộc một cách khoa học. Và chương ba là một công trình độc đáo về hợp thể lịch sử, dẫn tới công trình lịch sử-dân tộc đầu tiên được viết về vùng cao nguyên Việt Nam , Cam puchia và Lào. Công trình Những người con của núi(Sons of the Mountains) của Gerald Cannon Hickey, được giới phê bình ở Hoa Kỳ hoan nghênh ngay sau khi xuất bản vào năm 1982, nhưng nếu so sánh hai cuốn sách với nhau cho thấy rõ Hickey vay mượn nhiều cấu trúc từ công trình của Maitre.
Như vậy, dựa trên nguồn tài liệu ít hơn nhiều so với những gì chúng ta có ngày nay, Maitre đã cố gắng đạt được một nghiên cứu tổng hợp không chỉ về một dân tộc ở một vùng hoặc một nơi chốn cụ thể, mà về tất cả các dân tộc ở miền cao nguyên và trong mọi thời kỳ lịch sử, đặt trong bối cảnh tự nhiên của họ: núi rừng. Đơn cử một trong những thành tựu chính mà ông đạt được, đó là thiết lập nên hệ phân loại ngôn ngữ-dân tộc cơ bản cho cư dân trong vùng. Sự phân loại này đã được phát triển và cải thiện thông qua nghiên cứu trong thế kỷ 20, và công trình của Maitre chỉ là một điểm khởi đầu. Thế nhưng hậu thế chưa hề phủ nhận phương pháp cũng như tiếp cận của ông đối với chủ đề này.
Tất nhiên không tránh khỏi những khiếm khuyết và thiếu sót. Chẳng hạn, Maitre không phân tích một chút nào về niềm tin tôn giáo của người Thượng. Có những lúc vị thế của ông với tư cách một viên chức chính phủ đã lấn vào nghiên cứu, làm lệch lạc đi những quan điểm trong đó. Đánh giá của ông về một số nhân vật quan trọng trong xã hội người Thượng khác với ngày nay. Đôi chỗ trong hai phần đầu, trong lúc liên hệ đến những khó nhọc của hành trình, ông đã phô trương "niềm kiêu hãnh" là người châu Âu đầu tiên đặt chân lên miền đất này.
Dù ông không thể tránh khỏi những chủ quan nhất định của thời đại của mình, bởi những khoảng trống trong hiểu biết của ông, chế độ chính trị đương thời, và sự khan hiếm những nghiên cứu đi trước nhưng xem xét kỹ phương pháp luận của ông (trong đó có nhiều phương pháp mang tính cách tân ở Đông Nam Á đương thời) cho phép chúng ta kết luận rằng đó là một cuộc kiếm tìm chân lý khoa học nghiêm túc và chân thành, với kỹ năng cao. Kết quả – giờ đây cuốn sách này đã gần trăm tuổi – chính là và vẫn là một nghiên cứu tổng quát không chỉ đầu tiên mà còn chất lượng nhất về Tây Nguyên trong số những gì đã xuất bản.
Thông qua những nỗ lực trí tuệ thể hiện trong tác phẩm được dịch ra ở đây, có phần khiêm tốn hơn, ông gắng đảm bảo sao cho những nhà nghiên cứu cao nguyên trong tương lai sẽ phải đi theo những dấu chân khoa học của mình.