Quảng Ngãi: Tác hại gây bệnh tua mực hại quế và biện pháp phòng trừ bệnh tại huyện Trà Bồng
Triệu chứng bệnh thường xuất hiện trên thân, cành, cuống lá và gân lá của cây quế. Lúc đầu trên thân, cành xuất hiện các bướu sần sùi, sau đó các u bướu phát triển nhanh và mọc ra các tua dài giống như tua mực. Cây quế bị bệnh còi cọc, chậm phát triển, nếu bệnh nặng cây có thể chết, không có khả năng cho thu hoạch vỏ. Bệnh tua mực tồn tại gây hại trên cây quế quanh năm. Tuy nhiên vết bệnh và tua mực mới tập trung phát sinh phát triển từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau, tốc độ vươn dài của tua mực tăng nhanh trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 12 trong năm.
Theo Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia 01-38 do Bộ Nông nghiệp & PTNT ban hành: Bệnh tua mực hại cây quế là do vi khuẩn Agrobacterium tumifacien gây ra, nhưng thực tế dùng các loại thuốc BVTV trừ vi khuẩn không có hiệu lực với loại bệnh này. Từ năm 2012 – 2013, Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi phối hợp với TS. Ngô Vĩnh Viễn – Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật thực hiện nghiên cứu về bệnh tua mực hại quế tại huyện Trà Bồng đã chụp ảnh dưới kính hiển vi điện tử và dùng kỹ thuật PCR giải mã trình tự gen xác định tác nhân gây bệnh tua mực hại quế là Phytoplasma (còn gọi là dịch khuẩn bào, đây là loại sinh vật trung gian giữa vi khuẩn và vius). Bệnh cây trồng do Phytoplasma gây ra chỉ truyền bệnh qua côn trùng chích hút là môi giới, bệnh không lây qua vết thương cơ giới. Các loại thuốc hóa học hầu như không có hiệu quả trong việc trừ bệnh. Do đó, Chi cục Bảo vệ thực vật đã nghiên cứu những côn trùng chích hút hại trên cây quế tại huyện Trà Bồng và đã tìm ra loài rệp vảy ống Aulacaspis là côn trùng môi giới truyền Phytoplasma gây nên bệnh tua mực trên cây quế.
Qua kết quả nghiên cứu về tác nhân gây bệnh và môi giới truyền bệnh tua mực hại quế tại huyện Trà Bồng, Chi cục BVTV đề xuất một số giải pháp phòng trừ bệnh trong điều kiện cụ thể tại địa phương như sau:
- Đối với cây con trong vườn ươm: trước khi xuất vườn cần loại bỏ các cây bị nhiễm bệnh, phun thuốc trừ sâu có tính nội hấp và lưu dẫn trừ côn trùng môi giới truyền bệnh như: Admire 050EC, Confidor 100SC, Actara 25WG
- Đối với vườn quế sản xuất:
+ Áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp: trồng đúng mật độ khuyến cáo, bón phân để quế sinh trưởng phát triển tốt tăng sức đề kháng đối với bệnh, cắt tỉa cành bệnh, cành tăm, cành bị rệp ống gây hại… tạo sự thông thoáng để cây quế phát triển, loại bỏ nguồn bệnh, côn trùng môi giới trên vườn quế.
+ Có thể sử dụng một số loại thuốc trừ sâu có tính nội hấp và lưu dẫn như trên phun trừ rệp ống (côn trùng môi giới) trong điều kiện cho phép (cây quế còn nhỏ, mật độ rệp ống cao…)./.
Biểu hiện của bệnh tua mực trên cây quê ngoài thực địa ở huyện Trà Bồng