Quan điểm của Hồ Chí Minh về đề cao sự tương đồng, tôn trọng sự khác biệt giữa tôn giáo và chủ nghĩa xã hội
Quan điểm này xuyên suốt trong mọi ứng xử của Hồ Chí Minh đối với vấn đề tôn giáo qua thực tiễn cách mạng Việt Nam .
I. Hồ Chí Minh đề cao sự tương đồng giữa tôn giáo và chủ nghĩa xã hội
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã đề cập đến quan điểm này, nhưng vào thời đại của mình các ông chưa có điều kiện để đi sâu, phân tích nó. Khi bàn về lịch sử đạo Cơ Đốc sơ kì Ph. Ăngghen viết: "Trong lịch sử đạo Cơ Đốc sơ kì có những điểm giống đáng lưu ý với phong trào công nhân hiện đại. Giống như phong trào công nhân hiện đại, đạo Cơ Đốc nảy sinh như là một phong trào của những người bị áp bức... Cả đạo Cơ Đốc lẫn chủ nghĩa xã hội đều tuyên truyền sự giải phóng con người trong tương lai khỏi cảnh nô lệ và nghèo khổ; đạo Cơ Đốc tìm sự giải thoát ấy trongcuộc sống trên trời, ở thế giới bênkia saukhi chết, còn chủ nghĩa xã hội thì tìm nó ở thế giới bên này, ở việc tổ chức lại xã hội" (1). V.I. Lênin cũng đã chỉ ra cho giai cấp vô sản thấy rõ trong cuộc đấu tranh với tôn giáo, vấn đề thống nhất giữa những người cộng sản với quần chúng có đạo để xây dựng Thiên Đường trên trái đất là quan trọng hơn việc tranh cãi về Thiên Đường ở thế giới bên kia. Người viết: "Đối với chúng ta, sự thống nhất của cuộc đấu tranh thật sự cách mạng đó của giai cấp bị áp bức để sáng tạo nên một cảnh cực lạc trên trái đất, là quan trọng hơn sự thống nhất ý kiến của những người vô sản về cảnh cực lạc trên Thiên Đường" (2).
Như vậy, chúng ta thấy rằng các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lêninđã đề cập đến điểm giống nhau về mục đích giữa những người cộng sản và tôn giáo, đồng thời các ông cũng nhấn mạnh, vấn đề là ở chỗ giai cấp vô sản phải lôi kéo được quần chúng có đạo vào hoạt động thực tiễn, tức xây dựng xã hộimới chứkhông phải sa vào cuộc tranh luận vô bổ có cảnh cực lạc trên Thiên Đường hay không.
C. Mác và Ph. Ăngghen còn nói rõ: "... Nếu như có một vài đoạn trong Kinh Thánh có thể được giải thích có lợi cho chủ nghĩa cộng sản thì toàn bộ tinh thần của đạo lí Kinh Thánh vẫn hoàn toàn đối địch với chủ nghĩa cộng sản, cũng như với bất kì sự khởi xướng hợp lí nào" (3).
Lênin cũng nói rõ rằng: "Đối với những ai suốt đời vẫn lao động và sống trong cảnh thiếu thốn, tôn giáo dạy họ phải sống theo tinh thần cam chịu và nhẫn nhục trong cuộc sống dưới trần gian, bằng cách làm cho họ hi vọng sẽ được đền đáp khi lên Thiên Đàng. Còn đối với những kẻ sống bằng lao động của người khác, tôn giáo dạy cho họ hãy làm điều thiện ở thế gian,biện hộ một cách rất rẻ tiền cho toàn bộ cuộc đời bóc lột của chúng, và bán rẻ cho chúng những tấm thẻ để lên Thiên Đường của những người hạnh phúc" (4).
Trở lại vấn đề Hồ Chí Minh đề cao sự tương đồng, tôn trọng sự khác biệt giữa tôn giáo và chủ nghĩa cộng sản có phải là đi ngược với quan điểm của Mác, Ăngghen và Lênin hay không? phải chăng quan điểm đề cao sự tương đồng, tôn trọng, chấp nhận sự khác biệt giữa tôn giáo và chủ nghĩa cộng sản chỉ là một thủ đoạn chính trị mang tính chất nhất thời hay không? Để trả lời vấn đề này, chúng tôi sẽ lần lượt trình bày những nội dung sau đây.
a. Hồ Chí Minh đề cao sự tương đồng về mục đích giữa tôn giáo và chủ nghĩa cộng sản. Những ai nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh đều biết đoạn văn nổi tiếng của Người: "Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó, chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng những có điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên cõi đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mĩ như những người bạn thân thiết.
Tôi cố gắng làm người học trò của các vị ấy" (5).
Bằng cách so sánh hết sức giản dị, chân thực giữa tôn giáo và cộng sản, Hồ Chí Minh đã làm nổi bật lên điểm tương đồng trong mục tiêu của cộng sản và tôn giáo: "Đường lối mục đích của Chính phủ gồm 3 mục tiêu sau đây:
1. Giải phóng nhân dân khỏi đói rét (khổ sở) và khỏi dốt.
2. Đem lại cho nhân dân tự do, tự do sống, tự do tín ngưỡng.
3. Bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc.
Nếu cộng sản mà thực hiện những việc trên đây, tôi tin rằng mọi người sẽ chấp nhận thứ cộng sản đó" (6).
Người còn nói: "Mục đích Chính phủ ta theo đuổi là chiến đấu vì nền độc lập và đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Song để đạt tới hạnh phúc đó cho mọi người cần phải xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nếu Đức Chúa Giêsu sinh ra vào thời đại chúng tavà phải đặt mình trước những nỗi khổ đau của người đương thời, chắc Ngài sẽ là một người xã hội chủ nghĩa đi tìm con đường cứu khổ loài người" (7).
Tháng 3-1955, khi nói chuyện với đại biểu đại hội Công giáo toàn quốc tại Hà Nội, Hồ Chí Minh tâm sự rất cởi mở và thẳng thắn: "Các cụ, các cô, các chú biết tôi là người không có đạo, là người cộng sản theo chủ nghĩa Mác - Lênin, suốt đời hi sinh đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào. Nay nước ta đã được giải phóng khỏi ách thực dân, nhân dân ta được hòa bình, độc lập, tự do. Tôi và Đảng, Chính phủ lo cơm ăn, áo mặc, các cháu được học hành, người ốm có thuốc vào bệnh viện để chữa bệnh, đời sống tinh thần, vật chất ngày càng ổn định và nâng cao, để xây dựng lại đất nước cho giàu đẹp, đồng thời đấu tranh vì hòa bình, thống nhất đất nước, cho Nam Bắc sum họp một nhà.
Các cụ, các cô, các chú cùng với chúng tôi lo làm cái việc đó có gì mâu thuẫn hay sai trái với giáo lí của đạo, lời dạy của Chúa Giêsu không? Bà con giáo dân của các cụ, các cô, các chú cũng cần phải ăn, mặc, học hành, chữa bệnh, ai ai cũng muốn đời sống yên ổn. Cải thiện, sống hạnh phúc và đoàn tụ gia đình có phải không?" (8).
Như vậy, qua các đoạn trích dẫn trên đây chúng ta thấy trước hết ở sự thống nhất giữa Hồ Chí Minh với các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin,đó là phải vận động được quần chúng có đạo tham gia vào cuộc đấu tranh cách mạng, đó chính là con đường duy nhất để mang lại hạnh phúc thực sự cho con người.
Cái khác nhau giữa Hồ Chí Minh và các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin là ở chỗ Hồ Chí Minh nhiều lần nói đến điểm giống nhau - hay điểm tương đồng - về mục đích của tôn giáo và chủ nghĩa cộng sản, trong khi đó Mác, Ăngghen và Lênin lại nhấn mạnh đến sự khác nhau, sự đối địch về thế giới quan giữa tôn giáo với chủ nghĩa cộng sản. Nhấn mạnh và đề cao điểm tương đồng giữa tôn giáo và chủ nghĩa cộng sản chính là điểm đặc sắc và sáng tạo của Hồ Chí Minh qua thực tiễn cách mạng Việt Nam .
Chúng ta biết rằng, Mác, Ăngghen và Lênin là những lãnh tụ cách mạng của giai cấp công nhân, các ông nghiên cứu lí luận và lãnh đạo phong trào công nhân ở các nước tư bản chủ nghĩa có trình độ phát triển khá cao, nhiệm vụ của các ông là phải trang bị cho giai cấp công nhân ở các nước đó một thế giới quan duy vật khoa học để không bị thế giới quan tôn giáo (vốn được giai cấp tư sản lợi dụng) làm cho sai lệch, làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đấu tranh chính trị của giai cấp công nhân, cho nên cũng dễ hiểu là các ông nhấn mạnh đến sự khác biệt, sự đối địch về thế giới quan giữa tôn giáo và chủ nghĩa cộng sản là đúng và để phục vụ trực tiếp cho cuộc đấu tranh chính trị của giai cấp công nhân ở Châu Âu. C.Mác, Ph.Ăngghen nói rõ rằng: "Việc phê phán tôn giáo đang làm cho con người thoát khỏi ảo tưởng, để con người suy nghĩ, hành động, xây dựng tính hiện t hực của mình với tư cách là con người thoát khỏi ảo tưởng, trở nên có lí tính" (9).
Hồ Chí Minh là một lãnh tụ cách mạng ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến với 90% dân số là nông dân. Mâu thuẫn chủ yếu trong cách mạng Việt Nam là mâu thuẫn giữa đế quốc xâm lược với toàn dân tộc Việt Nam, cuộc đấu tranh để giải phóngdân tộc donhữngngười cộng sản lãnh đạo cần thiết phải tập hợp được tất cả các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, bao gồm cả quần chúng có đạo. Hồ Chí Minh đã nhiều lần nói rõ vấn đề này, chính vì vậy mà Người không đặt vấn đề đấu tranh về mặt thế giới quan giữa tôn giáo và chủ nghĩa cộng sản, nếu tiến hành cuộc đấu tranh về thế giới quan ở một nước đa số là nông dân lạc hậu, chắc chắn dẫn đến phức tạp, hiểu lầm và nguy hiểm về mặt chính trị, mắc mưu địch, sa vào sự đối đầu vô thần - hữu thần, cộng sản - tôn giáo, điều đó sẽ ảnh hưởng không tốt đến cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngược lại Hồ Chí Minh đề cao cái tương đồng về mục đích giữa tôn giáo và chủ nghĩa cộng sản thì người nông dân có đạo dù trình độ thấp nhất cũng có thể hiểu được; từ hiểu những điều giản dị, đến việc đi theo cách mạng để thực hiện những điều giản dị và thiết thực đó sẽ dễ dàng hơn, có lợi cho cách mạng, cho đất nước.
Như vậy, giữa Hồ Chí Minh và các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lêninlà thống nhất, không hề có mâu thuẫn. Một lần nữa chúng ta lại nhận thấy Hồ Chí Minh hoàn toàn xa lạ với tư tưởng rập khuôn, giáo điều. Người là hiện thân của việc vận dụng xuất sắc phép biện chứng, linh hồn của chủ nghĩa Mác.
b. Nhiều nhà nghiên cứu đã nói đến điểm tương đồng về mục đích giữa tôn giáo và chủ nghĩa cộng sản, nhưng nếu tiếp cận tôn giáo dưới góc độ văn hóa - đạo đức thì giữa tôn giáo và chủ nghĩa cộng sản còn nhiều điểm tương đồng. Hồ Chí Minh cũng đã để lại những dấu ấn rất rõ nét trong vấn đề nhìn nhận tôn giáo dưới góc độ văn hóa - đạo đức.
Đạo đức tôn giáo và đạo đức cộng sản có nhiều giá trị tương đồng, đó là những giá trị đạo đức mang tính nhân loại, đó là lòng nhân đạo, tình yêu thương con người, yêu hòa bình, ghét chiến tranh, v.v... Hồ Chí Minh đã nhiều lần viết những lời hết sức cảm động về Lênin, lãnh tụ của phong trào cộng sản thế giới. Trong bài Lênin và các dân tộc phương Đông, Người viết: "Nếu giai cấp vô sản phương Tây coi Lênin là một thủ lĩnh, một lãnh tụ, một người thầy thì các dân tộc phương Đông lại coi Lênin là một người con vĩ đại hơn nữa, cao quý hơn nữa, nếu tôi có thể nói như vậy.
Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người, không gì ngăn cản nổi" (10). Thật khó có một lời lẽ nào nói một cách thuyết phục và chính xác đến như vậy về vai trò của đạo đức cộng sản, mà cụ thể là đạo đức của Lênin. Chính đạo đức của Lênin đã hướng các dân tộc châu Á - trong đó có các quần chúng có đạo - hướng về Người, hướng về xã hội cộng sản.
Hồ Chí Minh cũng đã nhiều lần ca ngợi đạo đức của những người sáng lập ra các tôn giáo. Người nói về Chúa Giêsu: "Gần hai mươi thế kỉ trước, một vị thánh nhân đã ra đời. Cả đời Người chỉ lo cứu thế độ dân, hi sinh cho tự do bình đẳng" (11). Người ca ngợi đạo đức của Phật Thích Ca: "Phật Thích Ca là một người quý tộc. Người đã bỏ hết công danh phú quý để cứu vớt chúng sinh" (12). Như vậy, thông qua đạo đức của Lênin, biểu tượng cao nhất của đạo đức cộng sản và thông qua đạo đức của các vị sáng lập ra các tôn giáo, Hồ Chí Minh muốn nhấn mạnh, đềcao điểm tương đồng giữa đạo đức tôn giáo và đạo đức cộng sản.
Ở đây chúng ta thấy rằng, nếu ca ngợi đạo đức tôn giáo thì nhiều người trước Hồ Chí Minh đã đề cập đến. ở Việt Nam đầu thế kỉ XX, Phan Bội Châu cũng đã ca ngợi đạo đức Công giáo: "Tôn giáo này chuyên trọng linh hồn, mà không trọng thể xác, phải giữ mười điều răn: Kính trọng cha mẹ, không thờ thần tượng, không tham của người, không tà dâm, không lừa dối, điều quan trọng nhất là thương người như thương mình, luôn luôn dạy cho người ta phải biết nhẫn nại, chịu khốn khổ" (13). Nhưng việc đề cao những điểm tương đồng giữa đạo đức tôn giáo và đạo đức cộng sản, có lẽ Hồ Chí Minh là người đầu tiên đề cập đến một cách rõ ràng và dễ hiểu nhất đối với quần chúng lao động, với những tín đồ tôn giáo, làm cho họ thêm tin tưởng và hưởng ứng phong trào cách mạng.
Trong lĩnh vực văn hóa, chúng ta đều biết luận điểm rất nổi tiếng của Lênin cho rằng: "Văn hóa vô sản không phải bỗng nhiên mà có, nó không phải do những người tự cho mình là chuyên gia về văn hóa vô sản, phát minh ra. Đó hoàn toàn là điều ngu ngốc. Văn hóa vô sản phải là sự phát triển hợp quy luật của tổng số những kiến thức mà loài người đã tích lũy được dưới ách thống trị của xã hội tư bản, xã hội của bọn địa chủ và xã hội của bọn quan liêu" (14).
Hồ Chí Minh là một người cộng sản chân chính, Người hiểu rất rõ giá trị những tinh hoa của văn hóa truyền thống cũng như những tinh hoa của văn hóa nhân loại, trong đó có sự đóng góp rất lớn của văn hóa các tôn giáo. Từ năm 1943, khi nói về văn hóa Người nhấn mạnh: "Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát sinh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa" (15).
Như vậy, chúng ta thấy rõ Hồ Chí Minh nhìn nhận tôn giáo là một bộ phận của văn hóa và đương nhiên văn hóa mới (văn hóa vô sản) phải là sự kế thừa và tiếp thu những giá trị nhân văn trong văn hóa các tôn giáo.
Ngay từ năm 1927, khi ở Trung Quốc, quê hương Khổng Tử, Hồ Chí Minh đã phê phán Chính phủ Trung Hoa dân quốc xóa bỏ những nghi lễ tưởng niệm Khổng Tử. Người nói: "Với việc xóa bỏ những nghi lễ tưởng niệm Khổng Tử, Chính phủ Trung Quốc đã làm mất đi một thể chế cũ và trái với tinh thần dân chủ. Còn những người An Nam chúng ta hãy tự hoàn thiện mình, về mặt tinh thần bằng cách đọc các tác phẩm của Khổng Tử, và về mặt cách mạng thì cần đọc các tác phẩm của Lênin" (16). Rõ ràng, với đoạn văn trên đây Hồ Chí Minh đã nhìn nhận và đánh giá đúng mức sự đóng góp của Khổng Tử (Nho giáo) về mặt giá trị tinh thần, tức là mặt văn hóa - đạo đức cho xã hội mới, đồng thời Người so sánh với các tác phẩm của Lênin để thấy được sự đóng góp của các học thuyết xã hội là đa dạng xét dưới góc độ các giá trị văn hóa tinh thần và làm nên sự phong phú, sự phát triển của văn hóa nhân loại. Tôn giáo, ngoài giá trị văn hóa tinh thần còn có những giá trị văn hóa vật chất, đó là những đóng góp về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hộihọa, ẩm thực, v.v... Hồ Chí Minh luôn giáo dục quần chúng có ý thức giữ gìn bảo quản những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của các tôn giáo. Ngay khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh " ấn định nhiệm vụ Đông phương Bác cổ học viện" trong đó nêu rõ:
"... Điều 1: Đông phương Bác cổ học viện có nhiệm vụ bảo tồn tất cả cổ tích trong toàn cõi Việt Nam .
... Điều 4: Cấm phá hủy những đình chùa, đền, miếu, hoặc những nơi thờ tự khác: cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn.
Cấm phá hủy những bi kí, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính tôn giáo hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà không bảo tồn" (17).
Như vậy, Hồ Chí Minh rất coi trọng các giá trị văn hóa vật chất cũng như các giá trị văn hóa tinh thần của các tôn giáo. Người xem đó là những giá trị văn hóa đóng góp vào sự hình thành bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, và cũng là yếu tố để xây dựng nên một nền văn hóa mới. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã trích lời của một nhà báo phương Tây nói về chân dung văn hóa của Hồ Chí Minh: "Ở con người Hồ Chí Minh mỗi người đều thấy hiển hiện của nhân vật cao quý nhất, bình dị nhất và được yêu quý nhất trong gia đình mình... Hình ảnh Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài của cách mạng của Lênin và tình cảm của một người chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên" (18).
Chúng ta cảm ơn nhà báo phương Tây đã khái quát chân dung văn hóa Hồ Chí Minh một cách độc đáo và đầy đủ nhất, điều đó cũng nói lên rằng, những phẩm chất văn hóa - đạo đức cao quý ở Hồ Chí Minh - một lãnh tụ cộng sản - có sự đóng góp của những giá trị văn hóa - đạo đức của các tôn giáo.
II.Hồ Chí Minh tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt giữa tôn giáo và chủ nghĩa xã hội
Giữa tôn giáo và chủ nghĩa xã hội có nhiều điểm khác biệt, đó là sự khác biệt về thế giới quan, về nhân sinh quan, về con đường để đi đến tự do hạnh phúc, khác nhau về nếp sống, v.v... Chúng ta biết rằng rất hiếm khi Hồ Chí Minh nói về sự khác nhau giữa tôn giáo với chủ nghĩa xã hội, vì nói nhiều đến sự khác nhau đó không có lợi cho sự đoàn kết dân tộc, dễ dẫn đến hiểu lầm, xa lánh giữa những người có tôn giáo và những người không có tôn giáo. Ngược lại Hồ Chí Minh nói nhiều và nhấn mạnh đến điểm tương đồng giữa tôn giáo và chủ nghĩa xã hội.
Ít nói đến sự khác nhau giữa hai hệ tự tưởng tôn giáo và cộng sản nhưng không có nghĩa là Hồ Chí Minh lảng tránh vấn đề hiển nhiên đang tồn tại trên thực tế và kẻ địch luôn lợi dụng sự khác nhau này để kích động, chống phá khối đoàn kết dân tộc, chống phá cách mạng. Khi cần nói về sự khác nhau giữa tôn giáo và chủ nghĩa duy vật, Người thẳng thắn nói rõ: "Chủ nghĩa duy linh và chủ nghĩa duy vật là khác nhau, rõ ràng là thế. Nhưng không vì thế mà chà đạp lên quyền tự do của nhau" (19). Như vậy, rõ ràng là Hồ Chí Minh chấp nhận sự khác nhau giữa hai hệ tư tưởng duy tâm và duy vật, nhưng cũng phải nhận thấy một điều là Hồ Chí Minh không chấp nhận việc lợi dụng sự khác nhau đó để bôi nhọ, xuyên tạc, mạt sát, chế diễu lẫn nhau, điều đó tức là chà đạp lên quyền tự do, xúc phạm lẫn nhau. Đó là những điều trái hẳn với những nguyên tắc sinh hoạt dân chủ ở những nước văn minh, trái hẳn với những nguyên tắc ứng xử khoan dung, độ lượng mà Hồ Chí Minh luôn giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ cần phải thực hiện đối với mọi tầng lớp đồng bào dù họ có chính kiến, có tín ngưỡng khác nhau.
Khi góp ý phê bình để sửa đổi lối làm việc của cán bộ, chiến sĩ, Người thẳng thắn chỉ ra: "Cũng vì bệnh hẹp hòi mà không biết cách xử trí khôn khéo với các hạng đồng bào như tôn giáo, quốc dân thiểu số, anh chị em trí thức, các quan lại cũ..." (20). Kiên quyết phê bình sự hẹp hòi trong ứng xử với tôn giáo, điều đó còn nói lên sự tôn trọng những ý kiến, những quan niệm khác biệt của đồng bào có đạo, vì Người hiểu rất rõ chỉ có đề cao sự tương đồng, tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt giữa tôn giáo và chủ nghĩa xã hội, đó là con đường để đồng bào có đạo xoá dần mặc cảm, định kiến hăng hái đi theo con đường của dân tộc, của chủ nghĩa xã hội và làm cho khối đoàn kết dân tộc ngày càng được củng cố.
Một vấn đề thực tiễn đặt ra là khi được hỏi người Công giáo có thể vào Đảng Lao động Việt Nam không? Người trả lời: "Người tôn giáo nào cũng vào được, miễn là trung thành hăng hái làm nhiệm vụ, giữ đúng kỉ luật của Đảng. Nước ta kinh tế lạc hậu, kĩ thuật kém, tôn giáo là duy tâm, cộng sản là duy vật nhưng trong điều kiện hiện tại, người theo đạo vẫn vào Đảng được" (21). Như vậy, Hồ Chí Minh chấp nhận sự khác biệt giữa tôn giáo và cộng sản nhưng Người không bao giờ cho rằng sự khác biệt đó nhất thiết dẫn tới sự biệt lập. Cũng như Lênin, Hồ Chí Minh cho rằngviệc một bộ phận quần chúng nhân dân còn tin vào Chúa Trời, Thần, Phật... là một thực tế lịch sử, không chỉ bằng tuyên truyền mà có thể xóa bỏ được niềm tin tôn giáo, cho nên Người cho rằng những người có đạo vẫn có thể vào Đảng chỉ cần họ "trung thành và hăng hái làm nhiệm vụ" tức là họ tích cực hoạt động thực tiễn, từ thực tiễn sẽ thay đổi dần nhận thức của họ. Tôn trọng và tránh nói nhiều đến sự khác nhau mà chú trọng đến vấn đề vận động đồng bào có đạo tham gia phong trào cách mạng là phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện cụ thể Việt Nam . Đây cũng là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin của Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh thực tế Việt Nam .
Tóm lại quan điểm đề cao sự tương đồng, tôn trọng sự khác biệt giữa tôn giáo và chủ nghĩa xã hội của Hồ Chí Minh là một quan điểm thể hiện sự sáng tạo trong việc vận dụng lí luận về tôn giáo, tín ngưỡng của chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh thực tế Việt Nam. Quan điểm này có tác động to lớn trong việc làm cho đồng bào có tôn giáo và không có tôn giáo hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau, tăng cường sự đoàn kết và điều quan trọng là vận động được đồng bào có đạo hướng về cách mạng, đi theo cách mạng. Quan điểm này hoàn toàn không phải là một thủ đoạn chính trị nhất thời, nhất là ở những nước từ chế độ phong kiến lạc hậu đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, nơi mà trong đông đảo quần chúng lao động còn mang nặng những thiên kiến tôn giáo. Theo chúng tôi quan điểm này phải được xem như phương châm ứng xử của những người cộng sản đối với tôn giáo ở những nước còn lạc hậu. Quan điểm này hiện nay vẫn giữ nguyên giá trị cho những người cộng sản Việt Nam để xem xét, tuyên truyền, vận động tôn giáo đồng hành với dân tộc./.
_________________________
*. ThS. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
1. C. Mác, Ph. Ăngghen, Toàn tập. Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tập 22, tr. 663.
2. V.I.Lênin, Toàn tập. Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1979, tập 12, tr. 174.
3. C. Mác, Ph. Ăngghen, Toàn tập. Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tập 1, tr. 731.
4.V.I. Lênin. Toàn tập.Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1979, tập 12, tr. 170.
5. Viện nghiên cứu Tôn giáo. Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng. Nxb KHXH, Hà Nội, 1998, tr. 13.
6. Trần Tam Tỉnh. Thập giá và lưỡi gươm, Nxb Trẻ TP. Hồ Chí Minh, 1988, tr. 74.
7. Trần Tam Tỉnh. Thập giá và lưỡi gươm, Nxb Trẻ TP. Hồ Chí Minh, 1988, tr. 79.
8. Báo Người Công giáo Việt Nam ,ngày 19-5-1985.
9. C. Mác, Ph. Ăngghen. Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tập 1, tr. 570.
10. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Sđd, tập 1, tr. 232.
11. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Sđd, tập 4, tr. 490.
12.Báo Nhân dân ngày 27-12-1951.
13. Phan Bội Châu. Việt Nam quốc sử khảo, Toàn tập,.Nxb Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Đông - Tây, Hà Nội, 2001, tập 3, tr. 128.
14.Hồ Chí Minh. Toàn tập. Sđd, tập 4, tr. 361.
15. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Sđd, tập 3, tr. 431.
16. Hồ Chí Minh . Toàn tập. Sđd, tập 2, tr. 452.
17. Viện Nghiên cứu Tôn giáo. Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng. Nxb KHXH, 1998.
18. Phạm Văn Đồng. Hồ Chí Minh một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp. Nxb Sự thật, 1990, tr. 19.
19. Trần Tam Tỉnh. "Thập giá và lưỡi gươm". Sđd, tr. 75.
20. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Sđd, tập 5 ,tr. 238.
21. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Sđd, tập 7, tr. 215.