Quan điểm của Hồ Chí Minh về các dân tộc người thiểu số và quan hệ tộc người ở Việt Nam
Thứ nhất, các người thiểu số là một bộ phận của cộng đồng quốc gia – dân tộc Việt Nam thống nhất, đã gắn bó keo sơn trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước.Người khẳng định: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta no đói giúp nhau”. Tính thống nhất giữa các tộc người do đặc điểm lịch sử quy định, mà cốt lõi là các tộc người thiểu số quy tụ xung quanh dân tộc Kinh đóng vai trò chủ thể trong quá trình chinh phục tự nhiên và đấu tranh với địch họa để xây dựng, bảo vệ đất nước, được tổ chức dẫn dắt bởi một nhà nước trung ương tập quyền mà ở đó các tộc người thiểu số tham gia vào cấu trúc quyền lực bằng nhiều hình thức “cứng” và “mềm” khác nhau.
Đoàn kết dân tộc trở thành một nội dung trọng yếu trong tư tưởng về tộc người của Hồ Chí Minh, trong đó có sự đoàn kết giữa các dân tộc người thiểu số với tộc người đa số, giữa tộc người thiểu số này với tộc người thiểu số khác, khắc phục các định kiến tộc người và vị chủng tộc người,phòng và chống các biểu hiện chia rẽ tộc người. Trong Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Namtại Plâycu(năm 1946), Hồ Chí Minh đã viết: “Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta… Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta. Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bào giờ giảm bớt”.
Thứ hai, đa tộc người là một đặc điểm tốt, một vốn quý đối với nước ta.Nguồn gốc của nó chính là sự đa dạng của sinh giới.Bên cạnh nét tương đồng, mỗi tộc người còn có sắc thái riêng, được Hồ Chí Minh xem là một trong những tiềm năng to lớn của đất nước và của mỗi tộc người cần được khai thác phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bằng lối nhìn minh triết, Hồ Chí Minh luôn phát hiện được hệ giá trị của các tộc người thiểu sốnhư “rất trung thành, chịu khó”, “rất thật thà và rất tốt”, mà những người cách mạng cần nhận diện và phát huy đầy đủ. Các phẩm chất đó của đồng bào “nhập với hình thế hiểm trở của núi sông, trở thành sức mạnh vô địch” cho cách mạng nước ta. Điều này cũng quy định chính sách tộc người đặc thù mà Đảng và Nhà nước không bao giờ được xem nhẹ - vấn đề mà Hồ Chí Minh hết sức lưu ý và nỗ lực thực hiện.
Thứ ba, đoàn kết và bình đẳng tộc người,là một quan điểm quan trọng của Hồ Chí Minh, được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, đặc biệt trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn Đảng bộ khu Việt Bắc hoặc trong bài nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang: “Về vấn đề dân tộc:Dưới chế độ thực dân và phong kiến, đồng bào rẻo cao sống rất cực khổ. Ngày nay, đồng bào rẻo cao được tự do bình đẳng, không bị áp bức bóc lột như trước kia. Nhưng đời sống vật chất và văn hóa chưa được nâng cao mấy. Đó là vì cán bộ lãnh đạo không chú ý đầy đủ đến đồng bào rẻo cao. Bác thay mặt Trung ương và Chính phủ giao cho cán bộ từ tỉnh đến xã phải ra sức giúp đỡ hơn nữa đồng bào rẻo cao về mọi mặt. Đồng bào tất cả các dân tộc phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau như anh em trong một nhà”.
Đoàn kết xuất phát từ nhu cầu tạo nên sức mạnh để kháng chiến chống thực dân, phong kiến, làm thất bại âm mưu chia rẽ của kẻ thù dân tộc.
Bình đẳng trong quan niệm của Hồ Chí Minh là một quyền tự nhiênmà tạo hóa đã ban cho con người, được viện dẫn ngay trong Tuyên ngôn Độc lập. Thực hiện bình đẳng đòi hỏi phải xóa bỏ các bất bình đẳng tộc người được tạo nên từ hệ thống thể chế, gồm cả giải quyết mối quan hệ giữa tộc người đa số với tộc người thiểu số và giữa tộc người thiểu số dân số lớn với tộc người thiểu số dân số ít. Điều này được Người nói rõ trong bài phát biểu trước đồng bào, cán bộ, bộ đội tại huyện Yên Châu (Sơn La) ngày 8-5-1959: “Hồi còn Tây, còn vua quan, đồng bào Kinh ăn hiếp đồng bào Thái, đồng bào Thái ăn hiếp đồng bào Puộc, đồng bào Xá, có phải thế không? Hồi trước như thế là vì sao? Vì Tây và vua quan muốn chia rẽ đồng bào, muốn làm cho đồng bào yếu đi. Bây giờ chúng ta, tất cả các dân tộc Kinh, Thái, Mường, Mèo, Mán, Xá, Puộc v.v. đều là anh em ruột thịt một nhà chứ không phải Kinh ăn hiếp Thái, Thái ăn hiếp Xá, Puộc như trước nữa”. Để làm được điều đó, Hồ Chí Minh yêu cầu phải khắc phục tư tưởng vị chủng và định kiến tộc người,được biểu hiện ở cả tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi và tự ti dân tộc. Tại Hội nghị tuyên giáo miền núi ngày 31-8-1963, Người nhấn mạnh: “phải khắc phục những tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, tự ti dân tộc.Người dân tộc lớn dễ mắc bệnh kiêu ngạo. Cán bộ địa phương, nhân dân địa phương lại dễ cho mình là dân tộc bé nhỏ, tự ti, cái gì cũng cho là mình không làm được, rồi không cố gắng. Đó là những điểm phải tránh”.
Thứ tư, tương trợ tộc người là một tư tưởng đầy tính nhân văn. Tương trợ tộc người xuất phát từ trình độ phát triển và mức sống chênh lệch giữa các tộc người thiểu số với tộc người đa số, giữa miền núi với đồng bằng, giữa nông thôn với thành thị. Tương trợ tộc người trong tư tưởng Hồ Chí Minh là quan hệ tương hỗ, không chỉ tộc người đa số giúp đỡ tộc người thiểu số, mà cả tộc người thiểu số cũng phải giúp đỡ tộc người đa số. Tinh thần đó được Người chỉ rõ: “Hiện nay có hàng chục vạn đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế miền núi. Đồng bào miền núi phải đoàn kết giúp đỡ đồng bào miền xuôi. Và đồng bào miền xuôi phải đoàn kết giúp đỡ đồng bào miền núi. Đó là hai phía, đó là chính sách dân tộc của Đảng. Bác có nghe báo cáo thế này: đồng bào miền xuôi lên, được đồng bào miền núi giúp đỡ có nhiều cố gắng, sản xuất tốt, ăn ở tốt với đồng bào địa phương. Nhưng có một số rất ít đồng bào miền xuôi còn có những hành động không đúng, cho nên ảnh hưởng đến tình đoàn kết anh em. Cái đó không phổ biến lắm đâu, nhnwg cũng có. Như thế là không tốt. Phải đoàn kết các dân tộc, phải đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt”. Tương trợ tộc người trong tư tưởng Hồ Chí Minh rất toàn diện bao gồm từ tương trợ trí lực, vật lực đến tài lực, trong đó tương trợ trí lực chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng nhằm góp phần rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa các tộc người. Vì vậy, Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở, phát động các phong trào vận động trí thức, giáo viên từ miền xuôi tình nguyện lên mở mang dân trí miền núi, vùng tộc người thiểu số.
Thứ năm, thường xuyên chăm lo phát triển xã hôi tộc người nhằm khắc phục tình trạng kém phát triển, đảm bảo đồng bào được hưởng thụ ngày càng đầy đủ hơn các quyền lợi chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.Về chính trị, phải tạo các điều kiện cho bình đẳng tham chính, đào tạo bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ các dân tộc người thiểu số, dù ban đầu cán bộ các tộc người thiểu số yếu hơn cán bộ người Kinh nhưng qua thực tế sẽ dần trưởng thành. Không ngừng củng cố hệ thống chính trị ở vùng tộc người thiểu số làm công cụ quản lý, tổ chức phát triển xã hội tộc người, hướng dẫn nhân dân sản xuất và xây dựng đời sống mới. Phải biết khai thác, tranh thủ kinh nghiệm, vốn sống của những người có uy tín trong các tộc người phục vụ cho quản lý phát triển xã hội. Về kinh tế, động viên, lãnh đạo đồng bào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, trong đó đặc biệt là phát triển nông – lâm nghiệp. Phát triển kinh tế phải tùy theo điều kiện từng địa phương, từng tộc người, kết hợp giữa khai thác kinh nghiệm, giống cây con của địa phương với đưa tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào ứng dụng. Về văn hóa – xã hội, phát triển bình dân học vụ, xóa mù chữ trong đồng bào, tôn trọng phong tục tập quán, tiếng nói các dân tộc người tại chỗ, “cán bộ đi làm việc chỗ nào, phải học tiếng ở đấy”. Chú ý khôi phục hệ thống chữ viết của các dân tộc Thái, Tày, Nùng, Mông; xây dựng thêm trường lớp, đào tạo thầy giáo, cô giáo, nhất là thầy cô giáo các tộc người thiểu số. Đầy mạnh công tác y tế, chăm lo sức khỏe, phòng chống bệnh tật trong đồng bào các tộc người…
Quan điểm của Hồ Chí Minh về các tộc người thiểu số còn thể hiện qua hành động, tác phong hàng ngày, trong quan hệ ứng xử với đồng bào, với cán bộ, với thủ lĩnh, người có uy tín trong các tộc người thiểu số. Điều đó thể hiện ở cách ứng xử của Hồ Chí Minh với thủ lĩnh người Mông Vương Chí Sinh, với Anh hùng Núp, với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các tộc người thiểu số trên vùng căn cứ Việt Bắc… Nhờ đó, Hồ Chí Minh hiện thân với tư cách không chỉ là lãnh tụ của Đảng, của dân tộc, mà còn là biểu tượng tinh hoa của các tộc người đoàn kết, thống nhất, đồng thuận trên đất nước ta. Tư tưởng về tộc người của Hồ Chí Minh cũng trở thành triết lý dẫn dắt việc hoạch định chính sách dân tộc phù hợp tâm lý, văn hóa tộc người.