Phương pháp tách và chăm sóc địa lan
Địa lan bản địa có rất nhiều loại. Chi lan hạc đính có Hạc đính vàng, Hạc đính hồng, Hạc đính chàm… cây có dáng hơi buồn nền ít được người chơi hoa thưởng thức. Chi lan kiếm có Thanh ngọc, Hồng hoàng, Cẩm tố… là những giống cho giá trị kinh tế rất cao (mỗi chậu hoa bán được tiền trăm ngàn đến tiền triệu), bởi cây thường cho hoa vào dịp Tết và có mùi thơm rất đặc trưng, hoa lâu tàn. Chi lan bầu rượu ít được biết đến như Bầu rượu Lông, Bầu rượu Xuân, Bầu rượu Sa Pa… Ngoài các giống bản địa kể trên, hiện nay giống thương mại được lai tạp giao từ nhiều giống như: Miss Kim, Lovely Moon, Papine Pony… cũng cho hoa rất đẹp, tuy nhiên hoa kém mùi thơm hoặc gần như không có.
Địa lan là loài sống ở đất có thân mang lá phình to như củ giả ở gốc lá mọc quanh gốc. Căn hành (củ giả) thường nối những củ lẫn nhau, do đó người ta xếp địa lan vào nhóm đa thân. Dựa vào đặc điểm này người trồng địa lan có thể nhân giống vô tính bằng cách tách thân cây mẹ thay cho việc nhân giống bằng hạt.
Nhân giống bằng cách tách thân lấy nụ
Phương pháp tách cây nhân giống địa lan: Phải có kỹ thuật để vừa tăng được hệ số nhân giống vừa đảm bảo được sự sinh trưởng phát triển của cây mẹ cũng như cây con được tách ra. Hàng năm vào cuối thu đầu đông đại đa số các loài địa lan đẻ nhánh một lần/năm (sau thời kỳ kết thúc sinh trưởng – hoa sắp tàn hoặc tàn). Nhánh này được mọc từ phần lá dưới cùng của cây. Ngoại trừ một số loại địa lan (lan kiếm Hồng hoàng) có khả năng đẻ 2 đợt mầm/năm, những mầm đẻ vào tháng 9 – tháng 10 là những mầm sinh trưởng, phát triển kém còi cọc, không có khả năng cho ra hoa vào vụ sau. Như vậy các nhánh được sinh ra từ phần lá dưới cùng của cây cùng với cây mẹ sẽ tạo thành bụi nhỏ. Khi địa lan đẻ được nhiều, từ bụi nhỏ đẻ thành bụi lớn, cần tách bụi lớn ra thành nhiều bụi nhỏ. Phương pháp tách cây đảm bảo khả năng sống, sinh trưởng và phát triển là tách từ 2 – 3 cây/khóm.
Thời vụ tách: Chọn thời vụ tách phù hợp để tỷ lệ cây sống và hệ số nhân giống cũng như số hoa trung bình/cây, chiều cao trung bình chùm hoa và số hoa trung bình/chùm hoa. Thời vụ tách cây được chọn là vụ Đông, và vụ Xuân - ở hai vụ này cây đạt hệ số nhân giống cao. Tỷ lệ sống tương đối cao nhất là tách vào đầu vụ Đông – lúc này thời tiết bắt đầu lạnh dần, cây được tách đã hồi xanh, ổn định trở lại, sang Xuân trời vẫn còn lạnh, có mưa phùn thuận lợi cho sự nảy mầm của cây.
- Chọn chậu và trồng cây tách: Chậu được chọn để trồng cây tách đủ lớn để cây có thể phát triển trong 3 năm. Chậu thường có dung tích 3 – 4 lít, đường kính 15 cm, sâu 18 cm và có lỗ ở dưới đáy lưu thông không khí và tăng khả năng thoát nước. Đất trồng phải là đất bùn ao được phơi khô kết hợp với tưới lân làm nhiều lần (ít nhất 3 lần) và nên phun dung dịch diệt nấm và vi khuẩn vào đất. Trước khi trồng để gạch nhỏ hoặc sỏi dưới đáy chậu và cho đất trồng vào. Khi trồng không được cuộn rễ vào giữa chậu (làm rễ bị thối) mà nên để rễ tự nhiên bao quanh chất trồng, phủ tiếp đất trồng lên 1/3 thân cây bên dưới, dùng tay nhấn chặt chất trồng chung quanh mép chậu. Không nên đổ chất trồng tràn lên mép chậu - chừa cách miệng chậu khoảng 2 – 3cm để khi tưới chất trồng không bị trồi ra khỏi mặt chậu. Sau khi tách cây và trồng vào chậu, để cây vào nơi bóng râm thoáng mát và khô ráo trong vòng 2 tuần.
Một số điều cần lưu ý khi chăm sóc cây
- Ánh sáng: Tuỳ thuộc vào tuổi và giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây mà lượng ánh sáng khác nhau. Cây con cần lượng ánh sáng thấp hơn cây lớn, giai đoạn trưởng thành cây sắp ra hoa cần nhiều ánh sáng hơn. Khi cây có nụ, cần che ánh sáng giúp hoa có màu sắc đẹp hơn (nhất là màu xanh và màu trắng); nếu quá nhiều ánh sáng sẽ gây ra sự biến màu của hoa (nhất là màu nâu và màu đỏ). Việc che ánh sáng sau khi hoa nở còn giúp duy trì được màu sắc và kéo dài tuổi thọ của hoa.
- Nước tưới: Địa lan cần chế độ tưới ổn định để duy trì độ ẩm cần thiết, nhưng không được quá ẩm ướt. Tốt nhất là nên tưới vào buổi sáng và cố giữ cho rễ cây khô ráo vào ban đêm. Độ ẩm trong chậu trong được quá cao vì dễ phát sinh nấm bệnh. Nước mưa và các loại nước nước khử khoáng tưới cho cây lan rất tốt. Trong quá trình chăm sóc không để cậy bị khô quá sẽ làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây nhất là trong trường hợp sử dụng phân bón chậm tan; không duy trì độ ẩm sẽ tạo ra tình trạng tập trung dinh dưỡng và sẽ ảnh hưởng đến việc hấp thu dinh dưỡng của cây trồng.
- Phân bón: Ở thời kỳ sinh trưởng phát triển cây cần nhiều đạm hơn, còn vào thời kỳ sắp ra hoa ta thường bón phân có chứa lượng kali và lân cao hơn. Để giúp cho cây sinh trưởng ổn định, hoa đẹp và ít bị sâu bệnh, ta nên bón phân chậm tan.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 1 (1719), ngày 3 – 1 – 2005, trang 11