Phụng thờ Thủy thần ở Linh Đàm (Hà Nội)
Đình Linh Đàm còn gọi là đền Hiển Khánh, vốn trước đây thuộc xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì, nay do việc mở rộng địa giới nội thành, đình đã thuộc địa phận quận Hoàng Mai. Các cụ cao tuổi nơi đây cho rằng tên chữ Linh Đàm được xuất phát từ việc đình vốn là một ngôi đền chung của cả vùng, thờ vị thần linh thiêng nhất, trong khu vực đầm thiêng (Linh Đàm) xưa kia.
Đình Linh Đàm tuy nay đã được đặt trên một gò đất và nơi đây đã mọc lên nhiều nhà cao tầng của khu đô thị mới, vẫn đọng lại trong hồi ức của nhân dân. Chỉ mới cách đây ít năm, khu vực này còn là một vùng quanh năm ngập nước, trũng nhất so với mặt bằng các cửa ngõ của Hà Nội. Điều này càng khẳng định chắc chắn thêm vai trò “Tối linh từ” của di tích vốn là ngôi đền cổ thờ thuỷ thần của cả một vùng ngập rộng lớn phía Nam Hà Nội thuộc hữu ngạn của hạ lưu sông Hồng. Càng về sau, do sự phát triển của kinh tế và dân số, các khu vực cư dân quanh đầm đã có sự chia tách nhất định, vị thần bảo trợ của mỗi làng cũng được lựa chọn theo những tiêu chí riêng. Đầm Linh Đàm vừa giữ vai trò thu hút và quy tụ dân 5 làng xung quanh, bởi tín ngưỡng chung, nhưng lại cũng là mốc ranh giới, đẩy xa và chia tách các làng về phương diện hành chính. Hội làng Linh Đàm mang nét tiêu biểu, vì đây là một địa bàn gốc phát tích huyền thoại về nhân vật trung tâm.
Đình Linh Đàm thờ vị thần có tên chữ là Bảo Ninh. Tài liệu sớm nhất liên quan là cuốn “Lĩnh Nam chích quái” của Vũ Quỳnh và Kiều Phú, thế kỷ XV, đã gọi địa danh nơi đây là chằm Lân Đàm và giải thích không giống với những gì chúng tôi nhận được qua điều tra điền dã. Sách chép rằng: “Thần Lân Đàm chính là thần rồng vậy. Xưa thần thường hoá thành người để tìm thầy học đạo. Thầy học lấy làm lạ bèn tìm ra chỗ ở của thần, thấy thần náu trong chằm. Thày học thường tra hỏi, thần bèn nói thực rằng: năm nay trên Thiên đình ngừng việc làm mưa, thày học cố nài thần làm ra mưa. Thần bất đắc dĩ phải nghe lời.
Sau ®ã, trong chằm có biến động, thầy học tới thăm chằm thấy thần hút nước trong nghiên phun thành mưa mực để trừ hạn hán. Thượng đế cho là việc đã bị tiết lộ nên bắt tội thần. Thây thần nổi ở trên chằm, thày học thu về an táng, nhân dân đặt tên là Long Đàm, sau đổi thành Lân Đàm” (Lĩnh Nam chích quái).
Trong một tài liệu muộn hơn của Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính (1572), người thầy của thủy thần đã được cụ thể hoá thành một danh nho mẫu mực là Chu Văn An. Thần tích vì thế mà cũng được ghi chép cụ thể và chi tiết hơn.
Vào thời nhà Trần có danh nho tên là ChuVăn An thi đỗ Thái Học Sinh nhưng không ra làm quan, ông trở về quê hương mở trường dạy học ở xã Cung Hoàng, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Trong số học trò của thầy có một thư sinh rất chăm đến nghe thầy giảng nhưng không rõ tung tích. Thày cho trò lần tìm mới hay thư sinh đó học xong thường đi ra đám lau sậy bên bờ đầm Lân Đàm (nay là đền Gàn) thì mất tích. Chu Văn An biết đó là thuỷ thần.
Thời ấy, phải năm đại hạn, dân tình đói khổ, Chu Văn An liền gọi chàng thư sinh là thủy thần đến bảo có cách gì cứu dân. Chàng thư sinh suy nghĩ trong chốc lát rồi lấy nghiên bút ra đổ nước mài mực và dùng bút thấm mực vẩy ra khắp bốn phương. Mực son vung lên trời thành sấm chớp. Mực đen vung lên trời thì mây đen kéo đến và mưa tầm tã, nước đen như mực. Sau một tuần mưa, chàng thư sinh từ trường vội đi về bờ đầm, bỗng trên trời có tiếng nổ lớn. Thày trò ra đầm được tin có một xác thuồng luồng nổi lên ở đầm. Chu Văn An cùng học trò và dân chúng trong vùng mai táng xác thuồng luồng. Nay mộ đức thánh Bảo Ninh vẫn còn ở đó.
Sự biến đổi về thần tích trong nguồn gốc nhân vật được phụng thờ ở hội làng Linh Đàm đã đặt ra nhiều gợi ý về những lớp văn hoá sớm, có mặt tại vùng đất này trước khi có ảnh hưởng của Nho giáo qua chi tiết thuỷ thần quy thuận Chu Văn An. Thủy thần có nguồn gốc thuồng luồng hay rồng đều cho thấy lớp văn hoá sớm nhất của vùng này, chắc chắn có liên quan đến tục thờ rắn. Trong môi trường khi còn là một vùng đầm lầy của khu vực nằm trong vùng hạ châu thổ, sự tồn tại phong phú của loài rắn hẳn đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Việc phụng thờ rắn như một thuỷ thần là hiện tượng mang tính khu vực, rất điển hình, nó được gắn với giai đoạn người Việt cổ mới bắt đầu đánh dấu “hạ sơn” xuống vùng đồng bằng phù sa trẻ. Tại đây đã diễn ra sự hội lưu với một “dòng chảy”, vốn được xem là tất yếu, khi mà đồng bằng đang còn trong những bước tiến chưa vững chắc: dòng chảy của văn hoá biển với tục thờ cá. Miếu Gàn (hiện nằm sâu trong đồng hơn đình Linh Đàm), mà thần rồng cư ngụ ở bên rìa đầm lầy, thực chất được xác định là từ chữ Càn mà ra. Chữ Càn, ở rất nhiều nơi, đã được đặt trong tương quan với việc phụng thờ Càn Hải Đại Vương, và được chứng minh là có nguồn gốc từ tục thờ cúng cá, do sự biến âm của danh xưng Kan K’lan trong ngữ hệ Malayo khi giao lưu với văn hoá biển mà có (theo Trần Quốc Vượng). Miếu Gàn còn có tên gọi cũ là Xá Càn (Xá: Nơi ở; Càn: cá) tương ứng với vị trí mà thần rồng đi về cư ngụ.
Lớp văn hoá thứ hai này chứng tỏ việc phụng thờ thủy thần ở chằm Long Đàm đã xuất hiện trong bối cảnh đầm lầy chuyển hoá thành đồng bằng, vẫn đang trong quá trình tiến mạnh về phía biển. Xét về phương diện lịch sử, yếu tố huyền thoại này có thể bổ sung cho những nhận định về quá trình khai khẩn lập làng, chinh phục đầm lầy ở nơi đây và suy ngẫm về nhiều nơi tương đồng khác. Chắc chắn vào trước thế kỷ XV, tức là trước khi huyền thoại được định văn trong “Lĩnh Nam chích quái” thì công cuộc khai phá đồng bằng châu thổ chưa thể hoàn thiện. Dấu tích của biển vẫn còn in rất đậm trong một vùng đất mà nay đã nằm rất sâu trong đồng bằng.
Trùm lên sự giao thoa của tục thờ rắn và cá lại là một lớp văn hoá muộn hơn khá nhiều. Chi tiết người học trò vẩy mực lên trời, làm thành mưa, đã phảng phất dáng dấp của pháp thuật Đạo giáo, nhưng vẫn còn khá gắn với nguyên gốc của tục thờ rắn. Hình ảnh rắn phun nước, chuyển hoá qua việc người học trò vẩy mực, được làm rõ hơn khi sang thế kỷ sau, chi tiết này đã được Nguyễn Bính chuyển sang việc dùng bút. Cây bút ghi nhận sự biểu hiện rõ hơn của Đạo giáo phù thuỷ trong biến thể của những công cụ hành đạo. Nó gợi cho người ta liên tưởng tới những tương đồng của “cây gậy Cà la xà lê truyền cho Man Nương để chống hạn, cây gậy đầu sanh đầu tử của Thái Bạch Kim Tinh cho Nguyễn Tuấn... cây gậy và nón là công cụ thần của Lý Thiết Quài dùng trong truyện Bát tiên quá hải...” (Nguyễn Duy Hinh, người Việt Nam với Đạo giáo, Nxb KHXH, Hà Nội 2003, tr. 394). Mặt khác, chính chi tiết này cùng với việc phân định hai màu mực và sự cụ thể hoá thầy đồ thành nhà Nho Chu Văn An lại khẳng định rõ hơn vai trò ảnh hưởng tới tín ngưỡng dân gian của các tôn giáo ngoại nhập. Màu đỏ trong ngũ hành tượng cho hành thiên nên vung lên trời thành chớp là nhất quán, tương tự, màu đen thuộc hành thuỷ nên phải vung rộng ra, mang đến những giọt mưa màu đen như mực cho cả một vùng. Thủy thần quy phục Nho giáo là bước tiến thuận chiều, làm tiền đề cho việc nhà vua ban sắc phong Thành hoàng làng chính thức vào thế kỷ XVI, phù hợp với việc hình thành thủy thần gần gũi là rắn/cá đã được hình tượng hoá rồi được đẩy thành biểu tượng Rồng mạnh mẽ hơn.
Trước kia, theo các cụ cao tuổi, hội làng Linh Đàm diễn ra vào ngày 18 tháng Tám với quy mô rất lớn ở hàng tổng. Làng Linh Đàm xưa thuộc tổng Quang Liệt gồm bảy xã thôn: Quang Liệt (nay là Thanh Liệt), Bằng Liệt (nay là Bằng A và Bằng B), Pháp Vân, Tứ Kỳ (thuộc xã Hoàng Liệt). Linh Đường, Đại Từ (thuộc xã Linh Đường), Tựu Liệt. Các thôn trong tổng cử các bô lão phân công nhau viếng mộ đức Thánh trong ngày 16 (tương truyền là ngày hoá của thánh Bảo Ninh) và dẫn đầu đoàn rước kiệu cỗ của thôn mình đi từ đình làng tới miếu Gàn thuộc thôn Bằng Liệt làm đại lễ. Lễ chính chỉ diễn ra tại miếu Gàn, sau đó, các kiệu cỗ lại được rước về đình. Nghi thức tế ở miếu Gàn mang quy mô như vậy càng khẳng định vai trò và ý nghĩa của vị phúc thần nơi đây là đại diện cho nguồn nước, phù hợp với giải thích của các bậc bô lão về nguồn gốc vốn trước kia là đền hàng tổng của đình Linh Đàm.
Sau Cách mạng Tháng tám, hội làng Linh Đàm đã thay đổi về cơ bản, do sự chia tách dần các khu vực quanh đầm thành những mốc địa chính cụ thể. Mỗi thôn đã đưa thêm vào thần điện của làng những vị thần khác để phối thờ. Hiện tượng này xét về bản chất cũng giống như việc không ngừng bồi tụ liên tiếp các lớp phù sa sông Hồng lên bề mặt châu thổ. Tục thờ thuỷ thần của Linh Đàm sau khi phân chia địa giới cũng được khoác thêm một lớp văn hoá mới.
Làng Linh đàm đã không còn tổ chức hội vào tháng 8 mà vào ngày 9 và 10 tháng 2. Sự chuyển lễ này chúng tôi chưa tìm được lời giải đáp thoả đáng nhưng có thể xuất phát từ chính sự biến đổi về địa hình và mùa vụ sản xuất của vùng đất này.
Sự chuyển lễ từ mùa thu sang mùa xuân được xem là một xu hướng phổ biến trong năm giai đoạn của lễ hội Việt Nam (Nguyễn Xuân Kính, Năm thời kỳ lễ hội của người Việt. Con người môi trường và văn hoá, Nxb KHXH, HN.2003 tr.96). Lễ hội chủ yếu được tổ chức vào mùa thu vốn được xem là có nguồn gốc từ thời xây dựng nền văn hoá Đông Sơn, do phù hợp với thời vụ sản xuất khi đó chủ yếu là lúa mùa. Hơn nữa, về mặt thời tiết, khí hậu, lúc này thường có trăng thanh gió mát, người ta có điều kiện để vui hội. Cũng trong thời gian này hay có bão lụt, vì vậy, con người mở hội vừa để vui chơi, vừa để cầu khấn thần linh (Nguyễn Xuân Kính, Sđd, tr.98). Sang những giai đoạn sau, do sự ảnh hưởng của lịch tiết phương Bắc với tục ăn tết Nguyên Đán, sự tăng vụ của sản xuất lúa chiêm, thời gian mở hội làng đã chuyển dần từ mùa thu sang mùa xuân. Căn cứ vào số lượng khá ít các lễ hội hiện nay còn lại được tổ chức vào mùa thu, chúng tôi sơ bộ cho rằng, tục thờ thuỷ thần của cư dân Linh Đàm có nguồn gốc từ khá sớm, gắn với vụ lúa mùa là vụ thu hoạch chủ đạo nơi đây. Trong điều kiện ngập nước của vùng hạ châu thổ gắn nhiều với ngư nghiệp, vào những giai đoạn sớm của công cuộc khai phá châu thổ, quanh chằm Linh Đàm đã có những gò cao tự nhiên mà người dân nơi đây sớm biết tận dụng để lập làng và phát triển nông nghiệp. Vị thần nước vốn rất quan trọng với cư dân nông nghiệp đã được tạo dựng trên bối cảnh này.
Khi công cuộc khai khẩn đầm lầy được mở rộng, nhiều khu vực quanh đầm đã được bồi tụ để có thể tách ra thành những điểm tụ cư mới. Sản xuất nông nghiệp vì thế cũng được mở rộng hơn. Các con sông nhánh tự nhiên do lũ sông Hồng tràn qua đã tạo nên một hệ thống tiêu nước quan trọng cho những cánh đồng trũng, vụ lúa chiêm được hình thành như một sự thích nghi trong bối cảnh gia tăng dân số mạnh mẽ trên địa bàn. Khi đầm lầy đã được tôn cao hơn, vụ lúa chiêm vốn được thực hiện chủ yếu vào mùa ít mưa, thì vai trò của yếu tố nước trở nên rất quan trọng. Vị thần chống hạn như thần Long Đàm đương nhiên càng được đề cao.
Lễ hội của làng Linh Đàm trong ngày 9 và 10 tháng hai lại được tổ chức rất khác với truyền thống trước đó. Ngày mồng 9 chỉ là ngày chuẩn bị, nhưng một trong những chuẩn bị quan trọng nhất là trai đinh trong làng phải tát nước ở ao làng, chọn được cá to để hôm sau làm cỗ thờ.
Từ sáng sớm ngày mồng 10, các cụ ông trong làng đã vào đình để làm một lễ riêng khấn cáo và xin phép thần linh. Lễ vật đơn giản, chỉ gồm hương, hoa quả, xôi và gà như nghi thức nghinh cúng thông thường. Sau tuần hương, cụ từ cùng các vị chức sắc, bô lão có uy tín trong làng rước long ngai bài vị đức Thánh (vốn đặt ở vị trí chính giữa trong hậu cung) cùng một chiếc choé lớn ra đặt vào chiếc kiệu cống đã được đặt trịnh trọng ngay ngắn ở giữa sân đình. Bài vị bà chúa Trần Thị Ngọc Tể (người có công hiến ruộng lập đình) vốn được đặt ở gian bên trong hậu cung cũng được rước ra để vào kiệu thứ hai.
Tương tự các đám rước khác, dẫn đầu đoàn rước là cờ hội ngũ sắc, đội cờ phướn rực rỡ hỗ trợ tháp tùng. Sau đội cờ là chiếc trống sấm (cỡ đại), dàn bát âm và một chiếc cồng lớn chỉ huy nhịp rước. Kiệu Thánh Ông và choé đi ngay sau cồng, do 18 trai niên chưa vợ đổi vai. Kiệu Chúa Bà do 18 gái làng chưa chồng khiêng rước cùng tàn lọng tiếp sau. Dân làng và khách tham dự hội vừa nghiêm cẩn vừa náo nức kéo dài đoàn rước, từ xa, người ta có cảm giác như đang nhìn thấy một con rồng lớn mà hai cỗ kiệu nhô lên, giống như đầu rồng đang trườn quanh làng vậy. Đám rước khởi từ đình làng Linh Đàm qua Đại Từ xuống vực Tựu thuộc thôn Tựu Liệt, xã Tam Hiệp (chừng hơn 2km), nơi được coi là dấu tích mà đức Thánh bị trời phạt. Kiệu dừng. Choé được các cụ truyền tay nhau xuống bờ vực. Cụ từ đứng ở mép nước, dùng một vòng tròn đan bằng mây cỡ như miệng rổ quấn vải đỏ ném xuống, sau đó, dùng gáo đồng múc nước trong vòng tròn đổ vào choé. Choé lại được truyền ngược lên để đặt vào kiệu. Đoàn rước quay trở về đình, hoàn thánh giá vào cung. Choé được đặt trang trọng trong hậu cung, trước bàn thờ thánh, nước trong choé dùng để cúng quanh năm.
Mâm cỗ cúng thần lúc này mới được bưng lên. Những con cá to đánh được trong ngày mồng 9 đều phải chặt bỏ đầu (vì liên quan đến chi tiết thần Long Đàm do tiết lộ thiên cơ đã bị trời phạt đánh mất đầu, chỉ còn thân xác hình thuồng luồng nổi lên trên vực Tựu), sau đó mới rán chín, nướng hoặc nấu với dấm rượu. Đây là nghi thức truyền thống đặc trưng của lễ hội Linh Đàm để tưởng nhớ vị thành hoàng làng có nguồn gốc thuỷ thần. Chiều ngày 10, ở sân đình thường diễn ra cuộc thi đánh cờ người, trên ao đình có trò bắt vịt, đặc biệt, ở đầm diễn ra cuộc tranh tài của hai giáp qua tục thi bơi thuyền rất ấn tượng. Trên cả một vùng sông nước rộng lớn, những tiếng chèo cạp nước, riếng reo vui cổ vũ làm rộn rã lòng người, như muốn lay động đến cả thuỷ cung, nhắc nhở thần về nhiệm vụ mang đến những cơn mưa cho con người trần thế. Trong thời khắc mà thiên nhiên và con người giao hoà ấy, người ta càng cảm nhận rõ nét hơn sự gắn bó mật thiết với yếu tố nước, nhằm mang lại phúc lộc cho con người.
Đình Linh Đàm và Miếu Gàn tuy không còn ở sát ngay đê sông Hồng nhưng một khu đầm rộng với không gian mênh mông vẫn giữ cho lễ hội nơi đây nét đặc thù của vùng sông nước.