Phú Yên: Phản biện xã hội về các khoản thu, chi đối với giáo dục công lập
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Yên phối hợp các Sở, ngành, các Hội vừa tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết Quy định các khoản thu, mức thu và cơ chế quản lý thu, chi các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Được biết, dự thảo nghị quyết quy định đối tượng áp dụng và các nội dung cụ thể về mức thu dịch vụ bán trú; dạy các môn tự chọn Tiếng Anh, Tin học; dịch vụ phục vụ trực tiếp người học đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT công lập trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Quang cảnh hội nghị
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoài Sơn – Nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Yên cho rằng: Khi Nghị quyết được ban hành, các cơ quan có chức năng chính như: Sở Giáo dục và Đào tạo; Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện; các đơn vị liên quan cần phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến để các tổ chức, cá nhân có liên quan đến Nghị quyết quy định các khoản thu, mức thu và cơ chế quản lý thu, chi các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Phú Yên biết thực hiện; đồng thời đề xuất chính quyền các cấp những giải pháp hỗ trợ phù hợp theo nguyên tắc chia sẻ giữa nhà nước và người học, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của địa phương
Đại diện tham gia hội nghị lần này, Ông Nguyễn Văn Tá – Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh chia sẻ: Chương trình giáo dục phổ thông mới có những yêu cầu rất cao, ngoài phần bắt buộc, học sinh còn phải thực hiện chương trình , hoạt động giáo dục tăng cường tự chọn, phải ôn tập, ôn thi… trong hoàn cảnh định mức lao động của giáo viên rất chặt chẽ, biên chế của ngành giáo dục hàng năm được giao tăng không đáng kể. Hơn nữa, tình hình ngân sách Nhà nước cấp cho các trường công lập còn nhiều khó khăn nên không thể chi phụ cấp làm thêm giờ cho giáo viên khi thực hiện chương trình, hoạt động giáo dục tăng cường tự chọn, phải ôn tập, ôn thi… Vì vậy cần phải có sự đóng góp của người học để phụ cấp cho giáo viên và hỗ trợ cho các khoản chi khác như điện, nước, mua sắm đồ dùng, dụng cụ phục vụ hoạt động giáo dục…
Một số ý kiến phản biện khác tại hội nghị đều cho rằng việc ban hành nghị quyết về các khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu chi là cần thiết nhằm tránh tình trạng mạnh trường nào nấy làm. Tuy nhiên, các đại biểu củng đề nghị việc thực hiện các khoản thu phải đảm bảo sát với tình hình thực tế của từng vùng miền trên nguyên tắc đảm bảo công bằng xã hội và chất lượng giáo dục.
Đối với các học sinh thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo nên có chính sách miễn thu, giảm các khoản thu... Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cần xem xét bổ sung nội dung các khoản thu như dịch vụ dọn dẹp nhà vệ sinh trường học, dạy bơi cho học sinh, khoản thu để chi trả tiền học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp đối với học sinh phổ thông.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Yên nhấn mạnh, đề nghị Sở GD-ĐT - cơ quan soạn thảo - tiếp thu các ý kiến của các đại biểu cần điều chỉnh, bổ sung đảm bảo tính pháp lý của dự thảo nghị quyết và tính khả thi của chính sách sau khi được ban hành, tạo sự đồng thuận của Nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Sau phản biện, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Yên sẽ tổng hợp các ý kiến và tham vấn thêm các kênh thông tin khác để có báo cáo phản biện chính thức gửi UBND tỉnh Phú Yên về dự thảo nghị quyết này.