Phú Thọ: Đề xuất giải pháp phát huy tiềm năng Vườn Quốc gia Xuân Sơn
Ngày 20/8, Liên Hiệp Hội tỉnh Phú Thọ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp tỉnh, Vườn Quốc gia Xuân Sơn tổ chức hội thảo tư vấn phản biện và giám định xã hội về: Nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế Vườn Quốc gia Xuân Sơn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
ÔngHồ Đình Lưỡng - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịchLiên hiệp hội tỉnh;ôngĐỗ Ngọc Đoàn - PhóGiám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;ôngPhùng Văn Vinh - Chủ tịch Hội Khoa họcKỹ thuật Lâm nghiệp tỉnh; ông Trần Ngọc Cường - Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Sơn - Chủ trì hội thảo
VQG Xuân Sơn có hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, hệ sinh thái điển hình của miền Bắc Việt Nam với kiểu rừng nhiệt đới và á nhiệt đới còn tồn tại khá nhiều loài động, thực vật quí hiếm đặc trưng cho vùng núi Bắc bộ, có giá trị nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gen và giáo dục môi trường. VQG Xuân Sơn còn được coi là “lá phổi xanh” là điểm du lịch hấp dẫn nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Phú Thọ, có tác dụng to lớn trong việc điều hòa khí hậu, hấp thụ các bon và các khí thải công nghiệp. Đây còn là nơi phòng hộ đầu nguồn sông Bứa, nơi cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt của người dân sinh sống quanh khu vực. VQG Xuân Sơn có địa hình đa dạng, nhiều cảnh đẹp và có những đặc điểm tự nhiên hoang dã (rừng, hồ, núi, thung lũng...). Địa hình này tạo sức hấp dẫn đối với khách ưa thích những nơi nhiều rừng, đồi, núi..., có địa hình và phong cảnh đa dạng, có trên 30 hang động, trong đó một số hang động có vẻ đẹp rất kỳ ảo và hấp dẫn như hang Lạng, hang Lun, hang Na, hang Thổ Thần..., và có một số thác nước kỳ vỹ, nước trong xanh mát lạnh như thác Ngọc, thác Chín tầng, thác Mơ… Xuân Sơn có khí hậu mát mẻ, không khí trong lành, đặc biệt vào mùa hè là lợi thế của VQG Xuân Sơn trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng. Nằm trong thế chân kiềng của tổng thể cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ Tam Đảo - Ba Vì - Xuân Sơn. Trong trục tâm linh của truyền thuyết lịch sử Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu; Sơn Tinh - Thủy tinh; Vua Hùng, Gà chín cựa... đã tạo nên một Xuân Sơn kỹ vĩ và có nhiều lợi thế trong bảo tồn và phát triển bền vững.
Tại hội thảo, sau khi nghe ông Trần Ngọc Cường - Giám đốc VQG Xuân Sơn trình bày Báo cáo tổng quan về VQG Xuân Sơn, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến, tư vấn về: Thực trạng, tiềm năng, lợi thế VQG Xuân Sơn và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng và phát triển VQG; Nhận định cơ hội, tiềm năng và chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình phát huy giá trị nguồn tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái, nguồn gen động, thực vật, tính đa dạng sinh học; các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan; cung ứng dịch vụ môi trường rừng, xây dựng, phát triển mô hình du lịch cộng đồng, những ý tưởng, đề xuất mới về phát triển du lịch sinh tháitại VQG Xuân Sơn; Chia sẻ kinh nghiệm trong việc quản lý, khai thác, bảo vệ, phát triển kinh tế - xã hội ở một số VQG trong khu vực, đồng thời tư vấn, đề xuất, hiến kế những giải pháp, ý tưởng, phương pháp mới nhằm phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế VQG Xuân Sơn trong thời gian tới; Một số vấn đề liên quan đến bộ máy tổ chức quản lý của hệ thống các VQG nói chung và VQG Xuân Sơn nói riêng; những cơ hội mới và giải pháp đặt ra trong việc chủ động tiếp cận các chủ trương, cơ chế, chính sách về tín chỉ Các-bon và thị trường tín chỉ Các-bon đối với VQG Xuân Sơn; lộ trình, sự quyết tâm vào cuộc của các cấp, các ngành và VQG Xuân Sơn trong việc đề xuất, xây dựng VQG Xuân Sơn trở thành Vườn Di sản ASEAN thứ 11 của Việt Nam...
Phát biểu tổng kết tại hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp hội tỉnh Hồ Đình Lưỡng đánh giá rất cao các báo cáo tham luận và ý kiến phát biểu tại hội thảo đã thể hiện trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học về chủ đề hội thảo; đảm bảo đúng định hướng, có trọng tâm, chất lượng tốt, góp phần quan trọng vào thành công của hội thảo; đồng thời đã kết luận thống nhất các nội dung tư vấn, trao đổi tại Hội thảo và giao Tổ Thư ký Hội thảo tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan các ý kiến của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo để xây dựng báo cáo kết quả hội thảo gửi đến các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh xem xét, chỉ đạo tổ chức thực hiện trong thời gian tới./.