Phòng trừ một số bệnh hại trên cây hoa hồng
Sau đây chúng tôi giới thiệu một số bệnh hại chính trên cây hoa hồng và biện pháp phòng trừ có hiệu quả.
Bệnh đốm đen
Triệu chứng:Vết bệnh trên lá có hình tròn, bầu dục, ranh giới không rõ ràng. Vết bệnh màu đen, ở giữa màu xám nhạt, xung quanh có quầng vàng, vết bệnh có đường kính 0,5-2,5mm. Bênh nặng làm lá rụng sớm, tán cây xơ xác, hoa nhỏ và ít.
Đặc điểm lây lan và phát triển:Trên mô bệnh hình thành các điểm nhỏ màu đen, hình tròn là đĩa cành của nấm bệnh. Bệnh thường xuất hiện hại nặng khi độ ẩm không khí cao, nhiệt độ 25-30oC là điều kiện thích hợp cho nấm gây hại.
Bệnh thường hại trên lá, cành non, đế hoa. Giống hồng đỏ Đà Lạt thường bị hại nặng. Bệnh lây lan nhờ nước và không khí. Nguồn bệnh tồn tại trong đất và tàn dư thực vật.
Biện pháp phòng trừ:Vệ sinh đồng ruộng, tỉa bỏ bớt cành la, cành vống rậm rạp cho thoáng tán, bón phân cân đối. Dùng thuốc trừ nấm như: Avil 5-10EC; Alpine 80WP; Carbinzin 50WP,…phun trừ khi bệnh mới phát sinh.
Bệnh phấn trắng
Triệu chứng:Trên lá, lộc, cành non, nụ, hoa có một lớp màng màu trắng như phấn bao phủ từng đám hoặc cả phiến lá, làm cho lá có màu xanh vàng hoặc khô xác.
Đặc điểm lây lan và phát triển:Giống hồng đỏ Pháp thường bị hại nặng. Bệnh lây lan nhờ không khí và nhờ nước. Nguồn bệnh tồn tại trong đất và tàn dư thực vật.
Biện pháp phòng trừ:Vệ sinh đồng ruộng, tỉa bỏ bớt cành la, cành vống rậm rạp cho thoáng tán, bón phân cân đối.
Dùng thuốc trừ nấm như: Score 25EC; Manage 5WP; Bavistin 50FL,…phun trừ kịp thời khi bệnh mới phát sinh.
Bệnh gỉ sắt
Triệu chứng:Trên lá, thân, cành, nụ, hoa xuất hiện những vết bệnh ban đầu nhỏ như đầu kim, tập hợp thành từng đám nhỏ màu vàng nâu, về sau vết bệnh to dần, tạo thành ổ nổi, tế bào biểu bì bị nứt vỡ ra, chứa một khối lượng bột màu vàng nâu đỏ, vàng gạch non. Vết bệnh dày đặc làm cho lá thô cứng, khô cháy.
Đặc điểm lây lan và phát triển:Bệnh gỉ sắt thường hại nặng vào tháng 4-5 trên hoa hồng trắng Mỹ, hồng đế sen Thái Lan. Độ ẩm không khí cao 90-100%, nhiệt độ ấm 25-30oC là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và gây hại. Bệnh lây lan nhờ không khí. Nguồn bệnh tồn tại trong đất và tàn dư thực vật.
Biện pháp phòng trừ:Đốt bỏ tàn dư thực vật, tỉa lá, cành la, vống cho thông thoáng tán cây, bón phân cân đối. Dùng một trong các loại thuốc sau: Anvil 5-10EC; Boocdo 1-1,5%; Benlate 50WP,…Phun trừ kịp thời khi bệnh mới phát sinh.
Bệnh thán thư
Triệu chứng:Vết bệnh trên lá, ở rìa mép lá có hình cánh cung, màu nâu viền đỏ. Vết bệnh trên cuống lá màu nâu đen hình bầu dục hoặc hình thoi. Trên lá vết bệnh hình tròn màu nâu đen, xung quanh vết bệnh viền nâu đỏ, ở trên thân vết bệnh lõm vào vỏ để hở phần gỗ thân.
Đặc điểm lây lan và phát triển:Trên vết bệnh hoàn chỉnh có những chấm nhỏ. Đó là những đĩa cành bào tử, lúc đầu hình thành dưới lớp biểu bì, sau phá vỡ mô lộ ra ngoài. Nhiệt độ 25-32oC, độ ẩm không khí cao 85-95% (do mưa nhiều) là điều kiện thích hợp cho bào tử nảy mầm.
Bào tử và sợi nấm tiềm tàng trên hom giống, trên tàn dư là nguồn bệnh chủ yếu để lan truyền cho vụ sau. Bệnh hại nặng từ tháng 5-10 hàng năm trên tất cả các giống hoa hồng.
Biện pháp phòng trừ:Thu nhặt đốt bỏ tàn dư, tỉa cành, tạo tán hợp lí cho thông thoáng, không để đọng nước trên rãnh luống, bón phân cân đối. Dùng một số loại thuốc sau: Bavistin 50SL; Manage 5WP; Tilt-Super 3000ND,…Phun trừ kịp thời khi vết bệnh mới phát sinh.
Bệnh thối nhũng hoa hồng
Triệu chứng:Bệnh hại trên lá, trên hoa. Trên lá vết bệnh ban đầu chỉ là một đốm nhỏ, màu nâu hơi lõm xuống, sau đó lan rộng dần, có màu mốc xám tro. Trên hoa, ban đầu vết bệnh chỉ là đốm nhỏ hình ngọn lửa trên cánh hoa, sau đó lớn dần, có màu tối sẫm, cánh hoa co lại và thối hỏng, nếu thời tiết ẩm ướt trên vết bệnh xuất hiện lớp mốc màu xám tro. Nếu thời tiết khô hanh, cánh hoa bị bệnh sẽ bị khô cháy.
Đặc điểm lây lan và biện pháp phòng trừ tương tự bệnh đốm đen.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, sô56 (1774)